PAOLO COELHO
Sinh năm 1947 tại Rio de Janeiro, Brazil, 40 tuổi mới viết và xuất bản cuốn sách đầu tiên, Paulo Coelho được xem là nhà văn ( còn sống ) được đọc nhiều nhất thế giới: tuy số lượng tác phẩm đến nay chỉ trên 20 cuốn, nhưng đã phát hành đến 86 triệu bản tại 150 quốc gia, trong đó có nhiều cuốn luôn ở trong danh sách best-seller.
Tuổi thơ của Paulo Coelho được đánh dấu bởi những thái độ và hành động phản kháng: chống đối những ép buộc, gò bó của gia đình; chống đối kỷ luật nghiêm ngặt, hà khắc của trường dòng, nơi ông theo học. Bố ông là kỹ sư, rất mong con sẽ nối nghiệp mình, nhưng ngay khi mới mười lăm tuổi, ông đã bày tỏ ước nguyện muốn trở thành nhà văn. Mẹ ông rất ngạc nhiên ( và không hài lòng ) về điều này. “ Ba con là kỹ sư. Ông là người chuộng lẽ phải, biết lý luận, luôn có một cách nhìn thực tế về thế giới. Con có hiểu nhà văn thực sự là người thế nào không?” Sau khi tìm hiểu, ông tự giải đáp:
+ Nhà văn là người lúc nào cũng mang kính và không bao giờ chải đầu. Một nửa thời gian, nhà văn tỏ ra tức giận về mọi chuyện, một nửa khác thì thất vọng. Ông ta dành ra phần lớn cuộc đời mình nơi các quán rượu, tranh luận với các nhà văn khác, cũng tóc tai rối bù và mang kính. Ông ta luôn nói những điều “ sâu sắc”. Ông luôn có những ý tưởng lạ lùng cho cốt truyện của tác phẩm sắp tới của mình và ghét bỏ tác phẩm ông vừa xuất bản.
+ Nhà văn có nhiệm vụ là không bao giờ được thế hệ của mình hiểu được, tự cho là mình đã sinh ra vào một thời đại tầm thường, và tin rằng được người khác hiểu có nghĩa là đánh mất đi cơ hội được xem như là thiên tài. Nhà văn đọc lại và sửa lại mỗi câu mình viết rất nhiều lần. Vốn từ vựng của một người trung bình bao gồm 3.000 từ, một nhà văn thực thụ không bao giờ dùng đến từ nào trong số đó, bởi vì trong từ điển còn có tới 189.000 từ khác, và nhà văn không phải là người trung bình.
+ Nhà văn muốn nói điều gì thì chỉ những nhà văn khác mới hiểu được. Tuy vậy ông ta vẫn ghét tất cả những nhà văn khác vì họ lúc nào cũng dùng mánh khóe để giành lấy những khoảng trống do văn học sử từ nhiều thế kỷ để lại. Và như thế, nhà văn và những người đồng hạng với mình luôn cạnh tranh để giành giải thưởng “ cuốn sách phức tạp nhất “ và người thắng giải là người biết viết sao cho khó đọc nhất.
+ Khi được hỏi đang đọc gì, nhà văn luôn nhắc đến một cuốn sách mà chưa ai từng nghe nói đến.( … )
Nghe những lời này, bà mẹ lại càng ngạc nhiên hơn. “ Nhưng dù sao, làm kỹ sư dễ dàng hơn nhiều con ạ. Vả lại, con có mang kính đâu.”
Lo ngại trước xu hướng có vẻ bất bình thường này, năm ông mười bảy tuổi,gia đình đưa ông vào điều trị tại một bệnh viện tâm thần. Ba lần ông tìm cách thoát khỏi nơi này và chỉ thực sự trở lại cuộc sống gia đình năm hai mươi tuổi. Về việc này, ông cho rằng: “ Cha mẹ tôi làm điều này không phải để tôi phải khổ, chẳng qua họ chẳng biết làm gì khác.Họ làm vậy không phải để hại tôi, mà để cứu tôi thôi.” Sau đó, để cha mẹ vui lòng, ông ghi tên học luật, nhưng chỉ một năm thì bỏ.
