LANGSTON HUGUES
1902 - 1967
Một nghệ sĩ phải được tự do chọn việc mình làm, hẳn nhiên như vậy, nhưng anh ta cũng phải không bao giờ sợ hãi khi làm những việc mình đã chọn.
( An artist must be free to choose what to do, certainly, but he must also never be afraid to do what he might choose. )
Nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch Mỹ.
Sinh tại Missouri ngày 1/2/1902, James Langston Hugues chẳng phải là người “ đen, đen như đêm tối” mà một trong những bài thơ đầu tiên của ông nói tới. Về họ nội, ông thuộc dòng dõi một người buôn nô lệ Do thái ở Kentucky và một người chưng cất rượu gốc Écossais. Họ bên ngoại của ông cũng không kém phức tạp.
Sau khi ông ra đời, cha ông quyết định bỏ đi sang Mexico, nơi không còn phải chịu nạn phân biệt chủng tộc. Hai vợ chồng đành phải chia tay. Bà mẹ chỉ sống nhờ thu nhập ít ỏi khi kiếm được việc làm, không thể chăm sóc con.
Học xong bậc trung học, Langston Hugues làm giáo viên dạy tiếng Anh ở Mexico, có thời gian ông sống ở châu Âu. Năm 1926, in tập thơ đầu tiên « Weary Blues “ ( những khúc Blues buồn). Khi bắt đầu nổi tiếng, ông mới vào Đại học Lincoln và tốt nghiệp năm 1929. Năm 1943, nhận bằng tiến sĩ văn chương của Đại học Lincoln, năm 1963, nhận bằng tiến sĩ văn chương thứ hai của Đại học Harvard. Năm 1962, sang Liên Xô, sau đó sang Trung Quốc, Tây Ban Nha rồi trở về Mỹ.
Chỉ sống 65 năm, ông để lại nhiều tác phẩm thuộc nhiều thể loại: 16 tập thơ, nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch và truyện viết cho thiếu nhi. Những tập thơ nổi tiếng nhất: Shakespeare in Harlem, 1942; One-Way Ticket, 1945; Montage of a Dream Deferred, 1952; The Panther and the Lazer, 1967.
Châm ngôn của ông trong công việc là:
“ Điều duy nhất để hoàn tất một việc là bắt tay vào làm, tiếp tục thực hiện và cuối cùng bạn cũng hoàn tất nó “ ( The only way to get a thing done is to start to do it, then keep on doing it, and finally you’ll finish it ).
Ông viết nhiều thơ nhưng tựu trung, các chủ đề chính trong thơ ông đều xuất phát từ cuộc sống cá nhân, kinh nghiệm với dân tộc, những cuộc du hành, và sự dấn thân vào phong trào đấu tranh chống nạn kỳ thị chủng tộc.
- Tự hào chủng tộc.
Thơ Langston Hugues nêu bật chủ đề về tự hào chủng tộc. Ông có niềm tin mãnh liệt về sự tự hào đó, có thể nói ông là người phát ngôn của chủng tộc mình. Ông luôn thúc giục đồng bào mình hãy tự hào về chủng tộc. Nhiều bài như “ I, too »
( Tôi cũng vậy ) “ The Negro speaks of Rivers « ( Người da đen nói về những dòng sông) là những bài tiêu biểu.
Trong bài “ Color « ( Sắc màu) nói với đồng bào mình:
Wear it
Like a banner
For the proud
Not like a sproud.
Hãy mang nó
Như một ngọn cờ
Để tự hào
Không phải như vải liệm.
- Sự trục xuất và di sản văn hoá.
Ông lột tả lịch sử sự trục xuất những người nô lệ khỏi những dòng sông đen tối và những đại dương. Ông liên kết chủng tộc những người Mỹ da đen với những dòng sông. Ông nối kết tâm hồn và di sản của cộng đồng người da đen với bốn con sông lớn ở Trung Đông, châu Phi và châu Mỹ. Bằng cách này, bài thơ phác hoạ hành trình của người da đen và nối kết cộng đồng này với sự khai sinh văn hóa. Ông nhấn mạnh sự tồn tại của chủng tộc da đen với phong trào qua thời gian.
The Negro speaks of Rivers
I’ve known rivers
I’ve known rivers ancient as the world and older
than the flow of human blood in human veins
My soul has grown deep like the rivers
I bathed in the Euphrates when dawns were young.
