vendredi 16 septembre 2011

WISLAWA SZYMBORSKA


WISLAWA SZYMBORSKA

GIẢI NOBEL VĂN HỌC 1996

73 tuổi, 51 năm cầm bút, hơn 200 bài thơ in trong hơn 10 tuyển tập. Những con số này liên quan đến nhà thơ nữ người Ba Lan WISLAWA SZYMBORSKA vào thời điểm tháng 10 năm 1996 khi Bà bất ngờ được trao giải Nobel Văn học. Bất ngờ cho văn đàn thế giới, có thể bất ngờ cả cho đương sự, nhưng tất nhiên tổ chức quyết định giải thưởng có lý do về sự lựa chọn này:

Ở Szymborska Viện Hàn lâm Thụy Điển muốn vinh danh một đại diện – một đại diện có sự thuần khiết và sức mạnh lạ thường và cứng cỏi - của một quan điểm thơ ca. Của thơ ca với tư cách là một phản hồi đối với cuộc sống, một lối sống, của nghệ thuật ngôn từ với tư cách là tư tưởng và trách nhiệm.” (1)

Giấy chứng nhận giải thưởng nêu rõ :

Giải Nobel văn học 1996 được trao cho W.Szymborska do thơ của bà đã cho phép tái hiện bối cảnh lịch sử và sinh học một cách chân thực đến (độ) mỉa mai trong những mảnh thực tại của con người.

Wislawa Szymborska sinh ngày 2/7/1923 tại miền Tây nước Ba Lan, ở thành phố nhỏ Bnin ( hiện nay là một khu phố của Kornik ), gần Poznan. Từ năm 1931, bà chuyển về sống tại Cracovie, theo học văn chương Ba Lan và xã hội học tại đại học Jagellon, từ 1945 đến 1948. Bà bắt đầu đăng thơ vào tháng 3/1945 trên phụ trang hàng tuần của nhật báo Dziennik Polski với bài thơ Tôi tìm từ. Những năm hậu chiến, bà tiếp tục in thơ trong nhiều nhật báo và tạp chí. Từ 1953 đến 1981, bà tham gia ban biên tập tuần báo Đời sống văn học, giữ mục phê bình những tác phẩm thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau : từ du lịch, ẩm thực, nghề làm vườn và trò ảo thuật cho đến lịch sử nghệ thuật, thơ của T.S. Eliot và Edward Lear. Szymborska còn làm cả việc dịch thơ, nhất là thơ Pháp với Agrippa d’Aubigné ( 1552-1630 ).

Bà là hội viên Văn Bút ( PEN ) Ba Lan. Năm 1952 bà in tập thơ đầu tiên “ Chúng ta đang sống vì thế đó ”. Sau đó liên tục cho ra đời nhiều tập khác : “ Những câu hỏi cho mình” ( 1954 ) ; “ Lời kêu gọi Yeti” ( 1957 ); “ Muối” ( 1962 ); “ Tuyển thơ” ( 1967 ); “Trò hề” ( 1967 ); “Thơ” ( 1970 ); “Trường hợp bất kỳ” ( 1972 ); “Con số lớn” ( 1976 ); “Tuyển thơ II” ( 1983 ); “Những người trên cầu” ( 1986 ); “Kết thúc và bắt đầu” ( 1993 ).

Bà được trao bằng Tiến sĩ danh dự của Đại học Adam Mickiewicz tại Poznan ( 1995 ), và đã được tặng nhiều giải thưởng văn học : giải thưởng Goethe của Đức ( 1991 ); giải thưởng Herder của Áo ( 1995 ); giải thưởng của Hội Văn Bút Ba Lan ( 1996 ).

TÔI KHÔNG BIẾT

Trả lời một cuộc phỏng vấn thực hiện ngay sau khi giải Nobel 1996 được công bố, WISLAWA SZYMBORSKA cho biết bà nhìn thấy thơ ca “ở khắp nơi, ngay cả bên ngoài các bài thơ: trong văn xuôi, phim ảnh, hội họa”. Vậy mà trong bài “Một số người thích thơ” bà đã ngần ngại không giải thích được :

…(Một số người thích thơ)

Mà thơ là gì vậy?

Bao lời giải đáp mơ hồ vẫn còn đầy ra đấy

Thế mà tôi không biết,

Tôi vẫn không biết chi

Và tôi cứ bám vào nó

Như bám cọc cứu nguy.


“Tôi không biết” chính là chiếc chìa khóa giúp WISLAWA SZYMBORSKA mở cửa vào thế giới thơ ca.

… Tôi đánh giá cao câu nói ngắn: “Tôi không biết”. Câu nói nhỏ bé nhưng nó bay với đôi cánh thần kỳ. Nó mở rộng những cuộc đời của chúng ta để bao trùm những không gian bên trong chúng ta cũng như khoảng rộng bên ngoài, nơi Trái đất mong manh của chúng ta đang treo lơ lửng.

(…) Những nhà thơ, nếu là nhà thơ thực thụ, phải nhắc đi nhắc lại câu “ tôi không biết”. Mỗi bài thơ là một nỗ lực nhằm trả lời câu phát biểu này, nhưng ngay khi vừa đặt dấu chấm hết, nhà thơ lại bắt đầu băn khoăn, bắt đầu nhận ra rằng đó mới chỉ là thứ tạm thời, hoàn toàn chưa thật là đầy đủ. Vậy là nhà thơ lại tiếp tục thử nghiệm, và sớm hay muộn, những kết quả liên tiếp của sự không hài lòng về bản thân mình như thế sẽ được các nhà nghiên cứu văn học sử gom lại bằng chiếc ghim khổng lồ và gọi đó là “tác phẩm” của nhà thơ.” (2)

Với quan niệm đó, công việc làm thơ của WISLAWA SZYMBORSKA không hề dễ dãi. Bà từng tâm sự rằng khi làm thơ bà chỉ dùng bút chứ không bao giờ sử dụng máy vi tính. Nhất thiết phải có một khung cảnh thật riêng tư. “ Tôi không tưởng tượng được có nhà văn nào mà không tìm cho mình thanh bình và yên lặng. Thơ không thể ra đời giữa tiếng ồn, trong đám đông hay trên xe buýt. Phải ở trong bốn bức tường và tin chắc là chuông điện thoại sẽ không reo.”(3) Có khi bà đang viết một bài, rồi để đó bắt đầu một bài khác. Có khi bà làm hai bài cùng một lúc. Số bài thơ bà viết nhiều hơn số đã in. Thơ viết vào buổi tối, sáng hôm sau đọc lại và có thể sẽ cho vào sọt rác để sẵn ở trong phòng. Còn bài thơ mà bà hài lòng nhất thì chính là bài bà đang định viết lúc này đây. Bà thích nên mới quyết định khai bút, còn khi nó đã thành hình, đã được in vào sách thì hãy để nó tự xoay xở lấy. Còn vì sao lại làm thơ ư? Chẳng phải là một sứ mạng to tát gì. Vào một giai đoạn nào đó trong cuộc đời, khi đã qua tuổi ấu thơ, bạn sẽ bước vào một thế giới đầy rủi ro và trách nhiệm cá nhân, bạn sẽ nghiệm ra rằng chẳng thể làm được gì để tránh điều đó. Cứ làm thơ và sẽ thấy. Có khi bạn sẽ tự biết đó là thơ tồi, mọi người sẽ chối bỏ nó. Nhưng cũng có khi bạn thành công.

(…)Có khi tôi thực sự có nhu cầu tinh thần để nói cái gì đó tổng quát hơn về thế giới, và cũng có khi cái gì đó riêng tư. Tôi thường viết cho một độc giả riêng lẻ - tuy tôi vẫn muốn có nhiều người như vậy. Có nhiều nhà thơ viết cho số đông người tụ họp trong phòng lớn, họ sẽ cùng nhau chia sẻ. Tôi lại thích độc giả của mình tiếp xúc tay đôi với tác phẩm” (3)


“CẢM HỨNG KHÔNG PHẢI LÀ ĐỘC QUYỀN CỦA NHÀ THƠ”

Nét nổi bật trong thơ WISLAWA SZYMBORSKA là ngôn từ, giản dị, cô đọng mà chính xác; bà thường xuyên sử dụng sự hài hước, châm biếm, ngay cả nghịch lý, để làm nổi bật nội dung sâu sắc. Đề tài ưa thích là cuộc sống thường ngày, được kể lại một cách tinh tế, lắm khi mỉa mai, khởi đầu cho những chiêm nghiệm có màu sắc triết lý.

Trong bài “ Con mèo trong căn hộ trống”(viết ngay sau khi chồng bà vừa qua đời), WISLAWA SZYMBORSKA trình diện một con mèo và cho nó lên tiếng :

Chết. Đừng nên làm chuyện đó với một con mèo

Nhưng mèo thì làm gì được trong một căn hộ trống ?

Leo lên các bức tường ?

Cọ vào những đồ gỗ ?

Khung cảnh quen thuộc giờ sao vẫn thấy khác:

Có vẻ như không có gì đổi thay

Vậy mà không có gì như cũ

Không có gì xê dịch

Vậy mà không có gì ở nguyên một chỗ

Và tối đến, không một ánh đèn.

Dần dần, sự hiện diện của con mèo mờ nhạt dần :

Có tiếng bước chân người nơi cầu thang

Nhưng chẳng phải bước chân quen

Bàn tay ai đặt con cá lên dĩa

Nhưng chẳng phải bàn tay thân.

Đời sống riêng tư của mỗi người hiện lên qua đời sống của con mèo: một người thân qua đời và tất cả trở nên hoang vắng. Nỗi cô đơn, sự thân thuộc của sự việc hàng ngày được mô tả thông qua tình cảm và cảm nhận của con mèo, câu chuyện bắt đầu có vẻ bi thảm:

Có cái gì đó không bắt đầu

Vào đúng giờ thường lệ

Cái gì đó không xảy ra

Như đáng lẽ phải thế.

Phải chăng là sự khắc khoải về một tình yêu đã mất:

Có ai đó đã từng ở nơi này

Và bỗng nhiên không thấy nữa

Biến mất tăm.

Nhưng rồi mèo phải tự vệ, phải phản kháng, để khỏi đắm chìm trong sự tuyệt vọng

Chờ anh về

Nếu anh dám

Nói cho anh biết đừng làm thế với một con mèo.

Nó tiến gần đến anh

Dáng bất cần, vẻ kênh kiệu,

Làm bộ như không trông thấy anh.

Và cuối cùng là hình ảnh khá hài hước:

Nó đi thật chậm

Bước chân giận dữ

Và nhất là, không phóng nhảy lên, không kêu gừ gừ.

Hình ảnh con mèo lạc lõng trong một căn hộ trống khắc họa nỗi cô đơn thường trực của con người trong sự vây bủa của không gian thinh lặng giữa những người có giao thiệp mà thiếu giao cảm. Nếu thế thì, thà là trò chuyện với vật vô tri:

Tôi gõ vào cánh cửa của đá.

- Tôi đây, hãy để tôi vào.

Tôi muốn vào bên trong

Nhìn khắp xung quanh

Hít hơi thở của đá.

(…)

Tôi gõ vào cánh cửa của đá.

- Tôi đây, hãy để tôi vào.

Tôi hứa sẽ không ở lâu trong đó

Không tìm chỗ nương thân

Tôi không bất hạnh

Tôi có một mái nhà

Thế giới của tôi đáng để tôi quay về

Tôi sẽ vào rồi ra hai bàn tay trắng.

(…)

Tôi gõ vào cánh cửa của đá.

- Tôi đây, hãy để tôi vào.

Đá trả lời: Tôi không có cửa.

Câu kết của bài thơ “Trò chuyện với đá” khô khốc, lạnh lùng, như một lời cảnh tỉnh : hỡi loài người (mà ta hằng yêu dấu), hãy yêu thương nhau (đừng để “rồi như đá ngây ngô”).

Vậy đó, bà kể về những kinh nghiệm đau buồn mà lúc nào cũng bằng cái giọng nhẹ tênh, thản nhiên để hóa giải, chấp nhận cuộc sống với hai khía cạnh tương phản, buồn bã và mừng vui, thương đau và hạnh phúc, mà rốt cuộc, lúc nào cũng kết thúc bằng một nốt nhạc vui.

Nở nụ cười, và ôm nhau thắm thiết

Ta cố tìm sự thân thiện hòa đồng

Dẫu thực lòng chúng ta vẫn từng biết

Mình khác nhau như hai giọt nước trong.

( Không có gì hai lần )


Không gian thơ của WISLAWA SZYMBORSKA có vẻ quen thuộc với người đọc ở mọi nơi: đó là thế giới chung quanh, là cuộc sống thường ngày. “Thuở nhỏ tôi chẳng ngạc nhiên về điều gì; còn bây giờ cái gì cũng làm tôi ngạc nhiên được. Cái nhỏ nhặt nhất tôi nhìn thấy, một chiếc lá, một đóa hoa, chẳng hạn, “ tại sao lại thế này?”, “cái gì đây vậy?”. Và còn một động lực khác nữa là sự tò mò. Tôi tò mò về con người, cảm nghĩ, số phận, ý nghĩa đời sống của họ…”(3)

Bà nhìn và quan sát mọi vật không phải với con mắt trần gian và thuật lại không với nghệ thuật của nhà nhiếp ảnh. Trong “Viện bảo tàng” bà ghi nhận có “ những chiếc dĩa, nhưng chẳng có sự thèm ăn/ nhưng chiếc nhẫn cưới, nhưng tình yêu e chừng đã tàn lụi đâu đã ba trăm năm/ một chiếc quạt, nhưng không có sự thẹn thùng thiếu nữ/ những thanh kiếm, nhưng đâu rồi cơn giận dữ…”.Còn nói về “Bầu trời”, bà nhận xét: “Sự phân chia trái đất và bầu trời/ Không phải là phương cách đúng/ để xem xét cái tổng thể/ Chẳng qua chỉ là cho phép sống/ với một địa chỉ chính xác hơn/ dễ dàng nhanh chóng hơn/ nếu có khi cần phải kiếm tìm”. Chuyện “Viết lý lịch” ( kèm theo các loại đơn từ) cũng được trình bày một cách độc đáo:

Dù cuộc sống ngắn dài ra sao

Lý lịch cũng chỉ nên viết gọn.

Phải rõ ràng, chắt lọc sự kiện.

Phong cảnh, thay bằng địa chỉ

Kỷ niệm sơ sài bằng ngày tháng chi ly

Bao nhiêu mối tình đã qua đi

Chỉ ghi lại cuộc tình đã cưới

Còn trong số những trẻ con

Chỉ quan trọng đứa đã sinh ra.

Ai biết anh, cần hơn là anh biết ai.(...)


Trên trời dưới đất, sự vật nào, hiện tượng nào cũng được WISLAWA SZYMBORSKA nhìn bằng cách riêng của mình:

Tôi phải vô cùng vội vã

Để mô tả một đám mây

Bởi chỉ khoảnh khắc một giây

Cũng đủ để nó đổi khác.


Đặc điểm của mây:

Không bao giờ lặp lại

Hình thù, màu sắc, vị trí,

Và cách sắp đặt bên nhau.


Không bận tâm phải ghi nhớ điều gì

Mây thênh thang bay qua ngàn sự kiện.


Phải làm chứng việc gì trên trái đất?

Mây tan ngay khi sự việc mới xảy ra.


So với mây, cuộc sống tỏ ra vững chắc

Hầu như trường kỳ, gần như vĩnh cửu.


Bên cạnh những đám mây

Đá cũng có vẻ như người anh em

Dễ dàng tin cậy

Tuy thật ra chỉ là họ hàng xa cách, dở hơi.


Hãy để mọi người nếu muốn cứ tồn tại

Và rồi sẽ lần lượt chết đi

Mây cũng chẳng quan tâm gì

Đến những chuyện phù phiếm đó.


Rồi trên cả cuộc đời của bạn

Cũng như cuộc đời dang dở của tôi

Mây cứ lướt qua kiêu kỳ, phẳng lặng.

Mây không bị buộc phải tan biến khi chúng ta đi xa

Mây không cần ai phải nhìn thấy khi trôi qua.

( Những đám mây ).


SAU GIẢI NOBEL

Tại buổi yến tiệc tổ chức sau lễ trao giải tại Tòa Thị chính Stockholm vào tối 10/12/1996, khi Quốc vương Thụy Điển Karl Gustaf phát biểu chúc mừng bà ( bằng tiếng Pháp), WISLAWA SZYMBORSKA đáp lại ngắn gọn ( cũng bằng tiếng Pháp ):

“Không ai có thói quen được nhận giải Nobel, và cũng không ai có thói quen bày tỏ sự biết ơn của mình về việc đó. Trong tiếng mẹ đẻ của tôi, cũng như trong những ngôn ngữ khác, có nhiều từ đẹp để lựa chọn. Nhưng với tôi, vào dịp này, từ đơn giản nhất là nghiêm túc và có ý nghĩa nhất: Cám ơn ( merci- dziêkujê).”

Từ tác phẩm bước ra đời thường, WISLAWA SZYMBORSKA vẫn giữ phong cách riêng như thế.

Lặng lẽ và khiêm nhường, thông minh và sáng tạo, WISLAWA SZYMBORSKA ở tuổi ngoài tám mươi vẫn tiếp tục sáng tác. Năm 2002, bà xuất bản tuyển tập “Khoảnh khắc”gồm 23 bài thơ. Cùng năm đó, tác phẩm “ Bài đọc nhiệm ý – Văn xuôi” ra đời, tập hợp những bài phê bình của bà. Năm 2005 thêm một tuyển tập thơ nữa: “ Dấu hai chấm”. Vẫn bản tính ưa hài hước châm biếm mà không hề hời hợt, xuê xoa. Vẫn khuynh hướng chuyển hóa những nhận xét qua kinh nghiệm cá nhân thành những suy nghiệm về phận người mong manh, về sự hiện diện của cá thể nhỏ nhoi giữa bao la vũ trụ. Khó tìm thấy một nhà thơ nào khác có nét tương đồng với bà về ngôn ngữ và tư tưởng. Phải chăng vì điều này mà thơ của WISLAWA SZYMBORSKA đã được dịch ra hơn 30 thứ tiếng khác nhau trên thế giới?

Ngày 17/1/2011 Tổng thống Ba Lan Bronislaw Komorowski đã trao tặng bà phần thưởng cao nhất của nhà nước : Huân chương Đại bàng trắng “để ghi nhận những cống hiến của bà cho nghệ thuật Ba Lan và những thành tựu xuất sắc của bà trong lĩnh vực văn học”.

Xin mượn phát biểu của nhà văn Thụy Điển Birgitta Trotzig trong diễn văn Tuyên dương để thay cho lời kết :

“ Tôi muốn tóm tắt công việc của WISLAWA SZYMBORSKA là công việc ngôn từ làm thay đổi sâu sắc trạng thái của thế giới. Môt công việc được tóm tắt hay nhất bằng những lời của chính bà trong bài thơ Khám phá :

Tôi tin ở sự từ chối tham dự

Tôi tin ở sự nghiệp bị phá sản

Tôi tin ở những năm làm việc bỏ phí

Tôi tin ở điều bí mật mang xuống đáy mộ

Những từ này bay vút lên đối với tôi vượt qua mọi quy luật

Mà không cần tìm sự ủng hộ của những ví dụ thực tế

Niềm tin của tôi mạnh mẽ, mù quáng và không cơ sở.” (1)


THÂN TRỌNG SƠN

( dịch và giới thiệu)

TẶNG CAO THU CÚC

_______________________________________________________________________________

(1) Tuyên dương của Viện Hàn lâm Thụy Điển –Birgitta Trotzig, nhà văn, thành viên Viện Hàn lâm Thụy Điển. ( Award Ceremony Speech - Bản tiếng Anh của Rika Lesser. )

(2) Nhà thơ và Thế giới – Diễn từ Nobel của WISLAWA SZYMBORSKA ( Nobel Lecture – The Poet and the Word – Bản tiếng Anh của Stanislaw Baranczak và Clare Cavanagh

(3) Phỏng vấn của Dean E. Murphy, Thời báo Los Angeles, 13/10/1996.

(*) Người viết không đọc được tiếng Ba Lan. Những đoạn/bài thơ trong bài này đều dựa vào các bản dịch tiếng Anh và tiếng Pháp.

THƠ WISLAWA SZYMBORSKA – THÂN TRỌNG SƠN chuyển ngữ


TÌNH YÊU TỪ CÁI NHÌN ĐẦU TIÊN


Cả hai người đều tin

Một cảm xúc bất chợt gắn kết họ với nhau

Niềm tin mới đẹp làm sao

Nhưng sự hoài nghi còn tuyệt vời hơn nữa.


Họ vẫn nghĩ bởi trước đó chưa hề quen

Nên giữa hai người chẳng có chuyện gì cả.

Vậy thì nói sao đây, những con đường, cầu thang, hành lang đó

Nơi mà từ lâu lắm có thể họ đã từng lướt qua nhau ?


Tôi muốn hỏi họ xem

Liệu họ có còn nhớ

Có thể trong một khung cửa quay

Ngày nào họ đã đứng đối diện

Hay nói lời xin lỗi trong đám đông

Hay qua điện thoại báo nhầm số.

Nhưng tôi biết trước câu trả lời của họ

Không họ chẳng nhớ mảy may.


Họ sẽ ngạc nhiên biết chừng nào

Khi biết rằng

Sự ngẫu nhiên đùa giỡn họ đã từ lâu.

Mà vẫn chưa hoàn toàn sẵn sàng

Trở thành số phận

Kéo họ xích lại gần rồi lại đẩy ra xa

Đứng ngáng đường chặn lối

Kìm nén một tiếng cười

Nhảy tránh sang một bên.


Đã từng có những tín hiệu

Chưa nhận ra ngay, chẳng hề chi,

Có thể đã ba năm rồi

Hay chỉ là thứ ba tuần trước

Một chiếc lá khẽ lướt

Từ vai rồi lại đậu sang vai.

Một vật đánh rơi rồi nhặt được

Nào ai biết, có thể là một trái bóng

Trong bụi rậm của tuổi ấu thơ ?


Đã từng có những tay nắm cửa, những chuông con,

Vết tay ai đặt vào

Chồng lên vết tay người nào trước

Những chiếc va li nằm cạnh nhau

trong kho hành lý

Có thể cùng một giấc mơ trong đêm

Khi thức giấc thì đã vội quên.


Nhưng mọi sự khởi đầu

Chỉ là một tiếp nối

Cuốn sách của duyên phận

Luôn mở ở giữa chừng.


Dịch theo bản tiếng Anh

LOVE AT FIRST SIGHT ( Walter Whipple )


KẺ KHỦNG BỐ, HẮN ĐANG NHÌN


Quả bom sẽ nổ trong quán rượu lúc mười ba giờ hai mươi

Bây giờ chỉ mới mười ba giờ mười sáu

Nhiều người còn đủ thời gian để bước ra,

Và những người khác, để đi vào.


Kẻ khủng bố, hắn đã đứng bên kia đường,

Khoảng cách tránh cho hắn khỏi bị thiệt hại,

Và tầm nhìn thật tuyệt, cứ như đang xem phim.


Người phụ nữ mặc áo blouson vàng, bà đi vào,

Người đàn ông đeo kính đen, ông đi ra,

Những chàng trai mặc quần gin, chúng trò chuyện,

Mười ba giờ mười bảy phút và bốn giây,

Gã bé nhất, gã có số hên, phóc lên xe máy,

Còn gã cao nhất, gã đi vào.


Mười ba giờ mười bảy phút bốn mươi giây,

Cô gái, cô vừa đến, tóc buộc dải băng xanh,

Có chiếc xe buýt chạy ngang, không nhìn thấy cô nữa,

Mười ba giờ mười tám phút,

Không còn cô gái nữa,

Cô đã bước vào, cô bé ngốc đó, hay là không,

Rồi sẽ biết khi người ta đưa các thi thể ra.


Mười ba giờ mười chín phút,

Không người nào bước vào nữa,

Chỉ có một lão mập đầu hói bước ra,

Nhưng có vẽ lão đang lục tìm gì trong túi.

Và lúc mười ba giờ hai mươi kém mười giây,

Lão trở vào kiếm đôi găng chết tiệt.


Bây giờ là đúng mười ba giờ hai mươi,

Thời gian sao cứ kéo rề rà thế,

Hẳn phải là lúc này đây,

Không, chưa phải lúc này.

Vâng, lúc này đây,

Quả bom, nó đang nổ.


Dịch theo bản tiếng Pháp

LE TERRORISTE, IL REGARDE ( Aaron )


Aucun commentaire: