mardi 30 janvier 2018

CỬA SỔ BỊT KÍN






Truyện ngắn
Ambrose Bierce


Năm 1830, chỉ một vài dặm cách nơi hiện nay là thành phố lớn Cincinnati, là cánh rừng rộng mênh mông và hầu như chưa ai khai phá. Cả vùng chỉ thưa thớt dân vùng biên giới, những người làm việc không hề ngơi nghỉ, chẳng mấy chốc đã đục đẽo làm những căn nhà có thể ở được từ vùng đất hoang vu này,  và vươn tới mức phát đạt, tuy sự phát đạt ấy nay ta chỉ có thể gọi là nghèo khổ. 
Sau đó, bị thúc đẩy bởi một động lực khó hiểu từ bản tính, họ từ bỏ tất cả và tiến xa hơn về phía tây, đương đầu với những hiểm nguy, thiếu thốn mới, với nỗ lực tìm lại những tiện nghi sơ sài mà họ đã tự ý dứt bỏ. Nhiều người trong số họ đã rời vùng này đi định cư ở những nơi xa hơn, nhưng trong số những người ở lại có một người từng ở trong nhóm người đến đầu tiên. Ông ta sống một mình trong  một căn nhà gỗ, bốn bề đều là rừng âm u, vắng lặng , mà ông cũng dự phần vào sự im vắng đó , bởi chưa ai thấy ông nở nụ cười hay nói điều gì thừa thãi. Nhu cầu đơn giản của ông được thoả mãn bằng việc bán hay đổi chác da thú rừng nơi thành phố ven sông, bởi không có thứ gì ông canh tác mà khi cần ông có thể yêu cầu xác nhận quyền sở hữu không tranh chấp được. 

Có dấu hiệu của sự “cải tiến” - vài mẫu đất bao quanh căn nhà có lần bị chặt trụi cây, những gốc mục nát bị che khuất một phần bởi những thứ mới mọc, cố tồn tại để bù đắp sự tàn phá của những nhát rìu. Có vẻ như nhiệt tình canh tác của ông đã cháy theo ngọn lửa tàn, tắt ngúm dần thành bụi tro bất lực.

Căn nhà gỗ nhỏ bé, với ống khói bằng cây, mái bằng những tấm ván ghép cong cong, đè nặng bởi những cây sào bắc ngang, và khe hở trét đất sét, chỉ có một cửa lớn duy nhất, và đối diện là một cửa sổ. Tuy nhiên, cửa sổ lại bị bịt kín, và không ai nhớ có lúc nào nó được mở ra không. Và cũng không ai biết vì sao nó bị đóng như thế; chắc hẳn không phải vì chủ nhà ghét ánh sáng hay không khí, vì có những dịp hiếm hoi khi có anh thợ săn đi ngang qua nơi vắng vẻ này, vẫn thường thấy con người ẩn dật đó hong nắng nơi bậc cửa nếu trời có nắng hôm đó. Tôi nghĩ là ít người còn sống hôm nay biết được bí mật của chiếc cửa sổ này, nhưng tôi là người biết, như các bạn sẽ thấy.

Ông ta tên là Murlock. Trông ông như đã bảy mươi tuổi, thực ra chỉ khoảng năm mươi. Có cái gì đấy ngoài tuổi tác đã tác động đến việc ông già đi. Mái tóc và chòm râu dài, rậm đều bạc phơ, đôi mắt xám trũng sâu, khuôn mặt chằng chịt lạ lùng những nếp nhăn tưởng như thuộc hai tuyến giao nhau. Trông dáng dấp, ông cao và gầy, người khom lại, kiểu người khuân vác nặng. Tôi chưa bao giờ gặp ông, những chi tiết này tôi biết là do ông tôi, ngoài ra tôi còn biết chuyện đời ông nữa từ khi tôi còn nhỏ. Ông tôi biết chuyện vì ngày trước sống gần đó.

Một hôm, người ta tìm thấy ông già Murlock nằm chết trong lều. Thời đó không phải là thời của bác sĩ pháp y và báo chí và tôi nghĩ là mọi người đều tin ông chết vì nguyên nhân tự nhiên, hoặc là tôi nghe kể vậy, và nhớ vậy. Tôi chỉ biết rằng, theo lệ thường, thi thể ông được chôn gần túp lều, cạnh bên mộ của người vợ đã chết trước đó nhiều năm và người địa phương chỉ lưu giữ chút chi tiết về cuộc đời của bà. Điều này khép lại chương cuối cùng của câu chuyện có thật này - ngoại trừ việc mấy năm sau đó, với tinh thần táo bạo, tôi đã thâm nhập nơi này, mạo hiểm đến gần túp lều ném một viên đá rồi bỏ chạy để khỏi gặp hồn ma lãng vãng nơi đây mà đứa trẻ nào quanh đây cũng biết. Thế nhưng, còn một chương trước đó nữa - được ông tôi kể lại.

Khi ông Murlock dựng túp lều và bắt đầu hăng say khai phá để lập nông trại - lúc ấy, với khẩu súng như phương tiện bảo vệ, ông còn trẻ, khoẻ mạnh và nhiều hoài bão. Tại vùng đất miền đông nơi ông ra đi, ông đã kết hôn, như kiểu mọi người, với một phụ nữ trẻ hoàn toàn xứng đáng với sự tận tuỵ chân thành của ông, người sẵn sàng chia sẻ mọi hiểm nguy, thiếu thốn của số phận ông với tinh thần tự nguyện và tâm hồn thư thái. Không thấy ghi chép danh tính của bà, vẻ đẹp tinh thần và hình dáng cũng không được nhắc đến, và người đa nghi tha hồ ấp ủ những mối hoài nghi, nhưng lạy Trời đừng để tôi phải chia sẻ điều đó. Về tình cảm và hạnh phúc của hai người thì có nhiều bằng chứng trong những ngày còn lại của người đàn ông goá bụa, nếu không là sự quyến rũ của hồi ức đầy yêu thương thì cái gì có thể gắn kết tinh thần dám nghĩ dám làm với một số phận như thế? 

Một hôm, Murlock đi săn ở cánh rừng xa trở về thì phát hiện vợ nằm sóng soài dưới đất, nóng sốt, mê sảng. Trong vòng mấy dặm, không có bác sĩ nào, cũng không có láng giềng, bà lại không ở trong tình trạng có thể bỏ đó để đi tìm cứu giúp. Bởi thế, ông đành làm nhiệm vụ giúp bà hồi phục , nhưng sau ngày thứ ba, bà rơi vào tình trạng bất tỉnh nhân sự, rồi qua đời, không chút hy vọng hồi sinh.

