vendredi 31 décembre 2021

CON MÈO ĐEN

 


CON MÈO ĐEN


Truyện ngắn

EDGAR ALLEN POE.

( 1809 - 1849 )






The Black Cat, truyện ngắn của Edgar Allen Poe, được đăng lần đầu tiên trên tạp chí The Saturday Evening Post, số ngày 19/8/1843.


Edgar Allan Poe (1809-1849) là một nhà văn nổi tiếng người Mỹ, xuất sắc trong thơ, truyện, tiểu thuyết, tiểu luận, báo chí lãng mạn và phê bình. Tác phẩm của ông nổi bật so với phần còn lại của văn học thời đó do bầu không khí tối tăm và kỳ dị của nó.


Edgar Poe họ tên đầy đủ là Edgar Allan Poe sinh ngày 19.1.1809 tại thành phố Boston, tiểu bang Massachusetts trong một gia đình nghệ sĩ. Người cha, David Poe, mất khi cậu con trai Edgar chưa chào đời, còn người mẹ Eliza cũng từ trần lúc Edgar Poe mới tròn ba tuổi.


Cậu bé mồ côi được John Allan, một nhà buôn thuốc lá giàu có nhận về nuôi. Rồi Poe ghi danh vào Đại học Virginia, nhưng chỉ theo học được năm đầu và quyết định xung vào quân đội. Đó là khoảng giữa năm 1827, cũng là thời điểm xuất hiện cuốn sách đầu tiên của Poe.

Sau khi giải ngũ với quân hàm trung sĩ vào đầu năm 1829, Edgar Poe cho ấn hành đầu sách thứ hai có tựa đề Al Aaraf gây tiếng vang lớn. Kế tiếp Poe thi đậu vào Học viện Quân sự West Point và lại… bỏ dở để “dốc lòng” theo nghiệp văn chương.

Cuộc đời đầy những mất mát của Poe đã để lại một dấu ấn đậm nét trong những sáng tác của ông, tạo nên một không khí u uẩn và bi thương.

Trong suốt bốn mươi năm ngắn ngủi của cuộc đời mình, Poe đã nhiều lần phải đối mặt với những cái chết bi thảm xảy đến với người thân. Bố, mẹ, anh trai, mẹ nuôi, đặc biệt là người vợ trẻ Virginia.

Sau một thời gian dài đấu tranh với bệnh lao, người vợ của Edgar đã ra đi khi tuổi còn quá trẻ vào năm 1847. Một lần nữa, một người phụ nữ yêu dấu đã rời bỏ Edgar mà đi. Một lần nữa, Edgar lại chìm trong đau đớn. Điều này có thể đã để lại những vết thương tâm lý và tình cảm sâu sắc nơi ông, lý giải tại sao ông thường bị ám ảnh và nói nhiều về cái chết.

Cái chết của người vợ yêu dấu đẩy Edgar Poe tới chỗ kiệt quệ, sức khoẻ suy sụp, bởi Virginia luôn là nguồn sáng tạo mạnh mẽ của Poe, khiến Poe cảm thấy được những ấm áp mà từ nhỏ ông đã không thể có được.

Chỉ 2 năm sau, ngày 7.10.1849, người ta tìm thấy Edgar Poe trong một quán rượu tại Baltimore, quần áo tả tơi, mê sảng, không biết mình ở đâu. Nhà văn được đưa vào bệnh viện và qua đời 4 ngày sau đó, hưởng dương 40 tuổi.

Cái chết của ông cũng mang nhiều bí ẩn như chính những tác phẩm của ông. Theo hồ sơ bệnh án, Edgar Poe được đưa vào bệnh viện trong trạng thái bất tỉnh. Sau đó, ông có hồi tỉnh, người ra nhiều mồ hôi, bị chứng ảo giác và thường cãi nhau với một người tưởng tượng. Tiếp đến là giai đoạn ông bị mất trí nhớ, cấm khẩu rồi tắt thở.


     

      Đối với câu chuyện hoang dã nhất nhưng giản dị nhất mà tôi sắp chấp bút, tôi không mong đợi cũng không gây niềm tin. Thật vậy, có mất trí mới mong như thế vì cảm quan của tôi không thừa nhận chuyện có thực. 

      Phải, tôi không điên và chắc chắn cũng không nằm mơ. Nhưng ngày mai tôi sẽ qua đời rồi và tôi muốn tâm hồn mình thanh thản. Mục đích trước mắt tôi bây giờ là giải bày cho mọi người một chuỗi những sự kiện trong gia đình một cách đầy đủ, gọn gàng, không bình luận gì. Do hậu quả của chúng, những sự kiện này đã làm tôi kinh hãi, đã hành hạ tôi, huỷ diệt tôi. Nhưng tôi không có ý định trình bày tỉ mỉ. Với tôi, chúng chẳng có ý nghĩa gì khác hơn là cảm giác rùng rợn, nhưng nhiều người sẽ cho là chúng có vẻ kỳ quặc hơn là ghê sợ. Có lẽ từ nay về sau, những ai hiểu biết hơn sẽ nhận ra chi tiết khiến những ảo giác của tôi cũng thường thôi. Những người điềm tĩnh hơn, có đầu óc lập luận hơn và ít bị kích động hơn sẽ nhận ra trong những trường hợp tôi đã kinh ngạc thuật lại tỉ mỉ chẳng có gì khác hơn một loạt nối tiếp rất tự nhiên của nhân và quả thôi.


    Thuở nhỏ, tôi thường được cho là dễ bảo và nhân hậu. cái tính nhân hậu dễ thấy đó thậm chí còn bị các bạn chế giễu. Tôi rất thích loài vật và được bố mẹ nuông chiều cho chơi với bao nhiêu là thú vật. Tôi mất nhiều thời gian cho chúng, cảm thấy rất hạnh phúc khi cho chúng ăn hay vuốt ve chúng. Tính nết đặc biệt này phát triển dần khi tôi lớn thêm và khi tôi trưởng thành, đó là một trong những niềm vui chính của tôi. Đối với những người yêu thương đặc biệt một con chó trung thành và khôn ngoan, tôi chẳng cần tốn công chia sẻ lý do của tình cảm dễ hiểu đó. Có chút gì đó trong cái biểu lộ tình cảm đầy vị tha và hy sinh đối với loài vật đi thẳng vào trái tim của họ, vốn có nhiều cơ hội thử thách tình bạn tầm thường và sự thuỷ chung mong manh của con người.


   Tôi kết hôn sớm và vui mừng thấy tính tình vợ tôi không phải là không phù hợp với tôi. Biết tôi thích vật nuôi, cô ấy không bỏ lỡ cơ hội tìm cho tôi những con vật dễ thương nhất. Chúng tôi có chim, có cá vàng, một con chó xinh xắn, có thỏ, có một con khỉ nhỏ và một con mèo.


    Con mèo này là con vật xinh đẹp và to lớn khác thường, màu đen tuyền và khôn ngoan đến độ kinh ngạc. Nói về sự thông minh của nó, vợ tôi, người thực tâm không chút mê tín dị đoan, thường xuyên ám chỉ đến quan niệm cổ xưa cho rằng  mèo đen thường là những phù thuỷ nguỵ trang. Tuy nàng không coi trọng lắm vấn đề này, tôi muốn ghi lại những chuyện này vì chúng đáng  phải ghi nhớ.


  Pluto, tên của con mèo, trở thành thú cưng và bạn của tôi. Chỉ mình tôi cho nó ăn, nó bám theo tôi đến bất cứ nơi nào trong nhà. Thậm chí tôi khó khăn lắm mới ngăn chặn không cho nó theo tôi ra đường. Tình bạn giữa tôi và mèo kéo dài theo kiểu đó trong vài năm. Thời gian này vì rượu chè quá độ - thật xấu hổ để thú nhận như thế - tính khí tôi thay đổi theo hướng tệ hại hơn. Càng ngày tôi càng tỏ ra cộc cằn, thô lỗ, không màng đến ý kiến của người khác. Tôi đã ăn nói thô lỗ với vợ. Dần dần

tôi còn dùng đến bạo lực với cô ấy nữa. Và tất nhiên những con vật nuôi cũng cảm thấy tính khí tôi thay đổi. Không những tôi lơ là mà còn ngược đãi chúng. Tuy nhiên, đối với Pluto, tôi vẫn còn kiềm chế được, không hành hạ nó, khác với thái độ ngược đãi không thương tiếc mấy con thỏ, con khỉ, cả con chó nữa, khi chúng tình cờ hay vì yêu mến tôi cứ quấn lấy tôi. Căn bệnh của tôi cứ gia tăng cùng với mức độ nghiện rượu, và cuối cùng ngay cả Pluto, bây giờ đã già, và do vậy hay cáu kỉnh hơn, bắt đầu chịu đựng hậu quả việc tôi ngày càng trái tính trái nết.


    Một đêm, từ quán nhậu trở về nhà say khướt, tôi nghĩ rằng con mèo tránh mặt tôi. Tôi chộp lấy nó, sợ bị tôi đánh nó cắn vào tay tôi gây ra một vết thương nhẹ. Nỗi giận dữ ma quỷ bỗng chiếm lĩnh tôi. Tôi không còn biết tôi là ai nữa. Ngay lúc đó,  hồn tôi bỗng thoát khỏi xác, và một sự độc ác ghê gớm làm rung từng thớ thịt của tôi. Tôi lấy từ trong túi áo khoác một con dao nhíp, kéo lưỡi dao ra, nắm lấy cổ con vật tội nghiệp, tôi lạnh lùng khoét một con mắt của nó. Tôi vô cùng xấu hổ, rùng mình khi ghi lại hành động vô cùng độc ác này. Sáng hôm sau, tỉnh lại sau giấc ngủ dài, tôi cảm thấy nửa ghê sợ nửa hối hận về hành động độc ác mình đã gây ra, nhưng chỉ là một cảm giác yếu ớt, mơ hồ. Tâm hồn tôi vẫn yên ổn. Tôi lại tiếp tục lao vào rượu chè, chôn vùi trong đó mọi ký ức về hành vi ác độc của mình. 

Trong lúc đó, con mèo phục hồi dần. Cái hốc mắt bị khoét trông thật dễ sợ nhưng có vẻ như con mèo không còn đau đớn nữa. Nó vẫn quanh quẩn trong nhà như mọi khi, nhưng như đoán trước được nên vụt chạy trốn khi đến gần tôi. Lòng tôi vẫn còn chút tình cảm đối với con vật tôi đã từng thương yêu. Tuy nhiên tình cảm đó sớm nhường chỗ cho sự phẫn nộ. Và tinh thần ngoan cố trong cái xấu đã đến với tôi như một sự suy sụp dứt khoát sau cùng. Triết học chẳng ảnh hưởng gì đến tinh thần đó. Tôi biết là tâm hồn mình vẫn thế, tôi nghĩ rằng sự ác độc là một trong những động lực nguyên thuỷ, một trong những khả năng hay tình cảm định hướng cho tính nết con người. Ai mà không có lần trong đời phạm phải một hành vi đê tiện, hay xuẫn ngốc không vì lý do nào khác hơn lý do tự mình biết không nên làm. Phải chăng chúng ta từng có xu hướng lâu dài, giữa sự phán đoán sáng suốt, để vi phạm luật pháp, chỉ vì chúng ta biết nó phải xảy ra như thế? Cũng chính xu hướng muốn gây ra bạo lực, làm bậy chỉ vì chính điều sai bậy đó, khiến tôi cứ tiếp tục và cuối cùng dẫn tôi đến hành vi gây tác hại cho con vật vô tội. Một buổi sáng, tôi thản nhiên quàng một cái thòng lọng vào cổ con mèo và treo nó lên cành cây, treo nó mà nước mắt tôi chảy đầm đìa, với nỗi ân hận chua xót trong lòng, treo nó vì tôi biết nó từng thương mến tôi, vì tôi biết nó chẳng làm gì nên tội, vì tôi biết làm thế là tôi đã phạm tội ác, một tội ác ghê tởm nguy hại đến linh hồn bất diệt của tôi - nếu việc này có thể được - thậm chí ngoài cả ơn đức vô biên của của Chúa Khoan Dung và Đáng Sợ nhất. 