I built my hut near the Congo and it lulled me to sleep.
I looked upon the Nile and raised the pyramids above it.
I heard the singing of the Mississippi when Abe Lincoln
went down to New Orleans, and I’ve seen its muddy
bosom turn all golden in the sunset.
I’ve known rivers:
Ancient, dusky rivers.
My soul has grown deep like the rivers.
Người da đen nói chuyện về những dòng sông.
Tôi biết những dòng sông
Tôi biết những dòng sông cổ xưa như trái đất và già hơn dòng máu trong nhân gian trong huyết quản của con người.
Tâm hôm tôi trở nên sâu thẳm như những dòng sông.
Tôi tắm trong dòng sông Euphrates trong binh minh son trẻ
Và dựng lều gần dòng Congo.
Rồi nó ru tôi vào giấc ngủ.
Tôi nhìn xuống dòng Nile và dựng lên những kim tự tháp trên chính dòng sông.
Tôi đã nghe tiếng hát con sông Mississippi xuôi dòng xuống New Orleans
và tôi thấy lòng sông bùn lầy trở nên vàng óng ả bởi hoàng hôn.
Tôi biết những dòng sông
những dòng sông cổ xưa và mờ tối
Tâm hồn tôi bỗng trở nên sâu thẳm như những dòng sông.
Bài thơ ngụ ý rằng những con sông lớn trên thế giới, nền văn hoá châu Phi sẽ tồn tại và ngày càng sâu thẳm ).
- Bất công xã hội và sự đấu tranh đòi bình đẳng.
Thơ ông giải thích những điều kiện xã hội không công bằng mà người da đen phải chịu: một loạt các bài thơ như I dream a world, Open Letter to the South, Justice, Let America Be America Again, I Too, Mother to Son… đều nói rõ sự bất công người da đen phải chịu và hy vọng sẽ đòi được công bằng.
I, too
I, too, sing America
I am the darker brother
They send me to eat in the kitchen
When company comes,
But I laugh,
And eat well
And grow strong,
Tomorrow I’ll be at the table
when company comes
Nobody’ll dare
say to me
to eat in the kitchen.
Besides,
They’ll see how beautiful I am
And are ashamed.
I, too, am America.
Tôi cũng vậy.
Tôi cũng ngợi ca nước Mỹ chứ
Tôi là người anh em da sậm
bị đuổi xuống bếp ngồi ăn
Khi có khách đến nhà.
Nhưng tôi vẫn cười
ăn khoẻ và lớn mạnh.
Mai này
Tôi sẽ ngồi cùng bàn
Khi nào có khách
Lúc ấy sẽ không ai
dám bảo tôi
“ mi xuống bếp mà ăn “.
Mặt khác
họ sẽ lấy làm hổ thẹn
khi nhận thấy tôi đẹp biết mấy.
Tôi cũng là nước Mỹ vậy.
- Giấc mơ nước Mỹ.
Đây là giấc mơ của tất cả cộng đồng da đen, đây là lý tưởng có thể mang lại công bằng bất chấp màu da của mọi công dân. Lịch sử châu Mỹ là vùng đất của tự do, công bằng để thực hiện giấc mơ của mỗi cá nhân. Sau khi xoá bỏ chế độ nô lệ, trong khi người da trắng thực hiện giấc mơ nước Mỹ thì người da đen vẫn chưa được công nhận là thành phần của giấc mơ đó.
- Phân biệt chủng tộc.
Trong nhiều thế kỷ, người da đen phải chịu sự phân biệt đối xử của xã hội Mỹ. Đạo luật Jim Craw đã không cho họ quyền bầu cử, tìm việc làm, không được giáo dục và những cơ hội khác. Người da đen không được theo học những trường dành cho người da trắng, không được đến công viên, không được ngồi cạnh người da trắng trong rạp hát hay những nơi công cộng.
- Sự đấu tranh và đau khổ của người da đen
Đây là một cuộc đấu tranh không ngưng nghỉ, họ phải chịu thù ghét và áp bức. Thơ ông mô tả quá trình bị làm nô lệ, bị lao động, mua bán như những món đồ chơi. Đây là điểm tối của lịch sử nước Mỹ, người da đen phải ý thức điều đó.