Năm 1970, 23 tuổi, Paulo Coelho du lịch sang các nước Peru, Bolivia, Chile, Mexico, rồi đến Châu Âu và Bắc Phi. Hai năm sau, ông về lại Brazil, tham gia tích cực vào phong trào hippie, lúc này đang phát triển mạnh. Ông gặp Raul Seixas và trở thành người viết ca từ cho nhà soạn nhạc và ca sĩ nổi tiếng này. Trong nhiều năm, cả hai đã làm dấy lên phong trào nhạc rock và gây được tiếng vang lớn. Thời gian này, ông làm quen và chẳng bao lâu kết hôn với họa sĩ Cristine. Cuộc đời nhiều biến động của Paulo Coelho lại ghi thêm một sự kiện đáng nhớ: do tham gia nhiều tổ chức văn hóa nghệ thuật, năm 1974, ông bị bắt giam vì bị cho là có nhiều hoạt động nhằm lật đổ chế độ độc tài Brazil, may nhờ hồ sơ ghi lại những năm ở bệnh viện tâm thần nên ông sớm được thả. Sau đó, ông tham gia viết bài cho các tạp chí ca nhạc, cho đến năm 1978, không chịu nổi nhịp sống nhàm chán, ông bỏ việc và bỏ luôn cả vợ, để trở lại Châu Âu du lịch. Ông dừng chân tại Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha, và trên con đường hành hương Compostelle ông quyết định trở thành tín đồ đạo Cơ đốc và bắt đầu chú tâm hơn vào việc thực hiện ước mơ trở thành nhà văn mà ông hằng ấp ủ từ hồi nhỏ. Tất cả những trải nghiệm này được ông thuật lại trong “Người hành hương”, cuốn sách đầu tiên của ông, xuất bản năm 1987. Một năm sau, ông viết cuốn Nhà Giả Kim, ban đầu chỉ phát hành 900 bản tại một nhà xuất bản nhỏ ở Brazil, ít lâu sau, ông giao cho một nhà xuất bản khác và nhanh chóng sách được đón nhận nồng nhiệt, không những chỉ ở trong nước mà trên khắp thế giới. Tính đến nay đã có 65 triệu bản, được dịch ra 71 ngôn ngữ, mới nhất là bản dịch sang tiếng Malta, một đảo quốc ở Địa trung Hải.
Nhà Giả Kim là câu chuyện đầy ẩn dụ về cuộc phiêu lưu của chàng trai trẻ Santiago. Trong khi bố mẹ cậu kỳ vọng cậu trở thành linh mục thì Santiago chọn làm người chăn cừu để thực hiện được mơ ước được chu du đây đó. Cậu thường mơ thấy một đứa bé dẫn cậu đến chân Kim tự tháp và bảo rằng nơi đây chôn giấu một kho báu lớn. Cậu tìm đến một người giải mộng và được trả lời: “ Giấc mơ là ngôn ngữ của Chúa. Nếu Người nói bằng ngôn ngữ thế gian thì ta giải được. Nhưng nếu Người nói bằng ngôn ngữ của tâm linh thì chỉ mình cậu có thể hiểu được thôi.” Cậu quyết định từ bỏ đàn cừu đã gắn bó với mình lâu nay để lên đường tìm sang Ai Cập.. Trên bước đường phiêu lưu đầy khó khăn, trắc trở, chàng đã làm nhiều việc, gặp nhiều người và chuyện trò với mỗi người để dần dần tự giải được giấc mơ của chính mình. Khi đến một ốc đảo, cậu được khuyên nên dừng chân bởi phía trước cậu là chiến tranh giữa các bộ tộc. Rồi cậu gặp Fatima, cô gái trên sa mạc và đem lòng yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên. Chàng vấp phải một sự lựa chọn nghiệt ngã: Ở lại với tình yêu hay tiếp tục lên đường thực hiện ước mơ? Cậu quyết định tạm biệt người yêu và đi tiếp cuộc hành trình đầy gian nan. Dọc suốt chặng đường dài trước mặt, cậu chiêm nghiệm được nhiều điều:
“ Sự thật lớn lao trên hành tinh này chính là: Bất kể anh là ai, bất luận anh làm gì, khi anh thực tâm mong muốn điều gì thì đó là điều xuất phát từ cõi Tâm linh Vũ trụ. Đó là sứ mệnh của anh trong cuộc đời.” “ Nhiệm vụ duy nhất của mỗi chúng ta là thực hiện sứ mệnh của mình… Khi anh thực sự mong muốn điều gì thì toàn vũ trụ sẽ chung sức giúp anh đạt được điều đó.”
“ Hãy lắng nghe trái tim mình. Nó biết mọi điều vì nó đến từ Tâm linh Vũ trụ và một ngày kia sẽ trở về đó.” “ Trái tim anh ở đâu thì kho báu anh tìm cũng ở đó.” Và chàng đã lắng nghe lời của trái tim: “Ai ai trên trái đất cũng đều có một kho báu chờ đợi mình. Chúng tôi, trái tim loài người, ít khi nói về những kho báu này vì người ta không còn muốn đi tìm chúng nữa.Chúng tôi thường chỉ nói về chúng với trẻ con thôi. Sau đó, chúng tôi để cho cuộc đời hướng dẫn mỗi người đến với số phận của mình. Song tiếc thay rất ít người đi theo con đường tiền định, con đường dẫn đến sứ mệnh và hạnh phúc.”
Khi đến được dưới chân Kim tự tháp, cậu ra sức đào nhưng chẳng thấy vàng ở đâu cả mà còn bị một nhóm người lạ mặt đánh đập và cướp mất tiền trong túi. Khi cậu thú nhận là do nằm mơ nên mới tới đây đào tìm kho báu, một tên cho biết: " Hai năm trước, ngay chính chỗ này, tao cũng đã nhiều lần mơ rằng tao phải đi Tây Ban Nha, tìm một ngôi nhà thờ làng đã sụp đổ, nơi lũ chăn cừu thường đến ngủ với đàn cừu, ở đó có một cây sung mọc nơi nhà kho đồ lễ và nếu đào xuống dưới gốc cây sung thì sẽ tìm thấy kho báu giấu bên dưới.Tao đâu có ngu để chỉ vì đã hai lần mơ như thế mà vượt sa mạc."
Thật lạ lùng, ngôi nhà thờ nhỏ mà bọn cướp nhắc đến chính là nơi mà Santiago vẫn thường dừng chân nghỉ ngơi với đàn cừu thuở trước. Cậu quay về chốn cũ và tìm được kho báu ngay tại nơi này. Vậy là kho báu ở ngay trong tầm tay nhưng nếu Santiago không can đảm, quyết tâm từ bỏ tất cả để tự giải mã giấc mơ của mình thì cậu sẽ không bao giờ có được tình yêu, hạnh phúc và thỏa nguyện.
Với lối dẫn chuyện nhẹ nhàng, giản dị, thông qua những tình tiết ly kỳ như truyện cổ tích, Paulo Coelho đã mang đến cho người đọc một thông điệp về ý nghĩa cuộc sống: hãy biết ước mơ, lắng nghe trái tim mình để quyết tâm biến ước mơ thành hiện thực. Tiểu thuyết viết với nhiều ẩn dụ, ẩn ngữ này khiến người đọc liên tưởng đến hai tác phẩm khác cũng đã rất nổi tiếng trước đó: Le Petit Prince của St Exupéry và The Prophet của Khalil Gibran .
Nhiều hình ảnh, nhiều ý tưởng trong Nhà Giả Kim ( như tiếng nói của trái tim, bài học từ sa mạc, con người tự tìm cách để thực hiện “ truyền thuyết cá nhân “ của mình… ) được Paulo Coelho tiếp tục khai thác trong những tác phẩm viết sau này.
Người đọc quen thuộc với không khí ảo mộng, cốt truyện thần kỳ và văn phong trong trẻo của Nhà Giả Kim sẽ thấy hoàn toàn bất ngờ khi đọc đến 11 phút ( 2002 ).Ý nghĩa của nhan đề này là gì? Đấy là thời gian mà một cô gái làng chơi phải mất cho mỗi người khách của mình! ( “ Sự thực là chỉ bốn mươi lăm phút và nếu trừ đi thời gian để cởi quần áo, làm một cử chỉ âu yếm giả vờ , trao đổi vài mẩu chuyện chẳng thú vị gì và mặc lại quần áo, thì thời gian thực tế để làm chuyện ấy chỉ có 11 phút.”) Như vậy là tiểu thuyết 11 phút hẳn là viết về đề tài “ nhạy cảm” này. Paulo Coelho không ngần ngại nói thẳng từ những dòng bắt đầu truyện :
"Ngày xửa ngày xưa, có một cô gái làng chơi tên là Maria. Mà khoan đã. “ Ngày xửa ngày xưa” là cách mở đầu một câu chuyện dành cho trẻ em , còn “gái làng chơi” là ngôn ngữ người lớn. Làm sao có thể bắt đầu một cuốn sách với một mâu thuẫn rõ ràng như vậy được? Nhưng xét cho cùng, bởi vì trong mọi khoảnh khắc của cuộc đời, chúng ta đều đặt một chân trong truyện cổ tích và chân kia trong vực thẳm, vậy thì hãy cứ giữ câu mở đầu như vậy.
Ngày xửa ngày xưa, có một cô gái làng chơi tên là Maria. Như tất cả cô gái làng chơi khác, Maria sinh ra trong trắng, ngây thơ, và vào tuổi mới lớn, cô từng mơ ước sẽ gặp được người đàn ông của đời mình ( giàu có, đẹp trai, thông minh ), kết hôn với anh ta ( mặc bộ áo cưới ), có với anh hai đứa con ( sẽ nổi tiếng ), cùng ở trong căn nhà xinh ( có hướng nhìn ra biển ) ..."
Maria sớm kiếm việc làm tại một cửa hàng vải, và cuộc phiêu lưu bắt đầu khi cô đi nghỉ mát tại bãi biển Copacabana, một người đàn ông Thuỵ Sĩ mời cô sang nước ông làm nghệ sĩ múa samba và hứa hẹn một cuộc sống tươi đẹp với lương cao, danh tiếng và cơ hội khám phá một chân trời mới tại một thành phố xinh đẹp, trên một đất nước xa lạ cô chưa hề nghe đến tên, khác hẳn với làng quê nghèo nàn của cô. Maria tưởng chừng câu chuyện cổ tích của đời mình đã bắt đầu, nhưng thực tế hoàn toàn khác. Từ mơ ước bước vào vùng ánh sáng chan hoà, cô bị đẩy vào nơi tối tăm sâu thẳm nhất: phải hành nghề mại dâm với những ràng buộc nghiệt ngã, phải tôn trọng giá cả đã định, tránh xa ma tuý và nhất là không được yêu đương vớ vẩn. Vậy mà Maria là một cô gái luôn khao khát tình yêu, từ lúc mới 11 tuổi, cô đã thấy rung động khi trên đường đi học một bạn trai cùng trường đến hỏi mượn cây bút chì, cô không trả lời để rồi về nhà ân hận vì thái độ của mình và mấy hôm sau muốn chuộc lại lỗi lầm nhưng không còn cơ hội, bạn ấy đã chuyển trường bỏ đi. Cô chấp nhận trở thành gái bán hoa và chịu khó học hỏi, kiến thức và kinh nghiệm, thủ đoạn và mánh lới, để làm vừa lòng đủ loại khách hàng. Bao nhiêu đàn ông đã đến với cô nhưng không ai mang lại cho cô cảm giác yêu thương hay khoái lạc, vì trong sâu thẳm tâm hồn cô, giấc mơ sẽ yêu và sẽ được yêu vẫn như một ngọn lửa âm ỉ cháy. Cho đến khi Ralf xuất hiện, mang theo ngọn gió ấm áp của tình yêu đích thực thì cô mới thoát khỏi những ám ảnh tội lỗi xấu xa của tình dục để đến với thiên đường của mơ ước, của tình yêu trong sáng và hạnh phúc lứa đôi.
" Làm sao anh lại có thể yêu một cô gái điếm thế?
Lúc đầu anh cũng không hiểu rõ. Nhưng bây giờ, anh đã suy nghĩ kỹ về điều đó, anh nghĩ rằng vì anh biết thân thể em không bao giờ thuộc về một mình anh, nên anh phải tập trung vào việc chinh phục tâm hồn em..."
Maria lẳng lặng bỏ đi, như để thử thách người khách muốn làm người tình này - và thử thách chính mình- nào hay Ralf cũng lẳng lặng tìm theo cô, cuộc gặp bất ngờ tại Paris đủ để khẳng định sức mạnh của tình yêu.
Tuy có những trang mô tả cảnh làm tình, viết bằng một giọng văn trần trụi dữ dội, 11 phút không hề là một truyện khiêu dâm, ngược lại chỉ là một tiểu thuyết thắm đẫm tính nhân văn, cho thấy tình yêu khi được thăng hoa sẽ biến thành lẽ sống.
" Không thể thay đổi một con người bằng tri thức, thứ duy nhất có thể làm thay đổi tâm trí một con người là tình yêu."
Một tác phẩm nổi tiếng khác của Paulo Coelho là Như dòng sông đang chảy, không phải là tiểu thuyết, nhưng không biết xếp vào thể loại gì, vừa như tuỳ bút, vừa như truyện ngắn, tạm gọi là tản văn. Đây là tập hợp 101 bài viết ông đã đăng trong nhiều nhật báo và tạp chí khắp nơi trên thế giới từ năm 1998 đến năm 2005. Chuyện kể về lẽ sống, cái chết, về định mệnh, số phận, về tình yêu lỡ mất và tìm thấy lại..., giọng văn có khi hài hước, có khi nghiêm túc, nhưng lúc nào cũng thâm trầm sâu sắc. Viết đăng báo nên bài ngắn nhất chỉ dăm bảy dòng, dài nhất là hai ba trang. Chú trọng đến nội dung, Paulo Coelho không cần gợi trí tò mò của độc giả bằng những cái tít giật gân. Có khi chỉ là một địa danh, nơi ông đến: Prague 1981; Copacabana, Rio de Janeiro ; Jordan, Biển Chết, 21 tháng 6,2003; Tại hải cảng Miami; có khi chỉ là một thời điểm: Một ngày tháng 1,2005; một nhân vật: Nhạc phụ của tôi, Christiano Oiticica; và hầu hết đều ngắn gọn: Đám tang của tôi; Một câu chuyện cổ tích; Sách và thư viện; Một mình trên đường v.v. Đọc Như dòng sông đang chảy ta như bắt gặp bản tóm tắt những giai đoạn của cuộc đời sống động của tác giả, nhiều trắc trở lắm gian truân mà không thiếu những lắng đọng trầm tư.
Đằng sau hình ảnh một nhà văn ẩn giấu bóng dáng một con người ham đọc sách, ưa du lịch, say mê âm nhạc, thể thao. Mỗi ngày bình thường của Paulo Coelho bắt đầu từ việc thức dậy rất sớm, đi dạo hai tiếng đồng hồ, xong rồi lấy một trong ba chiếc cung sẵn có bắn ra hai mươi bốn mũi tên. Việc bắn cung này là thực hiện Cung đạo, một môn thể thao - võ thuật của người Nhật ( Kyudo ), không chỉ đơn thuần là tập bắn cung sao cho chính xác mà còn giúp cho người luyện tập rèn luyện phẩm chất, sức mạnh tinh thần, sự am hiểu, và lòng kính trọng giữa người với người. Mục tiêu phải đạt được chính là mục tiêu nội tại nằm trong trái tim của ý chí hơn là cái mục tiêu bên ngoài. Ông đã viết cuốn Phương thức của cây cung, trình bày và giải thích tỉ mỉ về cây cung ( là cuộc sống, cội nguồn của tất cả năng lực ), mũi tên ( là ý chí ), mục tiêu, tư thế, cầm mũi tên như thế nào, cách nắm giữ cây cung, cách giương cung, nhìn vào mục tiêu như thế nào... Cung đạo không chỉ là một môn thể thao mà là cả một triết lý.
" Một lời nguyện cầu không có hành động cũng như một mũi tên không có cây cung.
Một hành động không có nguyện cầu cũng như một cây cung không có mũi tên".
" Khi người bắn cung giương cung lên, anh ta có thể thấy cả thế giới trong cây cung của mình. Khi anh ta theo dõi đường bay của mũi tên, cái thế giới ấy đến gần anh ta hơn, vuốt ve anh ta và cho anh ta một cảm giác mãn nguyện của việc hoàn thành nhiệm vụ.
Là người chiến binh của ánh sáng, một khi đã thực hiện nhiệm vụ và chuyển hoá ý định của mình thành động tác, thì anh ta không còn sợ gì nữa: anh ta đã làm những gì nên làm. Anh ta không để mình bị tê liệt vì sợ hãi. Thậm chí nếu mũi tên không chạm vào mục tiêu, anh ta sẽ có một cơ hội khác, bởi vì anh ta không thoả hiệp với sự hèn nhát."
Thời gian cầm bút của Paulo Coelho cho đến nay tuy chưa tới 30 năm nhưng cũng đủ để ông thu hút được hàng chục triệu người đọc thuộc nhiều tầng lớp, nhiều nền văn hóa hoàn toàn khác biệt. Sự thành công này chủ yếu dựa vào các tác phẩm đầy tính nhân văn, lấy nguồn cảm hứng từ những trải nghiệm cuộc sống phong phú của ông, được viết một văn phong nhẹ nhàng, giản dị, dễ hiểu, dễ dịch. Đã rất nổi tiếng, đạt được nhiều giải thưởng giá trị, là thành viên Hàn lâm viện Văn học của Brazil từ 2002, vậy mà ngay trên quê hương của mình, ông thường bị công kích là thiếu sáng tạo, quảng cáo rầm rộ mỗi lần ra sách mới và thậm chí là có khi viết sai ngữ pháp! Quen nghe những lời này, ông chỉ đáp lại là đối với ông, ông chỉ cần quan tâm tới việc sách của ông đang được đông đảo bạn đọc đón nhận.
“ Tôi nghĩ là nhà văn cứ việc viết, nhà phê bình thì bình phẩm còn độc giả thì đọc sách. Còn chuyện sách của tôi giản dị, tôi hoàn toàn tán đồng ý kiến các nhà phê bình. Viết giản dị là điều khó khăn nhất.”
Hiện nay, Paulo Coelho vẫn còn sáng tác, sách mới của ông đều được dịch và được các nhà xuất bản nổi tiếng phát hành, ở Mỹ, NXB HarperCollins, ở Pháp, NXB Flammarion, và được bán trên mạng internet qua kênh Kindle. Độc giả khắp nơi trên thế giới vẫn chờ đón tác phẩm mới của ông.
***
Người phụ nữ được nhắc đến ở đây là bà Shirin Ebadi, một người phụ nữ Iran 56 tuổi, một nhà hoạt động nhân quyền, luật sư, đồng thời là thẩm phán, người đạt giải Nobel Hoà bình năm 2003 “ vì những nỗ lực tiên phong cho sự dân chủ và quyền con người, đặc biệt là quyền phụ nữ, quyền trẻ em và quyền của người tị nạn “. Bà là người phụ nữ Iran đầu tiên, người phụ nữ Đạo Hồi đầu tiên được nhận giải thưởng.
Shirin Ebadi là một trong những thẩm phán đầu tiên ở Iran và nhận được bằng luật sư của ĐH ở Tehran. Bà đã đấu tranh không mệt mỏi cho các vấn đề quyền của trẻ em và phụ nữ. Bà cũng từng giành được giải thưởng về nhân quyền có tên “Rafto Prize” ở Na Uy năm 2001.
"Shirin Ebadi là một người dũng cảm và không bao giờ chùn bước trước những lời đe dọa", một thành viên của Ủy ban Nobel 2003 cho biết.
“ Trong 2 năm qua, một vài quốc gia đã lợi dụng sự kiện 11- 9 và cuộc chiến chống khủng bố để vi phạm các nguyên tắc quốc tế và luật nhân quyền. Các qui định nhằm hạn chế nhân quyền và các quyền tự do cơ bản đã được điều chỉnh và được hợp thức hóa dưới cái áo của cuộc chiến chống khủng bố , “ Shirin Ebadi nói.
Trong bài phát biểu tại lễ nhận giải, tổ chức tại Oslo, thủ đô Na Uy, ngày 10/12, Shirin Ebadi không nêu đích danh, nhưng rõ ràng Mỹ và đồng minh chính là đối tượng chỉ trích của bà. Ebadi cũng lên án Washington đã lờ đi các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc về Trung Đông và cuộc chiến tại Iraq. Bà cũng chỉ trích Mỹ vi phạm các công ước Geneva
về đối xử với tù binh tại nhà tù quân sự của Mỹ tại đảo Guantanamo.
Ebadi là người phụ nữ thứ 11 giành giải Nobel Hoà bình kể từ khi giải thưởng được thiết lập năm 1901.
***
Một tuần sau Hội chợ Sách Frankfurt 2003, tôi nhận một cuộc gọi từ nhà phát hành sách của tôi ở Na Uy. Ban tổ chức buổi hoà nhạc nhân lễ phát giải Nobel Hoà bình cho bà Shirin Ebadi muốn nhờ tôi viết một cái gì đó cho sự kiện này.
Đây là một vinh dự mà tôi không nên khước từ, Shirin Ebadi là một khuôn mặt huyền thoại. Có lẽ bà thấp chưa tới một mét rưỡi, nhưng bà có đủ uy thế để nói lên những thông điệp bảo vệ nhân quyền, và tiếng nói của bà vang lên khắp cả thế giới. Cùng lúc đó, tôi lại có chút lo lắng về một nhiệm vụ như thế - sự kiện này sẽ được trực tiếp truyền hình đến 110 quốc gia, và tôi chỉ có hai phút để nói về một người đã cống hiến cả cuộc đời cho những người khác. Tôi tản bộ trong khu rừng gần nhà máy xay cũ kỹ nơi tôi sống ở châu Âu. Đã có lúc tôi định gọi điện thoại cho họ biết rằng tôi không thể nghĩ ra điều gì để nói; thế nhưng, điều làm cho cuộc sống thú vị lại là những thử thách ta phải đối diện, và như thế, cuối cùng tôi chấp nhận lời mời.
Tôi du hành đến Oslo vào ngày 9 tháng 12, và ngày hôm sau - một ngày nắng đẹp - tôi có mặt trong hàng khán giả tại buổi lễ trao giải. Những cửa sổ rộng lớn của toà đại sảnh mở ra trước khung cảnh của hải cảng, nơi, cách đây hai mươi năm, cũng vào mùa này, tôi đã ngồi với vợ, nhìn ra biển lạnh buốt và ăn những con tôm vừa được những tàu đánh cá mang vào. Tôi nghĩ về cuộc hành trình dài đã mang tôi từ hải cảng đó đến căn phòng này, nhưng những hồi ức của tôi bị cắt ngang bởi những tiếng kèn trumpet và sự xuất hiện của Nữ hoàng cùng hoàng gia. Ban tổ chức trao tặng giải thưởng và Shirin Ebadi phát biểu một bài diễn văn đầy nhiệt huyết, kịch liệt phản đối thái độ của một vài chính quyền đang sử dụng cái gọi là chiến tranh chống khủng bố như một sự bào chữa để cố gắng tạo ra một loại nhà nước cảnh sát toàn cầu.
Đêm hôm đó, tại buổi hoà nhạc vinh danh người nhận giải, nữ diễn viên Catherine Zeta - Jones công bố rằng bài viết của tôi sẽ được đọc. Ngay lúc đó, tôi nhấn nút trên điện thoại di động của mình, và chuông điện thoại reo lên tại nhà máy cũ kỹ nơi tôi sống ( điều này đã được xếp đặt trước), và vợ tôi bất ngờ cùng có mặt với tôi để lắng nghe Michael Douglas đọc những lời tôi viết.
Đây là những gì tôi viết, những lời mà tôi nghĩ là thích hợp cho tất cả những ai đang nỗ lực để tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn.
Nhà thơ xứ Ba Tư Rumi có lần nói rằng cuộc đời giống như một sứ giả được nhà vua gởi đến một đất nước khác để thực hiện một trọng trách. Sứ giả có thể làm hàng trăm việc khác nhau trên đất nước nước kia, nhưng nếu người ấy không hoàn thành chỉ riêng cái trọng trách được giao phó, thì kể như chưa có việc gì đã làm:
Xin vinh danh người phụ nữ, người đã hiểu được trọng trách của mình,
Xin vinh danh người phụ nữ, người đã nhìn vào con đường phía trước, và biết rằng hành trình của mình đầy khó khăn.
Xin vinh danh người phụ nữ, người đã không cố gắng để xoa dịu những khó khăn này, nhưng, ngược lại, đã lên tiếng chống lại chúng và phơi bày chúng rõ ràng trước mắt mọi người,
Xin vinh danh người phụ nữ, người làm cho những kẻ cô đơn bớt đơn độc, người nuôi dưỡng những ai khao khát công lý, người làm cho kẻ áp bức cảm thấy đau khổ như những người bị áp bức.
Xin vinh danh người phụ nữ, người luôn mở rộng cửa, với đôi tay luôn làm việc và đôi chân luôn bước tới.
Xin vinh danh người phụ nữ, người là hiện thân của những câu thơ của một nhà thơ Ba Tư khác, Hafez, khi ông ta nói:
Thậm chí bảy ngàn năm của niềm vui cũng không thể biện minh cho bảy ngày áp bức.
Xin vinh danh người phụ nữ, người có mặt đêm nay, cầu mong bà là mỗi người của chúng ta, cầu mong cho tấm gương của bà được truyền bá, cầu mong cho bà vẫn còn nhiều ngày khó khăn trước mặt, để bà có thể hoàn tất công việc của bà, nhờ đó mà trong những thế hệ tiếp theo, ý nghĩa của chữ “ bất công “ sẽ chỉ được tìm thấy trong những định nghĩa của từ điển và không bao giờ có trong đời sống con người.
Và cầu mong cho bà du hành một cách chậm rãi, bởi vì bước chân của bà là bước chân của sự chuyển hóa, và sự chuyển hoá, sự chuyển hóa đúng nghĩa, luôn luôn cần một thời gian rất dài.
THÂN TRỌNG SƠN
dịch và giới thiệu
Tháng 4/2024
( theo bản tiếng Anh của Margaret Jull Costa,
trích Like the Flowing River, trang 67-69 )