Từ những gì ta biết về một tính cách như của ông ta, có thể thử phác hoạ vài chi tiết của bức tranh tổng thể của ông tôi. Khi tin chắc là bà đã chết, Murlock còn đủ tỉnh táo để nhớ rằng người chết cần phải được sửa soạn để đem chôn. Để thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng đó, ông vấp váp nhiều lần, có việc làm sai, có việc làm đúng nhưng phải làm đi làm lại nhiều lần. Ông ngạc nhiên thấy mình thất bại khi thực hiện vài động tác đơn giản và thông thường, như thể người say rượu hoang mang về sự ngưng nghỉ những quy luật tự nhiên quen thuộc. Ông cũng ngạc nhiên sao mình không khóc, ngạc nhiên và đôi chút xấu hổ, thật tình là không phải chút nào khi có người chết mà không khóc. “ Ngày mai, “ ông nói lớn, “ ta sẽ làm cái hòm và đào huyệt, và rồi ta sẽ nhớ nàng, khi không nhìn thấy nàng nữa, nhưng giờ đây, nàng đã chết, tất nhiên rồi, mọi chuyện sẽ ổn thôi - dù sao, mọi chuyện cũng sẽ ổn thôi. Sự việc đâu có tồi tệ như vẻ bên ngoài của nó.”

Ông đứng cạnh thi hài bà trong ánh sáng mờ nhạt, vuốt tóc bà và hoàn tất việc rửa ráy, trang điểm, làm những việc này một cách máy móc, không chú tâm đến. Và rồi trong ý thức ông vẫn tin chắc rằng mọi việc sẽ ổn thoả, ông lại sẽ có bà như trước, và mọi điều dễ hiểu thôi. Ông chưa hề có kinh nghiệm đau buồn, khả năng của ông chưa hề cạn kiệt. Trái tim ông không thể chứa đựng nó, trí tưởng tượng của ông cũng không thể nghĩ ra điều đó. Ông không biết mình bị tổn thương đến vậy, nhận thức của ông sẽ đến hơi muộn một chút, nhưng sẽ không bao giờ rời đi. Sự đau buồn là một nghệ sĩ đầy quyền uy, cũng đa dạng như những nhạc cụ ông dùng để tấu lên những bài truy điệu dành cho người đã khuất, gợi lên từ vài bài những âm thanh cao vút, từ những bài khác những hợp âm trầm lắng, đập đều đặn giống như tiếng trống vọng từ xa. Có bản nhạc làm giật mình, có bản làm sửng sốt. Đối với người này, nhạc như mũi tên bay, làm đau nhói mọi cảm giác sắc bén trong cuộc sống, đối với người khác, nhạc như cú đấm của dùi cui, làm cho tê liệt hẳn. Chúng ta có thể thừa nhận Murlock bị ảnh hưởng theo cách đó, bởi vì ( bây giờ ta có thể tin chắc hơn là phỏng đoán ), ông vừa mới làm xong công việc đạo nghĩa đó, thì đến gieo mình nơi chiếc ghế để cạnh cái bàn đặt thi hài, nhận thấy khuôn mặt bà trông trắng bệch trong ánh sáng mờ mờ, ông đặt tay lên cạnh bàn, gục mặt vào tay, mắt ráo hoảnh và tỏ ra mệt mỏi vô cùng. Ngay lúc này, một tiếng kêu dài giống như tiếng khóc của một đứa trẻ đi lạc trong rừng thẳm vang lên qua cánh cửa sổ mở. Nhưng ông vẫn không nhúc nhích. Và rồi, nghe gần hơn trước, vẫn tiếng kêu bí hiểm ông không hiểu được. Có lẽ đó là một con thú hoang, cũng có thể chỉ là giấc mơ. Vì Murlock đã thiếp ngủ.

Vài tiếng đồng hồ sau, như việc diễn ra sau đó, người canh giữ không chu đáo thức giấc, nhấc đầu ra khỏi tay và chú ý lắng tai nghe - mà vẫn không hiểu tại sao. Và trong bóng tối bên cạnh xác chết, cố bình tĩnh nhớ lại mọi chuyện, ông căng mắt ra nhìn - mà không hiểu là cái gì. Tất cả giác quan của ông đều được báo động, hơi thở như ngưng lại, máu ngừng chảy trong huyết quản, như phụ thêm sự im lặng kia. Ai? Cái gì đã đánh thức ông? Nó đâu rồi?

Bất thình lình, cái bàn lắc mạnh dưới tay ông.  Cùng lúc này, ông nghe, hoặc tưởng là đã nghe, tiếng chân bước nhẹ, rồi thêm tiếng nữa, nghe chừng như tiếng chân trần bước trên sàn nhà.

Ông kinh hoàng đến nổi không thể la lên hoặc cử động. Bất đắc dĩ ông phải chờ đợi, chờ đợi ở đó trong bóng tối, trong thời gian dài như thế kỷ, với nỗi hoảng sợ có thể biết được tuy khó sống để kể lại. Ông cố gắng vô vọng để gọi tên người chết, cố gắng vô vọng vươn tay ra trên bàn, trước mặt, để xem bà có đấy không. Cổ họng ông bất lực, tay chân thì loạng quạng. Rồi chuyện khủng khiếp nhất xảy ra. Hình như có vật gì nặng va vào cái bàn và đẩy mạnh khiến bàn xô vào ngực ông dữ dội đến suýt làm ông ngã lăn ra. Cùng lúc đó, ông nghe và cảm thấy có vật rơi trên sàn nhà mạnh đến nổi làm rung chuyển cả căn nhà. Cuộc hỗn chiến xảy ra ngay sau đó và những âm thanh hỗn độn không phân biệt được. Murlock đứng thẳng dậy. Nhưng nỗi sợ hãi khiến ông không kiểm soát được mọi khả năng. Ông quơ tay trên bàn. Không còn gì ở đó.

Có một giới hạn sự sợ hãi sẽ biến thành điên loạn và điên loạn biến thành hành động. Với một ý định không rõ ràng, không có động cơ nào khác sự thôi thúc không cưỡng được của người điên loạn, ông nhảy lên tường, mò mẫm chộp lấy khẩu súng đã nạp đạn và nổ súng không đích nhắm.  Trong ánh sáng chói loà của gian phòng, ông nhìn thấy một con báo khổng lồ ngoạm cổ người phụ nữ kéo lê ra cửa sổ. Thế rồi bóng tối dày đặc hơn trước, mọi vật im lặng, khi ông tỉnh lại, mặt trời đã lên cao, khu rừng vang tiếng chim hót.

Thi hài nằm cạnh cửa sổ, nơi con thú thả lại do hoảng sợ vì ánh lửa và tiếng súng nổ bỏ chạy. Y phục xộc xệch, tóc tai rối tung, tay chân chẳng ngay ngắn. Từ cổ họng bà, một cảnh tượng thật kinh hoàng, một vũng máu chưa đông hoàn toàn. Dải nơ ông buộc nơi cổ tay bà bị giật đứt, đôi tay nắm chặt lại. Giữa hai hàm răng là một mẩu tai con thú.


THÂN TRỌNG SƠN
dịch từ nguyên bản tiếng Anh

https://americanliterature.com/author/ambrose-bierce/short-story/the-boarded-window






BA VỚI MỘT LÀ MỘT





  Truyện ngắn
  Ambrose Bierce



Năm 1861, chàng trai Barr Lassiter sống cùng cha mẹ và người chị ở gần Carthage, Tennesse. Hoàn cảnh gia đình có phần khiêm tốn, sống nhờ vào việc canh tác một mảnh đất nhỏ và chẳng phì nhiêu gì. Không có người nô lệ nào, họ không được xếp vào loại " những người khá giả nhất " trong làng xóm, nhưng họ vẫn là những người lương thiện, có giáo dục, lịch sự và đáng tôn trọng như những gia đình khác nếu không kể tới quyền lực sở hữu người nô lệ.
Ông Lassiter vốn nghiêm khắc đến mức thường xem sự tận tuỵ không tính toán như là bổn phận, và che giấu tính khí ân cần và thân thiết. Ông cứng cỏi như những người tử vì đạo, nhưng bên trong cái vỏ bọc đó ẩn giấu một kim loại quý hơn, có thể nóng chảy ở nhiệt độ thấp hơn, tuy nhiên không hề tô điểm hay làm mềm đi cái vẻ bên ngoài cứng rắn. Do tính di truyền, và cũng do môi trường sống, phần nào tính tình nghiêm khắc của ông cũng ảnh hưởng đến những thành viên khác trong gia đình. Nhà Lassiter, tuy không phải là chẳng có chút tình cảm gia đình nào, thực sự chỉ là thành trì của nghĩa vụ, và nghĩa vụ, - ôi, nghĩa vụ lạnh lùng như cái chết.
Khi cuộc nội chiến xảy ra, trong gia đình này, cũng như bao gia đình khác trong tiểu bang, bùng nổ những tình cảm đối nghịch. Người con trung thành với quân Liên bang, những người khác cương quyết chống lại. Sự chia rẽ bất hạnh này tạo ra một sự đau xót không chịu nổi trong gia đình, và khi đứa con, đứa em lầm lỗi rời nhà đi theo mục đích đã chọn là tham gia đội quân Liên bang, không một ai chìa tay ra bắt, không ai nói một lời từ giã, không một câu chúc lành nào dành cho  anh trước khi anh ra đi đến một thế giới mà chưa biết số phận nào đang chờ đợi.
Hướng về Nashville, nơi quân của tướng Buell chiếm đóng, anh xin gia nhập ngay vào đơn vị đầu tiên gặp được, trung đoàn kỵ binh Kentucky, và tuần tự vượt qua những nấc thang trong binh nghiệp, từ binh nhì đến chiến sĩ kỵ binh từng trải. Một kỵ binh giỏi thực thụ là đàng khác, tuy là khi kể về mình anh không hề nhắc đến, mà chỉ do các đồng đội còn sống sót của anh nói lại thôi. Bởi Barr Lassiter đã đáp lại “ Có mặt “ khi viên trung sĩ tên gọi Thần Chết điểm danh.
Hai năm sau ngày nhập ngũ, trung đoàn của anh quay trở về nơi anh từ đó ra đi. Cả vùng quanh đó đều bị chiến tranh tàn phá nặng nề, do bị liên tục ( và đồng thời ) chiếm đóng bởi các lực lượng tham chiến, và một cuộc giao tranh đẫm máu đã xảy ra ngay cạnh nhà gia đình Lassiter. Những chuyện này chàng kỵ binh không hề hay biết.
Về đóng quân gần nhà, anh mong ước được gặp lại cha mẹ và chị, hy vọng rằng đối với họ, cũng như với chính anh, sự thù hận bất thường thuở trước nay do thời gian và xa cách đã nguôi ngoai đi. Được phép nghỉ, anh vội lên đường vào buổi chiều cuối hạ, và khi vầng trăng tròn vừa ló dạng, anh đã đặt chân lên lối đi rải sỏi dẫn đến căn nhà nơi anh sinh ra. 
Lính tráng thời chiến thường già đi rất nhanh, và với tuổi trẻ thì hai năm là một quãng thời gian khá dài. Barr Lassiter tưởng như mình đã già, và nghĩ là về nhà sẽ thấy khung cảnh đổ nát, hoang tàn. Thế nhưng, có vẻ như chẳng có gì thay đổi. Nhìn lại mỗi đồ vật thân thiết quen thuộc, anh thấy lòng xúc động vô cùng. Tim anh đập liên hồi, anh gần như nghẹt thở vì cảm xúc, cổ họng thấy đau rát. Anh vô tình rảo bước, hầu như là đang chạy, cái bóng dài của anh phải gắng hết sức mới giữ được vị trí bên cạnh anh.
Ngôi nhà không bật đèn, cửa để mở. Khi anh tiến gần tới, dừng bước để định thần, cha anh bước ra, đầu để trần đứng dưới ánh trăng.“ Cha ơi! “, anh kêu to,  lao tới trước, tay dang ra. “ Cha ơi! “
Ông già nghiêm khắc nhìn thẳng mặt anh, đứng yên một lát rồi rút lui vào bên trong không nói không rằng. Thất vọng chán chường, nhục nhã, bị tổn thương không chịu nổi và suy sụp hẳn, người lính buông mình xuống chiếc ghế thô, tay run run ôm lấy đầu. Nhưng, không thể chịu như thế được, người lính thiện chiến không thể  chấp nhận sự cự tuyệt như một thất bại. Anh đứng dậy đi vào nhà, đi thẳng tới gian “ phòng khách “. 
Gian phòng chỉ sáng lờ mờ nhờ cánh cửa sổ hướng đông không có màn che. Trên chiếc ghế đẩu thấp cạnh lò sưởi, là đồ gỗ duy nhất trong phòng, mẹ anh đang ngồi, chăm chú nhìn vào bếp lò đầy than đen và tro nguội. Anh lên tiếng nói với bà, nhẹ nhàng, ân cần và ngại ngùng, nhưng bà không trả lời, cũng không nhúc nhích, không có chút gì tỏ vẻ ngạc nhiên. Thực ra, có lẽ đã đủ thời gian để chồng bà báo tin đứa con tội lỗi trở về. Anh tới gần hơn và sắp nắm lấy cánh tay bà thì chị anh đi vào từ phòng bên cạnh, nhìn thẳng vào mặt anh, đi ngang qua anh không có vẻ đã nhận biết, rồi rời phòng bằng cánh cửa khuất sau lưng anh. Anh quay đầu lại để nhìn rõ người chị, khi chị đã đi khuất anh lại hướng nhìn về mẹ. Nhưng bà cũng bỏ đi khỏi nơi này.
Barr Lassiter sải chân đến cánh cửa mà anh đã bước qua để đi vào. Ánh trăng lung linh trên bãi cỏ như mặt biển gợn sóng. Hàng cây và những chiếc bóng đen của chúng lay động như có gió thổi. Con đường lát sỏi nhoè đi những đường viền trông có vẻ gập ghềnh và không an toàn để bước lên. Người lính trẻ nhận ra những ảo giác đó đều do nước mắt. Anh cảm nhận chúng trên má, và thấy chúng đang lóng lánh trên ngực áo. Anh rời khỏi căn nhà và quay trở về doanh trại.
Ngày hôm sau, không có chủ ý rõ rệt gì, không có cảm giác chính xác nào, anh lại tìm về ngôi nhà cũ lần nữa. Đi được nửa đường, anh gặp bạn cũ  Bushrod Albro, bạn nồng nhiệt chào hỏi anh.
“ Tôi về thăm nhà cũ đây,” anh nói. Bạn nhìn anh thật nhanh, nhưng không nói gì.
“ Tôi biết là gia đình tôi không thay đổi gì, nhưng...”, anh nói tiếp.
“ Có thay đổi đấy, “ Albro ngắt lời, mọi thứ đều thay đổi. Mình sẽ đi với bạn được không? Vừa đi ta vừa nói chuyện.”
Nhưng Albro chẳng nói gì. 
Thay vì ngôi nhà, họ chỉ nhìn thấy những nền gạch cháy đen, bao quanh một khu vực những đống tro đã đông cứng với những vết lõm do nước mưa tạo thành.
Lassiter vô cùng kinh ngạc. 
“ Mình không biết nói với bạn thế nào đây”, Albro nói.” Trong trận đánh cách đây một năm, nhà bạn đã bị một quả bom của quân Liên bang thiêu rụi.”
“ Vậy cả nhà mình - họ đâu cả rồi?”
“ Trên thiên đàng, hy vọng vậy. Tất cả đều chết do quả bom đó.”


THÂN TRỌNG SƠN 
Dịch từ nguyên bản tiếng Anh





























  

dimanche 28 janvier 2018

KỴ SĨ TRÊN BẦU TRỜI





Truyện ngắn

Ambrose Bierce
Nhà văn Hoa Kỳ
(1842-1914)



Ambrose Bierce sinh năm 1842 tại Ohio, là con thứ 10 trong một gia đình có tới 13 người con. Lúc ông còn nhỏ, gia đình chuyển đến Warsaw, rồi Elkhant, Indiana. Cha mẹ ông không giàu có gì nhưng rất ham mê văn chương, và ảnh hưởng giáo dục quan trọng nhất 
Ambrose Bierce thu nhận là từ tủ sách trong nông trại của gia đình.  
Năm 17 tuổi, ông vào học ở Học viện Quân sự Kentucky, sớm hoà nhập với lối sống và kỷ luật quân đội. Khi sắp xảy ra Nội chiến Hoa Kỳ, ông rời học viện và trở về Indiana (1860).
Ông gia nhập quân đội ngay sau khi Tổng thống Lincoln kêu gọi 75000 quân tình nguyện, và trực tiếp chiến đấu tại nhiều mặt trận. Với quân hàm trung uý, ông phục vụ trong bộ chỉ huy của tướng W.B. Hazen, với tư cách kỹ sư địa hình, nghiên cứu địa hình và chuẩn bị bản đồ hành quân. Tháng 6/1864 ông bị thương và năm sau thì giải ngũ.

Trở lại đời sống dân sự, ông bắt đầu theo đuổi niềm đam mê viết lách thời trẻ bằng việc viết báo, ban đầu là những tiểu luận và chuyện phiếm. Ít lâu sau, ông tham gia ban biên tập tạp chí News-Letters, có cơ hội gặp và làm quen với nhiều nhà báo, nhà văn nổi tiếng, trong đó có Mark Twain.

Cuối thập niên 1880, ông chuyển dần sang viết truyện ngắn và công bố tác phẩm đầu tiên The Haunted Valley ( Thung lũng bị ma ám ) trên tờ Overland Monthly. 
Năm 1872, ông thôi làm ở tờ News-Letters rồi cùng vợ sang Anh quốc sinh sống. Nơi đây, ông tiếp tục sáng tác và thử nghiệm thể loại văn châm biếm. Vào cuối những năm 1880, ông quay về San Francisco, bắt đầu viết cuốn The Devil’s Dictionary, kiểu như “ từ điển tra ngược “, cho những định nghĩa lạ và vui. Cũng thời gian này, ông tập trung viết về đề tài cuộc Nội chiến Hoa Kỳ.

Năm 1888, hai vợ chồng ông ly dị. Năm sau con trai 18 tuổi của ông chết. Những chuyện buồn này, tuy thế, không ngăn cản mạch sáng tác của ông. Ông xuất bản tác phẩm quan trọng Tales of Soldiers and Civilians ( Truyện kể về người lính và thường dân ), là tuyển tập những truyện ngắn về đề tài chiến tranh, có tiếng vang lớn trên văn đàn.
Mùa thu năm 1913, ông đi thăm lại những chiến trường ngày trước đã tham gia. Ông đi qua biên giới nước Mexico, trong bức thư gửi từ Chihuahua đề ngày 26/12 năm đó, ông kết thúc với dòng chữ: “ Về phần tôi, ngày mai tôi sẽ rời nơi đây để đi tới một nơi chưa biết. “ Và sau đó ông biến mất. Có nhiều tin đồn, nhiều giả thuyết khác nhau về cái chết của ông, nhưng đến nay không có thông tin chính xác và rõ ràng về những ngày cuối cùng của con người bí ẩn này.

Vừa là nhà báo, vừa là nhà văn, Ambrose Bierce sáng tác nhiều thể loại, tiểu luận, châm biếm, thơ, và nổi tiếng hơn cả với truyện ngắn. Hai mảng đề tài lớn trong truyện ngắn Ambrose Bierce là chiến tranh và truyện kinh dị.




 I.  

Vào một buổi chiều đầy nắng mùa thu năm 1861, một người lính đang nằm trong bụi cây nguyệt quế bên cạnh một con đường ở miền Tây Virginia. Anh nằm sấp, chân duỗi thẳng, ngón chân chạm đất, đầu gối lên cánh tay trái. Tay phải anh dang ra nắm hờ lấy khẩu súng trường. Nhưng với tư thế nằm khá ngay ngắn và chuyển động nhịp nhàng lên xuống của hộp đạn trên chiếc dây đeo, có thể tưởng lầm rằng anh đã chết. Thật ra, anh chỉ ngủ thiếp đi khi đang làm nhiệm vụ. Nếu bị phát hiện, anh cũng sẽ chết sớm thôi, cái chết là hình phạt chính đáng và đúng luật dành cho tội trạng của anh.

Bụi cây nguyệt quế nơi người phạm tội kia đang ngủ nằm trên một góc quẹo con đường, từ đây đi tiếp về hướng nam, một con dốc thẳng đứng, rẽ ngoặt sang phía tây, chạy men theo đỉnh núi khoảng 100 thước Anh (1). Sau đó, nó lại rẽ về phía nam và đi xuống theo hình chữ chi xuyên qua khu rừng. Ở chỗ lồi ra của khúc cua thứ hai đó là một tảng đá phẳng lớn, nhô ra ngoài theo hướng bắc, nhìn xuống thung lũng sâu, nơi xuất phát của con đường này. Tảng đá nằm trên đỉnh vách đá cao, nếu có hòn đá nào rơi từ mép ngoài của nó ắt sẽ rơi cả ngàn bộ (2) và rớt xuống ngọn những cây thông phía dưới. Nơi mà người lính đang nằm thuộc một mũi khác của cùng vách đá đó. Nếu anh ta thức dậy, anh sẽ được chiêm ngưỡng toàn cảnh, không chỉ là đoạn đường ngắn và cục đá nhô ra ngoài, mà toàn bộ vách đá phía dưới. Hẳn là anh sẽ chóng mặt khi nhìn.

Cả vùng này đều đầy cây cối, trừ khu vực dưới thung lũng phía bắc, nơi có một đồng cỏ tự nhiên với một con suối chảy ngang, từ rìa thung lũng nhìn qua chỉ thấy lờ mờ. Khu đất trống này tuy trông không lớn hơn một sân nhà bình thường mấy, nhưng thực ra rộng đến vài hec- ta. Màu xanh của nó còn đậm nét hơn màu xanh của cánh rừng bao bọc xung quanh. Xa hơn đó nổi lên một dãy những vách đá khổng lồ, giống như những vách đá chúng ta  tưởng như đứng để quan sát cảnh hoang sơ này vậy, đó cũng là nơi mà con đường, bằng cách nào đó, đã leo lên tới đỉnh. Thật ra, địa thế của thung lũng này, nếu quan sát từ đây, có vẻ hoàn toàn khép kín, và người ta không thể không thắc mắc làm sao con đường đã chạy ra khỏi đó lại tìm lối quay trở vào được, và nguồn nước của con suối  chia tách cánh đồng ở 2000  bộ (2) dưới kia từ đâu đến và sẽ đổ về đâu.

Không một vùng đất nào hoang dã và cằn cỗi như thế, nhưng con người vẫn cố biến nó thành nơi giao chiến; ẩn trong cánh rừng ở dưới đáy thung lũng, chỗ này khoảng 50 người khống chế lối thoát có thể khiến cả một đội quân phải đầu hàng, và nơi đây năm trung đoàn bộ binh của quân Liên bang (3) đang đóng quân.  Họ đã hành quân suốt cả ngày đêm hôm trước, và giờ đang nghỉ ngơi. Lúc đêm xuống, họ sẽ lại lên đường, leo lên đến chỗ anh lính canh bất cẩn của họ đang nằm ngủ, và đổ bộ xuống phía con dốc kia của ngọn núi, tràn vào doanh trại của địch vào khoảng nửa đêm. Họ hy vọng sẽ làm địch bất ngờ, bởi con đường đó dẫn ra phía sau trại của chúng. Nếu thất bại, tình thế của họ sẽ cực kỳ nguy hiểm, thất bại thì dù vô tình hay cố ý họ đã để lộ  cho địch biết về sự di chuyển của mình.


II.   

Người lính đang ngủ trong bụi nguyệt quế là một chàng trai trẻ người Virginia tên là Carter Druse. Cha mẹ anh giàu có, là con trai độc nhất, anh đã từng biết sự an nhàn, giáo hoá và nếp sống sung túc, bởi hạnh phúc và thụ hưởng đều có thể đạt tới được ở vùng núi miền tây Virginia. Nhà anh cũng chỉ cách nơi anh đang nằm đây có vài dặm. Một buổi sáng, anh đứng dậy khỏi bàn ăn và nói, nhỏ nhẹ nhưng nghiêm trang: “ Thưa cha, một trung đoàn của liên bang vừa mới đến Grafton. Con sẽ xin nhập ngũ ở đó.”

Người cha ngẩng cái đầu như sư tử lên, im lặng nhìn cậu con trai một lúc rồi đáp: “ Được rồi, cứ đi đi, và, dù có chuyện gì xảy ra, hãy làm những gì con cho là bổn phận của mình. Virginia, con là kẻ phản bội nơi này, sẽ tiếp tục chiến đấu không cần có con. Nếu cả hai chúng ta còn sống sót qua cuộc chiến, chúng ta sẽ nói nhiều hơn về chuyện này. Mẹ của con, như bác sĩ đã cho con biết, đang trong tình trạng nguy kịch, may lắm bà cũng chỉ còn với chúng ta trong vài tuần nữa thôi, khoảng thời gian đó rất quý báu. Tốt hơn hết là đừng làm bà bận tâm nữa.

Thế là Carter Druse lễ phép cúi chào người cha của mình, ông đáp lại với sự lịch thiệp nghiêm túc để che giấu một trái tim tan nát, anh rời khỏi căn nhà tuổi thơ và lên đường nhập ngũ. Nhờ trung thực và dũng cảm, bằng những hành động tận tuỵ và can đảm, chẳng bao lâu anh thu phục được cảm tình của đồng đội và cấp trên. Và cũng do những phẩm chất đó, cộng thêm việc thông thạo vùng đất này, nên anh được chọn để thực hiện cái nhiệm vụ nguy hiểm ở nơi tuyến đầu xa cách này. Tuy nhiên, sự mỏi mệt đã lấn át quyết tâm và anh đã ngủ thiếp đi. Thiên thần hay ác quỷ đã xuất hiện trong giấc mơ để đánh thức anh khỏi tình trạng tội phạm của mình, có ai biết được? Không một cử động, không một âm thanh, trong im lặng sâu thẳm và không khí nặng nề của buổi chiều muộn, một sứ giả vô hình nào đó của định mệnh đã chạm ngón tay khai mở vào tâm trí anh, thì thầm vào tâm hồn anh lời cảnh tỉnh bí mật mà không ai từng thốt nên lời, không ai từng gợi nhắc đến. Anh khẽ khàng nhấc trán lên khỏi cánh tay, nhìn  xuyên qua hai nhánh cây nguyệt quế, bất giác nắm chặt lấy báng súng.

Cảm giác đầu tiên của anh là một nỗi khoan khoái rạo rực. Trên cây cột trụ khổng lồ,  chính là vách đá, đứng bất động ở gờ đá nhô ra ngoài, và nổi lên trên nền trời, là hình dáng một người cỡi ngựa, trông rất oai vệ. Người đàn ông ngồi trên lưng ngựa, nghiêm chỉnh và ra dáng nhà binh nhưng lại ẩn trong nét lặng yên của một vị thần Hy lạp chạm khắc trên đá cẩm thạch, ít gợi ra sự sống động. Bộ trang phục màu xám hài hoà với nền trời, các thứ kim loại phụ kiện và tấm vải trang trí lưng ngựa bị  bóng tối làm cho mờ nhạt đi. Da con vật cũng thấy kém bóng láng. Khẩu súng cac bin, bị không gian thu nhỏ lại, đặt ở đầu yên ngựa, báng súng được tay phải giữ chặt, còn tay trái, đang nắm dây cương, không nhìn thấy rõ. Hình bóng trên nền trời của con ngựa nổi lên rõ nét như viên đá trang sức được gọt giũa, nó đang hướng ra khoảng không gian cao vời, nhìn qua những vách đá đối diện ở bên kia. Khuôn mặt của người kỵ sĩ, hơi quay nghiêng một chút, chỉ để lộ đường viền nơi thái dương và chòm râu, ông ta đang nhìn xuống đáy thung lũng. Được phóng to do nâng cao trên nền trời và do nỗi sợ hãi của người lính khi cảm thấy kẻ địch đang kề cận, cả người và ngựa như có kích cỡ phi thường, gần như khổng lồ.

Trong một khoảnh khắc, Druse có một cảm giác kỳ lạ, không diễn tả được, là anh đã thiếp ngủ cho đến khi chiến tranh kết thúc, và giờ đây, anh đang ngắm nhìn một tác phẩm nghệ thuật cao quý được dựng lên trên gò đất kia để tưởng nhớ một quá khứ lịch sử anh hùng trong đó anh tham gia một phần chẳng vẻ vang gì. Cảm giác đó tan biến ngay khi bóng ngựa và người  bỗng cựa quậy, con ngựa, không nhấc chân lên, hơi nhích về phía sau một chút, còn người thì vẫn ngồi im như trước. Hoàn toàn tỉnh táo và nhận biết rõ ràng tình hình nghiêm trọng này, Druse áp má vào báng súng, cẩn thận chĩa nòng súng qua các bụi cây, lên đạn và ngắm vào điểm chết trên ngực người kỵ sĩ. Một cái bóp cò, và mọi sự sẽ êm đẹp với Carter Druse. Ngay lúc đó, người kỵ sĩ quay đầu lại và nhìn thẳng vào kẻ địch giấu mặt của mình - chừng như nhìn thẳng vào khuôn mặt thật của anh, vào đôi mắt, vào trái tim quả cảm, đầy lòng trắc ẩn của anh.

Trong chiến tranh, giết một kẻ địch có kinh khủng không - kẻ địch đã phát hiện được bí mật sống còn của chính anh và đồng đội, kẻ địch còn nguy hiểm do hiểu biết của mình hơn toàn bộ đội quân của hắn ta do số lượng đông đảo? Carter Druse mặt xanh mét, tay chân run rẩy, người yếu đi, anh thấy người ngựa trước mặt như những hình khối đen, nhô lên, cúi xuống, quay vòng trên bầu trời đỏ rực lửa. Bàn tay anh rời khỏi súng, đầu từ từ hạ xuống cho đến khi mặt anh chạm phải lớp lá anh đang nằm lên trên. Chàng trai quả cảm, người lính gan dạ này gần như ngất đi vì quá xúc động.

Không bao lâu sau, trong một khoảnh khắc khác, anh lại ngẩng mặt lên, hai tay lại nắm chặt cây súng, ngón tay trỏ đặt lên cò; tâm trí, trái tim và đôi mắt lại rõ ràng, nhận thức và lý trí đều lên tiếng. Anh không hy vọng bắt sống được kẻ địch, đánh động hắn chỉ khiến hắn phi nhanh về doanh trại với thông tin tai hại kia. Nhiệm vụ của người lính thật rõ ràng, phải hạ hắn ngay từ chỗ phục kích - không lời cảnh báo, không thời gian chuẩn bị tinh thần, không mất công cho một lời cầu nguyện âm thầm, hắn phải bị thanh toán ngay. Nhưng không - cũng còn có hy vọng, có thể hắn chưa phát hiện gì cả, biết đâu hắn chỉ đang chiêm ngưỡng phong cảnh ngoạn mục này thôi. Nếu được phép, hắn có thể quay lại và vô tư phi về theo hướng mà hắn đã đến. Chắc chắn là quan sát lúc hắn bỏ đi thì biết được hắn có phát hiện ra điều gì không. Có lẽ chỉ do hắn quá chăm chú - Druse quay đầu lại và nhìn vào khoảng không phía dưới, như nhìn xuống đáy biển mờ đục. Anh nhìn thấy một hàng dài những người và ngựa đang bò qua đồng cỏ xanh rờn - gã chỉ huy dại dột nào đó đã cho phép lính của mình dắt ngựa đi uống nước nơi cánh đông trống trải, từ mọi phía đều nhìn thấy được.

Druse rời mắt khỏi thung lũng và nhìn trở lại người kỵ sĩ với con ngựa trên bầu trời, và một lần nữa ngắm trên khẩu súng trường. Nhưng lần này, mục tiêu là con ngựa. Trong ký ức của mình, vang lên như một mệnh lệnh thiêng liêng những lời của người cha nói lúc chia tay: “ Dù có chuyện gì xảy ra, con hãy làm những gì con cho là bổn phận của mình.” Bây giờ anh rất bình tĩnh. Anh cắn răng nhưng không quá chặt, thần kinh của anh ổn định như của một đứa bé đang ngủ, không một cử động nào ảnh hưởng đến cơ bắp trên người anh, hơi thở anh vẫn điều hoà và chậm rãi cho đến khi phải kìm lại để ngắm bắn . Trách nhiệm đã chiến thắng, tinh thần mách bảo cơ thể: Bình tĩnh, nằm im đi. Và anh nổ súng.


III.  

Một sĩ quan của quân đội Liên bang, một người có tinh thần phiêu lưu, ưa tìm hiểu, đã rời khỏi doanh trại kín đáo dưới thung lũng, và lang thang đi tới khu đất trống gần chân vách đá. Ông đang băn khoăn không biết sẽ thu thập được gì nếu đi thám hiểm xa hơn. Ở khoảng cách chừng một phần tư dặm phía trước mặt, nhưng cũng có thể là gần hơn, từ  hàng cây thông nổi lên một tảng đá khổng lồ, cao đến nỗi khiến ông chóng mặt khi cố nhìn lên nơi nó cắt một đường sắc nét và lởm chởm trên bầu trời. Nó tạo nên hình ảnh dựng đứng, nổi bật trên nền trời xanh đến điểm giữa con đường đi xuống, và trên những ngọn đồi ở phía xa, xanh nhạt hơn, từ nơi đó cho đến những ngọn cây ở dưới chân. Ngước mắt nhìn lên độ cao chóng mặt trên đỉnh, người sĩ quan nhìn thấy một cảnh tượng hết sức lạ lùng - một người đàn ông cỡi ngựa phi xuống thung lũng giữa không trung.

Người kỵ sĩ, mặc quân phục, ngồi thẳng trên lưng ngựa, tay ghì chặt dây cương để con ngựa chiến không lao xuống quá nhanh. Trên đầu trần, mái tóc dài dựng đứng, phất phơ như chiếc lông vũ. Đôi bàn tay bị cái bờm cũng dựng đứng của con ngựa che khuất. Thân hình con ngựa ngang bằng, tưởng chừng như chân nó chạm đất vậy. Đấy là chuyển động của bước phi nước đại hung hãn, ngay cả khi viên sĩ quan nhin thấy họ dừng lại, bốn chân tung ra như sắp tiếp đất sau cú nhảy vọt. Nhưng thật sự là nó đang bay!

Ngỡ ngàng và kinh hoàng trước sự xuất hiện của người kỵ sĩ trên bầu trời, thoáng tin rằng mình là người ghi chép được chọn cho một cuốn sách Khải huyền mới, viên sĩ quan choáng ngợp trong cảm xúc dâng trào, chân không còn đứng vững, ông ngã xuống. Gần như ngay lúc đó, ông nghe tiếng cây gãy đổ - tiếng động tắt lịm ngay không có âm vang - rồi mọi thứ  chìm vào tĩnh lặng.

Viên sĩ quan đứng dậy, run rẩy. Cảm giác quen thuộc khi bị cọ vào ống chân gợi cho ông những năng lực phi thường. Trấn tỉnh lại, ông cố chạy nhanh ra khỏi nơi này đến điểm xa chân vách đá. Nơi đây ông hy vọng sẽ tìm thấy người kỵ sĩ, và nơi đây tất nhiên ông thất bại. Trong cái khoảnh khắc ngắn ngủi ông mục kích mọi chuyện, trí tưởng tượng của ông nhắm vào sự uyển chuyển, thoải mái và chủ tâm thấy rõ của màn trình diễn kỳ diệu nên ông không hề nghĩ rằng con đường của người kỵ sĩ bay ấy đi thẳng xuống dưới và ông có thể phát hiện đối tượng tìm kiếm của mình ngay dưới chân vách đá.
Nửa giờ sau, ông trở về doanh trại.
Viên sĩ quan là một người khôn ngoan, ông hiểu rõ là không nên nói ra sự thật khó tin đó.
Và ông không cho ai biết những gì ông đã nhìn thấy. Khi ông trung tá hỏi khi đi trinh sát ông có phát hiện ra điều gì có lợi cho cuộc hành quân không thì ông trả lời:
Có đấy ạ. Không có con đường nào dẫn xuống thung lũng từ phía nam cả.
Vị trung tá, biết nhiều chuyện hơn, mỉm cười.

IV.
Sau khi nổ súng, binh nhì Carter Druse nạp đạn lại khẩu súng và tiếp tục việc canh gác. Mười phút trôi qua khi một trung sĩ quân Liên bang thận trọng bò tới gần anh. Druse không quay lui cũng không nhìn hắn ta, cứ nằm đó không cử chỉ hay dấu hiệu gì tỏ ra đã nhận biết.
“ Cậu đã bắn phải không?”, viên trung sĩ thì thầm.
“ Đúng vậy.”
“ Vào cái gì?”
“ Một con ngựa. Nó đứng trên tảng đá đàng kia - khá xa. Ông thấy là nó không còn ở đó. Nó đã đi qua vách đá.

Mặt anh lính trắng bệch, không để lộ chút cảm xúc nào. Trả lời xong, anh quay mặt đi và không nói gì thêm. Viên trung sĩ không hiểu gì cả.
“ Nghe này, Druse, ông nói, sau một lúc im lặng, “ không việc gì phải giữ bí mật. Tôi yêu cầu cậu phải báo cáo rõ ràng. Có ai ngồi trên con ngựa ấy không?” 
“ Có.”
“ Ai? “
“ Cha tôi.”

Viên trung sĩ đứng dậy bỏ đi. Vậy sao, ông ta nói.





  1. yard. 1 yard= 0,9144m.
  2. foot, feet. 1 foot= 30,48 cm.
  3. Tức là quân Liên bang miền Bắc, trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ ( 1861-1865 )



THÂN TRỌNG SƠN
dịch từ nguyên bản tiếng Anh



samedi 6 janvier 2018

THÀNH CÁT TƯ HÃN VÀ CON CHIM ƯNG



Paulo Coelho


Trong lần viếng thăm mới đây tới Kazakhstan, ở Trung Á, tôi đã có dịp cùng đi với mấy người thợ săn đang còn sử dụng chim ưng như một vũ khí. Tôi không muốn bàn luận gì về chuyện "đi săn",  mà chỉ muốn nói rằng, trong trường hợp này, Thiên nhiên chỉ đơn giản đi theo con đường của nó.

Tôi không có người phiên dịch cùng đi, nhưng điều có thể là bất tiện lại biến thành may mắn. Do không thể nói chuyện với họ, tôi để ý nhiều hơn tới việc họ làm. Nhóm nhỏ của chúng tôi dừng lại, người ôm con chim ưng trong tay tách ra khỏi chúng tôi và gỡ chiếc mũ nhỏ bằng bạc trên đầu con chim. Tôi không biết tại sao ông ta quyết định dừng lại ở chỗ đó, và không có cách gì để hỏi.

Con chim bay đi, lượn quanh vài vòng rồi đâm đầu thẳng xuống dưới vực và ở luôn dưới đó. Khi chúng tôi đến gần thì thấy một con chồn bị kẹp nơi vuốt con chim. Cảnh đó lặp lại hơn một lần trong buổi sáng.
Trở về làng, tôi gặp những người đang chờ tôi, tôi hỏi họ bằng cách nào họ có thể huấn luyện chim ưng làm mọi thứ như tôi nhìn thấy, kể cả việc ngoan ngoãn đứng trên cánh tay chủ ( và tay tôi nữa, họ để một dải băng tay bằng da trên tay tôi và tôi cảm thấy móng vuốt nhọn của con chim rất gần.) 

Đó là một câu hỏi vô nghĩa. Không ai giải thích được. Họ nói là nghệ thuật đó được truyền từ đời này sang đời khác, cha huấn luyện con trai, và cứ thế. Nhưng điều còn mãi khắc sâu trong tâm trí tôi là những ngọn núi phủ tuyết phía sau, bóng dáng những con ngựa và những kỵ mã, con chim ưng bay lên từ tay một người trên lưng ngựa, và cú đâm bổ xuống chí tử của nó.

Điều còn lưu lại nữa là câu chuyện mà một người trong nhóm đó kể tôi nghe khi dùng bữa trưa.

Một buổi sáng, người chiến sĩ Mông Cổ Thành Cát Tư Hãn và các thuộc hạ cùng đi săn. Những người cùng đi mang theo cung tên, nhưng Thành Cát Tư Hãn mang theo trên cánh tay con chim ưng mà ông ưa thích, chim còn giỏi và chắc hơn bất cứ mũi tên nào, bởi vì nó có thể bay lên trời cao và nhìn được những gì con người không thể thấy.

Tuy nhiên, mặc cho mọi người cố gắng nhiệt tình, họ vẫn không tìm thấy được gì. Thất vọng, Thành Cát Tư Hãn quay lại chỗ cắm trại và để khỏi làm tâm trạng thất vọng lan đến  những người khác, ông tách ra khỏi nhóm và cỡi ngựa đi một mình. Họ ở lại trong rừng lâu hơn mong đợi và Thành Cát Tư Hãn rất mệt và khát. Dưới ánh nắng hè, các con suối đều cạn khô hết, ông chẳng có gì để uống. Thế rồi, ông bỗng ngạc nhiên nhìn thấy một mạch nước nhỏ chảy từ tảng đá trước mặt.

Ông gỡ con chim ưng khỏi tay và lấy ra chiếc cốc bạc vẫn thường mang theo bên mình. Phải rất lâu mới hứng nước đầy cốc và khi ông sắp đưa lên môi thì con chim vụt bay lên, giật cái cốc khỏi tay ông và ném xuống đất.

Thành Cát Tư Hãn tức giận, nhưng chim ưng là thú cưng của ông, và có lẽ chính nó cũng khát nước. Ông nhặt cái cốc lên, lau sạch bụi và hứng nước lại. Lần này cốc nước mới đầy được một nửa thì chim ưng lại đâm đến, làm đổ nước.

Thành Cát Tư Hãn quý con chim này, nhưng ông biết rằng ông không thể, dù bất cứ hoàn cảnh nào, chấp nhận một sự bất kính như thế, ai đó có thể nhìn thấy cảnh này từ xa và sau này, có thể kể lại cho các chiến sĩ của ông rằng người chinh phục vĩ đại không thể nào thuần dưỡng được chỉ một con chim.

Lần này, ông rút gươm ra, nhặt lấy cái cốc và hứng nước, một mắt nhìn vào dòng suối, mắt kia canh chừng  chim ưng. Ngay khi thấy nước vừa đủ, ông chuẩn bị uống thì con chim ưng lại bay gần tới ông. Ông đâm ngay một nhát vào ngực con chim.

Tuy nhiên, mạch nước đã cạn, và Thành Cát Tư Hãn vẫn quyết tìm nước uống nên leo lên tảng đá đi tìm con suối. Thật đáng kinh ngạc, quả thực là có một vũng nước và ngay ở giữa, một con rắn thuộc loài độc nhất vùng này nằm chết ở đó. Nếu ông lỡ uống nước này thì hẳn ông cũng đã mất mạng.

Thành Cát Tư Hãn trở về trại, tay ôm con chim đã chết. Ông cho đúc một bức tượng nhỏ con chim bằng vàng, và trên một cánh chim, ông khắc dòng chữ:

  "Ngay cả khi bạn làm điều gì mà ta không thích, thì đó vẫn là bạn của ta".
 Và trên cánh bên kia, ông khắc dòng chữ:
 "Bất cứ hành động nào thực hiện khi giận dữ đều là hành động đưa đến thất bại."


THÂN TRỌNG SƠN dịch


( Trích tuyển tập  LIKE THE FLOWING RIVER -
Nguyên tác tiếng Bồ Đào Nha, bản tiếng Anh của Margaret Jull Costa.
NXB Madison Park Press, New York, 2006 )