- Mơ ước của người Mỹ da đen.
Một loạt bài thơ đều mang nhan đề gắn với Mơ ước ( Dream ): Dream Deferred, Dreams, Dream Variation, I Continue to Dream, As I Grow Older, The Dream Keeper.
- Sự quan trọng của Âm nhạc, đặc biệt là Blues và Jazz.
Âm nhạc có ảnh hưởng sâu sắc đến Langston Hugues. Ông coi đây là loại hình nghệ thuật duy nhất để diễn đạt của người Mỹ da đen. Ông gắn kết chúng với thơ để ca ngợi di sản văn hoá châu Phi, lập nên một trường phái gọi là thơ ca jazz ( jazz poetry), và ông trở thành một jazz poet nổi tiếng trong thời Phục hưng Harlem.
Cần hiểu Blues là dân ca xuất phát từ những người nô lệ ở miền Nam Hoa Kỳ. Blues có hình thức và âm điệu rất khác biệt các thể loại âm nhạc khác. Ca từ của Blues có hình thức một câu thơ bao gồm nhiều đoản khúc ( stanza ), mỗi đoản khúc có ba câu. Hai câu thơ đầu, mỗi câu được lặp lại hai lần, câu thứ ba là câu dùng để giải thích hay kết luận ý tưởng do câu đầu mở ra.
Blues thường hát về nỗi khổ đau hay thân phận của con người. Ca từ Blues gói ghém nỗi buồn nhân thế, là những bài học rút ra từ kinh nghiệm cuộc đời vì thế chứa đựng những hình ảnh của cuộc sống hiện thực.
Còn Harlem là thành phố của người da màu di cư từ miền Nam lên để lập nghiệp Harlem cũng là nơi quy tụ những nhạc sĩ Jazz tài ba.
“ Most of my poems are racial in them and treatment, derived from the life I knew. In many of them I try to grasp and hold some of the meanings and rhythms of jazz.”
( Phần lớn thơ của tôi viết về chủ đề phân biệt chủng tộc, và cách ứng xử với tệ nạn này, rút từ kinh nghiệm cuộc đời theo sự hiểu biết của tôi. Trong nhiều bài thơ, tôi cố gắng chuyên chở ý nghĩa và nhịp điệu của jazz )
The Weary Blues
Droning a drowsy syncopated tune,
Rocking back and forth to a mellow croon,
I heard a Negro play.
Down on Lenox Avenue the other night
By the pale dull pallor of an old gas light
He did a lazy sway. . . .
He did a lazy sway. . . .
Bài Blues mỏi mòn.
Đắm chìm trong điệu nhạc biến thể
Ngả nghiêng trong tiếng hát ngọt ngào
Tôi nhhe chàng nghệ sĩ da đen đánh đàn
Một đêm nào dưới đại lộ Lenox
Bên ngọn đèn hơi ga nhợt nhạt
Tiếng đàn lả lơi
Tiếng đàn lả lơi.
- Lạc quan.
Ông hoàn toàn tin tưởng rằng sẽ có ngày mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn cho người da đen. Ông chỉ ra rằng cuộc đấu tranh của họ, sự kiên trì và nhẫn nại của họ sẽ không vô ích. Ông tin là thế giới sẽ thay đổi, sẽ tốt đẹp hơn, sẽ có công bằng xã hội bất chấp màu da. Những bài thơ chủ đề này rõ nét nhất là I, too; Youth; Black Workers; Freedom’s Plow; Life is Fine.
Life is Fine.
I went down the river
I sat down on the bank
I tried to think but I couldn’t
So I jumped in and sank.
I came up once and hollered
I came up twice and cried
If that water hadn’t a-been so cold
I might’ve sunk and died
But it was
Cold in that water
It was cold!
I took the elevator
Sixteen floors above the ground
I thought about my baby
And thought I would jump down.
I stood there and I hollered
I stood there and I cried
If it hadn’t been so high
I might jump and died
But it was
High up there!
It was high!
So since I’m still here living
I guess I will live
I could’ve died for love
But for living I was born
Though you my dear my holler
And you may see me cry
I’ll be dogged, sweet baby,
If you gonna see me die
Life is fine
Life is wine
Life is fine.
Đời vẫn đẹp sao
Tôi đi xuống sông
Tôi ngồi trên bờ
Tôi cố nghĩ nhưng không thể.
Thế là tôi nhảy xuống nước và chìm lỉm
Tôi trèo lên bờ một lần và gào lên
Tôi trèo lên bờ lần hai và khóc !
Nếu nước không quá lạnh
Tôi có thể đã chìm và đã chết
Harlem
Dưới nước
Lạnh lắm
Lạnh quá chừng!
Tôi đi lên thang máy
Mười sáu tầng trên mặt đất.
Tôi nghĩ đến người yêu của tôi
Và nghĩ tôi có thể lao xuống
Tôi đứng trên đó và gào !
Tôi đứng trên đó và khóc!
Nếu nó không cao đến vậy
Tôi có thể đã nhảy xuống và đã chết.
Nhưng trên đó. Cao quá! Cao quá chừng!
Bởi vậy đến giờ tôi vẫn sống
Tôi có thể đã chết vì tình yêu…
Nhưng nhờ cuộc sống tôi lại được sinh ra
Dù em có thể nghe tôi gào
Dù em có thể thấy tôi khóc…
Tôi sẽ thật khốn kiếp, em à,
Nếu em thấy tôi chết
Đời thật đẹp sao! Đẹp như rượu hồng! Đời thật đẹp sao.
Langston Hugues có nhiều bài thơ rất ngắn, tưởng là giản dị nhưng bài nào cũng khiến người đọc phải suy nghĩ.
* Dreams
Hold fast to dreams
For if dreams die
Life is a broken winged bird
That cannot fly.
Hold fast to dreams
For when dreams go
Life is a barren field
Frozen with snow.
Hãy giữ chặt ước mơ
Vì nếu mơ qua rồi
Đời như chim gãy cánh
Chẳng thể bay tung trời.
Hãy sống trọn ước mơ
Vì khi cạn nguồn thơ
Đời chỉ còn tuyết trắng
Phủ cánh đồng ước mơ.
Hai tình huống nảy sinh nếu không còn ước mơ. Tầm quan trọng của ước mơ. Ông so sánh việc mất ước mơ như con chim gãy cánh ( cuộc sống vô dụng và vô vọng ). Rồi ông so sánh với cánh đồng tuyết phủ ( lạnh lẽo, cô quạnh ).
Bởi lẽ đó, ước mơ rất quan trọng. Không có nó, cuộc đời không còn ý nghĩa.
- Black Workers
The bees work
This work is taken from them
We are like the bees
But it won’t last.
Ong cần cù lao động
Thành phẩm bị tước đoạt mất
Chúng ta chẳng khác nào loài ong
Nhưng điều đó chẳng tồn tại lâu đâu.
Người Mỹ da màu là một thiểu số phải chịu áp bức, bất công, và kỳ thị trong mọi mặt của đời sống. Họ không được đối xử như người da trắng. Giống như ong, họ làm ra bao nhiêu bị tước đoạt hết. Nhưng cuối bài là một cảnh báo: Tình hình đó sẽ thay đổi.
- History
The past has been a mint
Of blood and sorrow
That must not be
True of tomorrow.
Lịch sử.
Quá khứ từng là kho vô tận
Của máu và khổ đau
Nhưng rồi sẽ không còn là
Sự thật mai này thôi.
Bài thơ nói lên hy vọng sẽ đổi thay, một tương lai tốt đẹp hơn cho những người da đen. Quá khứ buồn đau sẽ nhường chỗ cho tương lai huy hoàng.
- Peace
We passed their graves
The dead was there
Winners and losers
Did not care
In the dark
They could not see
Who had gained
The victory.
Hoà bình
Chúng tôi đi qua những nấm mộ
Những người đã khuất an nghỉ nơi đây
Người thắng và kẻ bại
Khác gì đâu
Trong đêm tối
Họ không thể nhìn ra
Ai là người đã giành được
Chiến thắng.
Bài thơ nói lên sự phù phiếm của chiến tranh. Thật mỉa mai khi nhận ra mục đích của chiến tranh là giành lấy hoà bình bằng mọi giá. Bài thơ bắt đầu bằng một giọng nghiêm trang. Mỗi dòng rất ngắn nêu bật ý tưởng mỗi người phải suy nghĩ xem chiến tranh có thật sự cần thiết không. Kết quả cuối cùng của chiến tranh chỉ là hủy diệt.
