mercredi 2 août 2017

NHỮNG CÁNH HẠC





Truyện ngắn

Hwang Sun-Won 
Nhà văn Hàn quốc
( 1915-2000 )




Hwang Sun-Won sinh năm 1915 ở vùng Daodong, Nam Bình Nhưỡng. Từ thời còn học trường trung học Sungsil, ông đã có thơ đăng trên tạp chí Donggwang ( Đông quang ) -  bài "Giấc mơ của tôi"  (1931).
Năm 1934, ông sang Nhật du học ( trường Trung học đệ nhị Waseda ), bắt đầu sinh hoạt văn học nghệ thuật ngay từ thời gian này. Cùng các bạn, ông thành lập hội nghiên cứu nghệ thuật kịch; sau đó xuất bản tập thơ đầu tiên Bangca ( Phóng ca, Wayward Songs ).
Năm 1936, Hwang Sun-won theo học Đại học Waseda, chuyên ngành tiếng Anh. Lúc này, ông chuyển sang viết truyện ngắn và tiểu thuyết. 

Sau chiến tranh ( 1950-1953 ), ông sáng tác nhiều hơn, đồng thời với việc giảng dạy  Văn học Hàn quốc tại Đại học Kyunghee, Seoul ( 1957-1980 ).
Sự nghiệp văn chương của Hwang Sun- won kéo dài tới 60 năm, tính từ bài thơ đăng báo đầu tiên vào năm 1931 đến tác phẩm cuối cùng được xuất bản vào năm 1992, trải qua nhiều biến cố lịch sử, thời đất nước bị Nhật chiếm đóng, rồi lại chiến tranh và chia cắt hai miền Nam Bắc. 

Hwang Sun- won là một trong những khuôn mặt lớn của nền văn học Hàn quốc thế kỷ XX. Ông quan niệm "một nhà văn chỉ lên tiếng thông qua tác phẩm của mình" và chú tâm rèn giũa nghệ thuật làm thơ, viết truyện, không viết những bài tạp văn thiếu tính văn học. Ông muốn cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp viết lách nên ngoài tư cách giáo sư đại học Kyunghee, thành viên của Viện Nghệ thuật Quốc gia, ông không đảm nhận chức vụ nào khác, thậm chí từ chối học vị tiến sĩ do trường đại học trên trao tặng. Hwang Sun- won qua đời năm 2000, để lại một số tập thơ , 7 cuốn tiểu thuyết và trên 100 truyện ngắn. 

Truyện ngắn " Những cánh hạc " giới thiệu dưới đây được viết năm 1953 , lấy bối cảnh ngôi làng ở vĩ tuyến 38, ranh giới phân chia lãnh thổ khi kết thúc chiến tranh. Hai người bạn thân thiết một thời bỗng rơi vào hoàn cảnh đối đầu nhau ở hai bên chiến tuyến. Bằng nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật tinh tế, nhẹ nhàng, tác giả đã thể hiện niềm tin ở khả năng hoá giải hận thù, xoá bỏ vết tích chiến tranh của những tình cảm nhân văn, chân thật.



Ngôi làng ở phía bắc biên giới vĩ tuyến 38 nằm nép mình dưới bầu trời cao trong vắt của mùa thu.
Những trái bầu trắng nằm lăn lóc cạnh nhau trên nền đất dơ dáy của căn nhà trống. Mấy người già trong làng lo chuyện dập tắt những cái điếu cày tre trước khi chạy ngang đây, bọn trẻ con quay mặt nhìn chỗ khác. Trên khuôn mặt mọi người đều lộ rõ vẻ sợ hãi.      
Nhìn chung ngôi làng ít có vết tích chiến tranh tàn phá, nhưng hình như nó không mang hình ảnh của ngôi làng mà Song-sam từng biết khi còn nhỏ.
Song-sam dừng lại ở dưới chân một cây dẻ trên quả đồi sau làng. Anh leo lên cây. Trong ký ức anh vang lên tiếng thét của ông lão có cái bướu: " Thằng ôn con! Mày lại trèo lên cây dẻ của tao nữa rồi!"
Ông lão chắc cũng đã qua đời, vì trong số mấy người già trong làng Song-sam đã gặp không thấy có ông. Ôm lấy thân cây, Song-sam nhìn một lúc lên bầu trời xanh. Vài hạt dẻ rơi xuống đất khi những vỏ khô nở bung ra. Trước căn nhà nay dùng làm trụ sở cảnh sát hoà bình công cộng, một thanh niên bị trói chặt đang đứng. Anh ta có vẻ là người lạ. Song-sam đi tới gần để nhìn cho rõ. Anh đứng khựng lại, gã thanh niên kia không ai khác hơn là Tok- chae, bạn của anh thuở nhỏ.
Song-sam ngồi xuống nền đất bẩn thỉu và châm điếu thuốc. Tok-chae được cảnh sát áp tải đến Chong-dan.
Một lúc sau, Song-sam lại mồi tiếp một điếu thuốc nữa từ điếu trước rồi đứng dậy.
" Để tôi dẫn anh ta đi!"

Tok-chae quay mặt hướng khác, tránh nhìn Song-sam. Cả hai rời khỏi làng.
Song-sam vẫn tiếp tục hút thuốc, nhưng thuốc lá chẳng có mùi vị gì. Anh chỉ liên tục hít vào rồi nhả khói ra thôi. Anh chợt nghĩ có lẽ là Tok-chae cũng muốn làm một hơi. Anh nhớ ngày xưa hai đứa đã từng núp sau bức tường không để người lớn thấy, chia nhau điếu thuốc quấn từ lá bầu khô. Thế nhưng hôm nay đây, sao anh lại có thể mời thuốc gã kia được chứ?

Một lần, khi cả hai còn nhỏ, anh cùng Tok-chae đi hái trộm dẻ ở vườn nhà ông lão có cục bướu. Hôm  đó đến lượt Song-sam trèo lên cây. Bỗng có tiếng la hét của ông lão. Anh trượt tay, rớt xuống đất. Gai cây dẻ chích đầy cả mông nhưng anh vẫn cố chạy. Đến nơi an toàn không ngại ông lão tóm được, anh mới đưa cho Tok-chae coi cái mông. Gỡ những chiếc gai ra đau điếng đến rơi nước mắt. Tok- chae vốc trong túi một nắm hạt dẻ nhét vào túi bạn... Song-sam vứt điếu thuốc anh vừa mới châm, và anh quyết định sẽ không đốt thêm điếu nào nữa khi đang áp giải Tok-chae đi.
Hai người đi đến ngả rẽ trên đồi, ngọn đồi mà anh và Tok-chae thường đến cắt cỏ cho bò ăn cho đến khi Song-sam di chuyển về một nơi gần Chontae, phía nam vĩ tuyến 38, hai năm trước ngày giải phóng.

Song-sam bỗng cảm thấy một cơn giận đột ngột trào dâng, anh hét lên:" Vậy là anh đã tàn sát bao nhiêu người rồi?" Lần đầu tiên Tok-chae liếc nhìn anh vội vàng rồi quay đi. " Anh đã giết bao nhiêu người rồi hả?" Anh hỏi lại. Tok-chae quay về phía anh lần nữa và nhìn trừng trừng. Cái trừng mắt gay gắt và môi mím lại. " Vậy là anh đã từng giết nhiều người rồi phải không?" Song-sam cảm thấy trong lòng nhẹ nhõm hẳn, chừng như gỡ được một mối tắc nghẽn. 
" Nếu anh là phó chủ tịch của hội liên hiệp cộng sản, tại sao anh không chạy trốn? Hẳn là anh nằm lại vì một công tác bí mật nào đó! " Tok-chae không trả lời. " Nói đi chớ! Nhiệm vụ của anh là gì? " Tok-chae cứ lầm lũi đi." Hắn đang cố giấu điều gì đó!" Song-sam thầm nghĩ. Anh muốn nhìn rõ mặt hắn nhưng Tok-chae vẫn quay đi. 
Đưa tay rờ vào khẩu súng bên hông, Song-sam nói tiếp: " Bào chữa gì cũng vô ích thôi! Thế nào rồi anh cũng bị xử bắn. Sao không chịu nói thiệt ngay bây giờ đi?"
" Tôi chẳng bào chữa gì. Họ đặt tôi làm phó chủ tịch chỉ vì tôi là người bần cùng,  tôi chỉ là một nông dân cần cù. Nếu điều đó đáng tội chết thì cứ làm vậy đi. Trước tôi thế nào, nay vẫn vậy. Tôi chỉ giỏi việc cuốc đất." Ngừng một lát, anh ta nói tiếp:" Ba tôi đang nằm liệt giường ở nhà. Ông ấy bệnh từ nửa năm nay." 
Cha Tok-chae là một nông dân nghèo, goá vợ, làm việc chăm chỉ, sống chỉ vì con. Bảy năm trước ông bị đau sống lưng, lại thêm bệnh ngoài da nữa.
" Anh có vợ chưa?" Tok-chae nghĩ một lát rồi đáp: "Rồi." " Lấy ai thế?" " Cô Lùn"
" Lấy cô Lùn? " Hay quá ha? Một cô gái lùn mà mập ú, coi bộ chỉ biết đất rộng mà không thấy được trời cao. Ngày trước anh và Tok-chae hay trêu chọc làm nó khóc. Và giờ Tok-chae cưới nó. " Có mấy con rồi? " " Cô ta nói sắp có đứa đầu vào mùa thu này." 
Song- sam cố nén tiếng cười bật khỏi cổ họng. Tuy anh vừa hỏi Tok-chae mấy con nhưng anh không thể nhịn cười khi nghĩ đến hình ảnh cô ta ngồi xuống, cái bụng thề lê, với cái khăn quấn quanh. Nhưng rồi anh lại nhận ra bây giờ không phải là lúc cười cợt những chuyện như thế.
" Dù sao, anh không đào tẩu là chuyện lạ đó". " Tôi đã cố chạy thoát đó chứ. Người ta nói khi miền Nam chiếm được, đàn ông không ai thoát. Những người từ 17 đến 40 tuổi bị ép chạy lên miền Bắc hết. Tôi có nghĩ đến chuyện sơ tán, dù có phải cõng ba tôi trên lưng. Nhưng ba tôi không chịu. Làm sao người nông dân chịu bỏ đất đai ruộng vườn khi sắp tới mùa gặt? Ba tôi đã già rồi, cần có tôi đỡ đần, bảo bọc cho cả gia đình. Tôi muốn ở bên cạnh ông và tự tay vuốt mắt cho ông phút lâm chung. Hơn nữa, nông dân như chúng tôi chỉ biết việc đồng áng thì biết đi đâu bây giờ?"  
Tháng 6 vừa rồi Song-sam đã tìm cách chạy trốn. Tối đến anh kín đáo báo tin cho    cha nhưng ông cũng nói tương tự như vậy. Nông dân bỏ đất đai còn biết đi đâu nữa. Thế là Song-sam đi một mình. Lang thang khắp ngõ ngách làng mạc trong Nam, anh cứ nghĩ mãi về cha mẹ già và mấy đứa trẻ bỏ lại ở nhà. May thay, bây giờ thì mọi người cũng yên ổn cả.
Hai người đi tới sườn đồi. Lúc này, Song-sam bước đi mà mặt quay về nơi khác. Ánh nắng mùa thu chói nóng lên trán. Thật là một ngày lý tưởng để gặt hái, anh nghĩ.
Khi họ đến chân đồi, Song-sam ngập ngừng dừng lại. Giữa cánh đồng, anh đưa mắt nhìn bầy hạc trông như hình người mặc áo trắng đang đứng lom khom. "Nơi đây từng là vùng trung lập dọc theo vĩ tuyến 38. Hạc vẫn sống ở đấy như trước trong khi con người bỏ đi hết rồi. Khi Song-sam và Tok-chae mới 12 tuổi, có lần hai đứa giấu không cho người lớn biết đặt bẫy ở đây và bắt được một con hạc, giống hạc Tanjong. Hai đứa trói con hạc lại, cột cả hai cánh, rồi ngày nào cũng ra thăm, vỗ lên cổ, cỡi lên lưng. Rồi một hôm, chúng nghe hàng xóm thầm thì bàn tán với nhau rằng có người từ Seoul có giấy phép từ văn phòng tổng trấn đến đây bắt hạc về làm mẫu vật hay gì gì đó. Thế là hai đứa vội chạy ra đồng, chẳng ngại gì việc bị phát hiện hay quở phạt, mà chỉ lo cho số phận con hạc của chúng. Không để chậm trễ, mới chạy tới đang mệt hụt hơi, chúng tháo dây trói chân và cánh con hạc. Nhưng con chim bước đi khó nhọc. Có thể nó kiệt sức vì bị trói. Hai đứa tung con hạc lên trời. Bỗng nhiên có tiếng súng nổ. Con hạc đập đôi cánh mấy cái rồi chúi xuống. Có lẽ nó bị bắn trúng rồi, chúng nghĩ. Nhưng sau đó, một con hạc khác từ bụi cây kế bên đập cánh, con hạc của hai đứa vươn cổ ra và kêu lên rồi biến mất trên bầu trời. Rất lâu sau đó hai đứa trẻ vẫn không rời mắt khỏi bầu trời xanh, nơi con hạc của chúng bay vút lên.     
" Này, sao ta không dừng lại đây để săn hạc nhỉ?" Song-sam đột ngột nói.
Tok-chae bối rối, đứng như trời trồng. " Tôi lấy sợi dây thừng này làm bẫy, anh đuổi hạc phía bên kia."
Song-sam cởi dây trói tay Tok-chae, chuẩn bị bò vào đám lau sậy.
Mặt Tok- chae trắng nhợt nhạt. " Thế nào anh cũng bị xử bắn thôi!" Câu nói lướt qua trí hắn. Chẳng mấy chốc nữa một viên đạn từ phía Song-sam sẽ bay vụt ra,  hắn nghĩ thầm. Đi được vài bước, Song-sam vội quay lui nhìn.
" Này, sao còn đứng đó như thằng đần thế kia? Lo đuổi hạc đi chớ!"  
Đến lúc này Tok-chae mới hiểu ra. Hắn bò trong đám cỏ tranh. Một cặp hạc Tanjong, xoải đôi cánh rộng, vút bay lên cao trên nền trời mùa thu xanh trong vắt. 



THÂN TRỌNG SƠN
dịch theo bản tiếng Anh của Peter H. Lee

http://bisteachers.cratercomets.com/sinks_jeremy/literature/cranes/Cranes.pdf

Aucun commentaire: