LÃNG DU MIỀN ĐẤT LẠ
Tập thơ dịch
Lời ngỏ.
Mười nhân vật, đến từ những đất nước thuộc nhiều châu lục khác nhau. Châu Phi xa xôi với Ai Cập huyền bí và đảo quốc Mauritius lạ lẫm. Châu Âu với nhiều nền văn học phong phú, Cộng hoà Séc, đất nước bao nhiêu lần đổi thể chế, đổi quốc hiệu, Ba Lan, quốc gia hơn 40 triệu dân và bốn nhà văn nhà thơ đạt giải Nobel văn học, nước Pháp quen thuộc và gần gũi, đáng tự hào với kỷ lục là quốc gia có nhiều giải Nobel văn học nhất ( giải đầu tiên năm 1901 với Sully Prud'homme, và giải mới nhất năm 2014 với Patrick Modiano ). Châu Mỹ với Hoa Kỳ, đa chủng tộc, đa văn hoá, với Chi Lê có hình dáng lãnh thổ độc đáo, từ Bắc đến Nam dài đến 4630 km nhưng bề ngang Đông Tây điểm rộng nhất chỉ có 430 km. Và châu Á với Lebanon, Syria ở vùng Trung Đông đầy biến động, với Trung Quốc và nền thi ca hiện đại mời gọi khám phá. Đặc biệt hơn cả là đất nước có diện tích rộng nhất thế giới, trải dài qua hai châu lục.
Mười tác giả cận đại và đương đại, một người sinh cuối thế kỷ XIX ( Boris Pasternak, 1890 ), còn lại là thế kỷ XX ( từ đầu thế kỷ, Jacques Prévert 1900, Jaroslav Seifert 1901, Malcolm de Chazal 1902, Pablo Neruda 1904, trẻ nhất là Adonis, 1930 và Vu Kiên 1954 ). Ba tác giả vừa mất những năm gần đây ( Andrée Chedid, 2011, Wislawa Szymborska, 2012, Maya Angelou, 2014 ) và hai người còn sống.
Mười con người với những số phận khác nhau bởi sinh sống trong những hoàn cảnh và chế độ chính trị khác nhau. Có người phải chạy trốn khỏi quê hương của mình để đến sinh sống tại một đất nước khác. Có người suốt đời không rời khỏi chốn quê nhà. Có người là đại diện ngoại giao chính thức của quốc gia mình tại nhiều nơi trên thế giới. Có người sáng tác mà đành phải công bố tác phẩm của mình dưới dạng ấn phẩm bí mật hoặc phải xuất bản ở nước ngoài. Có người không có điều kiện học hành tới nơi tới chốn, tìm đến văn chương chữ nghĩa qua việc giao tiếp, đọc sách, tự học tự rèn.
Mười khuôn mặt được giới thiệu như là những nhà thơ. Thực ra có người còn là nhà báo, nhà giáo, nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà nhiếp ảnh, hoạ sĩ... Có người ngoài việc sáng tác thơ còn viết truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết, kịch. Hoàn cảnh xuất thân, làm việc và sinh sống hoàn toàn khác nhau, mỗi người chọn lối diễn đạt cho riêng mình. Có người chuyên viết những bài thơ rất ngắn, chỉ hai - ba dòng, không nhan đề và chừng như không chủ đề. Có người lại có tập thơ đồ sộ, đến 231 bài với hơn 15000 câu thơ, xếp thành 15 phân đoạn, y như chương / hồi trong tiểu thuyết. Tuy nhiên, tất cả đều coi trọng công việc làm thơ của mình; với họ, thơ ca chẳng phải là thú tiêu khiển lúc trà dư tửu hậu mà mang một sứ mệnh cao cả. "Thơ ca là và vẫn mãi là phương cách duy nhất để đối diện với sự mong manh của phận người, với sự bí mật khôn lường của cái chết, là chiếc chìa khoá giải thích một vũ trụ mà bề mặt hiển thị luôn che giấu một thực thể kín đáo khác mà thơ ca có nhiệm vụ giải mã." ( Andrée Chedid ) hoặc ngắn gọn hơn với Adonis: " Thơ ca làm cho cuộc sống trên trái đất này tốt đẹp hơn, bớt phù phiếm, bớt khổ đau hơn. "
Mười nhà thơ có nhiều quốc tịch khác nhau, diễn đạt bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau: tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Séc, tiếng Ba Lan, tiếng Á Rập, tiếng Tây Ban Nha. Từ một ngôn ngữ gốc, tác phẩm của họ đã được độc giả khắp thế giới tiếp cận thông qua các bản dịch sang hàng chục ngôn ngữ khác và phổ biến rộng rãi qua các tạp chí, sách in, sách điện tử...
Người thực hiện tập sách này, hoặc cố ý, hoặc ngẫu nhiên, gặp được, khám phá và yêu thích những tác giả này, mong muốn được chia sẻ với những ai đồng cảm qua việc giới thiệu vài nét về cuộc đời, tác phẩm, khuynh hướng sáng tác và thành tựu của từng tác giả trước khi chuyển ngữ ( từ tiếng Pháp và tiếng Anh, nguyên tác hay bản dịch ). Toàn tập bao gồm 275 bài thơ, ngắn nhất vài dòng, dài nhất là hai, ba trang, ít nhất là mười và nhiều nhất là một trăm bài cho mỗi tác giả.
Xin mời bạn đọc sẵn lòng bỏ qua những hạn chế khó tránh khỏi của việc dịch thuật để cùng tác giả đồng hành trên bước lãng du qua những miền đất lạ.
Thân Trọng Sơn
MƯỜI TÁC GIẢ
ADONIS (1930 - ... ) Lebanon / Syria
ANDRÉE CHEDID ( 1920 - 2011 ) Pháp / Ai Cập
BORIS PASTERNAK ( 1890 - 1960 ) Nga
JACQUES PRÉVERT ( 1900 - 1977 ) Pháp
JAROSLAV SEIFERT ( 1901 - 1986 ) Cộng hoà Séc
MALCOLM DE CHAZAL ( 1902 - 1981 ) Mauritius
MAYA ANGELOU ( 1928 - 2014 ) Hoa Kỳ
PABLO NERUDA ( 1904 - 1973 ) Chile
VU KIÊN ( 1930 - ... ) Trung Quốc
WISLAWA SZYMBORSKA ( 1923 - 2012 ) Ba Lan
-----
Thân Trọng Sơn làm công việc dịch thuật bằng sự đam mê và tinh thần trách nhiệm cao, bằng sự cẩn thận và ý thức tôn trọng tác giả cũng như người đọc nên các bản dịch của ông rất đáng tin cậy. Để có cuốn sách mà các bạn đang cầm trong tay – LÃNG DU MIỀN ĐẤT LẠ, Thân Trọng Sơn đã âm thầm làm việc trong hơn 40 năm qua, một quãng thời gian không phải là ngắn đối với một đời người…
PHẠM CAO HOÀNG
CÙNG MỘT NGƯỜI DỊCH
DALAT, VILLE D’ALTITUDE
( nhiều người dịch )
NXB TP HCM 1993
ANECDOTES DES CONCUBINES ET REINES
DE LA DYNASTIE DES NGUYEN
NXB ĐÀ NẴNG 2002
LA DYNASTIE DES NGUYEN –
LES NEUFS SEIGNEURS – LES TREIZE ROIS
NXB ĐÀ NẴNG 2002
LA VIE DANS LA CITÉ POURPRE INTERDITE
NXB ĐÀ NẴNG 2004
LES VISAGES DE L’AMOUR
( dịch thơ nhiều tác giả )
VIỆT PHƯƠNG ấn hành 2002
ENTRE NOUS
( dịch thơ TÔN NỮ HỶ KHƯƠNG )
VIỆT PHƯƠNG ấn hành 2005
LA BALLADE D’UN CAFÉ
( dịch thơ PHAN NHƯ )
VIỆT PHƯƠNG ấn hành 2005
HƯỚNG DƯƠNG
( dịch thơ JACQUES PRÉVERT )
VIỆT PHƯƠNG ấn hành 2007
ORCHIDÉE
( dịch thơ DUY VIỆT )
VIỆT PHƯƠNG ấn hành 2008
À L’AMOUR , À LA VIE
( dịch thơ ĐỖ TƯ NGHĨA )
VIỆT PHƯƠNG ấn hành 2008
THƠ – POÈME – PHẠM VĂN HẠNG
( nhiều người dịch )
NXB HỘI NHÀ VĂN 2007
THÂN TRỌNG SƠN
Sinh 1945 tại Huế
- Tốt nghiệp Đại học Sư phạm và Đại học Văn khoa Huế ( 1967 )
- Dạy học: ( 1967 - 2007 )
Buôn Ma Thuột ( Trung học Tổng hợp BMT, Bồ Đề Huệ Năng
Huế ( Quốc Học, Nữ Thành Nội, Bồ Đề Hữu Ngạn, Bích Trúc )
Đà Lạt ( Vừa học Vừa Làm 26/3, Chi Lăng, Bùi Thị Xuân - Cao Đẳng Sư Phạm )
- Chuyên trách Công đoàn Ngành Giáo dục Tỉnh Lâm Đồng - 1985-1994 - ( Phó chủ tịch, Chủ tịch )
Hiện sống tại Đà Lạt.
Weblog: sonthan.blogspot.com
Email : cuanhado@gmail.com
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire