vendredi 29 septembre 2017

MƯA RÀO



Truyện ngắn
Hwang Sun- won
Nhà văn Hàn quốc
( 1915-2000 )



Hwang Sun-Won sinh năm 1915 ở vùng Daodong, Nam Bình Nhưỡng. Từ thời còn học trường trung học Sungsil, ông đã có thơ đăng trên tạp chí Donggwang ( Đông quang ) -  bài "Giấc mơ của tôi"  (1931).
Năm 1934, ông sang Nhật du học ( trường Trung học đệ nhị Waseda ), bắt đầu sinh hoạt văn học nghệ thuật ngay từ thời gian này. Cùng các bạn, ông thành lập hội nghiên cứu nghệ thuật kịch; sau đó xuất bản tập thơ đầu tiên Bangca ( Phóng ca, Wayward Songs ).
Năm 1936, Hwang Sun-won theo học Đại học Waseda, chuyên ngành tiếng Anh. Lúc này, ông chuyển sang viết truyện ngắn và tiểu thuyết. 

Sau chiến tranh ( 1950-1953 ), ông sáng tác nhiều hơn, đồng thời với việc giảng dạy  Văn học Hàn quốc tại Đại học Kyunghee, Seoul ( 1957-1980 ).
Sự nghiệp văn chương của Hwang Sun- won kéo dài tới 60 năm, tính từ bài thơ đăng báo đầu tiên vào năm 1931 đến tác phẩm cuối cùng được xuất bản vào năm 1992, trải qua nhiều biến cố lịch sử, thời đất nước bị Nhật chiếm đóng, rồi lại chiến tranh và chia cắt hai miền Nam Bắc. 

Hwang Sun- won là một trong những khuôn mặt lớn của nền văn học Hàn quốc thế kỷ XX. Ông quan niệm "một nhà văn chỉ lên tiếng thông qua tác phẩm của mình" và chú tâm rèn giũa nghệ thuật làm thơ, viết truyện, không viết những bài tạp văn thiếu tính văn học. Ông muốn cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp viết lách nên ngoài tư cách giáo sư đại học Kyunghee, thành viên của Viện Nghệ thuật Quốc gia, ông không đảm nhận chức vụ nào khác, thậm chí từ chối học vị tiến sĩ do trường đại học trên trao tặng. Hwang Sun- won qua đời năm 2000, để lại một số tập thơ , 7 cuốn tiểu thuyết và trên 100 truyện ngắn. 

Truyện " Mưa rào " ra mắt công chúng năm 1953, khi chiến tranh ở Hàn quốc chưa kết thúc. Truyện kể về mối tình đầu rất đẹp, mà buồn quá, của cậu bé nhà quê với cô gái về từ thành phố. Có chút gì ngây thơ chơn chất, có những niềm vui giản dị bình thường, tương phản giữa nếp sống dân dã hiền hoà và sự cạnh tranh sinh tồn nơi đô thị... Một nét thoáng qua về mong manh phận người đưa đến cái kết ngậm ngùi mà không bi luỵ, khiến truyện vẫn giữ mãi dư âm trong sáng nơi người đọc bấy lâu.




Ngay khi cậu bé nhìn thấy đứa con gái bên bờ suối, cậu nhận ra ngay nó là cháu nhà họ Yun. Nó nhúng hai tay vọc nước. Có lẽ ở Seoul nó chẳng bao giờ thấy con suối như thế.

Mấy hôm nay ngày nào nó cũng nghịch nước như vậy, trên đường đi học về. Cho tới ngày hôm kia, nó vẫn chỉ chơi bên mép nước, nhưng hôm nay, nó ra đến giữa những viên đá tảng.

Cậu bé ngồi trên bờ. Cậu định chờ đến lúc con nhỏ bỏ đi.
Như mọi lần, có người xuất hiện là con nhỏ đi về.

Hôm sau, cậu bé đi ra suối muộn hơn một tí. Lần này, cậu thấy con nhỏ đang ngồi  rửa mặt giữa đám đá cuội. Tương phản với chiếc áo hồng tay xắn cao lên, cổ con nhỏ trắng toát. 

Con nhỏ rửa mặt xong một lát rồi chăm chú nhìn xuống mặt nước. Hẳn là nó muốn nhìn bóng phản chiếu của nó. Rồi nó phóng tay chộp xuống nước thiệt lẹ. Có lẽ một chú cá con nào bơi qua.

Không rõ con nhỏ có biết là cậu đang ngồi bên bờ suối khi nó chộp lẹ dưới nước không. Lần nào cũng không được gì nhưng con nhỏ vẫn cứ chộp như thế cho vui vậy thôi. Có vẻ như nó chỉ bỏ ra về khi có ai đó đi ngang qua chỗ này, như hôm trước vậy.

Bỗng nó nhặt dưới nước lên một vật gì đó. Một hòn sỏi cuội trắng. Sau đó, nó đứng dậy và nhảy bước nhỏ qua những viên đá tảng.

Nhảy qua hết, nó quay lại: " Này, cậu kia."

Viên sỏi trắng bay vèo qua.

Cậu bé đứng thẳng dậy.

Lắc lư mái tóc bện, con nhỏ bỏ chạy ra xa. Nó đi theo đường mòn giữa đám lau sậy. Lúc này chẳng có gì khác những đọt lau màu nhạt loé sáng trong ánh chiều mùa thu. 
Con nhỏ sắp xuất hiện ở phía xa đám lau sậy rồi. Cậu nghĩ là nó đã đi lâu lắm.  Nhưng con nhỏ vẫn không xuất hiện. Cậu nhón gót lên. Và nghĩ là nó đã đi thật lâu lắm rồi.

Xa xa, phía bên kia mảnh đất đầy lau sậy, có một chùm lau động đậy. Con nhỏ đang ôm bó lau. Rồi nó chậm rãi bước. Ánh nắng chiều sáng rực chiếu trên mái tóc của con nhỏ trông giống như cây lau. Dường như cây lau đang di chuyển qua cánh đồng chứ không phải con nhỏ.

Cậu bé đứng mãi ở đó cho đến lúc không nhìn thấy đọt lau kia. Cậu bỗng nhìn xuống viên sỏi cuội mà con nhỏ ném cho cậu. Viên sỏi khô rồi. Cậu nhặt lấy bỏ vào túi.

Ngày hôm sau, cậu ra suối hơi muộn một tí. Không có dấu vết gì của con nhỏ. Cũng được thôi.

Tuy nhiên, cũng hơi lạ. Nhiều ngày qua vẫn không có dấu vết con nhỏ đi qua, trong lòng cậu cái cảm giác trống vắng cứ lớn dần. Cậu cứ mân mê viên sỏi trong túi quần.

Một hôm, cậu bé đến ngồi giữa những viên đá tảng, ngay chỗ con nhỏ thường ngồi nghịch nước. Cậu nhúng tay xuống nước. Rồi lấy tay lau mặt. Cậu nhìn xuống nước. Gương mặt sạm đen nhìn ngược lại cậu. Cậu thấy ghét.

Cậu bé lấy cả hai tay chộp vào mặt mình dưới nước. Làm nhiều lần như thế. Và cậu bất chợt nhảy lên ngỡ ngàng.  Chuyện gì vậy, con nhỏ đang tới gần, đi về phía này.

" Nãy giờ nó núp, dòm xem mình làm gì"  Cậu bỏ chạy. Cậu bước hụt chân trên viên đá. Một chân lọt xuống nước. Cậu chạy nhanh hơn.

Ước chi có chỗ nào cho cậu núp. Phía này chẳng có cây lau sậy nào. Chỉ có đồng lúa mạch. Cậu có cảm tưởng mùi hương lúa mạch đang xông vào lỗ mũi như chưa bao giờ thấy. Đầu cậu lảo đảo. Một chất lỏng có vị mặn rỉ ra giữa đôi môi cậu. Mũi cậu bị chảy máu.
Lấy tay bịt mũi, cậu tiếp tục chạy. Cậu cảm thấy như có giọng ai liên tục gọi với theo, " Thằng ngốc, thằng ngốc."

Ngày thứ bảy đến.
Khi cậu đi tới rìa con suối, con nhỏ mà nhiều ngày rồi cậu không hề gặp đang ngồi bên suối nghịch nước. Cậu băng qua mấy viên đá tảng, vờ như không thấy nó.  Trước đây mấy ngày, cậu đã xử sự như một thằng ngốc trước mặt con nhỏ, hôm nay cậu bước qua những viên đá tảng rất cẩn thận, trong khi trước đó cậu băng qua chúng kiểu như chúng nằm ở trên xa lộ.

" Này!"
Cậu làm bộ không nghe. Cậu bước lên bờ và dừng lại.
" Này, đây là loại sò gì vậy?"

Cậu vô tình quay lại và đụng phải đôi mắt đen nhánh của con nhỏ. Cậu vội quay nhìn vào lòng bàn tay con nhỏ.
" Sò điệp đấy."
" Tên đẹp quá!" 

Hai đứa đi tới chỗ lối mòn tách ra hai bên. Từ chỗ này con nhỏ sẽ đi xuống đồi một dặm gì đó, còn cậu sẽ đi lên hai hay ba dặm.
Con nhỏ dừng lại và nói: " Cậu có bao giờ qua bên kia đồi chưa?"
Nó đưa tay chỉ về phía cuối cánh đồng.
" Chưa hề."
" Vậy sao ta không đi? Cứ quanh quẩn nơi đây, tớ chán lắm rồi." 
" Xa lắm đó."
" Cậu nói xa là sao? Ở Seoul khi đi dã ngoại, bọn tớ đi bộ đoạn đường dài lắm." Đôi mắt con nhỏ dường như muốn nói," Thằng ngốc! Thằng ngốc!"

Hai đứa đi theo lối mòn giữa hai đồng lúa. Chúng đi gần nơi người ta đang gặt vụ mùa thu.
Có con bù nhìn đứng ở đó. Cậu bé lay sợi dây rơm. Mấy con chim sẻ vụt bay ra. Cậu bé chợt nhớ ra đáng lẽ cậu phải về sớm để xua đàn sẻ khỏi đám ruộng lúa chính.
" Trông ngộ thiệt!"

Con nhỏ cầm lấy sợi dây chằng con bù nhìn và giựt mạnh. Con bù nhìn lúc lắc, trông như đang nhảy múa. Bên má trái con nhỏ gợn chút núm đồng tiền.

Xa hơn tí nữa lại có thêm một con bù nhìn nữa. Con nhỏ chạy về phía đó. Cậu bé chạy theo sau. Có vẻ như cậu đã quên là hôm nay phải về sớm và giúp phụ việc ở nhà.

Cậu cứ chạy theo sát con nhỏ. Mấy con châu chấu bay quật vào mặt chúng làm chúng đau nhức. Bầu trời mùa thu trong xanh bắt đầu xoay trước mắt cậu bé. Cậu thấy chóng mặt. Chỉ vì con diều hâu trên cao kia, con diều hâu trên cao kia, con diều hâu trên cao kia đang quay vòng.
Ngoái nhìn lui, cậu thấy con nhỏ đang lay con bù nhìn cậu vừa chạy qua. Bù nhìn lắc lư nhiều hơn con trước. Có con đê ở mép cuối ruộng lúa. Con nhỏ nhảy qua trước.
Từ chỗ này đến tận chân đồi chỉ toàn là ruộng thôi. 
Chúng đi ngang qua đỉnh đồi, nơi những thân cây kê chất đống.
" Cái gì đây vậy?"
" Cái chòi."
" Nhìn này, dưa vàng nhỏ xíu. Có ngon không ha?"
" Cũng được, nhưng dưa hấu ngon hơn."
" Tớ mong có một trái mà ăn..."

Cậu bé đi vào đám ruộng, chỗ có gieo củ cải trắng chen lẫn những cây dưa hấu còn sót, rồi nhổ hai củ cải mang về. Chúng chưa phát triển hết cỡ. Cậu bẻ gãy và ném lớp lá qua một bên rồi đưa cho con nhỏ một củ. Sau đó, ra vẻ như muốn nói " phải ăn như vậy này! " cậu cắn một miếng ở đầu to, lấy móng tay lột vỏ rồi cắn miếng ruột ở trong.
Con nhỏ làm theo y hệt, nhưng cắn chưa được ba miếng, nó la lên: "Ôi, cay quá và hôi quá," rồi nó ném đi.

" Mùi khó chịu quá! Tớ cũng nuốt không vô"
Rồi cậu ném củ cải của mình xa hơn nữa.

Đã đến gần các ngọn đồi.
Những lá thu muôn màu hiện rõ trước mắt chúng.
" Ôi!"
Con nhỏ tiếp tục chạy về phía đồi. Bây giờ cậu bé không chạy theo sau nữa. Thay vào đó, cậu hái nhiều hoa hơn số con nhỏ gom được.
" Đây là hoa cúc (1) , đây là hồ chi (2) , còn đây là hoa chuông (3)..."
" Tớ không bao giờ nghĩ hoa chuông đẹp như thế này. Tớ thích màu tía... Còn hoa này, trông giống cái dù, là hoa gì thế? "
" Hoa nữ lang (4) đó."
Con nhỏ làm bộ cầm cái hoa kiểu như cầm dù. Cùng lúc đó, mặt nó đỏ ửng lộ má núng đồng tiền.

Cậu bé lại hái thêm một nắm hoa cho con nhỏ. Cậu chọn những hoa còn tươi đưa cho nó. 
Nhưng con nhỏ bảo: " Đừng vứt bỏ hoa nào hết."

Hai đứa leo lên đỉnh đồi.
Bên sườn thung lũng đằng trước có mấy túp nhà tranh chụm lại thật cân đối.
Chẳng đứa nào nói gì, chỉ lặng lẽ ngồi cạnh nhau, chân vắt qua tảng đá. Mọi vật chung quanh yên tĩnh khác thường. Nắng thu chói chan toả hương thơm cỏ khô,  chỉ vậy thôi.

" Hoa gì kia vậy? "
Bên kia sườn dốc, những cánh hoa cuối cùng của mùa thu bùng nở trên dây sắn leo rối beng.
" Có vẻ là hoa tử đằng (5). Trường tớ ở Seoul có cây tử đằng bự lắm. Nhìn những dây hoa này tớ nhớ đến tụi bạn thường hay chơi chung dưới cây kia."

Con nhỏ đứng dậy đi tới sườn dốc. Nó nắm lấy một dây leo có nhiều hoa đang nở và giật mạnh, nhưng không bứt ra được. Nó cố thêm tí nữa và bị trượt chân. Nó chộp được một dây leo.

Cậu bé hoảng hồn chạy vội đến. Con nhỏ chìa bàn tay ra. Cậu nắm lấy tay con nhỏ kéo lên rồi xin lỗi vì đã không tự mình hái hoa cho nó. Có mấy giọt máu rỉ ra nơi đầu gối phải con nhỏ. Cậu tự động áp miệng vào vết trầy và mút. Rồi, không hiểu nghĩ gì, cậu đứng dậy bỏ đi.

Lát sau trở lại, cậu hổn hển nói: " Đắp cái này vào sẽ đỡ hơn."
Cậu đắp chút nhựa thông vào vết trầy, rồi chạy đến chỗ dây nho, lấy răng cắn đứt mấy dây có hoa, lấy đem về cho con nhỏ. Rồi nó nói: " Đằng kia có con bê. Tới xem đi."

Con bê màu vàng nhạt, mũi chưa đeo chuông.
Cậu bé nắm chặt dây cương, vờ cào lên lưng con vật rồi nhảy vọt lên. Con bê nhảy chồm lên và quay tròn.
Gương mặt tái xanh của con nhỏ, chiếc áo hồng, cái váy màu chàm, cộng thêm mấy cái hoa nó cầm trong tay, tất cả xoay vòng mù mịt. Trông giống như cả một chùm hoa lớn. Cậu bé thấy chóng mặt, nhưng cậu không muốn dừng lại. Cậu thấy hãnh diện. Đây là chuyện con nhỏ không thể bắt chước. Chỉ mình cậu làm được thôi.

" Này, mấy đứa đang làm trò gì vậy?"
Một bác nông dân đi tới từ đám cỏ cao.
Cậu bé nhảy xuống lưng con bê. Cậu chờ bị la. " Cháu cỡi trên lưng nó như thế lỡ nó bị đau thì tính sao?"
Thế nhưng bác nông dân râu dài chỉ liếc nhìn con nhỏ, cầm lấy dây cột con bê, rồi nói: " Cháu nên về nhà nhanh đi. Sắp có mưa rào đấy".

Thật vậy, mây đen kéo phủ đầy trên đầu chúng. Hai đứa chợt nghe tiếng động khắp bốn phía chung quanh. Có tiếng gió xào xạc. Sau tia chớp mọi vật chuyển màu tối sẫm. Khi hai đứa đi xuống đồi, tiếng mưa rơi đập vào lá cây sồi. Mưa to quá. Chúng thấy lạnh sau gáy. Rồi trong thoáng chốc một màn mưa chặn đường phía trước. Chúng thoáng thấy một túp lều giữa đồng. Chúng có thể chạy đến núp ở đó. Nhưng mấy cái cột thì xiêu vẹo còn mái lá thì rách tơi tả. Cậu bé giúp con nhỏ bước vào, tìm một chỗ mái lá ít rách nhất.

Môi con nhỏ tím tái, nó run cả hai vai.

Cậu bé cởi chiếc áo khoác bông vải của mình đắp lên vai nó. Con nhỏ ngước lên nhìn cậu, không nói gì, cứ để mặc cậu muốn làm gì thì làm. Sau đó, cậu lấy trong bó hoa con nhỏ ôm trong tay những hoa nào bị gẫy cuống và cánh hoa nhàu nát bỏ xuống trải dưới chân con nhỏ. Giờ thì mưa lại nhỏ giọt xuống chỗ nó đứng. Chúng không thể núp ở đây được nữa rồi.

Nhìn ra bên ngoài, cậu bé chợt nghĩ ra, rồi chạy về phía đám ruộng kê. Cậu tách rời những đụn rơm bằng cách dựng những thân cây kê đứng lên, rồi gom thêm một  đống nữa bỏ thêm vào chỗ trước. Cậu tiếp tục tách các đụn rơm nữa, rồi vẫy tay gọi con nhỏ đến.

Mưa không rơi xuyên qua đụn thân kê. Chỉ là một khoảng không gian rất chật và tối. Cậu bé ngồi bên cạnh đụn kê và để mưa thấm qua người. Hơi nước bốc lên từ hai vai cậu.

Con nhỏ thì thầm bảo nó bước vào ngồi bên trong. Tớ ổn thôi, cậu bé đáp. Con nhỏ lại nói nó đi vào ngồi bên trong.

Cậu không thể làm gì khác hơn là bước thụt lùi đi vào. Làm như thế, cậu vô tình đụng nát những bông hoa con nhỏ đang cầm. Nhưng con nhỏ nghĩ là chuyện đó chẳng sao cả. Thân thể ướt át của cậu bé bốc lên mùi khó chịu xông vào mũi con nhỏ, nhưng nó cũng không quay đầu đi. Ngược lại, nó cảm thấy mình bớt run nhờ hơi ấm từ cơ thể cậu bé.

Đột nhiên tiếng động trên lá cây kê ngừng hẳn. Bên ngoài, trời sáng ra.

Hai đứa từ đụn kê bước ra. Trước mặt chúng, không xa lắm, ánh mặt trời đã chiếu chói lọi. Đi đến con đê, chúng thấy nước ngập hết cả rồi. Dòng nước đỏ ngầu, đầy bùn tuôn chảy như suối dưới ánh nắng. Chúng không thể nào nhảy qua được.

Cậu bé đưa lưng cho con nhỏ. Nó ngoan ngoãn để cậu cõng đi. Nước lên đến chân quần xắn lên của cậu. 
Con nhỏ la lớn, và ôm chặt cổ cậu bé. 
Trước khi chúng đi tới con suối, bầu trời mùa thu đã sáng lên, không còn đám mây nào mà trong xanh, chừng như trước đó chẳng có chuyện gì cả.

Sau hôm đó, không còn dấu vết gì của con nhỏ. Ngày nào cậu bé cũng chạy ra suối xem, nhưng chẳng thấy con nhỏ đâu. Vào giờ chơi ở trường, cậu tìm quanh sân. Cậu còn kín đáo liếc nhìn vào phòng học lớp 5 nữ sinh. Cũng không thấy con nhỏ.
Cũng vào hôm đó, cậu lại ra bờ suối, tay xoa mãi viên sỏi trắng trong túi. Lạ chưa kìa!  Không phải con nhỏ đang ngồi nơi bờ suối đó sao?

Cậu bé cảm thấy tim mình đập nhanh.
" Tớ đau miết mấy bữa nay."
Quả thật gương mặt con nhỏ tái mét.
" Hẳn là do cậu bị ướt hôm nọ, khi gặp mưa rào?"
Con nhỏ lặng lẽ gật đầu.
" Giờ đã đỡ chưa?"
" Chưa..."
"  Vậy thì cậu phải nằm nghỉ."

" Chán quá nên tớ phải ra ngoài... Cậu biết không, hôm đó, thật vui...  có điều là sau hôm đó tớ bị vết bẩn mãi không hết."
Nó nhìn xuống phía trước cái áo hồng. Có một vết trông như vết bùn đỏ sẫm.

Con nhỏ im lặng để lộ má núm đồng tiền rồi hỏi, " Có thể là vết bẩn kiểu gì nhỉ? "

Cậu bé nhìn chằm chặp vào trước áo con nhỏ.

" Cậu biết không, tớ nghĩ ra rồi. Hôm nọ, khi băng qua con đê, cậu cõng tớ trên lưng, đúng không? Vết bẩn này từ lưng cậu đó thôi."
Cậu bé đỏ mặt. Đến chỗ ngã rẽ, con nhỏ nói tiếp: " Sáng nay bọn tớ hái trái táo ta ở nhà... chuẩn bị giỗ ông bà ngày mai..." Nó đưa cho cậu bé một nắm táo. Cậu ngập ngừng.
" Ăn thử một trái đi. Ông cố của tớ trồng cây này đó, ngọt lắm." Cậu bé đưa hai bàn tay khum lại: " Ôi, trái to thật!"
" Mà lần này, sau ngày giỗ, còn có chuyện khác nữa. Gia đình tớ sẽ dọn đi."

Trước khi gia đình con nhỏ dọn về đây, cậu bé đã nghe cha mẹ mình nói chuyện, cậu biết là công việc làm ăn con cháu nhà họ Yun ở Seoul thất bại, họ không thể trở về nhà được nữa. Có vẻ như ngôi nhà đó sắp sang tay chủ khác.
" Vì nhiều lý do, tớ ghét dọn nhà lắm. Nhưng đây là quyết định của bố mẹ, tớ có làm gì được đâu." Lần đầu tiên, đôi mắt đen của con nhỏ lộ vẻ buồn rầu.
Sau khi chia tay, trên đường về nhà, cậu bé cứ lặp đi lặp lại trong đầu không biết bao nhiêu lần, " con nhỏ sắp chuyển nhà ". Cậu không cảm thấy đặc biệt luyến tiếc hay buồn phiền. Tuy nhiên cậu không thấy vị ngọt của miếng táo nhai trong miệng nữa.

Chiều hôm đó, cậu lặng lẽ đi tới vườn cây óc chó của lão Deoksoi.
Cậu leo lên cái cây đã chọn trong ngày. Cậu lấy cái sào đập vào cành cây đã chọn trước. Âm thanh của quả óc chó rơi nghe to lạ thường. Tim cậu lạnh cóng. Nhưng,  một lát sau, cậu rán hết sức nắm lấy cái sào : này hạt to, nhiều vào, rơi xuống đi, nhiều vào, rơi đi. 

Trên đường về, cậu nương theo bóng tối từ mảnh trăng khuyết. Hai ngày nữa mới đến kỳ trăng tròn.  Đây là lần đầu tiên cậu biết ơn bóng tối.

Cậu vuốt vào cái túi căng phồng. Cậu chẳng để ý lời người ta hay nói rằng lấy tay trần bóc vỏ trái óc chó có thể bị phát ban. Điều cậu nghĩ tới là cậu phải nhanh chóng cho con nhỏ nếm thử những trái óc chó vườn nhà lão Deoksoi, nổi tiếng ngon nhất làng.

Đúng lúc này, cậu chợt giật mình nghĩ ra. Cậu đã quên nhắc con nhỏ khi nó đỡ bệnh, cậu mong sao nó đến bờ suối một lần cuối, trước khi nhà nó dọn đi. Ngốc thật! Ngốc thật!

Hôm sau, khi đi học về, cậu thấy cha ăn mặc bảnh bao, tay ôm một con gà.

Cậu hỏi ông đi đâu.

Không buồn trả lời, ông quan sát kỹ con gà trong tay : " Cỡ này được không nhỉ?"

Mẹ cậu đưa cho ông cái túi mắt lưới. " Nó đã cục tác và tìm chỗ đẻ mấy bữa nay. Trông không to lắm nhưng mập đó." Cậu quay sang hỏi mẹ là cha định đi đâu.

" Ờ, ông đến nhà lão Yun bên kia thung lũng gần trường học cũ đó mà. Ông mang nó làm quà biếu..." " Đáng lẽ ông phải lấy con thật to. Con gà trống đốm đó..." Nghe nói vậy cha cười to và nói: " Con này cũng khá mập rồi."

Cậu bé vô cớ tỏ ra bối rối, cậu ném sách vở xuống, đi về phía chuồng bò, phát vào lưng con bò một cái như thể muốn giết con ruồi.

Nước ngoài suối mỗi ngày mỗi dâng.

Cậu bé đi tới chỗ ngã rẽ rồi quay xuống đồi.  Dưới trời xanh trong vắt, ngôi làng bao quanh trường cũ trông rất gần. 

Cha mẹ cậu nói ngày mốt gia đình con nhỏ sẽ dọn đến Yangpyong. Họ trông coi một cửa hàng nhỏ xíu ở đó.

Bất giác, cậu bé mân mê những trái óc chó trong túi, còn tay kia với níu bẻ gãy một đọt cây sậy.

Chiều hôm đó, cậu vẫn trở lại ý nghĩ cũ, ngay khi đã vào giường nằm ngủ: Ngày mai, cứ cho rằng mình sẽ đến tiễn chân gia đình con nhỏ đi. Nếu đến, có lẽ mình sẽ gặp được nó.

Rồi nó bị cuốn vào giấc ngủ, nhưng vẫn suy nghĩ: " Sống ở đời này thiệt là ... "

Cha đi vào làng đã về rồi." Nhìn cảnh gia đình lão Yun xem. Ruộng vườn bán hết, căn nhà bao nhiêu thế hệ đã sống nay sang tay người khác rồi, còn con bé, lá  xanh rụng trước lá vàng nữa..." Mẹ cậu đang ngồi may dưới ánh đèn, đáp lại: " Nhà ấy chỉ còn con bé này thôi phải không? "
" Ừ. Có hai đứa trai nhưng đều mất sớm rồi... Sao lại có gia đình bất hạnh về đường con cái đến thế này nhỉ? "

Đúng như vậy. Con nhỏ bệnh đã mấy ngày nay rồi và họ cũng không thể lo liệu thuốc thang được. Vậy là gia đình lão Yun tuyệt tự... Nhưng bà biết không, con nhỏ đó, bà có nghĩ là kỳ cục không? Thì đó, trước khi chết, nghe nói là nó bảo nếu nó không khỏi, nó muốn là khi chôn nó thì mặc cho nó bộ áo quần nó vẫn mặc mỗi ngày, cứ như vậy thôi..."




____________________________
chrysanthemum
bush clover
bellflower
valerian. Nữ lang là loài thực vật có bông nhỏ, màu hồng lợt hay trắng trên những cuống cao và mạnh. Hoa có mùi thơm dịu dễ chịu.
wisteria. Hoa mọc thành chùm trong cành rủ xuống dài từ 10cm đếm 80cm, có màu tím, hồng hoặc trắng. Hoa tử đằng có mùi thơm.




THÂN TRỌNG SƠN
dịch theo bản tiếng Anh ( Brother Anthony of Taizé )

http://hompi.sogang.ac.kr/anthony/Shower.htm

vendredi 22 septembre 2017

ĐÔI TẤT LỤA




Truyện ngắn
Kate Chopin


Một ngày kia, chị Sommers nhỏ nhắn bất ngờ có được 15 đô la. Đối với chị, có vẻ đây là một khoản tiền lớn, và cái cách mà nó làm cộm phồng chiếc ví sờn cũ khiến chị có cái cảm giác về một điều gì quan trọng, mà nhiều năm nay chị chưa được  hưởng.

Chuyện sẽ chi tiêu vào việc gì khiến chị bận tâm nhiều. Suốt hai ba ngày, chị quẩn quanh thơ thẩn trong trạng thái mơ màng, nhưng thực ra chị miệt mài suy xét, tính toán. Chị không muốn hành động hấp tấp, không làm chuyện gì để sau đó lại hối tiếc. Nhưng về đêm tĩnh lặng, chị nằm thao thức, cân nhắc trong đầu những kế hoạch, là lúc chị thấy rõ cách sử dụng đồng tiền đúng đắn và sáng suốt.

Chị sẽ thêm một hay hai đô la, nhiều hơn cái giá thường phải trả để mua cho Janie đôi giày, như thế nó sẽ bền hơn. Chị sẽ mua vài mét vải percale để may áo chẽn cho mấy đứa trai, và cả cho Janie với Mag nữa. Chị đã định vá lại mấy cái áo cũ. Mag cũng phải có thêm cái áo dài nữa. Chị đã nhìn thấy ở các cửa hiệu mấy mẫu khá đẹp, giá cả phải chăng. Và vẫn còn đủ tiền để mua tất mới - mỗi đứa hai đôi - khỏi phải mạng lại mấy đôi cũ. Rồi còn phải mua mũ lưỡi trai cho mấy đứa trai và mũ thuỷ thủ cho con gái. Cảnh đàn con trông tươi tắn, xinh xắn, mới mẻ một lần trong đời khiến chị phấn khích và thao thức với bao hy vọng.