- Sea calm.
How still
How strangely still
The water is today
It is not good
For water
To be so still that way.
Biển lặng
Phẳng lặng biết mấy
Phẳng lặng lạ thường biết mấy
Nước hôm nay đó
Chẳng tốt chút nào
Nếu nước
Phẳng lặng như thế kia.
Bài thơ ngắn chứa đựng một thông điệp sâu xa. Khi viết phẳng lặng biết mấy, nhà thơ không hỏi người đọc. Thay vào đó, ông muốn nói lên sự phẳng lặng của mặt nước, đến độ trở thành tự nhiên. Nếu người da đen cứ im lặng, chịu đựng bất công thì hoàn toàn không có lợi. Họ phải nói lên quyền lợi của mình, chiến đấu cho độc lập và bình đẳng. Ngược lại, cũng như nước lặng, họ sẽ chìm, không còn có ích nữa.
* Songs
I sat there singing her
Songs in the dark.
She said;
'I do not understand.
The words'.
I said;
'There are
No words'.
BÀI HÁT
1. Tôi ngồi hát
Cho nàng nghe
Trong bóng tối.
Em không sao
Hiểu được lời
Nàng nói.
Bài ca này
Chẳng có lời
Em ơi.
2. Tôi ngồi hát
Cho em nghe
Trong bóng tối
Tiếng thầm thì.
Ôi anh ơi
Em không hiểu
Lời bài ca
Muốn nói gì.
Không, bài hát
Chẳng có lời
Anh hát tiếp
Em nghe đi.
3. Ngồi trong bóng tối
Tôi hát nàng nghe.
Anh ơi - nàng nói
Em không hiểu lời.
Em ơi - đừng hỏi :
Bài ca không lời!
4. Lặng lẽ em ơi ngồi nghe anh hát
Bóng tối mịt mùng, bóng tối vây quanh.
Lặng lẽ em nghe những lời anh hát
Mà sao không hiểu là sao hở anh?
Lặng lẽ em ơi bài ca anh hát
Không lời, không tiếng, không ảnh, không hình!
Bài thơ ngắn nhưng rất khó hiểu. Nó ẩn chứa một ý nghĩa, một thông điệp khó giải thích. Không biết nhà thơ đang hát cho ai đây. Theo đại từ được dùng ( she ) đây là một cô gái. Nhưng đại từ she cũng có thể là nước Mỹ. Nhà thơ hát cho nàng trong bóng tối ( in the dark ). Ông đang hát cho đất nước mình ngay cả trong tình huống đen tối. Ông làm thơ cho nỗi đau thân phận của người da đen, nhưng đất nước ông, chính phủ ông, những người làm luật không hiểu lời ông. Họ chẳng làm gì cho tự do của người nô lệ. Có những bài ca không lời, không phải viết để nghe hay để đọc. Mà để cảm nhận nỗi đau của dân tộc ông.
Bài thơ, suy cho cùng, mang một ý nghĩa triết lý.
***
Sau bao nhiêu năm chiến đấu không mỏi mệt chống nạn kỳ thị chủng tộc, khép lại cuộc đời 65 năm, Langston Hugues qua đời tại một bệnh viện ở New York sau cuộc giải phẫu vì bệnh ung thư đại tràng. Hôm đó là 22/5/1967.
Vinh quang dành cho ông không thiếu:
Ông đã từng đạt nhiều giải thưởng:
năm 1926, Witter Bynner Undergraduate Poetry Prize.
năm 1954, Anisfield - Wolf Book Award.
Sau khi Ông mất
năm 1979, một trường trung học ở Reston, Virginia mang tên Ông
năm 2009, đến lượt một trường khác ở Fairburn, Georgia.
Langston Hugues là người Mỹ da đen đầu tiên có thể tự nuôi sống mình với tư cách một nhà văn chuyên nghiệp. Ông cũng là một trong những nhà văn Hoa Kỳ đón nhận sự chú ý nghiêm túc về văn hoá những người da đen ở Hoa Kỳ.
Trong nửa sau của thế kỷ XX, Ông là một tiếng nói có trọng lượng về nền văn hoá da màu trong thế giới da trắng người Mỹ.
THÂN TRỌNG SƠN
dịch và giới thiệu
( tháng 1/2023 ).