  Vào đêm sau ngày hành động ác độc đó xảy ra, tiếng kêu “ cháy nhà “ làm tôi thức dậy. Màn giường bốc cháy. Nguyên cả căn nhà chìm trong biển lửa. Vợ tôi, một người làm và chính tôi phải khó khăn lắm mới thoát khỏi đám cháy. Tất cả đều bị thiêu huỷ. Toàn bộ của cải đều ra tro. Tôi hoàn toàn tuyệt vọng. Tôi không còn sức tìm hiểu để thiết lập tương quan giữa nhân và quả, giữa tai hoạ và hành động tàn ác. Nhưng tôi vẫn trình bày một chuỗi các sự kiện - và không muốn bỏ qua một chi tiết nào. Hôm sau ngày xảy ra hoả hoạn, tôi đến xem sự thiệt hại. Tất cả các bức tường đều đổ sụp, chỉ trừ một cái. Bức tường còn lại là của một gian phòng, không dày lắm, ngay chính giữa căn nhà, đầu giường của tôi dựa vào đó. Lớp vữa trát rất dày nên chống được lửa cháy, tôi cho là nó mới được trét vào gần đây thôi. Một đám đông tụ họp lại gần bức tường, và nhiều người đang quan sát cẩn thận một góc tường. Những tiếng “ kỳ lạ quá “, “ quái thật “ và những câu đại loại thế kích thích sự tò mò của tôi, tôi lại gần và thấy khuôn mặt của một con mèo khổng lồ như được chạm trên nền tường trắng. Nét chạm chính xác tuyệt vời. Có cả một sợi dây thừng quanh cổ con vật. 


    Khi lần đầu tiên tôi trông thấy sự xuất hiện này - vì ít khi tôi để ý nó - tôi hết sức ngạc nhiên và kinh hãi. Nhưng sau đó tôi cố suy nghĩ thêm. Tôi nhớ ra rằng con mèo đã bị treo cổ trong khu vườn sát cạnh nhà. Ngay khi có báo động đám cháy, cả đám đông đã ùa đến khu vườn đông nghịt. Có ai đó trong đám người này đã cắt dây treo cổ con vật và ném qua cửa sổ vào phòng tôi. Việc này có thể đánh thức tôi dậy. Các bức tường khác sụp đổ đã đè lên nạn nhân của sự ác độc của tôi ở trong chất vữa vừa mới tô, chất này cùng với những ngọn lửa và khí độc từ xác chết đã hoàn thành bức chân dung như tôi đã thấy. Tuy tôi đã cố gắng giải thích theo lối đó, dù không rõ rệt lắm, vì chi tiết gây kinh hoàng kia dẫu sao cũng gây ấn tượng cho đầu óc tưởng tượng của tôi. Hàng mấy tháng trời tôi không từ bỏ sự ám ảnh bởi bóng ma con mèo. Trong thời gian này, tôi lại có chút tình cảm như là hối hận không rõ nét. Tôi thương tiếc con vật đã mất, tôi cố tìm xung quanh mình, nơi những quán rượu ghê tởm tôi thường lui tới, may ra có một con vật vào loại như thế hoặc có bề ngoài tương tự như thế để thay thế cho nó.


   Một đêm khi đang ngơ ngơ ngẩn ngẩn trong căn nhà tồi tàn, tôi bỗng thấy một vật đen đen ngồi thù lù trên một trong các thùng rượu lớn vốn là thứ đồ đạc chính yếu của căn phòng. Tôi nhìn kỹ cái nắp thùng trong vài phút và ngạc nhiên sao mình không hề chú ý cái vật này sớm hơn. Tôi lại gần đưa tay sờ vào. Đó là một con mèo đen, rất to lớn, cỡ như con Pluto, trông rất giống Pluto chỉ trừ một chi tiết. Pluto không có chút lông trắng nào nhưng con mèo này có một chòm lông trắng khá lớn, hơi mờ, phủ kín vùng ngực. Khi tôi đụng vào nó, nó đứng ngay dậy, kêu to lên, cọ vào tay tôi, có vẻ như hài lòng vì tôi chú ý đến nó. Đúng là con vật tôi đang tìm. Tôi liền xin người chủ nhà bán con vật cho tôi nhưng ông ta chẳng đòi hỏi gì, không biết gì về con mèo và chưa hể để ý đến nó.


   Tôi tiếp tục vuốt ve nó, và khi tôi chuẩn bị đi về, con vật có ý muốn theo tôi. Tôi cho nó đi theo, trên đường thỉnh thoảng tôi cúi xuống vuốt ve nó. Về đến nhà nó thích nghi ngay với nơi ở mới và lập tức trở thành vật cưng của vợ tôi. Về phần tôi không bao lâu tôi cảm thấy mối ác cảm dấy lên trong lòng. Điều này trái hẳn với việc tôi dự định. Không hiểu sao sự ưa thích lại trở thành chán ghét và khó chịu. Rồi dần dà cảm giác chán ghét khó chịu đó ngày càng tăng thêm thành thù ghét ác liệt. Tôi tránh con vật, và một cảm giác xấu hổ và nhớ lại hành động tàn ác của tôi trước đây khiến tôi cố tránh đụng vào con mèo. Suốt mấy tuần tôi không đánh đập nó cũng không dùng bất cứ thứ bạo lực nào đối với nó, tuy nhiên, dần dần, dần dần, tôi nhìn nó vẻ ghê tởm, âm thầm tránh bộ mặt đáng ghét của nó như lẩn tránh bệnh dịch.


   Sự thù ghét của tôi đối với con mèo càng tăng thêm khi tôi phát hiện, sau cái hôm mang nó về nhà, rằng nó cũng mất một mắt giống con Pluto vậy. Nhưng việc này lại khiến vợ tôi thương nó, cô ấy vốn là người nhân hậu, cái tình cảm từng là nguồn vui đơn giản và trong sáng của tôi. Tuy nhiên, mặc cho tôi chán ghét nó, con mèo như càng thương mến tôi hơn. Nó cứ bám theo tôi từng bước, nói ra chẳng mấy ai tin. Bất cứ tôi ngồi nơi đâu nó cũng thu mình nằm dưới ghế hay nhảy lên đầu gối tôi, trìu mến cọ vào tôi. Khi tôi đứng lên định đi, nó chui vào giữa hai bàn chân làm tôi suýt ngã, bấm những móng vuốt nhọn vào quần tôi rồi trèo lên ngực tôi. Những lần như thế, tôi chỉ muốn cho nó một đấm nhưng kìm lại được, một phần vì nhớ lại tội ác trước đây, nhưng thú thật, chủ yếu chính là vì tôi kinh sợ con vật. Sự kinh sợ này không hẳn là sợ tội lỗi về thể xác, nói cho cùng tôi cũng không xác định được sự kinh sợ này là cái gì. Tôi gần như hổ  thẹn với chính mình, sự hổ thẹn khiến ngày càng kinh hoàng hơn. Nhiều lần vợ tôi bảo tôi lưu ý đến cái vết lông trắng ở cổ con mèo, như tôi đã nhắc đến, đó là sự khác biệt duy nhất giữa con vật lạ lùng này và con vật tôi đã giết. Xin độc giả lưu ý cái vết này tuy lớn vẫn không rõ ràng, dần dần không nhìn ra được. Lý trí tôi cố loại bỏ sự kiện như không có thật này nhưng rồi cuối cùng cái vết đó cũng rõ nét hẳn. Nó biểu thị một vật mà tôi phải rùng mình để gọi tên, và do vậy, tôi kinh sợ, tôi muốn thoát khỏi con quái vật đó. Giờ đây nó là hình ảnh của một vật gớm ghiếc, của cái giá treo cổ, một công cụ giết người đáng sợ của Tội ác, của sự Rùng rợn, của Sầu não và Chết chóc.


  Và giờ đây, tôi thực sự là kẻ bất hạnh hơn bất cứ ai trên cõi nhân gian này. Và một con vật mà bạn của nó tôi đã giết chết, con vật cục súc đòi tôi phải trả giá - tôi là người được tạo ra theo hình ảnh của Thượng đế Tối cao, với nhiều nỗi thống khổ không chịu xiết. Than ôi! Đêm cũng như ngày tôi không còn hưởng được sự nghỉ ngơi nữa! Thời gian với con vật trước nó không cho tôi được riêng một mình, còn với con sau thì tôi lại vướng vào những cơn ác mộng của nỗi sợ hãi không nói nên lời, đè nặng lên người tôi, khiến lòng tôi không nguôi ngoai.


   Áp lực của những dày vò loại đó khiến phần lương thiện yếu ớt trong tôi phải chịu thua. Những ý nghĩ xấu xa trở thành gần gũi với tôi, ý nghĩ đen tối nhất. Trạng thái buồn rầu của tôi tăng dần lên khiến tôi thù ghét mọi thứ, thù ghét loài người. Sự thù ghét thường trực, dữ dội không kiểm soát được bùng lên thành cơn giận để tôi mù quáng từ bỏ chính mình, trong khi vợ tôi lại là con người chịu đựng kiên nhẫn nhất.


   Một hôm cô ấy cùng tôi làm vài việc vặt trong nhà, chúng tôi vào trong hầm rượu của toà nhà cổ mà vì nghèo túng chúng tôi đành phải ở. Con mèo theo tôi xuống cầu thang, suýt nữa làm tôi té nhào đầu, tôi giận điên lên. Tôi nhấc cái rìu lên và trong cơn giận tôi quên mất nỗi sợ hãi trẻ con lâu nay đã ngăn bàn tay tôi lại. Tôi bổ một nhát xuống con vật và dĩ nhiên nó sẽ không thoát được nếu cái rìu nhằm đúng mục tiêu tôi mong muốn. Nhưng nhát bổ đó đã bị bàn tay vợ tôi chặn lại.Phát cáu vì sự can thiệp này, tôi càng giận hơn như bị quỷ ám, tôi giật cái rìu khỏi tay vợ tôi và bổ một nhát vào sọ cô ấy. Vợ tôi gục xuống chết ngay không kêu rên một tiếng nào.


      Ngay sau vụ giết người ghê tởm này, tôi bình tâm nghĩ  đến việc che giấu tử thi. Tôi biết không thể đưa tử thi ra khỏi nhà dù ngày hay đêm mà không bị hàng xóm nhận ra. Nhiều dự định thoáng qua trong đầu. Có lúc tôi nghĩ mình nên chặt tử thi ra từng mảnh nhỏ và thiêu huỷ. Lúc khác tôi định đào một cái huyệt dưới hầm rượu để chôn. Tôi còn tính đến việc ném tử thi xuống cái giếng ngoài sân hay đóng gói tử thi như một cái thùng làm như hàng hoá rồi thuê người mang ra khỏi nhà. Cuối cùng tôi nghĩ ra một cách mà tôi cho là hay hơn cả. Tôi quyết định xây một bức tường trong hầm rượu để chặn tử thi lại, như kiểu các tu sĩ thời trung cổ nghe nói là đã xây tường chặn các nạn nhân của họ vậy.


    Với mục đích như vậy, hầm rượu phải làm sửa chữa tốt hơn. Những bức tường đã được xây sơ sài, vữa trát tường thô tháp không cứng được do độ ẩm của không khí. Ngoài ra, một bức tường có chỗ lồi ra do ống khói giả, hoặc lò sưởi, rồi được trám lại để cho giống màu đỏ của hầm rượu. Tôi tin chắc tôi có thể moi gạch từ chỗ này ra, nhét tử thi vào và xây tường lại y như trước, như vậy không cặp mắt nào nghi ngờ phát hiện được. Tôi tin là cách tính toán này không sai. Bằng một cái xà beng tôi dễ dàng nạy những viên gạch ra, cẩn thận đưa tử thi vào dựng theo thế đứng sát bức tường bên trong và chịu khó một chút để xây lại y như cũ. Tôi tìm vôi hồ, cát và tóc, rất cẩn thận nhào nặn chế biến thành một loại vữa không thể phân biệt với loại vữa cũ rồi xây lại bức tường mới. Khi xong việc tôi hài lòng thấy mọi việc đều tốt. Bức tường không có vẻ gì bị xáo trộn. Rác rưởi trên sàn được thu dọn cẩn thận. Tôi đắc ý nhìn xung quanh tự nhủ - Nơi đây ít ra công lao động của ta không vô ích.


     Bước tiếp theo của tôi là tìm con vật đã gây cho tôi nhiều bất hạnh. Bây giờ tôi quyết phải giết nó. Nếu như tôi gặp nó thì không còn nghi ngờ gì về số phận của nó nữa. Nhưng hình như con vật quỷ quái này đã được báo động về sự hung bạo của tôi vừa rồi nên tránh không xuất hiện. Không thể nào diễn tả hay tưởng tượng được cái cảm giác nhẹ nhõm trong lòng tôi vì sự vắng bóng con vật. Suốt đêm cũng không thấy nó và thế là ít nhất tôi cũng được một đêm ngủ ngon từ khi nó ở trong nhà tôi, ngủ ngon dù gánh nặng giết người vẫn còn đè nặng tâm hồn tôi.

       Ngày thứ hai và thứ ba trôi qua, con vật quấy rầy tôi vẫn không đến. Và một lần nữa tôi thở phào như một người tự do. Con quái vật sợ hãi bỏ đi luôn rồi! Tôi sẽ không còn trông thấy nó! Tôi hạnh phúc xiết bao! Tội lỗi về hành động giết người chỉ dằn vặt tôi ít thôi. Có vài câu hỏi được đặt ra và tôi đã trả lời êm xuôi. Có cả cuộc điều tra nữa nhưng dĩ nhiên không khám phá được gì. Tôi thấy hạnh phúc tương lai chắc chắn lắm rồi.


   Ngày thứ tư của vụ giết người, một toán cảnh sát bất ngờ đến, họ vào nhà tiến hành cuộc điều tra rất kỹ lần nữa. Tuy nhiên, tin chắc vào chỗ giấu bí mật của mình, tôi không chút thấy bối rối chút nào. Cảnh sát yêu cầu tôi đi cùng họ khám xét. Không một xó, một góc nào họ không đến. Cuối cùng, lần thứ ba hay thứ tư, họ xuống hầm rượu. Tôi không hề run. Tim tôi vẫn đập bình thường như tim một người vô tội. Tôi đi lại trong hầm rượu từ đầu này đến đầu kia. Tôi khoanh tay lên ngực, đi lui đi tới khoan thai. Cảnh sát đã thoả mãn và chuẩn bị ra về. Nỗi hân hoan trong lòng tôi mạnh đến khó kìm lại. Tôi nóng lòng muốn nói lên dù chỉ một tiếng thôi, nhân chiến thắng này, để họ củng cố thêm sự tin tưởng rằng tôi hoàn toàn vô tội. Và tôi nói, khi họ bước lên các bậc cấp:


     Thưa quý ông, tôi rất sung sướng làm lắng xuống sự nghi ngờ của các ông. Tôi xin chúc các ông mạnh khoẻ, và xin lịch sự hơn một chút. Cuối cùng, thưa quý ông, đây là một toà nhà được xây dựng rất tốt. ( Với mong muốn điên cuồng nói thoải mái điều gì đó, tôi gần như không biết mình nói gì ). Tôi có thể nói toà nhà đã được xây dựng rất tuyệt vời. Những bức tường này, như các ông thấy đấy, đã gắn kết với nhau rất chắc chắn. Nói đến đây, với vẻ hiên ngang của một người không chút sợ hãi, tôi lấy cây gậy trong tay gõ mạnh vào đúng vào chỗ bức tường gạch mà tôi đã để xác vợ tôi bên trong. 


     Xin Chúa che chở và cứu tôi khỏi nanh vuốt của Ác Quỷ! Ngay sau khi tiếng gõ chìm vào im lặng, có tiếng đáp lại từ trong mộ, một tiếng kêu, lúc đầu tấm tức và ngắt quãng, như tiếng khóc sụt sùi của trẻ con, rồi nhanh chóng chuyển thành tiếng thét dài, to và liên tục, tiếng hú nửa như hoảng sợ, nửa như đắc ý, chừng như vang lên từ địa ngục, đồng thời từ cổ họng của những linh hồn bị đày đoạ trong cơn hấp hối và của những con quỷ hả hê trong sự trừng phạt đó.


     Không biết nói sao đây về những ý nghĩ của tôi. Tôi lảo đảo đi về bức tường đối diện. Trong một chốc, toán cảnh sát đang ở trên cầu thang đứng bất động vì quá khiếp sợ. Và rồi, mười hai cánh tay khó nhọc loay hoay chỗ bức tường. Tường đổ sụp xuống. Cái thi hài đã thối rữa hết với những cục máu đông đọng lại, đang đứng sừng sững trước mắt mọi người chứng kiến. Trên đầu xác chết, con vật gớm ghiếc đang ngồi, mồm ngoác ra đỏ ngầu và một con mắt như ngọn lửa, con vật với thói ma quỷ đã khiến tôi lâm vào tội giết người, với tiếng kêu báo tin của nó đã đưa tôi vào giá treo cổ. Tôi đã xây tường chôn lấp con quái vật vào trong mộ!



THÂN TRỌNG SƠN

dịch và giới thiệu

(10/2021)



Nguồn:


https://americanliterature.com/author/edgar-allan-poe/short-story/the-black-cat


















mardi 28 décembre 2021

NGƯỜI ĐÀO NGŨ

   

LE DÉSERTEUR

( NGƯỜI ĐÀO NGŨ )


TIẾNG HÁT HOÀ BÌNH


Sáng tác của Boris VIAN.


Giai điệu chậm rãi, đơn giản, dễ thuộc, dễ nhớ. Tác giả cố ý làm điều đó để người nghe ghi nhận rõ ca từ với đầy đủ ý nghĩa của nó. Lập luận vững chắc, đanh thép, cốt để truyền đi thông điệp:” Tôi đã nhận được giấy gọi nhập ngũ nhưng tôi sẽ KHÔNG thực hiện. Tôi sinh ra ở đời không phải để giết người đồng loại. Lòng tôi đã quyết: Tôi sẽ đào ngũ.”


Lời bài hát thực chất là một bài thơ gồm 12 khổ bốn câu 6 âm tiết ( hexasyllabe ) . Những lời lẽ nầy của một chàng trai trẻ gởi trực tiếp cho Tổng thống. Boris Vian sáng tác bài này vào ngày 16/2/1954, vào thời điểm chiến tranh Đông Dương chưa kết thúc, và cuộc chiến ở Algérie sắp sửa bùng nổ. Tung ra bài hát có nội dung như thế vào lúc này quả là một hành động dũng cảm. Boris Vian đề nghị nhiều ca sĩ thể hiện, nhiều người từ chối, rốt cuộc chỉ có Mouloudji nhận lời với yêu cầu sửa lại hai câu cuối:


   Que j’ emporte des armes

   Et que je sais tirer .

 ( Rằng tôi có vũ khí

    Và tôi biết bóp cò )

thành:


   Que je n’aurai pas d’ armes

    Et qu’ils pourront tirer.


( Rằng tôi không vũ khí

   Họ cứ việc bóp cò ).


Boris Vian đành chấp nhận: Anh muốn sao cũng được, chính anh là người hát mà!

Và Mouloudji đã hát với chỉnh sửa như trên, sau đó trở thành bản chính thức luôn.


Đầu năm 1955, Boris Vian trực tiếp biểu diễn bài hát của mình tại một hí viện lớn ở Paris rồi đi về các tỉnh. Phản ứng của công chúng rất đa dạng, đa số tán thưởng nhưng cũng có người chống đối, thậm chí thị trưởng Dinard cầm đầu đoàn biểu tình phản đối.


Bài hát vẫn duy trì sức sống của nó, được dịch ra nhiều ngôn ngữ, qua sự trình bày của nhiều danh ca ( Richard Anthony, Marc Lavoine, Juliette Gréco, Serge Reggiany, Johnny Hallyday...). Trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, chiến tranh vùng Vịnh và nhiều sự kiện khác nữa, Le déserteur đều có dịp cất tiếng. Mãi cho đến năm 2012, bài hát vẫn vang lên với lời cải biên của phong trào chống vũ khí hạt nhân:


“ Monsieur le Président

  Je ne peux plus me taire.

  L’ énergie nucléaire

  Peut tuer nos enfants. “


Xin mời nghe bản nhạc đã:


https://youtu.be/gjndTXyk3mw


Và đây là ca từ:


LE DÉSERTEUR


Monsieur le Président

Je vous fais une lettre

Que vous lirez peut-être

Si vous avez le temps


Je viens de recevoir

Mes papiers militaires

Pour partir à la guerre

Avant mercredi soir


Monsieur le Président

Je ne veux pas la faire

Je ne suis pas sur terre

Pour tuer des pauvres gens


C'est pas pour vous fâcher

Il faut que je vous dise

Ma décision est prise

Je m'en vais déserter.


Depuis que je suis né

J'ai vu mourir mon père

J'ai vu partir mes frères

Et pleurer mes enfants


Ma mère a tant souffert

Elle est dedans sa tombe

Et se moque des bombes

Et se moque des vers


Quand j'étais prisonnier

On m'a volé ma femme

On m'a volé mon âme

Et tout mon cher passé


Demain de bon matin

Je fermerai ma porte

Au nez des années mortes

J'irai sur les chemins


Je mendierai ma  vie

Sur les routes de France

De Bretagne en Provence

Et je dirai aux gens:


Refusez d'obéir

Refusez de la faire

N'allez pas à la guerre

Refusez de partir.


S'il faut donner son sang

Allez donner le vôtre

Vous êtes bon apôtre

Monsieur le Président


Si vous me poursuivez

Prévenez vos gendarmes

Que je n'aurai pas d'armes

Et qu'ils pourront tirer


NGƯỜI ĐÀO NGŨ


Kính thưa ngài Tổng thống

Tôi  gởi Ngài lá thư

Nếu có chút thì giờ

Ngài sẽ ghé mắt đọc.


Tôi vừa nhận giấy gọi

Buộc tôi thi hành ngay

Việc đầu quân nhập ngũ

Trước thứ tư tuần này.


Nhưng thưa ngài Tổng thống

Tôi không muốn tòng quân

Lẽ nào tôi chỉ sống

Để giết hại lương dân.


Chẳng muốn ngài phật ý

Tôi xin nói lời này

Rằng tôi đà quyết định

Tôi sẽ đào ngũ ngay.


Từ khi tôi ra đời

Đã thấy cha tôi chết

Thấy anh em ra trận

Thấy các con khóc than


Mẹ tôi quá đau đớn

Yên nghỉ dưới mộ rồi

Không ngán gì bom đạn

Chẳng sợ giống bọ giòi.


Khi tôi bị giam giữ

Vợ tôi đã không còn

Linh hồn tôi cũng mất

Với kỷ niệm thân thương.


Từ sáng sớm ngày mai

Tôi sẽ đóng chặt cửa

Khép lại ngày tháng cũ

Theo muôn dặm đường dài.


Tôi sống đời khất thực

Trên vạn nẻo quê hương

Bretagne rồi Provence

Với mọi người tôi nói:


Xin đừng chịu phục tùng

Hãy từ chối ra trận

Xin đừng chịu cầm súng

Hãy từ chối tòng quân. 


Nếu cần phải đổ máu

Kính thưa ngài Tổng thống

Ngài vốn giỏi hô hào

Hãy hiến máu mình đi!


Nếu ngài muốn truy bắt

Hãy báo cho cảnh sát

Rằng tôi không có súng

Họ cứ việc bóp cò.


(TTS dịch)


Bài hát thực ra là một bức thư, xác định rõ người gởi “ tôi “ ( je, mon, ma, mes, m’ ) và người nhận “ ngài tổng thống “ ( Monsieur le Président ). Lời thưa gởi đó xuất hiện nhiều lần trong bài với giọng điệu tôn kính ( si vous avez le temps ).


Bức thư cũng xác định những chỉ dẫn về thời gian ( mercredi soir, demain de bon matin ) và về không gian ( routes de France, de Bretagne en Provence ).


Và chính xác hơn, đây là một bức THƯ NGỎ, của một công dân gửi đến vị Tổng thống của nước mình ( năm 1954, đó là Tổng thống René Cotty ). Giọng văn gần gũi với lối nói bình dân ( C’est pas pour vous fâcher, Je m’en vais déserter, Elle est dans sa tombe.)  thậm chí là ngây ngô, trẻ con với việc sử dụng động từ faire một cách dễ dãi ( faire une lettre, faire la guerre ...)


Những nhận xét trên đưa đến mục đích của tác giả là truyền đi thông điệp của mình. Ông muốn hướng tới nhân dân với lời hô hào ( Refusez, n’allez pas ...) qua đó chứng minh sự tàn độc của chiến tranh: từ đau khổ ( pauvres, mourir, pleurer, tombe, sang ) đến bi thương, hiện thực qua hình ảnh “ những con giòi bọ “ Et se moque des vers “.


Mỗi người hãy cảnh giác vì chiến tranh gieo đau thương đến từng nhà, từng người ( mon père, mes frères, ma mère, mes enfants, ma femme ). Và hơn ai hết, Boris Vian đã khẳng định vị thế của mình: thái độ dấn thân để cất lên Tiếng Hát Hoà Bình. Ông dứt khoát: Je ne veux pas, Ma décision, Je dirais...


Chính điều này đã khiến cho bài hát được trường tồn.


****


Nhưng Boris Vian là ai?


Đây là một nhân vật kỳ lạ nhất trong những người kỳ lạ mọi người được biết. Cuộc đời ngắn ngủi (1920-1959) không hề ngăn trở việc ông kinh qua hàng chục hoạt động trong những lĩnh vực khác nhau: nhà văn, nhà thơ, người viết ca từ, ca sĩ, nhà phê bình âm nhạc, nhạc công trompette, giám đốc nghệ thuật, kỹ sư, nhà dịch thuật ( tiếng Anh ), diễn giả, hoạ sĩ.

Riêng trong lĩnh vực văn học, ông ký 31 bút danh khác nhau khi sáng tác thơ, ký sự, truyện vừa, kịch, kịch bản điện ảnh. Khó mà sưu tầm để liệt kê hết tác phẩm của ông vì thường không được ghi ngày tháng sáng tác. Lúc sinh thời, ông ít được biết đến nhưng giới trẻ thập niên 1960 lại thích thú tìm đọc ông.


Boris Vian sinh tại ngoại ô thủ đô Paris trong một gia đình gồm bốn anh chị em, sống vui vẻ hoà thuận với sự giáo dục đề cao giá trị văn hoá và tự do.Cái tên Boris do mẹ chọn, dựa vào tên một nhân vật nhạc kịch. Do sức khoẻ mong manh, Boris được cô giáo đặc biệt kèm dạy ở nhà và sớm biết đọc, biết viết. Đến 10 tuổi,  Boris đã đam mê tác phẩm văn học cổ điển. Không may là năm lên 12, anh đã có dấu hiệu bệnh tim.


Anh học trung học tại các trường ở Paris, chuyên ban cổ điển, ngôn ngữ la tinh và Hy lạp. Anh tự học thêm tiếng Anh, đến 17 tuổi đã đỗ Tú tài. Chẳng những ham thích văn học, Boris còn mê cả nhạc jazz, là loại nhạc lúc này chưa phổ biến lắm ở Pháp. Năm 1942, anh đỗ bằng kỹ sư, chuyên ngành luyện kim. 


Công việc kỹ sư chỉ giúp anh cảm hứng để làm văn và viết nhạc.Một số tiểu thuyết của Anh đã được Nhà Gallimard xuất bản. Anh lao vào cổ xuý cho phong trào phát triển nhạc jazz, mở hộp đêm trình diễn loại nhạc này.


Từ thời gian này, Boris Vian bay nhảy, lượn lờ qua nhiều địa danh, trên những lĩnh vực hoạt động nghệ thuật khác nhau. Anh làm việc không mỏi mệt. Sau nhiều năm khước từ đời sống hôn nhân, tháng 2 năm 1954, Boris kết hôn với Ursula Kübler, một cô gái Đức gốc Thuỵ sĩ. Đôi vợ chồng trẻ dọn nhà đến một căn hộ tại khu phố gần quảng trường Blanche, trở thành láng giềng với nhà thơ nổi tiếng Jacques Prévert


Đến tháng 6 năm 1956, Boris bắt đầu suy sụp do bệnh phù phổi, vì làm việc quá sức và vì đã từng bị bệnh tim mạch.

Ngày 23/6/1959, ông dự buổi trình chiếu phim chuyển thể từ tiểu

thuyết J’ irai cracher sur vos tombes. Ông phản đối nhà sản xuất vì vài chi tiết không đúng với ý tưởng của ông và yêu cầu rút tên ông khỏi phần giới thiệu. Khi ngồi xem thấy tên vẫn còn xuất hiện, ông hét lớn: “ Không được !” và gục ngã trên ghế rồi hôn mê. Ông trút hơi thở cuối cùng trên đường tới bệnh viện, kết thúc cuộc đời đầy sóng gió của một nghệ sĩ tài hoa.


THÂN TRỌNG SƠN

( tháng 10/2020 ).

jeudi 2 septembre 2021

ĐOẠN CHƯƠNG

 

ĐOẠN CHƯƠNG


Biện Chi Lâm


Biện Chi Lâm quê tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, sinh năm 1910. Từ thuở nhỏ, ông đã có thiên hướng yêu thích thơ ca kim cổ. Năm 1929, ông theo học khoa tiếng Anh, trường Đại học Bắc Kinh. Thời gian này, ông đọc nhiều và chịu ảnh hưởng các nhà thơ lãng mạn Anh và nhà thơ tượng trưng Pháp. Ông làm thơ rất sớm. Thi tập đầu tiên ông xuất bản là cuốn Tam thu thảo, (1934), trong đó nhiều bài nhuốm màu sầu muộn và tuyệt vọng, tình cảm phổ biến của giới trẻ lúc này.


Chịu ảnh hưởng của trường phái “ Tân nguyệt “, Biện Chi Lâm là người có nhiều đóng góp cho việc hiện đại hoá thơ ca Trung Quốc. Ông từng là đồng chủ biên tạp chí “ Tân Thi “ ( 新诗 ), cùng với Đái Vọng Thư ( Dai Wangshu, 戴望舒 ), 1905-1950, là nhà thơ trẻ từng du học ở Pháp, làm thơ bằng tiếng Pháp, sau có dịch thơ Pháp ( Les Fleurs du Mal, Baudelaire ), thơ Tây Ban Nha ( Federico Garcia Lorca ).

Ông cũng từng là giáo sư ngoại ngữ trường Đại học Bắc Kinh, chuyên viên nghiên cứu tại Sở văn học nước ngoài thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc.


Một số tác phẩm tiêu biểu, sau cuốn Tam thu thảo nói trên:

Ngư mục tập (1935),

Hán viên tập (1936),

Uý lạo tín tập (1940),

Thập niên thi thảo (1942),

Điêu trùng kỷ lịch (1930-1958).


Bài thơ Đoạn chương giới thiệu dưới đây nguyên là bốn câu lấy từ một bài thơ dài. Tác giả cho biết cả bài ông thích nhất bốn câu này nên ông cắt ra, cho nó thành một bài độc lập. Chính vì vậy ông đặt tên là Đoạn chương ( Đoạn thơ rời ). Và đây là bài thơ tiêu biểu cho khuynh hướng sáng tác của Biện Chi Lâm, trở thành một trong những bài nổi tiếng nhất của ông. Con người với con người, cảnh vật với cảnh vật, con người với cảnh vật, tất cả hoà quyện trong mối quan hệ đan xen, người ngắm cảnh rồi người biến thành cảnh được nhìn ngắm. Giao thoa, giao cảm, giao tình, thiên nhiên cây cỏ là mình hay ta. Cầu in bóng ánh trăng tà, lầu cao ngắm xuống như là cầm tay. Hỡi ôi người đó ta đây, mà trong mộng tưởng ngày ngày gặp nhau.


断 章


你站在桥上看风景,   

看风景的人在楼上看你。   

明月装饰了你的窗子,   

你装饰了别人的梦。


Dịch âm


ĐOẠN CHƯƠNG


Nhĩ trạm tại kiều thướng khán phong cảnh

Khán phong cảnh đích nhân tại lâu thướng khán nhĩ

Minh nguyệt trang sức liễu nhĩ đích song tử

Nhĩ trang sức liễu biệt nhân đích mộng.


Bài dịch 1:


Em đứng trên cầu ngắm phong cảnh

Người trên lầu ngắm cảnh nhìn em

Trăng sáng trang trí cửa sổ nhà em

Em tô điểm giấc mộng người khác.


Bài dịch 2:


Dừng bước trên cầu em ngắm cảnh

Lầu cao ai đứng ngắm nhìn em

Trăng vàng tô điểm phòng em nhỏ

Hình em vẽ mộng người đẹp thêm.


Bài dịch 3:


Dừng chân ngoạn cảnh bên cầu

Nào hay người đứng trên cao ngắm nhìn

Phòng em trăng sáng lung linh

Ai kia ủ mộng bằng hình bóng em.


Bài dịch 4:


FRAGMENT


You stand on a bridge, enjoying the view

From a balcony someone’ s watching you.

The bright moon adorns your window

And you adorn someone’s dreams.


Bài dịch 5:


FRAGMENT


Debout sur le pont tu contemples le paysage

Celui qui regarde le paysage te voit de l’étage

La lune brillante orne ta fenêtre

Et toi, tu ornes le rêve d’un autre.


Bài bonus:


Và em, Trần Nữ Kim Long hỡi

Bên cầu em đứng ngóng chờ ai?

Chùa gần vẳng tiếng chuông khàn đục

Chỉ thời gian một tiếng thở dài.


Đưa em trở về thời Song ngoại

Quỳnh Dao nữ sĩ gối đầu giường

Đường về Thành Nội còn xa lắm

Xuôi nam ngược bắc mấy dặm đường...


Cửa sổ phòng em trăng sáng quá

Trăng Nguyệt Biều, trăng Vĩ Dạ xưa

Trăng về tô điểm thời xa lắc

Áo trắng, tóc dài, tuổi mộng mơ.

Em chừ khuất nẻo đường xa,

Tưởng là thoáng chốc, hoá ra muôn đời.

Núi cao chi lắm núi ơi!


THÂN TRỌNG SƠN

dịch và giới thiệu

30/5/2019

jeudi 12 août 2021

BUỔI HỌC CUỐI CÙNG

 

BUỔI HỌC CUỐI CÙNG

Chuyện kể của một cậu bé người xứ Alsace



Truyện ngắn

Alphonse Daudet

(1840-1897)





Alphonse Daudet sinh năm 1840 tại Nîmes, tuổi thơ êm đềm trải qua tại miền nắng gió Provence, sau này sẽ là nguồn cảm hứng cho nhà văn khai thác trong các tác phẩm của mình. Chỉ tiếc là cả gia đình phải sớm rời nơi này để chuyển đến Lyon, khi xưởng tơ vải của người cha bị phá sản phải đóng cửa. Một thời gian sau, ông lại theo anh là Ernest lên Paris sinh sống. Chính người anh này đã khuyến khích Alphonse Daudet tập tành viết lách. Ông sáng tác tập thơ tình ( Les amoureuses ) rồi viết nhiều đoản văn phản ánh hiện thực xã hội. Có thể mầm mống văn tài sớm bộc lộ nên ông được  Công  tước de Morny 

( bộ trưởng dưới thời Napoléon Iii ) nhận làm thư ký, vị trí giúp ông bảo đảm cuộc sống. Cũng nhờ sự bảo trợ của vị này, ông viết được vài vở kịch ngắn, được mang đi trình diễn. (La Dernière idole, 1862; Les Absents, 1864; L'Œillet  blanc, 1865 ). Ông đảm nhiệm việc này cho đến lúc Công tước de Morny qua đời năm 1865. Từ đây Alphonse Daudet bắt đầu chính thức sống bằng ngòi bút của mình. Chỉ một năm sau, những sáng tác đầu tiên đã xuất hiện trên các báo. “ Tartarin de Tarascon “ là trường thiên tiểu thuyết gồm ba quyển, xuất bản năm 1872, được giới phê bình tán thưởng, khẳng định vị trí của tác giả trên văn đàn. 


Ông còn in thêm nhiều truyện dài khác nữa, nhưng đối với độc giả Việt Nam thì quen thuộc hơn hết vẫn là những tác phẩm sau:


Le Petit Chose, truyện dài ( hơn 200 trang, xuất bản năm 1868 ), thuật lại “ những cuộc phiêu lưu của một cậu bé đang dần trở thành người lớn”, vẽ nên khung cảnh thấm đẫm tình cảm nhân văn, với nhân vật chính sớm đánh mất tuổi thơ vì hoàn cảnh cuộc sống không như các bạn cùng lớp. Ai cũng gọi cậu bằng biệt danh “ Le Petit Chose“ mà không bao giờ gọi tên thật Daniel Eyssette. Đây là một dạng tự truyện với rất nhiều chi tiết liên quan đến nhân vật chính hoàn toàn giống với tác giả.


Lettres de mon moulin, tập truyện ngắn, xuất bản năm 1869, là một dạng hồi ký về thời niên thiếu của tác giả. “ Thư viết từ cối xay của tôi “ là khuôn mẫu của thứ văn phong nhẹ nhàng, trau chuốt, với những trang viết từng làm say đắm bao thế hệ học sinh yêu văn chương và ngôn ngữ Pháp. Bốn, năm chục năm sau, những người này vẫn còn nhớ mãi câu chuyện “ Những vì sao “ ( Les étoiles ) kể chuyện anh mục đồng mộng mơ lãng mạn ngắm sao trời ngỡ chuyện yêu thương. Anh thuộc tên các vì sao và muốn tìm hiểu sự bí mật của vũ trụ.

Truyện “ Con dê của ông Seguin “ ( La chèvre de monsieur Seguin ) hấp dẫn bạn đọc trẻ tuổi kiểu khác. Truyện mang tính triết lý, sự yên tĩnh của đồng quê có giới hạn của nó. Con dê đâu chỉ cần an toàn ăn cỏ trên đồng, nó còn thèm khát tự do. Nó bứt dây buộc, lên núi và gặp sói. Nó chiến đấu suốt đêm với con sói hung dữ, dù cuộc chiến không cân sức nhưng vẫn là một câu chuyện đẹp.


Contes du Lundi, tập truyện ngắn ( xuất bản năm 1873 ), gồm ba phần với tổng cộng 42 truyện, tất cả đều lấy cảm hứng từ cuộc Chiến tranh Pháp - Phổ, 1870-1871, trong đó “ La dernière classe “, Buổi học cuối cùng, là truyện đầu tiên và có lẽ cũng là truyện hay nhất của tuyển tập “ Truyện kể ngày thứ hai “ này.


Pháp thua trận, phải giao hai tỉnh Alsace và  Lorraine cho nước Phổ, và chính quyền mới buộc các trường học ở đây phải dạy tiếng Đức thay cho tiếng Pháp. Buổi học cuối cùng, vì thế, không phải là buổi học cuối của năm học để thầy trò chia tay về nghỉ hè, mà là buổi học cuối để sau đó thầy không thể dạy trò không thể học tiếng Pháp được nữa. Đến lúc này, thầy giáo mới có dịp giảng cho học trò rằng tiếng Pháp “là ngôn ngữ đẹp nhất trên thế giới, trong sáng nhất, hợp lý nhất, vững vàng nhất, và cần bảo vệ nó, đừng bao giờ được phép quên điều đó, vì khi một dân tộc bị rơi vào vòng nô lệ, chừng nào còn giữ vững tiếng nói của mình thì không khác gì nắm được chiếc chìa khoá mở cửa tù giam.”

Suy nghĩ bất chợt của cậu học trò Frantz khi nghe tiếng gù gù của mấy  con chim bồ câu “ Liệu người ta có bắt cả chúng nó cũng phải hót bằng tiếng Đức không nhỉ? “ là mối cảm hoài cay đắng, khi nhận ra mảnh đất quê hương không giữ được.





***********




Sáng hôm ấy tôi tới trường trễ, rất lo sẽ bị la, nhất là vì thầy Hamel đã dặn sẽ dò bài về thể phân từ, mà tôi thì không hiểu chữ nào. Có lúc tôi đã nghĩ đến chuyện trốn học, bỏ đi lêu lổng ngoài đồng. Trời thì ấm áp  và tươi đẹp quá thế này.


Nghe có tiếng chim ríu rít ở bìa rừng, và trên cánh đồng Rippert đàng sau xưởng cưa, đám lính Phổ đang tập trận. Những thứ này hấp dẫn tôi hơn cái món mẹo luật phân từ, nhưng tôi cũng còn cưỡng lại được, và tôi ba chân bốn cẳng chạy tới trường.


Khi đi ngang Toà Thị Chính, tôi thấy đám đông người đang tụ tập trước bảng cáo thị. Suốt hai năm qua, mọi tin xấu đều từ nơi đó mà ra, nào tin thua trận, nào là lệnh tuyển binh, rồi các chỉ thị của bộ chỉ huy, tôi tự hỏi, chân vẫn không dừng: “ Lại chuyện gì nữa đây?”

Thế rồi, khi tôi vội vàng chạy qua khu quảng trường, bác thợ rèn Wachter đang đứng đọc bảng cáo thị với anh học việc, nói lớn với theo tôi:

“ Chạy gì nhanh thế, cậu bé. cậu còn cả khối thời gian tới trường mà!” Tôi nghĩ là bác ấy đang giễu cợt tôi, và tôi thở hổn hển khi tới được mảnh sân nhỏ của thầy Hamel.


Thông thường, khi bắt đầu giờ vào lớp, luôn có những âm thanh ầm ĩ, ngoài đường cũng nghe thấy, tiếng mở đóng hộc bàn, tiếng học trò ôn bài đồng loạt, rất ồn ào vì cứ bịt tai mà đọc để nghe cho rõ, còn cả tiếng thầy gõ thước lên bàn nữa.


“ Tất cả im lặng nhé!”


Tôi hy vọng sẽ lợi dụng lúc chộn rộn này để vô lớp không bị ai nhìn thấy. Nhưng hôm nay sao lại yên lặng như đang là sáng chủ nhật thế này! Qua cửa sổ, tôi thấy các bạn đã ngồi vào chỗ đàng hoàng, còn thầy Hamel thì đang đi tới đi lui với cây thước kẻ bằng sắt đáng sợ kẹp dưới nách. Phải mở cửa bước vào trong không khí lặng lẽ đó. Bạn chắc là tưởng tượng ra mặt tôi đỏ rần và tôi run sợ như thế nào.


Thế nhưng, không. Thầy Hamel nhìn tôi không chút giận dữ và dịu dàng nói: “ Hãy vào chỗ ngồi nhanh đi, em Frantz. Lớp học bắt đầu mà vắng mặt em đó.”


Tôi nhảy qua băng ghế và ngồi xuống ngay bàn của mình. Đến lúc đó, khi đã bớt lo sợ tôi mới nhận ra là hôm nay thầy mặc cái áo khoác màu xanh thật đẹp, diềm lá sen gấp nếp mịn và đội cái mũ tròn bằng lụa đen thêu mà thầy chỉ mặc những hôm có thanh tra hoặc phát phần thưởng.


Thêm vào đó, hôm nay trường tôi có vẻ gì lạ lùng và trang nghiêm khác thường, nhưng điều làm tôi sững sờ hơn hết là trên mấy băng ghế đặt ở cuối lớp, mọi ngày bỏ trống, hôm nay lại thấy có mấy người dân trong làng đang ngồi lặng lẽ giống như chúng tôi vậy. Ông già Hauser với cái nón xếp ba góc, ông cựu thị trưởng, ông cựu bưu tá, và nhiều người khác nữa, ai trông cũng buồn rầu. Ông Hauser có mang theo quyển sách vỡ lòng cũ, góc đã quăn queo, ông mở sẵn trên đùi, đặt cái kính đeo mắt trên trang sách.


Trong khi tôi đang tự hỏi về tất cả những điều đó thì thầy Hamel ngồi vào ghế của mình, và cất tiếng, cũng với cái giọng nhẹ nhàng và nghiêm trang mà lúc nãy thầy nói với tôi: “ Này các con, đây là buổi học cuối cùng thầy dậy các con. Lệnh đến từ Berlin là tất cả các trường học ở Alsace và Lorraine chỉ được phép dùng tiếng Đức mà thôi. Ngày mai sẽ có thầy mới tới đây và hôm nay là buổi học tiếng Pháp cuối cùng. Thầy mong các con phải chú ý thực kỹ. “


Những lời ấy khác nào sấm sét giáng xuống đầu tôi! Ôi, bọn khốn! Thì ra đây là cái mà chúng đã dán ở Toà Thị Chính!


Buổi học tiếng Pháp cuối cùng của tôi sao! Tôi còn chưa biết viết nữa mà! Tôi không được học nữa sao? Phải ngưng hết việc học ngay lúc này sao? Tôi giận mình biết bao về thời gian bỏ phí bấy lâu, tôi đã trốn học để đi tìm trứng chim hay đi trượt ván ở Saar! Những cuốn sách mà mới khoảnh khắc trước tôi cho là thứ khô khan, mang vác nặng nề, sách ngữ pháp , sách lịch sử linh thiêng, giờ tôi coi như những người bạn cũ, khó khăn lắm mới rời bỏ được. Và thầy Hamel cũng vậy. Nghĩ đến việc thầy sắp sửa đi xa, tôi sẽ không còn gặp thầy được nữa là tôi quên hết những hình phạt, những đòn đánh thước kẻ của thầy trước kia.

Tội Thầy quá!


Chính vì coi trọng buổi học cuối cùng này mà thầy đã mặc bộ đồ đẹp thường chỉ diện ngày chủ nhật, và lúc này tôi mới hiểu tại sao những vị bô lão trong làng đến ngồi trên những băng ghế nơi cuối lớp. Có vẻ như họ cũng hối hận rằng đáng lẽ họ phải đến trường siêng năng hơn. Đó là cách họ tỏ lòng tri ân thầy chúng tôi đã tận tuỵ suốt bốn mươi năm nay, và cũng để biểu lộ tình cảm ân nghĩa đối với tổ quốc nay đã mất đi.


Tôi đang nghĩ về những điều này bỗng nghe tiếng thầy gọi tên. Đến phiên tôi phải đọc bài. Tôi có thể đánh đổi gì để có thể đọc được hết cái quy tắc về phân từ lẫy lừng đó, đọc thật to, thật rõ, không vấp váp chút nào nhỉ? Tôi chỉ ấp úng được mấy chữ đầu tiên thôi, rồi đứng yên như trời trồng, chết dí nơi băng ghế, tim đập mạnh, chẳng dám ngước mắt lên. Tôi nghe thầy Hamel nói với tôi: “ Này Frantz, thầy không la con đâu, con bị trừng phạt thế là đủ rồi, con thấy chưa, ngày nào ta cũng tự bảo: ấy, ta còn khối thời gian mà, để ngày mai rồi học cũng được. Và con thấy kết quả ra sao rồi đó... Ừ, tai hoạ lớn nhất của xứ Alsace chúng ta là bao giờ cũng trì hoãn việc học đến ngày mai. Và giờ đây, những kẻ kia có quyền bảo chúng ta rằng: Thế nào! Các ngươi tự nhận mình là dân Pháp, thế mà sao các ngươi chẳng biết đọc biết viết được tiếng mẹ đẻ của mình! .. Trong chuyện này, trò Frantz à, con đâu phải là người tội lỗi nhất. Tất cả chúng ta đây đều phải tự trách mình cả đấy.


Bố mẹ các con không chăm lo lắm việc học hành của các con. Họ thích các con ra đồng làm việc hay vào nhà máy hơn để kiếm thêm chút tiền. Còn thầy đây, bộ thầy không có gì đáng trách à? Chẳng phải là thầy đã sai các con đi tưới hoa trong vườn thay vì bắt các con phải học bài. Và khi thầy muốn đi câu, thầy chẳng ngần ngại cho các con nghỉ học.


Thế rồi, từ chuyện này bắt sang chuyện khác, thầy Hamel nói về tiếng Pháp, bảo rằng đó là ngôn ngữ đẹp nhất trên thế giới, trong sáng nhất, hợp lý nhất, vững vàng nhất, và cần bảo vệ nó, đừng bao giờ được phép quên điều đó, vì khi một dân tộc bị rơi vào vòng nô lệ, chừng nào còn giữ vững tiếng nói của mình thì không khác gì nắm được chiếc chìa khoá mở cửa tù giam. Rồi thầy mở sách ngữ pháp ra và đọc bài học cho chúng tôi nghe. Tôi ngạc nhiên thấy mình hiểu thật thông suốt. Những điều thầy nói nghe thật dễ hiểu, thực sự rất dễ hiểu. Tôi cũng thấy rằng tôi chưa bao giờ chú ý nghe thầy giảng chăm chú đến thế, mà thầy cũng chưa bao giờ giảng giải mọi điều một cách kiên nhẫn đến thế. Như thể là trước khi đi xa thầy muốn truyền cho chúng tôi tất cả kiến thức của mình, cố trút hết vào đầu óc chúng tôi tất cả một lần.


Sau bài ngữ pháp, đến bài tập viết. Hôm đó, thầy đã chuẩn bị những tờ mẫu mới toanh, trên đó có viết bằng chữ rông thật đẹp: France, Alsace, France, Alsace... Những tờ giấy tập viết như những lá cờ nhỏ bay khắp phòng học, treo trên những thanh gắn trên mặt bàn học chúng tôi. Bạn phải nhìn thấy mọi người chăm chú làm việc như thế nào, và lớp học im lặng ra sao! Chỉ còn nghe được tiếng ngòi bút cào trên giấy. Có lúc, có vài con bọ bay vào phòng, nhưng chẳng ai để ý đến chúng, ngay cả những thằng nhỏ bé nhất đang cố công vạch những nét sổ thẳng, toàn tâm, toàn ý, chừng như những nét sổ đó cũng là tiếng Pháp. Trên mái nhà, những con bồ câu gù gù nho nhỏ, tôi nghe tiếng chim và nhủ thầm: “Liệu người ta có bắt cả chúng nó cũng phải hót bằng tiếng Đức không nhỉ? “


Có khi đang viết tôi ngước nhìn lên, tôi thấy thầy Hamel ngồi bất động trên ghế, mắt chăm chăm nhìn hết vật này sang vật khác, như muốn ghi sâu trong tâm trí mình tất cả hình ảnh ngôi trường nhỏ bé này. Thật lạ! Đã bốn mươi năm nay, thầy chẳng luôn ở đây, vẫn chỗ ngồi đó, vẫn sân chơi trước mặt, vẫn lớp học không đổi hay sao? Chỉ có mấy cái ghế, cái bàn sử dụng lâu ngày nay trơn mòn hơn, những cây hạt óc chó nay mọc cao hơn, và dây hoa bia do chính thầy trồng nay quấn quanh cửa sổ, leo lên tận mái nhà. Hẳn là thầy đau lòng lắm khi phải rời xa tất cả những thứ này, khi nghe tiếng cô em thầy ở tầng trên đang đi đi lại lại, đóng gói đồ đạc vào mấy cái rương, bởi vì họ phải rời khỏi xứ ngay ngày hôm sau.


Nhưng rồi thầy cũng can đảm dạy hết cả buổi học. Sau phần tập viết, chúng tôi học về lịch sử, sau đó các trò nhỏ bi ba bi bô đánh vần. Dưới kia, ở cuối lớp, cụ Hauser đeo cặp  kính vào mắt, hai tay nâng sách vỡ lòng lên cùng đánh vần theo chúng. Ai cũng thấy là cụ cũng rất chăm chú, giọng run run vì xúc động, nghe rất buồn cười khiến chúng tôi vừa muốn cười vừa muốn khóc. Ôi chao, tôi nhớ buổi học cuối cùng ấy biết bao!


Đột nhiên chuông nhà thờ gõ mười hai tiếng. Rồi đến hồi chuông cầu kinh Đức Bà. Đồng thời tiếng kèn đồng của đám lính Phổ đi tập trận về vang lên dưới mấy cửa sổ phòng học. Thầy Hamel đẩy ghế đứng dậy, mặt tái xanh. Chưa lúc nào tôi thấy thầy cao đến vậy.

Thầy nói: “ Các bạn, các bạn, tôi...tôi...”

Có cái gì đó làm thầy nghẹn lại, không nói hết câu được.

Thầy xoay người về phía bảng đen, nhặt một mẩu phấn, và bằng hết sức mình ấn lên phấn, thầy viết hàng chữ to hết cỡ : “ NƯỚC PHÁP MUÔN NĂM “.


Thế rồi, thầy ngừng tay, đầu gục lên tường, không nói một lời, thầy xua tay ra dấu như bảo chúng tôi: 

“ Lớp học kết thúc...mọi người về đi!”



THÂN TRỌNG SƠN

dịch và giới thiệu

theo nguyên bản tiếng Pháp.

( Les Contes du lundi / Chuyện kể ngày thứ hai )


https://beq.ebooksgratuits.com/vents/Daudet-lundi.pdf



NGƯỜI THẦY

 

NGƯỜI THẦY


                                  

                             Elisabeth Silance Ballard.



Một truyện ngắn cảm động về tình thầy trò. Có hai chi tiết khiến người đọc có thể nghĩ chuyện xảy ra ở Việt Nam, không phải ở Mỹ, chuyện hôm nay, không phải cách đây hơn bốn mươi năm. Đó là việc giáo viên đối xử công bằng, đồng đều với tất cả học sinh là điều rất khó, đến nỗi nếu giáo viên hứa với học sinh của mình như thế, thì chính thầy hay cô  đó biết ngay là mình đang nói dối! Thứ hai là việc học sinh tặng quà đồng loạt cho giáo viên nhân một cơ hội nào đó, tưởng là đơn giản nhưng có khi lại khá tế nhị, gây bối rối cho học sinh nếu em nào đó không có điều kiện, chỉ có thể mang đến một món quà tầm thường, khiến cả lớp phải cười nhạo. Xử lý tình huống này tuỳ bản lĩnh và cái tâm của người thầy.


Kể từ khi được đăng tải trên tạp chí Home Life năm 1976, truyện trở nên nổi tiếng, được phổ biến rộng rãi, dịch ra nhiều thứ tiếng. Nhiều người tin đây là một câu chuyện có thật, và hơn thế nữa, còn quả quyết nhân vật chính hiện nay là bác sĩ đang làm việc tại Trung tâm Ung thư của một bệnh viện thuộc tiểu bang Iowa. 

Tác giả Elisabeth Silance Ballard ( một nhà hoạt động xã hội, tác giả nhiều truyện ngắn ) phải lên tiếng xác nhận truyện hoàn toàn hư cấu, không có cô giáo Thompson nào, cũng không có học sinh cá biệt Teddy nào cả, tuy bà có dựa vào vài chi tiết đời tư để sáng tác.

Người đọc khỏi cần bận tâm về chuyện hư thực đó vẫn thấy được vấn đề cốt lõi của công việc người thầy là lương tâm chức nghiệp và quan hệ thầy trò được tác giả nêu lên và giải quyết khá tinh tế. Không giải thích, không bình luận, rất ít lời, chỉ những sự kiện sắp xếp cạnh nhau, ngắt câu, ngắt đoạn bất ngờ, độc đáo, văn phong giản dị. Chừng đó đủ để tạo ra một câu chuyện thú vị, gợi nhiều suy nghĩ cho người đọc, nhất là những ai đang hoặc đã từng dạy học.



Cách đây nhiều năm rồi, có một câu chuyện về một cô giáo dạy tiểu học. Tên cô là Cô Thompson. Hôm đó là ngày đầu tiên của năm học. Khi cô đứng trước lớp 5 do cô phụ trách, cô đã nói với bọn trẻ điều dối trá. Cũng như hầu hết giáo viên khác, cô đưa mắt  nhìn học trò và nói là cô sẽ yêu thương và đối xử công bằng với tất cả. Nhưng điều đó có lẽ sẽ khó thực hiện, bởi ngay ở hàng ghế đầu, cô thấy ngồi lù lù thằng bé Teddy Stoddard. 


Cô Thompson đã biết đến thằng Teddy từ năm ngoái và đã nhận xét rằng nó chẳng chơi được với bọn trẻ khác, áo quần thì lôi thôi lếch thếch và có vẻ như lúc nào cũng cần phải tắm gội. Tóm lại, nó thật khó ưa.

Chuyện dẫn tới mức cô giáo cứ gặp bài của thằng nhỏ là sẵn sàng đánh dấu X thật đậm - với cây bút đỏ to - và ghi chữ F thật lớn trên đầu tờ giấy. (1)


Trong trường cô Thompson dạy, như các giáo viên khác, cô phải xem lại kết quả học tập những năm trước của học sinh và cô đã để hồ sơ của Teddy đến cuối cùng mới xem.

Tuy nhiên, khi cô xem đến hồ sơ của thằng nhỏ, cô đã rất mực ngạc nhiên.


Giáo viên lớp một phê, “ Teddy là một học sinh sáng dạ và vui nhộn, làm việc gì cũng ngăn nắp, cư xử tốt... Em luôn mang đến niềm vui  cho những người xung quanh...”

Giáo viên lớp hai nhận xét, “ Teddy là một học sinh xuất sắc, bạn bè đều yêu mến, nhưng em đang gặp khó khăn vì mẹ em đang mắc bệnh hiểm nghèo, cuộc sống gia đình hẳn là vất vả lắm.”

Giáo viên lớp ba ghi, “Cái chết của mẹ đã gây chấn động mạnh lên Teddy. Em đã cố gắng hết sức nhưng người cha thiếu quan tâm, cuộc sống ở nhà sẽ ảnh hưởng đến em nếu tình hình không cải thiện.” 

Giáo viên lớp bốn phàn nàn, “ Teddy buông xuôi, và không thể hiện niềm hứng thú trong việc học hành. Em không có nhiều bạn bè và thường ngủ gật trong lớp.” 


Đến lúc đó, cô Thompson đã hiểu được vấn đề và thấy xấu hổ về mình. Cô càng thấy   ray rứt hơn khi học sinh tặng cô quà Giáng sinh, tất cả đều được gói giấy bóng loáng và cột dải ruy băng xinh xắn, chỉ trừ quà của Teddy.


Quà của thằng nhỏ được gói vụng về trong một tờ giấy nâu thô ráp, có lẽ lấy từ bọc giấy đựng đồ tạp nham nào đó. Cô Thompson thấy nhói đau khi mở gói quà của Teddy giữa những món quà khác. Một số đứa đã bật cười khi cô lấy ra một vòng đeo tay bằng đá thiếu mất vài hột và một lọ nước hoa chỉ còn một phần tư.

Nhưng cô đã làm cho những tiếng cười kia im bặt khi cô khen chiếc vòng đẹp, rồi đeo vào tay, và thoa một ít nước hoa lên cổ tay.

Và hôm đó Teddy Stoddard đã nấn ná ở lại trường một lát chỉ để nói, “ Cô ơi, hôm nay cô thơm như mẹ em trước đây vậy.” 


Bọn trẻ về hết, cô giáo khóc cả tiếng đồng hồ. Và cũng từ ngày đó, cô không chỉ dạy đọc, dạy viết, dạy làm toán, cô bắt đầu dạy dỗ bọn trẻ. Cô đặc biệt quan tâm đến Teddy.

Và do được cô theo sát, đầu óc thằng nhỏ như sinh động hẳn lên. Cô càng khích lệ thì nó càng đáp ứng nhanh. Đến cuối năm học, Teddy trở thành một trong những học sinh xuất sắc nhất lớp, và, tuy cô đã nói dối là sẽ yêu thương bọn trẻ như nhau, Teddy đã trở thành “ học trò cưng “ của cô giáo.

Một năm sau, ở bục cửa nhà mình, cô thấy có tờ giấy nhỏ của Teddy, nói rằng cô là người thầy tuyệt với nhất nó từng gặp trong đời.


Sáu năm sau cô lại thấy một mảnh giấy khác của Teddy. Nó viết rằng nó đã học xong trung học, được xếp hạng ba trong lớp, và cô vẫn là người thầy tuyệt vời nhất.


Bốn năm nữa trôi qua, cô lại nhận một lá thư khác của Teddy, cậu nói rằng tuy có lúc gặp khó khăn bất ổn trong đời, cậu vẫn theo đuổi việc học và sắp tốt nghiệp thủ khoa đại học. Cậu đoan chắc rằng cô vẫn là người thầy tuyệt vời, mà cậu yêu quý nhất trong đời.


Rồi lại bốn năm nữa trôi qua, lại một bức thư nữa được gởi đến cô. Lần này cậu giải thích là sau khi đỗ cử nhân, cậu quyết định tiến xa hơn. Bức thư nói rằng cô vẫn cứ là người thầy tuyệt vời, được yêu quý nhất trong đời cậu. Nhưng giờ đây, tên của cậu đã dài hơn, tên cậu ký bây giờ ghi thế này: Theodore F. Stoddard, Bác sĩ Y khoa.


Thế nhưng, câu chuyện chưa dừng lại ở đây. Đến mùa xuân lại có một bức thư khác. Teddy kể là cậu đã gặp một cô gái và họ sắp kết hôn. Cậu nói là cha cậu đã mất mấy năm trước, cậu hỏi rằng liệu cô có thể đến dự đám cưới và ngồi vào vị trí vẫn thường dành cho mẹ chú rể không.


Tất nhiên cô Thompson nhận lời. Bạn thử đoán chuyện gì xảy ra. Cô đã đeo chiếc vòng tay khuyết mấy hạt đó. Và cô cũng đã xức thứ nước hoa cũ mà Teddy nhớ là mẹ cậu vẫn thường dùng trong dịp lễ Giáng sinh cuối cùng họ ở cùng nhau.


Hai cô trò ôm choàng lấy nhau, và Bác sĩ Stoddar thì thầm vào tai cô, “ Thưa Cô, con cám ơn cô đã đặt niềm tin vào con. Cám ơn Cô rất nhiều vì cô đã làm cho con có cảm giác mình là quan trọng, chỉ cho con thấy rằng con có thể tạo ra điều khác biệt.” Cô Thompson, mắt đẫm lệ, khẽ đáp: “ Teddy, em nhầm hoàn toàn rồi. Em mới chính là người đã dạy cho cô rằng cô có thể làm nên điều khác biệt. Thực ra cô không biết dạy như thế nào cho đến  khi cô gặp được em.”



—————————————————


  1. Dấu X để đánh dấu chỗ sai trong bài làm, F là điểm kém.




Nguồn: http://www.livinglifefully.com/flo/flothreeletters.htm 





jeudi 25 février 2021

CÂU CHUYỆN CỦA MỘT GIỜ

   


Truyện ngắn


Kate Chopin

Nhà văn Hoa Kỳ

( 1850 - 1904 )



 



Catherine O' Flaherty sinh năm 1850 tại Saint - Louis, Missouri, bố gốc người Ái Nhĩ Lan, mẹ gốc Pháp, lớn lên trong môi trường đa văn hoá, từ nhỏ đã nói tiếng Pháp đồng thời với tiếng Anh. Theo học bậc tiểu học và trung học tại một trường công giáo với các nữ tu. Ở nhà, được nuôi dạy bởi mẹ, bà, và bà cố. Sự giao tiếp thường xuyên với những người phụ nữ ở chung quanh giúp cô bé sớm có nhận xét về vai trò của phái nữ trong gia đình và xã hội, định hình cho những ý tưởng và quan niệm cá nhân của nhà văn tương lai.


Kate Chopin ( Kate là Catherine, Chopin là họ chồng ) chịu nhiều đau thương mất mát ngay khi còn nhỏ. Cha chết vì tai nạn đường sắt khi mới lên năm (1855), bà cố, người đã dạy cho cô tiếng Pháp và văn hoá Pháp, qua đời năm 1863. Trong thời Nội chiến Hoa Kỳ ( 1861 - 1865 ), cô lại mất thêm người anh ( tham gia đội quân của Liên minh miền Nam - Confederate - ).

Kate Chopin kết hôn năm 1870 với Oscar Chopin, một thương gia chuyên buôn bán bông vải, và cũng là người gốc Pháp ).Từ năm 1871 đến 1879, Kate Chopin sinh được 5 trai và 1 gái, và số phận rủi ro vẫn không buông tha, Kate lại chịu tang chồng năm 1882, chỉ sau mười hai năm chung sống. Trở thành quả phụ năm 32 tuổi, Kate Chopin vừa nuôi con, vừa tiếp tục công việc của chồng, và không tái giá. 

Đây là chân dung Kate Chopin giai đoạn này, như ghi nhận của nhà phê bình Barbara Ewell: 


" Kate là một người khá nổi bật và quyến rũ. Không cao lắm, có khuynh hướng mập ra, thực sự xinh đẹp, mái tóc nâu dày, dợn sóng, sớm điểm bạc, đôi mắt nâu sáng trong. Bạn bè nhớ nhiều nhất là thói quen im lặng và sự nhanh trí kiểu Ái Nhĩ Lan, thêm điểm nhấn là biệt tài bắt chước. Một bà chủ nhà duyên dáng, dễ tính, thích cười, thích âm nhạc và khiêu vũ, đặc biệt là kiểu nói chuyện thông minh, bà có thể diễn đạt quan điểm cá nhân với sự thẳng thắn đáng ngạc nhiên."


Sau khi chồng chết không lâu, Kate Chopin trở về sống tại St- Louis để con cái có điều kiện học hành tốt hơn. Năm 1885, đến lượt mẹ Kate Chopin qua đời.


Một bác sĩ sản khoa, cũng là bạn thân của gia đình, khuyến khích Kate viết văn, như là một liệu pháp chống buồn nản và cô đơn sau khi chồng và mẹ lần lượt đi xa.  Nghe theo lời khuyên, Kate bắt đầu cầm bút và truyện ngắn đầu tiên của bà đã được đăng trên tờ St Louis Post Dispatch năm 1889, và một năm sau, bà hoàn thành cuốn tiểu thuyết At Fault.


Hơn mười năm tiếp sau đó, Kate Chopin vừa duy trì hoạt động xã hội, vừa không ngừng sáng tác, hoàn thành được trên dưới một trăm truyện ngắn. Truyện ngắn của Kate Chopin được công bố trên những tạp chí nổi tiếng như Vogue và Atlantic Monthly. Hai tuyển tập lần lượt ra mắt: Bayou Folk, 23 truyện (1894), A Night in Acadie, 21 truyện (1897). Giới phê bình có người cho là truyện chỉ có tính địa phương, chỉ phản ảnh những sinh hoạt tại vùng Louisiana và Missouri.  Đến năm 1899, bà cho xuất bản cuốn The Awakening ( Tỉnh  thức ), thu hút nhiều nhận định đánh giá trái ngược nhau. Một vài nhà phê bình khen ngợi tính nghệ thuật của tác phẩm, nhưng cũng không ít người cho là " nhàm chán ", " tầm thường", " không lành mạnh ",  thậm chí "  độc hại ". Tất cả chỉ vì Kate Chopin là người phụ nữ " đi trước thời đại ", thông qua các nhân vật của mình, bà đã bày tỏ quan niệm ( và phản ứng ) về gia đình, hôn nhân, ly dị, ngoại tình, nữ quyền, chống lại lề thói cổ truyền ( tradition ) và quyền hành ( authority ). ( Mà đâu chỉ trong tác phẩm, ngay trong sinh hoạt đời thường, Kate Chopin cũng tỏ ra " tiên phong " đấy chứ: thời còn sống tại New Orleans hay khi về một thị trấn nhỏ ở St- Louis, bà đã làm mọi người ngạc nhiên khi đi dạo một mình, hút thuốc, ăn mặc kiểu cách và cỡi ngựa hai chân hai bên. ) 


Kate Chopin qua đời đột ngột năm 1904, xuất huyết não. 

Trong một thời gian dài, tác giả và tác phẩm bị lãng quên, ngoại trừ một số rất ít truyện được giới thiệu trong các tuyển tập xuất bản mấy năm sau khi tác giả qua đời.


Sự lãng quên ( bất công và đau đớn ) này kéo dài tới gần ... 70 năm, mãi cho đến năm 1969, khi nhà phê bình người Na Uy, Per Seyersted viết cuốn chuyên luận về tiểu sử của Kate Chopin với nhận định: 

" ( Kate Chopin ) là nhà văn nữ đầu tiên trên đất nước mình nhìn nhận đam mê như là một chủ đề chính thống của tiểu thuyết nghiêm túc, công khai. Chống lại lề thói cổ truyền và quyền hành, với một sự táo bạo mà ngày nay chúng ta khó khăn mới thấu hiểu, với sự thành thực cương quyết, không có chút gì kích động, bà đảm đương việc nói lên sự thật không che đậy về mặt khuất của đời sống người phụ nữ. Bà như là người tiên phong đề cập thẳng thắn những vấn đề dục tính, ly dị, và sự thôi thúc của giới nữ mong muốn tồn tại thực sự. Trong nhiều khía cạnh, bà là một nhà văn hiện đại, nổi bật về nhận thức những phức tạp của  sự thật và tính đa dạng của tự do."


Phong trào nữ quyền ở Mỹ phát triển ngày càng mạnh từ những năm 1960 tạo thuận lợi cho việc đánh giá về tài năng và cống hiến của Kate Chopin. Tác phẩm của bà được tái bản và giới thiệu trở lại.


Truyện ngắn Cơn bão ( the Storm ) được viết năm 1898 nhưng tác giả không thể công bố ngay vì bà biết không nơi nào chịu in một truyện đề cập thẳng thắn và thẳng thừng về tình dục như truyện này. ( lần đầu tiên truyện xuất hiện trong The Complete Works of Kate Chopin, in năm 1969,  tức là gần 70 năm sau khi ra đời! ).


Thông thạo tiếng Pháp, thấm nhuần văn hoá Pháp, lúc sáng tác, Kate Chopin chịu nhiều ảnh hưởng của nhà văn Maupassant. Ở bậc thầy của thể loại truyện ngắn này, Kate Chopin nhận ra văn chương không phải chỉ là hư cấu, mà là chính cuộc sống, với những con người đang sống quanh ta. Nhà văn quan sát và ghi lại, trực tiếp và đơn giản, những gì mình nhìn thấy. Cũng như nhà văn Pháp, Kate Chopin thường viết lại, như kiểu ghi âm, những lời đối đáp của nhân vật với câu chữ, ngữ điệu nguyên thô, để người đọc tưởng mình đang nghe trực tiếp. Hãy thử đọc đoạn này, trích trong truyện Regret ( Nuối tiếc ) để thấy điều đó:


" T ain' ispected sich as you would know airy thing 'bout 'em, Mamzelle Aurlie. I see dat plainly yistiddy w'en I spy dat li'le chile playin' wid yo' baskit o' keys. You don' know dat makes chillun grow up hard-headed, to play wid keys? Des like it make 'em teeth hard to look in a lookin'-glass. Them's the things you got to know in the raisin' an' manigement o' chillun."


Một đặc trưng khác của Maupassant - mà Kate Chopin học tập - là cách kết cấu truyện ngắn, câu chuyện diễn tiến theo tâm lý nhân vật, tình tiết đan xen, và bỗng xoay sang một kết cuộc bất ngờ, tạo ngạc nhiên thú vị cho người đọc. Thủ pháp này biểu lộ rõ với truyện The Story of an hour ( Câu chuyện một giờ ), một trong những truyện ngắn hay nhất của Kate Chopin, được giới thiệu dưới đây. 


Có tin chồng của Louise bị tai nạn chết. Biết nàng bị bệnh tim nên người thân và bạn bè tìm cách báo tin khéo léo, tránh xúc động đột ngột. Ban đầu, nàng cũng đau đớn, vật vã khóc than, rồi rút về ngồi một mình trong phòng riêng. Nơi đây, khi bình tâm nhìn khung cảnh bên ngoài, dường như nỗi đau dần nguôi ngoai. Nàng quan sát những cảnh trí quen thuộc, mây bay, trời trong, cây xanh, mưa nhẹ hạt, nàng lắng nghe những âm thanh quen thuộc, tiếng rao hàng, tiếng nhạc, tiếng chim hót... Thế là một cảm giác lạ lùng, hân hoan, phấn khởi xâm nhập tâm hồn nàng. Nàng buột miệng nói: Tự do, tự do... và thanh thản nghĩ về tháng ngày dài phía trước. Nàng sẽ được tự do sống với sở thích và ước muốn của riêng mình.


Đến đây " câu chuyện một giờ " tưởng chừng kết thúc được rồi. Nhưng...

Ngay lúc này anh chồng bước vào: anh vẫn còn sống, vì trễ tàu! Khi nhìn thấy chồng trở về, Louise lăn ra chết. Bác sĩ kết luận nàng chết vì bệnh tim, vì quá vui mừng. 

 

Câu chuyện kết thúc quá bất ngờ, để cho người đọc tiếp tục suy nghĩ: có phải thực sự Louise quá vui mừng mà chết không. Và từ đó mà bàn thêm những điều tác giả không nói, tình yêu giữa hai vợ chồng chẳng hạn...


Hiện nay, Kate Chopin được xem là một khuôn mặt lớn trong nền văn học Mỹ. Tác phẩm của bà đã được dịch ra hàng chục thứ tiếng, kể cả tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Trung, tiếng Mã Lai, tiếng Á Rập... và tiếng Việt.




**************

Vốn biết bà Mallard bị đau tim, mọi người hết sức cẩn thận và dè dặt lúc báo cho nàng tin chồng nàng đã chết. Chính em gái Josephine đã ngập ngừng bằng những câu đứt quãng, lờ mờ tiết lộ tin. Người bạn của chồng nàng, Richards, cũng ở đó, gần cô ta. Chính anh ta là người đã có mặt tại toà soạn khi nhận tin tức về thảm hoạ đường sắt, với tên của Brentley Mallard đứng đầu danh sách những người tử vong. Anh ta chỉ có đủ thời gian để tự mình xác minh sự thật bằng một bức điện thứ hai, rồi vội vã ngăn trước bất kỳ người bạn nào ít cẩn trọng, ít tế nhị hơn đến đưa tin buồn.

Nàng không nghe câu chuyện như cách nhiều phụ nữ khác có thể nghe những tin kiểu như thế, bị tê liệt đến độ không hiểu ý nghĩa của nó. Nàng bật khóc, bất giác gục xuống trong vòng tay của em gái. Khi những phút đau buồn dịu đi, nàng bước một mình về phòng riêng. Nàng không muốn có ai đi cùng. Nàng đứng đó, mặt hướng ra cửa sổ mở rộng, cạnh một chiếc ghế bành rộng rãi, thoải mái. Nàng buông mình xuống ghế, chìm đắm trong sự kiệt quệ của thể xác và dường như của cả tâm hồn.

Nàng có thể thấy trong khoảng không gian vuông vắn trước nhà những ngọn cây lay động trong tiết xuân mới. Hơi mưa mát dịu trong không khí. Trên con đường bên dưới một người bán rong đang rao hàng. Các giai điệu của một bài hát xa xôi mơ hồ vọng đến tai nàng, rất nhiều chim sẻ đang hót vang dưới mái hiên.

Nàng ngồi tựa đầu lên đệm ghế, hoàn toàn bất động, ngoại trừ khi tiếng nức nở thoát ra từ cổ họng khiến nàng run lên, như một đứa trẻ đã khóc đến khi thiếp đi mà vẫn nức nở cả trong giấc mơ.

Nàng còn trẻ, với khuôn mặt bình thản, xinh đẹp và những đường nét toát lên vẻ cam chịu, thậm chí sự vững vàng của nghị lực. Nhưng giờ đây, ánh mắt của nàng đờ đẫn, nhìn đăm đăm một điểm cố định nào đó trên mảnh trời xanh. Đó không phải là cái nhìn phản ảnh cuộc sống, mà là một sự ngưng đọng về suy nghĩ thông minh.

Có một cái gì đó đang đến với nàng, và nàng đang đợi nó trong sợ hãi. Là điều gì? 

Nàng không biết, nó quá tinh tế, khó mà gọi tên. Nhưng nàng cảm nhận được nó đang trườn ra từ bầu trời, đến tận bên nàng qua âm thanh, mùi hương, màu sắc ngập tràn không khí. 

Bây giờ lồng ngực của nàng đập mạnh. Nàng bắt đầu nhận ra nó , cái đang tới gần chiếm lĩnh tâm trí nàng và nàng đang cố gắng chống chọi bằng ý chí, bằng đôi tay yếu ớt trắng nhợt.

Khi nàng không kiềm chế được nữa, một tiếng thì thầm bất chợt thoát ra đôi môi hé mở. Nàng  thốt ra nhiều lần trong hơi thở: “ Tự do, tự do, tự do! “. Ánh mắt trống rỗng và cái nhìn sợ hãi từ đôi mắt nàng ra theo âm thanh đó. Tia nhìn vẫn sắc sảo, sáng rực. Tim nàng đập nhanh khiến cơ thể ấm dần lên và dễ chịu hơn.


Nàng vẫn không ngừng lại để tự hỏi phải chăng một niềm vui quá lớn đã khiến nàng choáng ngợp. Một cảm nhận rõ nét và phấn khích khiến nàng không thể xem cảm giác này là bé nhỏ. Nàng biết rằng nàng sẽ khóc lần nữa khi nàng nhìn thấy đôi tay dịu dàng, thân thiết đang nắm lại khi lìa trần, khuôn mặt từng nhìn nàng chan chứa tình yêu, giờ bất động, xám lạnh, chết chóc. Nhưng nàng đã nhìn xa hơn, vượt qua cái khoảnh khắc đau đớn đó, thấy hiện ra một khoảng thời gian dài sắp tới sẽ hoàn toàn thuộc về nàng. Và nàng dang tay đón chào khoảng thời gian đó.

Sẽ không sống cho ai khác trong những năm tới, mà chỉ sống cho chính mình. Sẽ không có quyền lực nào khuất phục được nàng trong sự ngoan cố mù quáng mà với sự chiếm giữ đó đàn ông và phụ nữ ngỡ là họ có quyền áp đặt ý chí riêng của một cá nhân cho một cá nhân khác. Một ý định tốt hoặc xấu khiến hành động này dường như không khác gì một tội ác như nàng đã nhìn thấy trong thời khắc bừng tĩnh đó.


Liệu lâu nay nàng có yêu chồng? Có đôi lúc. Thường thì không phải là tình yêu. Nhưng điều đó nào có hề chi? Tình yêu bí ẩn chưa được giải mã, có gì quan trọng khi nàng chợt nhận ra động lực mạnh nhất của nàng chính là sự tự khẳng định!

Nàng tiếp tục thì thầm: “ Tự do! Thể xác và tâm hồn được tự do!”


Josephine đang quỳ gối trước cánh cửa đóng kín với đôi môi áp vào lỗ khoá, xin được vào phòng. “ Louise, mở cửa đi, em van chị mở cửa ra. Chị sẽ tự làm mình  bệnh mất thôi! Chị đang làm gì vậy? Vì Chúa, xin mở cửa ra! “ 

“ Em đi đi, chị không làm mình bệnh đâu mà sợ. “ Không, nàng đã uống một loại thuốc tiên kỳ diệu của cuộc sống từ cánh cửa mở rộng.

Trí tưởng tượng của nàng đang bềnh bồng với những ngày tháng sắp tới. Mùa xuân, mùa hè, tất cả mọi ngày đều sẽ thuộc về nàng. Nàng thốt nhanh một lời cầu nguyện mong cho cuộc sống kéo dài. Chỉ mới hôm qua nàng đã sợ hãi nghĩ là cuộc sống có thể lâu dài.


Cuối cùng nàng cũng đứng dậy mở cửa trước sự van nài của em gái. Có một vẻ đắc thắng trong ánh mắt của nàng, nàng bước đi tự nhiên như một nữ thần Chiến thắng. Nàng ôm em siết chặt và họ cùng nhau bước xuống cầu thang. Richards đang đợi họ ở phía dưới. 


Có ai đó đang dùng chìa khoá mở cửa. Chính là Brentley Mallard, người vừa bước vào, thân hình còn nhuốm bụi đường, ung dung xách chiếc va li du lịch và chiếc dù. Lúc xảy ra tai nạn anh ở cách xa nơi đó và cũng chẳng hề biết là có tai nạn. Anh đứng ngẩn người ngạc nhiên trước tiếng khóc xé lòng của Josephine, và Richards vội bước nhanh để che anh ta khỏi tầm nhìn của vợ.


Khi các bác sĩ đến, họ nói rằng nàng đã chết vì cơn đau tim - chết vì quá vui.



THÂN TRỌNG SƠN

dịch và giới thiệu 

từ nguyên bản tiếng Anh

( 12/2020)



( https://americanliterature.com/author/kate-chopin/short-story/the-story-of-an-hour)