Những người hàng xóm thỉnh thoảng vẫn nhắc đến " những ngày tươi đẹp " chị từng trải qua trước khi có ý nghĩ lấy anh Sommers. Chính chị lại không cho phép mình chìm vào những hồi tưởng không lành mạnh như thế. Chị không có thời gian, không một giây phút nào, để quay về quá khứ. Những nhu cầu của hiện tại thu hút hết mọi khả năng của chị. Hình ảnh tương lai mịt mờ, buồn thảm đôi lúc làm chị hoảng sợ, nhưng may thay, ngày mai ấy không bao giờ đến.

Chị Sommers là người biết giá trị của việc mặc cả, có thể đứng hàng tiếng đồng hồ để nhích từng bước một gần đến món đồ đang được bán giảm giá. Chị có thể hích khuỷu tay tranh đường khi cần, chị biết cách nắm chặt một món hàng, khư khư giữ lấy nó chờ đến lượt được phục vụ, không cần biết lâu hay mau.

Thế nhưng hôm ấy chị hơi uể ỏi và mệt mỏi, chị đã dùng bữa trưa qua quýt thôi. Ồ, không, đúng lúc nghĩ đến việc ăn, vì mải cho mấy đứa trẻ ăn và dọn dẹp rồi chuẩn bị  cho cuộc vật lộn mua sắm, chị đã quên khuấy mất chuyện ăn trưa.

Chị đến ngồi trên chiếc ghế xoay ở một quầy hàng vắng vẻ, cố gom hết sức lực và can đảm để chen qua một đám đông đang hăng hái vây quanh đống vải may áo sơ mi và vải gai mịn có in hình. Chị có cảm giác mệt mỏi rũ rượi và vô tình để tay trên quầy hàng. Chị không mang găng. Chị dần nhận ra là tay chị đang chạm vào thứ gì đó rất mịn màng và dễ chịu. Cúi nhìn xuống, chị thấy là tay mình đang đặt trên một chồng tất lụa. Một tấm áp phích cạnh đó ghi là chúng đang được giảm giá từ hai đô la năm mươi xu xuống còn một đô la chín mươi tám xu, một cô gái trẻ đứng đằng sau quầy hỏi chị có muốn xem kỹ mặt hàng dệt kim không. Chị mỉm cười, như thể  được yêu cầu kiểm tra chiếc mũ miện kim cương lần cuối trước khi mua nó.   Sờ với cả hai bàn tay, chị vẫn còn cảm thấy những thứ mềm mại, sang trọng, chị  giơ cao chúng lên để thấy chúng lấp lánh, và cảm thấy chúng trượt đi như con rắn trườn giữa kẽ ngón tay..

Hai vệt ửng đỏ chợt xuất hiện trên đôi má xanh xao của chị. Chị ngước nhìn cô gái.
" Trong đây có đôi nào số tám rưỡi không em?"
Bao nhiêu đôi cỡ tám rưỡi cũng có. Thật vậy, có nhiều đôi cỡ đó hơn bất kỳ cỡ nào khác. Có đôi màu xanh nhạt, màu tím hoa oải hương, có đôi đen tuyền và nhiều sắc độ nâu và xám. Chị Sommers chọn một đôi màu đen, chị nhìn chúng thật lâu, thật kỹ. Chị làm ra vẻ quan sát chất liệu, cô bán hàng bảo đảm là tuyệt hảo.
" Một đô la chín mươi tám xu," chị đăm chiêu ra mặt. " Vâng, tôi lấy đôi này." Chị đưa cho cô gái tờ năm đô la và chờ cô thối tiền và gói hàng. Cái gói nhỏ xíu! Có vẻ như nó lọt thỏm dưới đáy chiếc giỏ hàng sờn cũ của chị.

Sau đó, chị Sommers không đi về phía quầy giảm giá mà đi đến thang máy đưa chị lên tầng trên, khu vệ sinh nữ. Chị vào một góc ít người qua lại và thay đôi tất vải bông đang mang bằng đôi tất lụa mới mua. Chị không hề băn khoăn ray rứt hay lý luận gì với chính mình, cũng không tìm cách giải thích cho thoả đáng động cơ của việc mình làm. Chị chẳng suy nghĩ gì cả. Hình như đối với chị lúc này là lúc ngơi nghỉ sau công việc mệt mỏi nhọc nhằn kia, lúc chị có thể buông mình cho cơn bốc đồng tự nhiên điều khiển hành động của chị và giải thoát chị khỏi mọi trách nhiệm.

 Thật êm ái làm sao khi chạm da thịt mình vào lụa tơ tằm mới! Chị tưởng như đang nằm dài trên ghế nệm và thích thú với sự xa hoa của nó. Chị cứ như thế trong một lát. Sau đó, chị  mang giày vào lại, cuộn đôi tất vải bông cho vào túi xách. Chị đi thẳng đến hàng giày dép và ngồi xuống để được thử giày. 

Chị khó chiều. Người bán hàng không hiểu ý chị, anh ta không tìm được đôi giày nào phù hợp với tất của chị, chị thì không dễ vừa ý. Chị kéo váy lên, xoay bàn chân ra một hướng, đầu nghiêng về hướng kia để có thể cúi nhìn xuống đôi ủng mũi nhọn bóng láng. Bàn chân và gót chân của chị thật đẹp. Chị không nghĩ chúng thuộc về chị, chúng là một phần của cơ thể chị. Chị muốn một đôi thật tuyệt hảo và kiểu cách, chị bảo người bán hàng đang phục vụ chị, chị chẳng bận tâm nếu giá cả nhích lên một hay hai đô la, miễn là chị có được thứ mong muốn.

 Đã lâu lắm rồi từ khi chị Sommers có được một đôi găng vừa vặn. Có lúc, thật hiếm hoi, chị mua được một đôi " hạ giá ", rẻ mạt đến nỗi thật lố bịch và phi lý khi đòi chúng phải vừa với bàn tay.

Giờ đây chị chống tay lên tấm vải đệm của quầy bán găng, và một người trẻ trung xinh đẹp, dễ thương, tế nhị và khéo léo đang kéo chiếc găng da dê non dài luồn vào bàn tay chị. Cô ấy vuốt chiếc găng dọc theo cổ tay chị và cài nút cẩn thận, rồi cả hai người mất một hai phút chiêm ngưỡng bàn tay nhỏ nhắn cân đối đeo găng. Nhưng còn có nhiều nơi khác để tiêu tiền nữa chứ.

Nơi cửa sổ một sạp hàng cách vài bước trên đường có chất đầy sách và tạp chí. Chị Sommers mua hai cuốn tạp chí đắt tiền, thứ chị thường đọc trước đây khi quen dùng những mặt hàng thú vị khác. Chị lấy mang đi khỏi cần gói lại. Mỗi khi qua ngã tư đường chị lại cố ý kéo váy lên. Đôi tất, đôi ủng và đôi găng tay mang vừa khít, tất cả cho chị cảm giác tự tin, và ý nghĩ mình thuộc về đám đông người ăn mặc lịch thiệp.

Chị đói lả rồi. Lúc khác, chị có thể dằn cơn đói chờ về đến nhà, uống tạm cốc trà hay nhai đỡ cái gì sẵn đấy. Nhưng cơn bốc đồng đang dẫn dắt chị không để cho chị cam chịu ý nghĩ như thế.

Có một tiệm ăn ở góc đường. Chị chưa bao giờ bước qua khỏi cửa tiệm, từ bên ngoài đôi khi chị thoáng thấy những chiếc khăn trải bàn sạch bóng và đồ pha lê loé sáng, mấy người phục vụ nhẹ nhàng phục vụ những vị khách tân thời.

Khi chị bước vào, vẻ bên ngoài của chị chẳng khiến ai ngạc nhiên, sửng sốt gì như chị đã e ngại. Chị tự kiếm chỗ ngồi riêng biệt nơi chiếc bàn nhỏ, và một người phục vụ ân cần đến mời chị gọi món. Chị không muốn phí phạm, chị thèm một miếng ngon lành, nửa tá hàu, miếng thịt sườn béo ngậy với cải xoong, chút gì ngòn ngọt, ly sinh tố kem chẳng hạn, một ly rượu vang vùng Rhine, và cuối cùng là một ly cà phê đen.

Trong khi chờ được phục vụ, chị ung dung tháo găng tay ra và đặt bên cạnh. Sau đó chị lấy ra tờ tạp chí, đọc lướt qua, rọc mấy trang dính bằng sống dao. Mọi thứ đều dễ chịu. Chiếc khăn trải bàn trông còn sạch sẽ hơn khi nhìn qua cửa sổ và đồ pha lê cũng bóng lộn hơn. Có nhiều quý ông quý bà lặng lẽ ngồi ăn ở những chiếc bàn nhỏ giống như bàn của chị và chẳng để ý gì đến chị. Có tiếng nhạc êm dịu, dễ chịu, một làn gió nhẹ thổi qua cửa sổ. Chị ăn một chút, đọc vài ba từ, nhấp chút rượu màu hổ phách, ngọ nguậy ngón chân trong đôi tất lụa. Tiền ăn chẳng đáng bao nhiêu. Chị đếm tiền đưa cho người hầu bàn, để lại một đồng xu trên chiếc khay, ngay lúc đó, anh ta cúi đầu chào chị như chào một công nương quý phái.

Trong ví chị vẫn còn tiền, và điều cám dỗ tiếp theo xuất hiện dưới hình dạng một áp phích quảng cáo kịch. 

Lúc chị vào rạp hát đã hơi trễ, vở kịch đã bắt đầu, có vẻ như rạp sắp đóng cửa. Tuy thế rải rác vẫn còn ghế trống, chị được đưa vào một trong những chỗ như vậy, giữa những phụ nữ ăn mặc rực rỡ, tới đó để giết thời gian và ăn kẹo và phô trương áo xống loè loẹt. Cũng có nhiều người khác đến chỉ vì vở kịch và diễn xuất. Thật an toàn để nói rằng không có ai ở đây để ý đến thái độ của chị đối với người xung quanh. Chị gom hết tất cả - sân khấu, diễn viên và khán giả vào trong một cảm nhận tổng thể, ghi nhận và tận hưởng nó. Chị cười khi xem đến màn hài kịch và khóc - chị và người phụ nữ diêm dúa ngồi cạnh khóc khi xem bi kịch. Rồi hai người nói với nhau vài câu về vở kịch. Và người phụ nữ diêm dúa lau mắt và xì mũi vào một mẩu đăng-ten vuông nhỏ xíu, mỏng tanh, thơm phức, rồi đưa cho chị hộp kẹo.

Vở kịch chấm dứt, nhạc ngừng chơi, đám đông tản ra. Giống như một giấc mơ vừa kết thúc vậy. Mọi người toả ra muôn hướng. Chị Sommers đi về phía góc đường chờ xe.

Một người đàn ông có đôi mắt tinh tường, ngồi đối diện, có vẻ như muốn nghiên cứu khuôn mặt nhỏ, nhợt nhạt của chị. Nó làm ông ta bối rối không hiểu được mình thấy gì. Thực ra, ông chẳng thấy gì cả -  trừ khi có đủ tài năng để nhận ra một ước muốn cháy bỏng, một khao khát mãnh liệt rằng chiếc xe sẽ không dừng ở đâu cả, mà cứ đi mãi, cứ chở chị đi mãi không dừng.



THÂN TRỌNG SƠN
dịch từ nguyên bản tiếng Anh
( A Pair of Silk Stockings )

https://americanliterature.com/author/kate-chopin/short-story/a-pair-of-silk-stockings

samedi 16 septembre 2017

BẾN ĐỖ





Truyện ngắn
André Maurois
(1885-1967)

- Câu chuyện kỳ lạ nhất đời tôi à? bà nói. Thật khó nói đấy. Trong đời tôi, đã có biết bao nhiêu chuyện.
- Tôi nghĩ là vẫn có đấy.
- Ồ, không. Tôi già đi rồi, tôi lành hơn rồi... Đó là một cách khác để nói là tôi đang cần nghỉ ngơi... Giờ thì tôi thấy khoan khoái khi được ngồi một mình, đọc lại những bức thư ngày trước hay nghe một dĩa nhạc.
 - Không thể nào có chuyện người ta không tán tỉnh bà nữa... Bà vẫn còn giữ nét duyên dáng, và không biết dấu vết nào của sự từng trải, có thể là những đau khổ đã chịu, đã góp thêm vào những nét 
đó một chút gì làm xao xuyến lòng người... Thật không sao cưỡng lại được.
- Cám ơn ông quá khen... Đúng là tôi vẫn còn người hâm mộ. Điều bất hạnh là tôi không còn tin chuyện đó nữa. Tôi biết quá rõ những người đàn ông, khi chưa đạt được gì thì nồng nàn lắm, nhưng sau đó, than ôi, là hờ hững, là ghen tuông. Tôi tự nhủ: tại sao tôi lại đi xem thêm lần nữa một vở hài kịch mà mình đã biết rõ kết cuộc? 
Hồi còn trẻ thì khác. Lần nào tôi cũng tưởng như đã gặp một con người tuyệt hảo đã kéo tôi ra khỏi sự hoài nghi. Tôi đến với họ thật lòng... Vậy đấy, mới cách đây năm năm thôi, tôi quen với Renaud, chồng của tôi bây giờ, tôi có cảm tưởng là đã thay đổi. Anh ấy 
mạnh bạo, hơi nóng nảy. Anh ấy làm tôi bớt nghi ngại, anh thường 
cười khi tôi lo lắng hay quá cẩn thận. Tôi tưởng là đã tìm thấy nơi 
anh ấy một vị cứu tinh. Không phải vì anh ấy hoàn hảo, anh ấy học vấn không cao, ứng xử không hay. Nhưng anh ấy mang đến cho tôi thứ tôi chưa hề có: sự vững vàng... Một chiếc phao... Ít nhất là những thứ tôi nghĩ lúc đó. 
- Bây giờ bà không nghĩ như vậy nữa sao?
- Ông cũng biết là không. Renaud đã chịu nhiều thất bại kinh khủng; tôi đã phải an ủi anh ấy, làm cho anh ấy vững tin, cứng rắn hơn, tôi đã bảo vệ Người bảo vệ... Đàn ông thực sự mạnh mẽ hiếm lắm. 
- Ít nhất bà cũng biết một người như thế chứ?
- Vâng, tôi có biết một người. Ôi, cách đây không lâu, và trong trường hợp khá lạ lùng... Đây rồi, ông hỏi tôi về chuyện phiêu lưu lạ kỳ nhất đời tôi, thì đúng là chuyện này đấy!
- Bà kể đi!
- Trời ơi! Ông muốn điều gì vậy? Đúng ra phải để nó chìm hẳn trong ký ức thôi... Hơn nữa, chuyện cũng khá dài, mà ông lại vội vàng thế kia. Ông có thể dành cho tôi ít thời gian không ?
- Tất nhiên, tôi sẵn sàng nghe.
- Thôi được rồi... Cách đây hai mươi năm... Khi ấy tôi là một quả 
phụ còn trẻ. Ông còn nhớ cuộc hôn nhân đầu tiên của tôi chứ? Để cha mẹ vừa lòng, tôi đã lấy một người hơn tôi quá nhiều tuổi, tôi cũng có chút tình cảm, nhưng là thứ tình cảm cha con... Tình yêu với ông ấy, đối với tôi, có vẻ là tình cảm biết ơn phải đền đáp hơn là một niềm vui. Ba năm sau, ông ấy qua đời, để tôi trong một tình thế tương đối thoải mái, thôi không còn sự giám hộ của gia đình và hôn nhân, tôi bỗng được tự do, làm chủ mọi hành động và số phận của mình. Chẳng phải kiêu kỳ gì tôi cũng dám nói là lúc đó tôi khá xinh.
- Hơn cả xinh nữa đấy chứ.
- Vâng, tuỳ ông nghĩ. Dù sao, thì lúc ấy tôi thấy hài lòng và ngay sau đó tôi đã thấy vây quanh mình cả đám người ngấp nghé. Tôi ưa thích hơn cả một người Mỹ, tên là Jack Parker. Trong số những tình địch người Pháp của anh ấy cũng có nhiều người tôi vừa ý hơn. Họ cùng chia sẻ với tôi những sở thích, họ biết nói những lời khen tặng dễ chịu. Jack ít đọc sách, âm nhạc thì anh ấy chỉ thích blues và jazz, hội hoạ thì theo trào lưu với niềm tin ngây ngô. Anh ấy nói chuyện tình yêu rất tệ... Đúng hơn là chẳng biết nói chuyện tình yêu. Chỉ là cầm tay khi đi xem phim, xem kịch, hay khi ngồi trong công viên, 
dưới ánh trăng và nói với tôi:  

 Em thật là tuyệt vời! (1). 

Lẽ ra tôi phải thấy là anh ấy quá buồn tẻ... Nhưng không, tôi sẵn 
lòng đi chơi với anh ấy. Tôi cảm thấy anh ấy thoải mái, thẳng thắn. Anh ấy mang lại sự yên ổn, cũng giống thứ tình cảm mà sau này, người chồng của tôi mang lại cho tôi vào thời gian đầu chung sống. Những người bạn khác của tôi thường do dự trong các dự định của họ. Họ muốn trở thành người tình hay người chồng? Không bao giờ họ phát biểu rõ ràng. Với Jack thì không như thế. Anh ghét thậm tệ 
ý nghĩ quen biết qua đường. Anh muốn cưới tôi, đem tôi về Mỹ, sinh cho anh những đứa con xinh đẹp, cũng như bố chúng, tóc xoăn, mũi thẳng, nói năng giọng mũi chậm rãi, ngây thơ. Anh ấy là phó giám đốc ngân hàng, một ngày nào đó sẽ lên giám đốc. Dù thế 
nào, chúng tôi cũng không thiếu thốn gì, và sẽ có một xe hơi thật 
đẹp. Anh ấy nhìn cuộc đời như thế đó.

Cũng phải thú thật với ông là tôi có bị cám dỗ. Ông ngạc nhiên ư?.. Tuy nhiên đó là bản chất của tôi. Bởi chính tôi khá phức tạp nên 
những người đơn giản lại thu hút tôi. Tôi không hoà hợp lắm với gia đình. Qua Mỹ sống là một cách để tránh khỏi gia đình. Sau vài tháng thực tập tại một chi nhánh ở Paris, Jack quay về lại New York. Khi anh ấy lên đường, tôi hứa là sẽ theo sang đó và lấy anh. Cần nói là tôi chưa hề là người tình của anh ấy. Chẳng phải tại tôi, 
nếu anh ấy ngỏ lời thì tôi đã chấp thuận... Nhưng anh ấy đã không 
dám. Jack là người Mỹ theo đạo Thiên Chúa, với những tập quán cứng nhắc, và mong muốn tổ chức đám cưới chính thức tại nhà thờ Saint-Patrick, đại lộ số 5, với nhiều chàng phù rể mặc áo đuôi tôm, cài hoa cẩm chướng trắng ở cúc áo, và nhiều nàng phù dâu(2) khoác áo vải lụa mỏng.  Những chuyện này cũng chẳng trái ý tôi.

Chúng tôi thoả thuận là tôi sẽ đến vào tháng tư. Jack sẽ đặt vé máy bay cho tôi. Tôi vẫn thích bay với hãng Air France và tôi nghĩ điều đó đương nhiên thôi nên không báo cho anh ấy biết. Vào giờ phút chót, tôi nhận được chiếc vé Paris- Luân Đôn và Luân Đôn- Nữu 
Ước của một hãng hàng không Mỹ, khi đó, hãng này chưa được phép đỗ lại tại chỗ chúng tôi. Tôi phật ý đôi chút vì điều này, nhưng vốn dễ tính, đáng lẽ phải xoay xở đổi vé, tôi chấp thuận tình thế. Tôi phải sang Luân Đôn lúc bảy giờ tối, ăn tối ở sân bay, và chín 
giờ thì bay tiếp sang Nữu Ước.

Ông thích các sân bay chứ? Tôi lại thích chúng một cách thật khó tả. Chúng sạch sẽ, tối tân hơn là ga xe lửa, được trang trí theo kiểu " các phòng giải phẫu". Những giọng nói xa lạ, khó hiểu vì bị biến dạng, gọi qua loa những hành khách đi đến những thành phố nước
 ngoài xa xôi. Qua khung cửa kính có thể nhìn thấy những máy bay khổng lồ hạ cánh và cất cánh. Đó là một cảnh trang trí không thực mà không phải là không đẹp. Tôi vừa ăn tối xong, yên trí ngồi vào chiếc ghế da kiểu Anh màu xanh rêu, đúng lúc từ loa vọng lên một 
câu dài tôi không hiểu được hết, chỉ nhận ra hai tiếng Nữu Ước và con số chuyến bay của tôi. Tôi hơi lo ngại nhìn quanh. Vài hành khách đứng dậy.


Tôi để ý thấy ở ghế bên cạnh một người đàn ông khoảng tứ tuần có khuôn mặt hấp dẫn. Với dáng người mảnh khảnh, đầu tóc rối bù, cổ áo để mở, ông ấy gợi lên hình ảnh những nhà thơ lãng mạn Anh, đặc biệt là hình ảnh của Shelley.  Vừa nhìn ông ta, tôi vừa nghĩ thầm: nhà văn hay nhạc sĩ đây rồi, và mong có ông ngồi cạnh trên máy bay. Chợt thấy vẻ bối rối của tôi, ông nói, bằng tiếng Anh:
- Xin lỗi bà, bà đi chuyến bay số 632 phải không ạ?
- Vâng ạ... Không biết người ta vừa thông báo gì vậy?
- Họ nói là, do trục trặc kỹ thuật, chuyến bay phải hoãn đến 6 giờ sáng mai. Hành khách nào muốn nghỉ ở khách sạn, hãng sẽ cho xe đón, ít phút nữa.
- Thật chán quá! Đến khách sạn để 5 giờ sáng phải thức dậy! Thật tệ hại... Ông định làm gì bây giờ?
Ồ, tôi à, may mắn là tôi có người bạn làm việc và ở ngay tại sân bay này. Tôi đã để xe tại ga ra nhà anh ấy. Tôi sẽ đến lấy để về nhà.

Một lát sau, ông nói tiếp:

- Mà đúng hơn, không phải thế... Tôi sẽ nhân lúc trì hoãn này để lượn một vòng. Tôi làm đàn orgue và thỉnh thoảng phải kiểm tra lại những cây đàn của tôi  trong vài nhà thờ ở Luân Đôn... Đây là dịp không tính trước để đi xem hai hay ba chiếc.
-Ông có thể vào trong nhà thờ ban đêm sao?
Ông ta cười và rút ra một chùm chìa khoá thật lớn.
 - Được chứ! Tôi thường thử phím đàn và bộ ống gió vào ban đêm để khỏi làm phiền người khác.
- Ông tự đánh đàn à?
- Vâng, tôi cố hết sức mình.
- Chắc nghe sẽ hay lắm, những tấu khúc đàn orgue chơi trong tĩnh lặng và bóng tối.
- Hay à? Tôi không biết. Tuy thích nhạc nhà thờ, tôi không phải là nhạc công tài giỏi. Nhưng chơi đàn thì tôi mê vô cùng, điều đó là chắc chắn.
Ông lưỡng lự một lát, rồi nói tiếp:

 -Thưa bà, tôi sắp đề nghị với bà một chuyện kỳ cục... Bà chưa hề biết tôi và tôi cũng không có quyền gì được bà tin cậy... Nhưng nếu bà thích, tôi sẽ đưa bà đi với tôi và sau đó đưa bà về lại đây ngay... Chắc bà cũng là nhạc sĩ?
- Đúng vậy. Mà làm sao ông biết?
Bà đẹp như một giấc mơ của nghệ sĩ. Điều ấy không lầm được.

Thú thật với ông là lời khen đó làm tôi xúc động. Người đàn ông này có một uy thế rất lạ lùng. Tôi biết rằng giữa đêm tối, dạo chơi ở thành phố Luân Đôn với một người không quen biết là thiếu thận trọng, tôi tự thấy những nguy hiểm có thể xảy đến. Tuy vậy, tôi vẫn không có ý nghĩ từ chối. 
- Thôi được, tôi nói với ông ta. Tôi sẽ làm gì với cái túi này?
Bỏ vào sau xe với hành lý của tôi.

Tôi không thể nào nói với ông ba nhà thờ nào tôi đã vào đêm hôm đó, và người bạn đồng hành bí hiểm của tôi đã chơi những bài gì. Tôi chỉ còn nhớ những chiếc cầu thang xoáy trôn ốc tôi được ông ấy dìu lên, nhớ những ánh sáng trăng loáng qua cửa kính, cùng những khúc nhạc tuyệt vời. Tôi nhận ra nhạc của Bach, của Fauré, của Haendel, nhưng tôi nghĩ là rất nhiều bài ông ấy tự ứng tác. Lúc ấy nghe thật xao động mãnh liệt. Tưởng chừng như đang nghe 
những lời thú tội tuôn trào từ một tâm hồn ray rứt. Tiếp đó là âm điệu thần tiên như những sự vuốt ve dịu ngọt. Tôi mê say. Tôi hỏi tên nhà nghệ sĩ tài hoa ấy. Ông tên Peter Dunne.

-Chắc là ông nổi tiếng lắm, tôi nói với ông. Ông là một tài năng đấy.
- Bà đừng nên tin như vậy.  Thời khắc và đêm tối làm cho bà có ảo tưởng thế thôi. Tôi chỉ là một người chơi đàn xoàng thôi. Nhưng niềm tin, và đêm nay, sự có mặt của bà, gây cho tôi cảm hứng.

Cái kiểu nói thẳng thắn như vậy chẳng làm tôi ngạc nhiên, cũng không làm tôi khó chịu. Peter Dunne là một trong những người mà chỉ sau vài phút gặp gỡ, ta có thể thân mật khác thường... Ông ấy không phải là người của thế giới này. Sau khi đi thăm cả ba nhà thờ, ông ấy nói đơn giản:
- Bây giờ gần nửa đêm rồi. Bà có muốn đến nghỉ nhà tôi trong ba hay bốn giờ còn lại không? Tôi sẽ mời bà món trứng trộn. Nhà cũng có trái cây. Người giúp việc của tôi sẽ đến dọn các thứ đó đi sáng ngày mai.

Tôi cảm thấy sung sướng, và bởi vì tôi muốn kể hết mọi chuyện với ông, xin thú thật rằng tôi mơ hồ hy vọng rằng buổi tối hôm đó sẽ là khởi đầu cho một tình yêu. Đối với chuyển biến của cảm giác thì lòng ngưỡng mộ ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn là với đàn ông. Thứ âm nhạc thần tiên ấy, đêm ngập tràn bài ca ấy, cái bàn tay dịu 
dàng và vững chải đã dìu tôi trong bóng đêm ấy, tất cả đã dẫn tôi đến những ước muốn lờ mờ. Nếu người bạn đồng hành của tôi muốn, tôi đã thuộc về ông ta rồi... Con người tôi là như vậy.

Căn hộ nhỏ đầy sách, sơn màu trắng vỏ trứng, với một vạch đen, khiến tôi thấy thích thú. Ngay lúc đó tôi thấy như đang ở nhà mình. Tôi tự bỏ mũ và cởi áo khoác ra. Tôi đề nghị giúp ông sửa soạn bữa ăn khuya trong căn bếp nhỏ xíu. Ông từ chối:
- Không, tôi quen rồi. Bà lấy một cuốn sách mà đọc. Chỉ vài phút tôi sẽ quay lại.

Tôi chọn tập thơ Đoản khúc  của Shakespeare và có thời gian đọc kịp ba bài phù hợp lạ lùng với tâm trạng của tôi lúc này. Sau đó Peter trở lại đặt một chiếc bàn nhỏ trước mặt và mời tôi.
- Tất cả những thứ này đều ngon tuyệt, tôi nói. Tôi thích lắm... Tôi đang đói. Ông thật là một người đàn ông lạ lùng. Ông làm gì cũng giỏi. Hạnh phúc thay người phụ nữ nào sống chung với ông!
- Không phụ nữ nào sống chung với tôi cả... Nhưng tôi rất thích nghe bà nói về chính mình. Bà là người Pháp, hẳn nhiên rồi? Bà đi sang Mỹ?
- Vâng, tôi sắp lấy một người Mỹ.  
Ông ấy chẳng tỏ vẻ ngạc nhiên, hay không hài lòng.
-Bà có yêu ông ta không?
- Tôi phải yêu ông ta vì tôi đã quyết định nhận ông ta làm người bạn suốt đời.
- Đó chẳng phải là lý do, ông ấy nói. Có những cuộc hôn nhân do người ta tự trượt đến, một cách chậm rãi, khó thấy, mà thực sự không muốn. Bỗng nhiên người ta tự thấy mình bị gắn kết vào và không có can đảm quay trở lại nữa. Vậy là số kiếp lỡ làng... Thật không phải chút nào khi tôi nói với bà những chuyện buồn thảm thế này khi mà tôi không hiểu gì về sự lựa chọn của bà. Chẳng lẽ nào một người tinh tế như bà lại lầm lẫn được... Điều duy nhất khiến tôi ngạc nhiên là...
Ông ngừng lại.
- Ông cứ nói đi... Đừng sợ làm tôi phật ý. Tôi là người sáng suốt nhất... Ý tôi muốn nói là người có khả năng nhất để nhìn thấy những hành động của mình bằng cách quan sát và phán xét.
- Vậy thì, ông ấy nói tiếp, điều duy nhất khiến tôi ngạc nhiên, không phải là vì có một người Mỹ làm bà thích ( thật ra cũng có nhiều người Mỹ đáng chú ý và hấp dẫn nữa ), nhưng mà vì bà lại muốn sống trọn đời với ông ta, nơi xứ của ông ta... Rồi bà sẽ tìm thấy nơi kia  một " tân thế giới " với những giá trị hoàn toàn khác... Có thể đấy chỉ là những định kiến của người Anh.. Cũng có thể người chồng chưa cưới của bà tự ông ta đã hoàn hảo tới mức khiến bà chẳng quan tâm tới cái xã hội mai đây sẽ bao quanh vợ chồng bà.


Tôi suy nghĩ một lát. Hình như những điều tôi nói với Peter Dunne có một tầm quan trọng đặc biệt, tôi chẳng hiểu vì sao, và tôi có nhiệm vụ phải diễn đạt cho ông ấy hiểu chính xác những sắc thái 
tinh tế nhất trong ý nghĩ của tôi. 

- Ông không nên tin như vậy, tôi nói. Jack, chồng tương lai của tôi, không phải là người hoàn hảo và tôi tin chắc rằng tự anh ấy cũng không thể thay thế cho sự thiếu vắng một môi trường thân thiết đối với tôi. Jack là một chàng trai dễ mến, thực thà, sẽ là người chồng tốt, nghĩa là sẽ không lừa dối tôi và sẽ cho tôi những đứa con khoẻ mạnh. Nhưng ngoài con cái, ngoài việc làm ăn của anh ấy, chuyện chính trị và những chuyện liên quan đến bạn bè của chúng tôi, chúng tôi sẽ có rất ít đề tài quan tâm chung... Xin ông hiểu cho tôi. Jack không phải là kém thông minh, anh ấy là nhà kinh doanh thành thạo, có chút năng khiếu về cái đẹp, một thị hiếu khá chắc 
chắn... Có điều là thi ca, hội hoạ, âm nhạc chẳng quan trọng gì dưới mắt anh ấy. Anh ấy chẳng thiết gì những thứ đó... Có trầm trọng lắm không? Suy cho cùng, nghệ thuật chỉ là một trong những hoạt động của con người thôi. 
- Hẳn là thế, Peter Dunne nói. Ta vẫn có thể là một người nhạy cảm mà chẳng yêu thích nghệ thuật, hoặc đúng hơn là chẳng hề biết đến nghệ thuật... Và thậm chí tôi còn thích một thái độ lãnh đạm dứt khoát hơn là thói đua đòi hăng hái, ồn ào. Nhưng để làm chồng một người phụ nữ như bà... Liệu ông ấy ít nhất có được  sự tinh tế của con tim để có thể đoán hiểu được những chuyển biến thầm kín của người mình sống kề bên không?
- Anh ấy không tìm kiếm xa đến thế đâu. Anh ấy thích tôi, anh chẳng hiểu tại sao, anh ấy không tự đặt câu hỏi cho mình. Anh ấy không nghi ngờ việc mang lại hạnh phúc cho tôi... Chẳng phải là tôi sẽ có một ông chồng cần mẫn, một căn nhà ở Đại lộ Park, một chiếc xe hạng sang, và những người giúp việc da đen xuất sắc do mẹ anh, người từ tiểu bang Vỉginia, chọn lấy. Một người phụ nữ còn mong muốn gì hơn?
-Chớ nên mỉa mai cay độc, ông ấy nói. Sự cay độc lúc nào cũng là dấu hiệu của lương tâm bất ổn. Khi áp dụng vào người mà mình phải yêu, nó giết chết mọi tình cảm... Đúng vậy đấy.. Và điều đó rất nghiêm trọng. Chỉ có cơ may cứu rỗi là do thái độ thực sự dịu dàng và nhân ái đối với những người đàn ông. Hầu như tất cả họ đều bất hạnh...
- Tôi không tin là Jack bất hạnh. Anh ấy là một người Mỹ có thể thích ứng với cái xã hội anh sống mà anh trân trọng thực lòng, coi như xã hội tốt nhất thế giới rồi. Anh ấy còn gì để lo ngại nữa?
Chẳng bao lâu nữa anh ấy sẽ lo ngại về chính bà. Bà sẽ dạy cho anh ấy sự đau khổ.

Tôi không biết đã có thể làm cho ông cảm thấy rằng đêm hôm đó, tôi đã ở vào trạng thái tinh thần sẵn sàng chấp nhận mọi thứ hay chưa. Thật là kỳ lạ chuyện tôi một mình, lúc một giờ khuya, trong nhà một người Anh mà chỉ mấy tiếng đồng hồ trước thôi tôi gặp ở 
một sân bay. Càng ngạc nhiên hơn nữa là tôi lại tâm sự với ông ta về cuộc sống riêng tư và dự định tương lai của mình. Cuối cùng càng đáng kinh ngạc hơn là ông ta đã khuyên nhủ tôi và tôi nghe theo những lời khuyên ấy với lòng kính trọng.


Vậy mà chuyện xảy ra thế đó. Từ Peter toát ra một sự nhân từ và phẩm hạnh khiến tình thế trở nên tự nhiên. Chẳng phải vì ông ấy làm ra vẻ như nhà tiên tri hay người thuyết giáo. Hoàn toàn không phải như vậy. Đó là một người không hề giả vờ. Khi tôi đưa ra một nhận xét thú vị ông ấy cười thoải mái. Có điều là người ta đoán rằng chuyện gì ông cũng tỏ ra nghiêm túc, điều hiếm thấy ở đời... Vâng, đúng như thế... một người nghiêm túc...Ông hiểu chứ? Thường thì người ta ít khi nói điều mình nghĩ. Sau lời họ nói, khi 
nào cũng có chút ẩn ý. Ý kiến họ nói ra che đậy một ý khác mà họ muốn giấu đi... Hoặc giả họ nói lung tung, không cần nghĩ ngợi. Còn Peter lại cư xử như một số nhân vật của Tolstoï. Ông đi thẳng đến tận cốt lõi vấn đề. Điều này tác động mạnh đến tôi nên tôi hỏi ông:

- Ông có dòng máu Nga à?
- Tại sao? Thật đáng ngạc nhiên khi bà hỏi tôi câu đó. Vâng, mẹ tôi là người Nga, còn ba tôi người Anh.

Tôi tự hào về sự khám phá ít ỏi ấy của mình và hỏi tiếp:

- Ông chưa lập gia đình sao? Chưa bao giờ à?
- Chưa... Bởi vì... Điều này bà có thể cho là kiêu ngạo... Tôi để dành cho một điều gì đó cao cả hơn.
- Cho một tình yêu cao cả?
- Cho một tình yêu cao cả, nhưng sẽ không phải là tình yêu của một phụ nữ. Tôi nghĩ rằng, bên trên cái vẻ bề ngoài đau khổ của thế gian này, còn có một điều gì đó tốt đẹp để ta phải sống vì nó. 
- Và " điều gì đó " ông đã tìm thấy trong nhạc tôn giáo?
- Vâng, và nơi các nhà thơ nữa. Cũng như trong sách Phúc âm. Tôi muốn biến cuộc đời mình thành cái gì đó thật tinh khiết. Tôi xin lỗi bà vì đã tự nói về mình như thế, nói có vẻ hơi khoa trương... và không đúng kiểu người Anh... nhưng hình như bà đã hiểu rõ...và hiểu khá nhanh...

Tôi đứng dậy và đến ngồi bên chân ông ấy. Tại sao? Biết nói với ông thế nào đây. Tôi không thể làm khác.

- Vâng, tôi hiểu, tôi nói. Tôi cũng thấy như ông là thật điên rồ khi để hao phí cuộc đời, vốn là tài sản duy nhất của chúng ta, vào những giờ khắc tầm thường, những công việc vô bổ, những cãi vã nhỏ nhen... Tôi mong sao tất cả những giờ khắc của đời tôi đều giống như thời gian tôi sống bên cạnh ông bây giờ đây. Tuy nhiên tôi biết điều đó không thể được... Tôi không đủ sức lực...Tôi sẽ buông trôi theo dòng, vì làm như thế dễ hơn. Tôi sẽ trở thành Jack D. Parker phu nhân, tôi sẽ chơi bài canasta, tôi sẽ cải thiện điểm lúc chơi gôn, tôi sẽ đi nghỉ ở Floride vào mùa đông, và năm tháng sẽ trôi qua như vậy, cho đến lúc từ giã cõi trần... Có thể ông sẽ nói với 
tôi rằng như thế thật đáng tiếc...Ông nói đúng...Nhưng biết làm sao đây?

Tôi dựa vào đầu gối ông ấy, ngay trong giây phút đó, tôi là của ông ta... Vâng, sự chiếm hữu chẳng nghĩa lý gì, ưng thuận mới là tất cả.

-Biết làm thế nào à? ông ấy nói. Bà hãy tự điều khiển lấy mình. Tại sao lại buông trôi theo dòng? Bà biết bơi mà. Tôi muốn nói: bà có nghị lực và phẩm giá... Đúng vậy...Hơn nữa, đâu cần tới một cuộc đấu tranh dài hơi để làm chủ số phận. Trong dòng chảy đời người có những khoảnh khắc hiếm hoi vào lúc đó mọi  chuyện đều được định đoạt cho cả dài lâu. Chính vào những khoảnh khắc đó ta phải có can đảm để nói có, hoặc không.
- Và ông nghĩ là tôi đang ở vào một trong những khoảnh khắc đó và phải có can đảm để nói không? 

Ông ấy vuốt tóc tôi, rồi nhanh chóng rút tay ra và có vẻ trầm tư.

- Bà đặt cho tôi một câu hỏi khó trả lời, cuối cùng ông ấy nói. Tôi chỉ mới quen bà, không biết gì về bà, về gia đình bà, về người chồng tương lai của bà, tôi có quyền gì mà khuyên nhủ được bà? Có thể tôi sẽ mắc sai lầm nghiêm trọng... Câu hỏi đó tôi không phải trả lời, mà chính là bà. Vì chỉ có bà mới biết bà mong đợi gì từ cuộc hôn nhân ấy, chỉ có bà mới đủ yếu tố để lường trước mọi hậu quả... Tất cả những gì tôi có thể làm được, là khuyên bà nên chú ý vào những gì, theo ý tôi, và tôi nghĩ cũng là theo ý bà, và tự hỏi: " Ta có chắc là không huỷ hoại trong mình những gì tốt đẹp nhất ta đang có không?"


Đến lượt tôi suy nghĩ.

-Than ôi! không, tôi không tin chắc như vậy. Điều tốt đẹp hơn của tôi, là niềm hy vọng chẳng biết do sự khích lệ nào, là sự khao khát được hy sinh... Lúc nhỏ, tôi từng mơ trở thành nữ thánh hay nữ anh hùng... Còn bây giờ, tôi mơ được hiến mình cho một người đàn ông đáng khâm phục, và nếu tôi làm được, góp phần giúp người ấy làm nên sự nghiệp, hoàn thành sứ mệnh... Thế đấy... Điều tôi vừa thổ lộ với ông, tôi chưa hề nói với ai cả. Tại sao lại nói với ông? Tôi cũng tự hỏi như thế. Có điều gì đó nơi ông gọi mời lời tâm sự - và niềm tin.
- Cái điều gì đó, ông ấy nói, là sự từ bỏ. Người nào đó không tự tìm cho chính mình cái mà người khác gọi là hạnh phúc, có lẽ sẽ có thể yêu những người khác như cách chính mình được yêu, và qua đó tìm được một dạng thức khác của hạnh phúc.

Lúc ấy tôi làm một cử chỉ bạo dạn và hơi điên rồ. Tôi nắm lấy tay ông ta và nói:

- Ông Peter Dunne, thế thì tại sao ông lại không có phần hạnh phúc thực sự của mình? Và tôi cũng vậy, tôi chỉ mới quen ông, thế mà tôi thấy như ông là người mà tôi luôn luôn tìm kiếm một cách vô thức.
Bà đừng tin như thế... Bà nhìn nhận tôi khác hẳn con người thực của tôi. Tôi không bao giờ là một người chồng, một người tình như mong đợi của bất cứ phụ nữ nào. Tôi không chịu được cảnh phải sống bên cạnh mình, từ sáng đến tối và từ tối đến sáng, một con người đòi hỏi ở tôi sự quan tâm vào mọi lúc và lại có quyền được như vậy.
- Sự quan tâm sẽ có qua có lại.
- Hẳn thế, nhưng tôi thì tôi không cần ai quan tâm.
- Ông cảm thấy khá mạnh mẽ để một mình đương đầu với cuộc sống... Phải vậy không?
- Nói đúng hơn là, tôi cảm thấy khá mạnh mẽ để đương đầu trong cuộc sống này với những người đàn ông có thiện chí... để cùng với họ góp sức xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn... hay ít nhất có gắng làm được như vậy.
- Có lẽ sẽ bớt khó khăn nếu bên cạnh ông có một người bạn đời. Tất nhiên người phụ nữ ấy sẽ chia sẻ cùng ông niềm tin ông nung nấu. Nếu người ấy yêu ông...
- Chừng đó không đủ... Tôi đã biết hơn một người phụ nữ khi yêu đã đi theo người mình yêu như một kẻ mộng du. Một hôm, cô ta tỉnh lại và kinh hoàng nhận ra mình đang ở trên mái nhà, thật nguy hiểm. Lúc đó cô ta chỉ có một ý nghĩ: đi xuống và trở lại với sàn cuộc sống thường ngày... Người đàn ông, nếu có từ tâm, sẽ theo người phụ nữ cùng đi xuống. Và rồi, như mọi người nói, họ tạo ra tổ ấm... Đấy là một chiến binh bị tước vũ khí.

- Ông muốn chiến đấu đơn độc.

Ông ấy dìu tôi đứng lên, không phải là không trìu mến.
 - Chưa bao giờ tôi nói ra điều này khó nhọc hơn, nhưng đúng là vậy... Tôi muốn chiến đấu một mình.
Tôi thở dài.
-Thật đáng tiếc! Tôi đã sẵn sàng vì ông mà hy sinh Jack.
- Tốt hơn là hy sinh cả Jack lẫn tôi.
- Cho ai?
- Cho chính bà.

Tôi cầm lấy cái mũ và đến trước gương đội vào. Peter đưa áo khoác cho tôi.
 - Bà nói đúng, ông ấy nói, phải đi thôi. Sân bay cách đây khá xa và ta nên đến trước những hành khách đi xe ca.
Ông ấy đi tắt đèn trong bếp. Trước khi bước ra, bằng một động tác mà tôi nghĩ là chính ông không cưỡng lại được, ông ấy ôm tôi vào lòng và hôn tôi như một người anh. Tôi không chống lại, tôi buông mình theo một sức mạnh mà tôi cảm thấy thích bị chinh phục. Nhưng ông nhanh chóng nới lỏng vòng tay ôm, đến mở cửa và mời tôi ra. Trên chiếc xe nhỏ để ngoài đường, tôi ngồi bên cạnh ông, không nói gì.


Trời đổ mưa, đường phố Luân Đôn về đêm buồn rũ rượi. Một lát sau, Peter lên tiếng. Ông ấy kể cho tôi nghe về những người sinh sống trong những ngôi nhà nhỏ  xây cất hàng loạt kia, kể về cuộc sống trầm lặng, về những thú vui nghèo nàn và những hy vọng của họ. Khả năng gợi tả của ông thật đáng kinh ngạc. Lẽ ra ông ấy phải là tiểu thuyết gia tầm cỡ.

Sau đó chúng tôi đi đến khu nhà máy ở ngoại ô. Người bạn đồng 
hành của tôi ngừng lời. Còn tôi, tôi suy nghĩ. Tôi nghĩ đến chuyện gì sẽ xảy đến vào ngày hôm sau, khi tôi đến Nữu Ước, nghĩ đến Jack, sau cái đêm cảm động này, có thể tôi sẽ thấy anh ta hơi lố bịch.  Đột nhiên, tôi nói:

- Ông Peter, dừng lại đi.
Ông ấy thắng xe đột ngột, và hỏi:
- Có chuyện gì vậy? Bà mệt à? ... Hay để quên gì ở nhà tôi?
- Không. Nhưng tôi không muốn đi Nữu Ước nữa... Tôi không muốn lấy chồng lần nữa.
- Bà nói gì thế?
- Tôi đã suy nghĩ. Ông đã cho tôi mở mắt. Ông đã nói là trong cuộc đời có những khoảnh khắc mà mọi chuyện được định đoạt cho lâu dài. Đây là một trong những khoảnh khắc ấy. Tôi đã quyết định. Tôi sẽ không lấy Jack Parker.
- Trách nhiệm của tôi thật kinh khủng. Tôi tưởng đã khuyên bà điều tốt lành. Có thể tôi đã lầm.
- Ông không thể lầm. Và nhất là tôi, tôi không thể lầm. Bây giờ tôi thấy rõ ràng là tôi sắp làm một việc điên rồ. Tôi sẽ không đi nữa.
 - Nhờ ơn Trời ban phúc! ông ấy nói. Bà đã được cứu thoát. Bà vừa đi tới một tai hoạ. Nhưng bà không sợ phải trở về Paris sao, phải giải thích với mọi người...?
- Tại sao? Cha mẹ và bạn bè tôi đều thấy tiếc khi tôi ra đi. Họ gọi cuộc hôn nhân này là một hành động thiếu suy nghĩ... Họ sẽ hài lòng khi thấy tôi trở về.
- Còn ông Parker?
- Jack sẽ buồn khổ trong vài ngày, hoặc vài giờ. Anh ấy sẽ đau khổ vì tự ái, nhưng anh ấy sẽ tự nhủ là thế nào rồi cũng sẽ gặp phiền toái với một người vợ bốc đồng đến thế, và rồi anh sẽ vui lòng vì đã cắt đứt trước, chứ không phải sau hôn lễ... Có điều là phải đánh điện gấp cho anh ấy, để ngày mai anh khỏi đi đón tôi vô ích. 

Peter lại cho xe nổ máy.
 - Bây giờ ta làm gì đây? ông nói.
Chúng ta tiếp tục ra sân bay. Máy bay của ông đang đợi ông. Tôi sẽ đi chuyến khác, về lại Pháp. Thế là qua một cơn mơ.
- Một giấc mơ đẹp, ông nói.
- Mơ khi còn thức.

Trên đường ra sân bay, tôi ghé phòng điện báo và thảo một bức điện tín cho Jack: " Đi đến kết luận rằng kết hôn là phi lý. Stop. Tiếc vì yêu anh nhiều nhưng không thể sống ở nước ngoài. Stop. Nghĩ tốt hơn nên nói thẳng. Stop. Gởi anh vé để bồi hoàn. Stop. Thân mến. Marcelle. " Tôi đọc lại và thay sống ở nước ngoài  bằng sống xa lạ. Viết vậy rõ hơn, lại bớt được một chữ.

Trong khi tôi gởi điện tín, Peter đi hỏi giờ máy bay của ông khởi 
hành. Ông nói khi trở lại:
- Mọi chuyện đều tốt. Hay đúng hơn, mọi chuyện đều không tốt, động cơ đã sửa xong. Tôi sẽ đi hai mươi phút nữa. Còn bà phải chờ đến bảy giờ. Tôi rất ngại phải để bà ở lại một mình. Bà có muốn tôi mua hộ một cuốn sách không?
- Không, tôi nói. Tôi có chuyện để suy nghĩ rồi.
- Bà chắc chắn sẽ không luyến tiếc gì chứ? Vẫn còn thời gian, nhưng vào lúc bà đã gởi bức điện, dù bà có nghĩ lại cũng muộn rồi.

Tôi không trả lời ông ấy, đưa bức điện cho nhân viên điện báo.
- Chậm được không? ông ta hỏi.
 - Không.

Sau đó tôi khoác tay Peter.
Ông Peter thân mến, tôi có cảm tưởng tiễn ra máy bay một người bạn thân quen từ lâu.

Tôi không thể kể lại cho ông những gì ông ấy nói với tôi trong hai mươi phút còn lại giữa chúng tôi. Đấy là những nguyên tắc sống ông ấy khuyên tôi. Ông đã nhiều lần muốn nói với tôi rằng tôi có tính cách như đàn ông, tôi là một người bạn chung thuỷ, rằng tôi 
không nói dối. Nếu những điều đó phần nào là đúng thì đó chính là nhờ Peter. Cuối cùng, loa phóng thanh gọi: Hành khách đi Nữu Ước chuyến bay sáu trăm ba mươi hai... Tôi tiễn Peter đến tận cửa ra đường băng. Đến đó tôi kiễng chân lên để hôn ông như vợ chồng. Tôi không bao giờ gặp lại ông ấy.
- Bà không bao giờ gặp lại ông ấy! Sao vậy? Bà không cho ông ấy địa chỉ sao?
- Có chứ, nhưng ông ấy không bao giờ viết cho tôi. Tôi tin là ông ấy thích xuất hiện như thế trong cuộc đời người khác, để hướng dẫn họ, rồi biến mất.
- Còn bà, mỗi lần đến Luân Đôn, bà không tìm gặp ông ấy sao?
- Để làm gì? Ông ấy đã cho tôi, như lời ông ấy nói, những gì tốt đẹp nhất của ông ấy. Chúng tôi sẽ không bao giờ tìm lại được cái không khí lạ thường của đêm hôm đó... Không, cứ thế này hay hơn... Không nên hy vọng sống lại giây phút quá tuyệt vời... Nhưng như thế tôi đã có lý khi nói với ông câu chuyện này lạ lùng nhất  trong cuộc đời của tôi phải không? Người đàn ông đã làm thay đổi số   phận tôi, đã khiến tôi sống ở Pháp chứ không phải ở Mỹ, người đã có một ảnh hưởng bền vững nhất đối với tôi là một người Anh không quen biết, tình cờ gặp ở sân bay, ông không thấy điều đó là tuyệt vời sao?

- Chuyện này giống như, tôi nói, những câu chuyện cổ trong đó một vị thần nguỵ trang thành hành khất hay người lạ mặt để tiếp cận con người... Bà Marcelle ạ, thực ra thì người đàn ông xa lạ kia cũng không khiến bà thay đổi hoàn toàn đâu, vì cuối cùng bà cũng lấy ông Renaud, chính là Jack dưới cái tên khác.
Bà ấy mơ màng một lúc:
 Vâng, đúng thế, bà nói. Ta không thể thay đổi bản chất, chỉ chỉnh sửa thôi.







_______________________________

(1) You are just wonderful! ( Tiếng Anh trong nguyên bản )  
(2) bridesmaids ( Tiếng Anh trong nguyên bản )


THÂN TRỌNG SƠN 
dịch và giới thiệu
Nguyên bản L' escale.
http://www.rulit.me/books/nouvelles-read-339373-40.html

mardi 12 septembre 2017

HOA THEO MÙA





Truyện ngắn

André Maurois
Nhà văn Pháp
( 1885-1967 )




   Ông sinh năm 1885 tại Elbeuf, một thành phố nhỏ thuộc vùng Normandie, Tây Bắc nước Pháp. Sớm có năng khiếu văn chương từ nhỏ, cậu bé Émile Herzog lúc theo học trường trung học Corneille tại Rouen có may mắn được học với giáo sư Émile-Auguste Chartier, tức là triết gia Alain nổi tiếng. Chính vị giáo sư này đã phát hiện tài năng của học trò và hướng dẫn, khuyến khích cậu phát triển ngay từ phương pháp học tập ở lớp. Điều bất ngờ là thầy khuyên trò sau khi rời trường nên trở về làm việc trong xưởng dệt thảm của gia đình. Ông nghe lời thầy và trở về Elbeuf, tuy nhiên ông vẫn say mê chữ nghĩa nên trong phòng làm việc ông để sẵn nhiều tiểu thuyết của Balzac, ông chép lại nhiều trang của Stendhal để luyện viết văn, đồng thời tích cực học tiếng Anh.
Thế chiến lần thứ nhất xảy ra, ông nhập ngũ và được cử làm thông dịch viên và sĩ quan liên lạc tại một trung đoàn của quân đội hoàng gia Anh. Sự nghiệp văn chương bắt đầu từ thời gian này. Ông lấy bút danh André Maurois khi viết tác phẩm đầu tiên: " Sự im lặng của đại tá Bramble "( Les Silences du colonel Bramble ) năm 1918,  tác giả sớm nổi tiếng để ba năm sau viết tiếp cuốn " Những bài diễn văn của bác sĩ O' Grady " ( Les discours du Docteur O' Grady ). Ông sẽ ký bút danh này trên tất cả tác phẩm của mình, và điều thú vị là bút danh này trở thành tên chính thức của ông kể từ năm 1947 bằng một nghị định của Tổng thống Pháp. Ông được bầu vào Viện Hàn lâm Pháp ( Académie française ) năm 1938.  

André Maurois để lại hơn 100 tác phẩm thuộc đủ mọi thể loại: Nhiều tiểu thuyết tâm lý ( Bernard Quesnay, Climats –  Mặc Đỗ dịch là Tâm cảnh -, Terre promise – Đất hứa – Les Roses de septembre – Những đóa hồng tháng chín -) có cuốn gần với truyện vừa và truyện ngắn, có khi có hơi hướng truyện giả tưởng ( Le peseur d’âmes – Người cân linh hồn -, La machine à lire les pensées – Máy đọc tư tưởng - . Có những tác phẩm nghiên cứu, khảo luận ( Un art de vivre – Một nghệ thuật sống -, Sept visages de l’amour – Bảy khuôn mặt tình yêu – Au commencement était l’action – Khởi đầu là hành động…) Ông còn là nhà viết sử với các cuốn Histoire de l’Angleterre ( Lịch sử nước Anh ), Histoire des Etats-Unis ( Lịch sử Hoa Kỳ ), Histoire de France ( Lịch sử nước Pháp ). Ông nổi tiếng nhất với một loạt tác phẩm viết tiểu sử các văn nghệ sĩ ( Shelley, Byron, Victor Hugo, George Sand, Balzac, Tourgueniev, Voltaire, Chateaubriand, Marcel Proust ), các chính trị gia ( Disraeli, Lyautey ), và cả nhà khoa học ( Alexandre Flemming )… 

Độc giả Việt Nam đã biết đến Ông với bản dịch ( của Nguyễn Hiến Lê ) các tác phẩm “Thư gởi người đàn bà không quen biết” ( Lettre à une inconnue ) và nhất là “Thư ngỏ gửi tuổi đôi mươi” ( Lettre ouverte à un jeune homme sur la conduite de la vie ), là tác phẩm Ông viết ở tuổi 80, trong đó ông giải đáp mọi thắc mắc của thanh niên về nhiều vấn đề: quan niệm sống, tu dưỡng, hôn nhân, việc làm, viết văn, tiêu khiển, tình yêu, tín ngưỡng…
Ông cũng chính là người đã dịch bài thơ IF nổi tiếng của Rudyard Kipling ra tiếng Pháp với nhan đề Tu seras un homme, mon fils.




Étienne Carlut xuống xe taxi trước cửa chính của nghĩa trang Montparnasse. Anh ôm một bó hoa cúc rực cháy sắc nồng mùa thu, từ đỏ sẫm đến vàng nhạt. Khi anh đi ngang qua chỗ hai người gác cổng, một trong hai người chào anh. Vướng bó hoa, anh chỉ gật đầu đáp lại.
Sếp quen ông ta à?
À, quen sơ thôi. Ông ấy là giáo sư. Bà vợ vừa mất cuối tháng chín, an táng ở khu số bảy. Thứ năm nào ông cũng đến, ngày đó ông không có giờ dạy... Ông ta giải thích với tôi vậy... ngay ban đầu.
Goá vợ mà còn trẻ quá... Ông ấy sẽ không đến đây lâu đâu...
Ai mà biết... Không, không biết được. Điều đó cũng tuỳ người thôi.

Nếu họ đem chuyện đó hỏi người đàn ông có râu ngắn, mặc toàn đồ đen, vụng về với  bó hoa cúc, khi thì ôm trong tay như ôm đứa bé, khi thì cầm ngoặt ra sau lưng, anh ta sẽ trả lời là anh sẽ đến đấy mỗi thứ năm cho đến lúc chết, cái chết mà anh mong sẽ đến sớm.
Lucile mất đi đột ngột như một tai hoạ khủng khiếp mà tâm trí anh không sao chấp nhận được. Hai người lấy nhau được năm năm và nàng đã làm thay đổi cuộc đời anh. Trước khi có nàng, anh là một người nghiêm nghị ( hơi buồn tẻ, như nhận xét của nhiều phụ nữ ), chỉ quan tâm đến công việc. Anh thích giảng dạy, chấm bài, chuẩn bị luận án tiến sĩ. Cuộc sống bên ngoài hầu như không tồn tại trong mắt anh.

 Đột nhiên, tại một khách sạn miền núi, nơi anh đi nghỉ hè, anh đã gặp Lucile, mái tóc vàng óng, đôi mắt tím biếc, chiếc cổ thon, đôi vai tròn lẳng, một vẻ đẹp hiếm có đến nỗi trong suốt năm năm chung sống đó, anh vẫn khó tin là có thật. Ngay cả những lúc ôm vợ trong lòng, gần gũi nhau, khi nàng ngước nhìn anh khép nép ngoan chiều, anh vẫn tưởng như nàng là nhân vật huyền thoại hay cổ tích. Nàng gợi cho anh nhớ đến những nhân vật của Shakespeare hay Musset. Những khi liên tưởng như thế, anh lại tự trách mình là ngay cả trong tình yêu cũng tỏ ra là ông giáo cố chấp, một người thông thái rởm. Không, Lucile không phải là bản sao của những nhân vật tưởng tượng, mà là một người phụ nữ có nụ cười dịu dàng, nét mặt lanh lợi, thân hình mềm mại, tươi mát. Vốn đỏm dáng, nhiều lúc nàng trêu chọc anh và làm anh lo lắng. Anh chỉ còn nhớ đến vẻ quyến rũ không gì sánh được của nàng. 

Mình đã mất đi nhiều hơn cái mình có, anh tự nhủ khi đi về phía ngôi mộ của nàng, nơi linh thiêng đối với anh.

Khu thứ ba phía nam, khu thứ hai phía tây. Những tuần đầu tiên anh cần tới những chỉ dẫn đó để tìm đường. Bây giờ, anh đi thẳng đến tấm đá cẩm thạch màu xám tro, trên có ghi đơn giản: Lucile Carlut, nhũ danh Auban (1901-1928). Có lúc anh muốn ghi dòng chữ la tinh: Conjugi, amicae (1) nhưng anh nghĩ là nàng sẽ không tán thành. Để tới nơi nàng yên nghỉ, anh đi ngang qua những huyệt mộ các gia đình quyền thế, những công trình xấu xí, cái thì xây kiểu gô tích, cái thì theo kiểu Ai cập, phô bày sự giàu có của tay trùm đồ sắt thép hay hàng tạp hoá. Anh yêu thích biết bao tấm bia đá trơn, không trang trí, là món quà cuối cùng anh tặng vợ. Cuối cùng ư? Không hẳn vậy, vì anh vẫn còn những đoá cúc kia, nàng vẫn thường chuộng màu sắc rực rỡ của loài hoa này. Lẽ nào nàng lại nằm dưới mộ này? Anh tưởng như đang nghe giọng nàng nói:
Anh lại mang hoa đến cho em đấy à? Thật đáng yêu quá!

Anh vẫn còn nhớ là anh đã không tin, đã phủ nhận dứt khoát khi bác sĩ nghe nhịp tim đập của Lucile và nói: "Xong rồi!" Lẽ nào nàng lại bỏ anh một mình? Lucile vẫn luôn ân cần, chu đáo và không bao giờ nản chí mà!

Anh đặt nghiêng bó hoa dưới dòng chữ trên tấm bia, và đứng đó, mặc niệm. Cứ mỗi tuần anh vẫn cố ôn lại những giai đoạn của quãng đời hạnh phúc: đính hôn, tuần trăng mật, những đêm dài ân ái, phút thân mật ngọt ngào mỗi lần anh ngồi vào bàn làm việc, ngước mắt nhìn lên và bắt gặp nụ cười kín đáo, chia sẻ của nàng, rồi những ngày xao xuyến chờ đợi đứa con ra đời. Hai người hoàn toàn hợp ý nhau, từ việc trang trí căn nhà đến những vở kịch mà họ muốn cùng xem chung. Nàng còn hiểu rõ anh đến mức có thể trả lời đúng cái câu mà anh chưa kịp nói ra. Vậy mà giờ đây anh chẳng còn vợ, chẳng có con.

Lucile tội nghiệp! Lời nói cuối cùng của em là để anh yên tâm. Rồi, giữa chừng...

Suốt mùa đông, anh trở lại vào các ngày thứ năm. Mỗi lần, anh mang đến một loại hoa khác nhau, bày tỏ trí tưởng tượng muốn làm vui lòng người đã khuất như trước đây đã từng làm đẹp lòng người sống. Dịp lễ Noel, anh nhớ lại niềm vui như trẻ nhỏ của Lucile khi nhìn thấy cây thông sáng rực với những món quà treo dưới cành cây, anh trang trí mộ vợ bằng những cành lá xanh, bằng cây ô rô (2), cây thạch thảo (3). Rồi, tuần qua tuần, ngày tháng cứ nối dài ra. Anh thấy trên những chiếc xe bán hoa những loại hoa mới. Một ngày tháng ba, anh mang đến những bông hoa violet và hoa báo xuân (4). Bầu trời trong xanh, khí trời ấm áp, ánh nắng đùa giỡn trên những tấm đá. Anh cảm thấy thoải mái, và ngay lúc đó lại tự trách mình.
Vẫn như mọi lần, anh bước vào nghĩa trang như đang mơ. " Em thích mùa xuân. Ngày đầu tiên có thể đi ra ngoài không mặc áo khoác, với vài bông hoa cài lên ve áo, em tỏ vẻ hân hoan. Anh sẽ không bao giờ được ngắm dáng đi thiên thần của em nữa rồi..." Bất chợt anh quay đầu lại. Một thiếu phụ bận đồ đen vừa bước vào và dừng lại trước một ngôi mộ, cách chỗ anh chừng mười mét. Chị ôm bó hoa và đặt lên mộ một cách duyên dáng. Sau đó, chị quỳ xuống trên nền mộ.
Cái mũ của chị che khuất một phần khuôn mặt. Étienne chờ đợi khoảnh khắc chị quay đầu lại. Khi chị đứng lên, anh thấy chị đang khóc. Nét mặt chị nghiêm trang, tinh khôi. Mái tóc đen che trùm vầng trán rộng. Chiếc áo khoác, kiểu dài bó sát người, làm nổi bật thân hình mảnh mai. Trước khi ra đi, chị không hề nhìn ra xung quanh. Chị đi xen giữa những ngôi mộ và những nhà mồ để ra lối cổng. Khi nghe tiếng bước chân chị trên đường sỏi, anh đến nhìn tấm bia mà hồi nãy chị quỳ phía trước. Antoine Constant - 1891-1928. Vậy là chị vừa mất chồng, chứ không phải cha, cũng không phải con trai. Rồi anh lại nghĩ: "Có thể là người tình". Nhưng anh cũng không tin chắc.
Thứ năm sau, anh đến đúng vào giờ đó, mà không nghĩ là mình mong gặp lại người ấy. Chị không đến. Anh chờ lâu và buổi mặc niệm lần này buồn bã hơn thường lệ. Anh thấy xót xa. Cuộc sống của anh hoàn toàn trống trải. Anh không có bạn thân. Lucile và anh cố tình giữ cách biệt nghiêm ngặt với gia đình để họ không thể can thiệp vào cuộc sống của hai vợ chồng, bởi cả hai đã đủ cho nhau.

"Thật khác nhau xa, anh nghĩ, giữa những tối ấm cúng ngày trước và cuộc sống cô đơn hiện nay! Buồn biết mấy khi phải ăn tối vội vàng, chẳng thấy ngon miệng, rồi đến ngồi trên chiếc ghế bành, đọc mấy tờ báo ban chiều, cố tìm hứng thú trong trang sách mà không được, rồi chờ đợi hàng giờ giấc ngủ chẳng chịu đến cho."

Anh say mê công việc khi có thể chia sẻ với vợ. Anh đọc cho chị nghe một câu, chờ đợi phản ứng của chị mà anh biết lúc nào cũng nhạy bén, thông minh. Rồi đến giờ hai người cùng về phòng ngủ. Mặc áo ngủ, tóc tai buông xoả, chị trông đáng yêu biết bao. Chẳng lẽ anh sẽ không bao giờ còn được hưởng niềm vui nồng nàn ấy nữa?

Không bao giờ nữa! Phải nói là "không bao giờ nữa" anh được vuốt ve âu yếm, bởi chỉ ý nghĩ tái hôn, thậm chí chỉ ve vãn một phụ nữ nào khác với anh đã là tội lỗi rồi. Làm sao anh có thể nhắc lại với người khác những lời mà anh chỉ dành cho chị? Làm sao anh có thể đưa một người nào khác vào trong căn nhà anh đã hoàn toàn dành để tưởng nhớ Lucile? Đồ đạc trong nhà chỗ nào cũng có ảnh chị. Trong tủ, quần áo của chị vẫn ở đúng vị trí chị đã treo. Bà Auban, mẹ vợ anh, từ dưới tỉnh lên, sau đám tang đã gợi ý anh mang đi cho hội từ thiện.
Đúng thế đấy... Con cũng chẳng dùng chúng làm gì, con ạ... Chúng chỉ làm con thêm buồn thôi.
Anh cảm thấy ý nghĩ đó tội lỗi và tệ hại.

Một bà già đi ngang qua gần anh, tay mang một bình sắt đầy nước, chắc là để tưới hoa. Một đám mây che khuất mặt trời. Étienne rùng mình, đưa mắt nhìn lần cuối tấm biển gắn trên đá cẩm thạch xám, rồi bước ra. Nhưng rồi, dù không cố ý, thay vì đi thẳng đến lối cổng chính, anh lại ngoặt vào phía trước ngôi mộ của Antoine Constant. Trên mộ có bó hoa diên vỹ (5) còn tươi. Người phụ nữ chưa quen biết ấy đã đến đây hôm trước, có thể là sáng nay.

Thêm hai ngày thứ năm nữa anh vẫn không gặp chị. Lần thứ ba, khi anh đến thì chị đã có đấy rồi. Étienne có cảm giác như chị liếc nhìn trộm bó hoa anh đang cầm. Hoa tu lip, màu đỏ và vàng. " Không, chẳng có vẻ gì tang tóc", anh nghĩ thầm. Có sao đâu... Em vẫn thích loại hoa này. Em vẫn thường nói: Phải đánh thức căn phòng khắc khổ này... Than ôi! Em mới chính là người anh muốn đánh thức, đôi má thơm tho của em, vầng trán ấm áp của em". Rồi, đến lượt anh liếc nhìn người phụ nữ áo đen và chú ý xem chị mang hoa gì đến. Cũng như anh, chị chọn hoa màu sáng, nhưng là hoa cẩm chướng chứ không phải tu lip.

Sau hôm đó, thứ năm nào anh cũng gặp chị. Có hôm chị đến trước anh, có hôm đến sau, nhưng bao giờ cũng là thứ năm. " Có thể là vì mình" anh tự nhủ. Tuy thế, anh vẫn chờ chị đến với một sự xúc động mơ hồ. Cả hai người đều chăm chút chọn loại hoa và bây giờ quan sát mạnh dạn hơn, xem người kia mang đến cho người đã khuất loại hoa gì. Hầu như giữa hai người có sự ganh đua và người dưới mộ cũng thụ hưởng vì các bó hoa ngày càng đẹp hơn. Cả hai cùng mang hoa hồng  đầu mùa đến, nhưng hoa của chị màu đỏ, còn của anh là hồng nhung. Rồi hai người đều mang đến những cành lay-ơn đủ sắc màu rực rỡ như pháo hoa.

Anh chờ cho chị đi khá xa rồi mới ra về, sợ làm chị bối rối khi thấy anh có vẻ như muốn đi theo hay muốn nói chuyện. Chị thì rõ ràng không muốn vì lần nào chị cũng bước vội và không ngoái nhìn lui.

Một ngày tháng năm, khi anh đang băng qua khu mộ cổ sang trọng để đi về phần mộ của Lucile, anh nghe tiếng ồn ào và thấy người gác cổng - mà anh đã quen - đang nắm cánh tay bà lão mà anh đã từng thấy mang bình nước. Bà lão cố rút tay ra. Người gác cổng muốn nhờ thiếu phụ áo đen làm chứng, và lên tiếng khi thấy anh:
Thưa ông, việc này cũng liên quan đến ông đấy!
Étienne tiến gần lại, tay vẫn đang ôm bó hoa:
Có chuyện gì thế?
Tôi bắt quả tang ả này lấy trộm hoa. Đúng vậy, thưa bà. Ả đã lấy hoa trên mộ chồng bà, và trên mộ bà nhà nữa, thưa ông... Tôi đã rình mấy tuần nay rồi, và lần này mới bắt tận tay, day tận mặt.
Thiếu phụ có vẻ bối rối.
Thôi, ông thả bà ta ra đi. Việc ấy có quan trọng gì với tôi đâu. Hoa cũng đã héo rồi, tôi đến thay hoa mới đây mà.
Héo ư? người gác cổng nói, - Không phải héo hết cả đâu. Ả đã khéo chọn, trong mỗi bó chỉ chọn lấy những hoa còn tươi. Đây này, bà thử đến ngôi mộ số 107, khu thứ tám mà xem... Ả đã cắm trong bình cả một bó hoa linh lan (6) mà chắc là không tốn bao lăm tiền mua. Hoa đó lấy từ khắp các mộ. 
Thế thì có gì xấu? Thiếu phụ nói. Bà ta có lấy hoa đem bán đâu.
Tại sao bà làm như thế? Étienne nói với bà lão.
Anh nhìn bà lão kỹ hơn, mặt bà không có vẻ tầm thường. Bà lão cúi đầu.
Tại sao bà lại làm như vậy? Anh nhắc lại. Bà không có tiền mua hoa phải không? Phải vậy không?
Bà lão ngẩng đầu lên:
 Đúng vậy, tôi không có tiền. Chuyện ấy thì đã làm sao? Thưa bà, bà sẽ làm gì nếu bà có đứa con trai nằm dưới mộ kia và ông chồng keo kiệt không đưa tiền để mua một nhánh linh lan hay một bó violet? Hả? Bà sẽ làm thế nào?
Tôi sẽ làm như bà thôi, thiếu phụ áo đen mạnh dạn trả lời.
Thôi được, người gác cổng nói, nhưng tôi còn nhiệm vụ của tôi chứ.
Ông bỏ mũ ra, buông tay thả bà lão, và phân bua với Étienne:
 Thưa ông, ông thấy thế nào? Hẳn là ông đã từng ở trong quân đội?... Mệnh lệnh là mệnh lệnh... Tôi đâu có cứng rắn hơn người khác, nhưng công vụ, công vụ...
Cũng không ai kêu ca gì, Étienne nói. Bà đây và tôi, thứ năm nào chúng tôi cũng đến đây để thay hoa. Nếu như trong số hoa của tuần cũ có ai thấy có những cánh hoa còn tươi thì cũng tốt thôi.
Vâng, vâng..., người gác cổng nói. Nếu ông bà vui lòng, mọi người cũng đều vui lòng cả.
Rồi ông ta quay sang bà lão bị bắt tội:
 Bà có thể đi được rồi đấy.
Étienne cho bà lão một ít tiền, và thiếu phụ áo đen cũng cho thêm chút ít. Rồi Étienne đến mặc niệm trước mộ Lucile như mọi lần. Nhưng lòng vẫn còn xáo động bởi chuyện vừa rồi, anh không thể tĩnh tâm như những lần trước. Những hình ảnh quen thuộc anh cố gợi lại đều thoát khỏi anh. Khi thiếu phụ áo đen ra về, anh cân nhắc rồi quyết định đi theo.
 Cám ơn ông, chị nói. May sao hồi nãy ông đến kịp. Đàn ông lúc nào cũng có uy thế hơn.
Bà lão tội nghiệp! Bà và tôi có thể hơn ai hết thông cảm lòng mong muốn làm cái gì đó cho người thân yêu dù là nhỏ nhoi thôi.
Đúng như vậy... Vì người thân, mà cũng vì chính mình.
Để giữ cho họ sống mãi trong ta.
Chị ngạc nhiên nhìn anh, tỏ vẻ cám ơn.
Ông cũng có những cảm giác y hệt tôi... Hơn nữa, đã từ lâu tôi nhận thấy lòng tha thiết của ông khi ông chọn hoa... Ông yêu vợ lắm phải không, ông Carlut?
Bà biết tên tôi?
Một hôm, không có ông ở đây, tôi đã đọc... Tôi biết là bà nhà mất khi mới 27 tuổi... Thật kinh khủng.
Kinh khủng lắm! Cô ấy thật hoàn hảo. Xinh đẹp, dịu dàng, đầy trí tuệ.
Thế thì ông cũng giống tôi, tôi đã mất người chồng tốt nhất trên đời. Thật vậy, tôi chưa thấy có người phụ nữ nào được yêu thương nồng nàn như thế, được bảo bọc ân cần như thế... Hầu như là hơi quá... Antoine đã làm tất cả vì tôi và anh ấy mất đi khiến tôi thấy hoàn toàn hụt hẫng.
Ông nhà mất còn trẻ quá! Vâng, thú thật là vì chút tò mò... và thiện cảm nữa... tôi đã đọc dòng chữ trên bia... 1891-1928... Ông ấy vì sao mà mất vậy?
Tai nạn xe hơi... Người ta mang anh ấy về bất tỉnh nhân sự. Sáng hôm đó khi từ biệt tôi anh ấy vẫn tràn trề hạnh phúc... Anh ấy mới được thăng chức trưởng phòng.
Ông nhà là công chức?
Không... Một nhà máy hoá chất lớn. Mới 37 tuổi anh ấy đã là nhân vật thứ ba của xí nghiệp. Chẳng mấy chốc nữa mà thành người đứng đầu.
Ông bà có cháu nào chưa?
Ngay cả niềm an ủi đó tôi cũng không có được.
Họ đi đến cổng chính. Người gác cổng chào họ, vẻ hóm hỉnh.
Này, ông ta nói với người cộng sự khi hai người đi qua xa... Trông cũng được nhỉ... Biết đâu đấy!
Thứ năm sau, như một thoả ước đã định, hai người cùng đi chung đoạn đường sau khi viếng mộ. Étienne kể về cuộc đời của mình. Anh là giáo sư toán ở một trường trung học lớn tại Paris, anh cũng có viết lách. Một tờ tạp chí nhờ anh viết phê bình văn học.

Khi nhà tôi mất, tôi đã bắt đầu viết một vở kịch. Giờ tôi chẳng có can đảm để tiếp tục.
Ông nên viết tiếp, chị nói. Bà nhà cũng mong như vậy đấy.
Anh phấn khởi:
Ồ, vậy sao! Hẳn là thế. Cô ấy thường động viên tôi theo con đường này.
Bà Constant nói bà cũng thích kịch. Bà đã theo ngành văn chương khá chuyên sâu: hai bằng tú tài, một bằng cử nhân tiếng Anh.
Tốt quá đi chứ! Và sống giữa giới thương gia không làm bà nản sao? 
Không đâu, chừng nào Antoine còn sống. Để anh ấy vui lòng, tôi tiếp chuyện bất cứ ai... Theo sở thích thì tôi mong gặp các nhà văn, nghệ sĩ, nhưng cùng với anh ấy...
Anh hỏi chị đã thăm đài kỷ niệm của Sainte- Beuve(7), của Baudelaire(8) trong nghĩa trang này chưa. Chị bảo không biết, anh tình nguyện đưa chị đi xem. Chị cho rằng những ngôi mộ đó xấu xí thôi.
Không đâu, anh nói. Chỉ là cách nhìn của từng thời đại.

Vậy là hai người đã cùng nhau đi dạo một đoạn đường dài, trò chuyện sôi nổi đến nỗi không nhìn thấy trời phủ mây đen và cũng không nghe tiếng gầm xa xa báo hiệu cơn dông sắp đến. Khi họ về đến cổng, mưa bắt đầu rơi nặng hạt.
Tôi sẽ đi taxi, chị nói. Có bến xe ở đằng kia.
Tôi cũng bắt chước bà. Chẳng phải là mưa rào đâu, cả một trận đại hồng thuỷ đấy.
Họ rảo bước, và thấy quần áo đều ướt sũng, nên vụt chạy. Nơi bến chỉ có một chiếc taxi.
Bà lên xe nhanh đi, anh nói.
Thế còn ông?
Tôi sẽ đợi. Chắc sẽ còn xe khác.
Đợi trong thời tiết thế này à? Không chắc có xe đâu. Tôi không thể để ông xuống dọc đường sao?
Bà về đâu?
Nhà tôi, đại lộ Mozart.
May quá! Tôi ở ngay gần đó, đường la Pompe. Tôi sẽ để bà xuống trước.

Hai người cứ nhường nhau, cuối cùng chị nhượng bộ và cho địa chỉ. Khi cả hai cùng ngồi trong taxi, họ có vẻ hơi thẹn thùng. Mỗi người cố lui về một góc và không ai nói gì. Anh nhớ lại một tối kia, anh đưa chân cô bạn đồng nghiệp ở trường về và Lucile bắt gặp. Nàng giận.
" Nếu em không nhìn thấy, liệu anh có kể cho em nghe không?
Anh trả lời: Kể chứ. Chị ta bị mệt và cần đến anh, anh không thể bỏ mặc chị ấy được... Vả lại, chị ấy hơn em đến hai mươi tuổi mà.
Điều ấy chứng minh được gì nào? Chị ấy trông vẫn còn được lắm."

" Em sẽ nói gì đây", anh thầm hỏi Lucile khi xe chạy ngang ga Montparnasse, " em sẽ nói gì khi nhìn thấy anh ngồi trong xe với một phụ nữ trẻ đẹp... và còn sống." rồi anh lại nghĩ tiếp," anh tưởng như em đang ngồi với anh trong chiếc xe này, ngực em căng phồng chiếc áo đen... Anh cảm thấy thật xấu hổ khi mọi tình cảm như đang trỗi dậy nơi anh. Anh cần có em biết mấy!" Người thiếu phụ áo đen nhìn anh thông cảm và mơ màng. 

Ông thật bất hạnh, chị nói.  Chúng ta đều bất hạnh.
Bà sống một mình?
Vâng... Đúng hơn là có Amélie, bà giúp việc. Ồ, bà ấy tốt lắm. Trước đây bà nuôi chồng tôi. Bà làm hết mọi việc trong nhà... Còn ông thì sao?
Tôi cũng vậy, một mình. Sáng sáng bà giúp việc đến, và năm giờ chiều thì về, để lại cho tôi bữa ăn tối lạnh ngắt.

Anh nói chuyện khó nhọc, không thể bộc bạch những ý nghĩ thực sự cũng như mối xúc cảm đang trỗi dậy nơi anh bởi sự có mặt thật gần gũi của một thân thể phụ nữ. Mặt trời đã hiện ra trở lại, chiếu lấp lánh mái vòm vàng rực của điện Invalides (9).
Trời đẹp quá, anh nói. Bà có như tôi cảm thấy buồn tủi bởi vì cuộc sống vẫn đẹp vậy mà...
Chị nói, giọng tha thiết:
Tôi không nói nên lời được nhưng tôi cảm thấy điều đó.
Anh hỏi có phải tuần nào chị cũng đi taxi đến nghĩa trang không.
Vâng, vì còn bó hoa. Khi chồng tôi còn sống, chúng tôi có xe hơi nhưng chỉ anh ấy cầm lái.
Tôi cũng đi taxi, cũng vì lý do ấy... Những bông hoa...
Anh do dự một hồi rồi cất tiếng, giọng rụt rè, nhỏ nhẹ:
Có thể nào... Thật ra thì...bà có thấy kỳ quặc không, tôi với bà cùng đi một quãng đường, cùng một ngày, liệu chúng ta có thể đi chung taxi không? Tôi sẽ đến đón bà.
Ông tốt quá... Nhưng tôi không muốn để Amélie... Có trời mới biết bà ấy sẽ nghĩ gì khi thấy tôi cùng đi với ông.
 Vậy thì ta làm ngược lại. Bà sẽ đi taxi và qua đón tôi. Tôi chờ sẵn trước nhà.
Có lẽ như vậy tốt hơn. Nhưng còn họ... ông nghĩ là hai người sẽ chấp thuận?
Sao lại không? Chúng ta cùng thực hiện nghĩa vụ về trìu mến và yêu thương. 
Để tôi suy nghĩ thêm. Dẫu sao tôi cũng không thể để ông trả tiền xe đâu.
Chuyện ấy có gì khó đâu. Nếu bà muốn, chúng ta sẽ cùng trả.
Cứ để xem đã, chị nói. Đến nhà tôi đây rồi.
Chị cởi găng tay và đưa tay cho anh bắt, bàn tay với ngón dài trắng muốt, có đeo nhẫn.
Ngày thứ năm sau, mỗi người tự đi đến nghĩa trang, nhưng lúc ra về, không hẹn trước nhưng cả hai đều cùng đi đến bến xe và về chung xe taxi. Trên đường về chị nói: " Tôi đã suy nghĩ về lời mời rất tử tế của ông. Tôi thấy có thể chấp thuận được. Đúng là thật vô lý nếu cứ mỗi tuần mình phải trả tiền hai xe. Vả lại có ông tôi thấy yên tâm hơn. Thứ năm tuần sau tôi sẽ đón ông."

Và điều đó trở thành lệ. Chị đến đường la Pompe, bó hoa đặt trên đầu gối, anh đứng đợi trước cổng, bó hoa trên tay. Xe dừng, Étienne bước lên. Hai người đã quyết định không đi thẳng đến cổng nghĩa trang để người gác cổng khỏi thấy họ đi chung. Họ xuống xe ở chỗ rẽ, và từ đấy họ giữ khoảng cách để đi vào sau khi mỉm cười kín đáo trao lời " Hẹn lát nữa gặp lại ".

Từ ngày cùng nhau đi chung đường, họ nói với nhau được nhiều chuyện hơn. Hoa là một trong những chủ đề đầu tiên. Cả hai đều thích hoa mùa hè và những bó hoa đồng nội có hoa thanh cúc (10) cắm xen với bông lúa mạch. Từ nay họ tự chọn và kết những bó hoa, tất nhiên là vì những người xấu số dưới mộ, nhưng cũng vì cả người cùng đi viếng.

Do công việc phê bình, Étienne phải đọc rất nhiều, và anh hướng dẫn chị đọc, cho chị mượn sách. Khi chị trả lại, anh lấy làm ngạc nhiên về những nhận xét chính xác của chị. Có lẽ chị có nhận thức chuẩn mực hơn cả Lucile. Vừa thoáng có ý nghĩ đó anh lại tự trách mình.
Họ thoả thuận với nhau là sẽ không rời Paris suốt mùa hè, trừ phi đi về vài ngày thăm gia đình ở tỉnh. Ngày giỗ của Lucile được tổ chức vào tháng bảy. Anh rất cảm động thấy Gabrielle Constant ngồi ngay hàng ghế đầu trong nhà thờ. Nay anh đã biết tên thiếu phụ áo đen.
Tôi không thích lễ lượt kiểu này, chị nói với anh, nhưng đấy là truyền thống gia đình.

Sang tháng tám, trời nóng bức, chị tự cho phép mình mặc đồ tang hai màu trắng và đen.
Anh Antoine không thích tôi mặc đồ đen, chị nói như để giải thích và thanh minh.

Một buổi tối, anh mời chị đi ăn ngoài trời, ở vùng ven Paris. Ngồi nơi chiếc bàn nhỏ, trong bóng tối, hai người nói chuyện với nhau, gần gũi, tin cậy.
Antoine rất thích ăn tối trong Rừng(11), quả thật là rất thú vị... Paris và rừng cây xen vào nhau... Nhiều lần đi làm về anh ấy bất ngờ nói: " Nào, mình vào rừng đi!" Thật là một người chồng tuyệt vời.
Thật ra có một ông chồng như thế không quá khó với một phụ nữ như bà.
Tại sao?
Vì bà có tất cả, sắc đẹp, tâm hồn, và một tính cách tuyệt hảo...
Ông đừng quá khen. Ông đâu đã hiểu hết tôi. Đã có lúc tôi gây cho Antoine nhiều chuyện khủng khiếp.
Đúng vậy. Tôi chẳng nghĩ bà có thể như vậy.
Chị cười, rồi nói tiếp, vẻ mặt thoáng chút u buồn.
Có đấy. Antoine tội nghiệp. Anh ấy rất cả ghen... Còn tôi, tin ở lòng chung thuỷ của mình, có khi tôi cũng đùa với lửa... Anh ấy giận, tôi cãi lại. Tôi ân hận vì đôi khi đã làm anh ấy bực. Nhưng thường là lỗi tại anh ấy thôi.
Bỗng nhiên, lòng đầy hối tiếc, chị nhìn anh sợ hãi, van lơn, trìu mến.
Trời ơi, tôi vừa nói chuyện gì vậy? Ông hãy quên đi! Buổi tối êm đẹp như thế này làm người ta dễ thổ lộ tâm sự, đôi khi cả những điều không nên nói ra... Một buổi tối như thế này, chị nói tiếp, giọng tuyệt vọng, tôi rất cần có anh ấy bên cạnh...
Trong đêm tối, những giọt nước mắt ràn rụa trên mặt. Chị quay đi, lấy khăn lau mắt.
Tôi còn trẻ, trẻ quá, nhưng đời tôi thế là hết rồi... Tôi là người phụ nữ bất hạnh nhất trên đời.
Anh đặt bàn tay trên tay chị.
Không, anh nói. Đâu phải mọi chuyện đã hết đối với bà... Cuộc đời không hẳn như vậy. Các mùa kế tục nhau mỗi năm, và mang đến những sắc hoa riêng... Buông theo những ám ảnh của quá khứ đâu phải là tốt lành cũng chẳng khôn ngoan... Làm như vậy khiến kỷ niệm mất đi tính nhân ái... Vâng, đúng vậy... Kỷ niệm giúp cho ta sống, đâu phải ngăn trở cuộc sống, cho chúng ta thêm can đảm, đâu phải tước bỏ đi... Bởi vì bà với tôi đều đã trải qua cuộc sống lứa đôi hạnh phúc, chúng ta đều biết là có thể có một cuộc hôn nhân hoà hợp... Bà không tin vậy sao?
Chị để yên tay mình trong tay anh, nhìn anh qua làn nước mắt với vẻ nghi hoặc, rồi lắc đầu.
Không, tôi không tin... Điều buồn nhất, không phải là chính nỗi buồn, mà là vì không thể cảm thấy buồn được nữa... Tôi đã thề sẽ thuỷ chung.
Tôi cũng thế! anh trả lời, gần như cao giọng.  Còn đau khổ là vẫn còn tình yêu.
Người phục vụ đến mời họ gọi món tráng miệng. Chị chọn dâu tây ngâm đường, và hướng câu chuyện sang những đề tài bớt riêng tư hơn.

Hôm sau, như thường lệ, chị đến đón anh cùng đi ra nghĩa trang. Suốt dọc đường, cả hai đều cảm thấy ngượng ngùng, thiếu tự nhiên. Người tài xế cáu kỉnh không ngớt càu nhàu về khách qua đường, về cảnh sát, về thời tiết. Đứng trước các ngôi mộ, thời gian mặc niệm của mỗi người có vẻ lâu hơn những tuần trước. Khi ra cổng, họ đi ngang qua một đống đá vỡ vụn. Có thể thấy những thân cột, những mảnh bia còn vài chữ: " đời đời nhớ..., tưởng nhớ... ". Chị dừng lại.  - Đây là khuôn viên mộ nhượng lại, nay không còn được chăm sóc, anh nói. Khi một nấm mộ không ai thăm viếng trong vài năm, rồi nó đổ nát, họ phá đi để lấy chỗ.

Étienne, chị nói ( lần đầu tiên chị gọi tên anh ), tôi thấy cảnh này buồn lắm.   Những người đã khuất này chẳng còn ai, không ai nhớ đến họ nữa, họ lại chết một lần nữa.
Anh khoác tay chị và chị nép vào người anh.

Trên xe taxi về nhà, họ bàn về cuốn sách anh hứa cho chị mượn, anh ngỏ ý mời chị ghé lại nhà để lấy sách. Lần đầu tiên kể từ khi quen anh, chị bước chân vào nhà anh. Trên các bàn, trên tường, trên bàn làm việc, chỗ nào cũng thấy ảnh của Lucile.
Em có thấy cái nhà âm u này đã bừng sống lại từ khi em bước vào không?
Chị nghĩ là anh sẽ ngỏ lời cầu hôn, nhưng chị không muốn điều đó diễn ra ngay trong căn phòng dành riêng cho để tưởng nhớ một người khác.
Tối nay anh sẽ làm gì? chị hỏi.
Chưa định làm gì. Hay ta đi ăn tối nhé?

Chị gật đầu, đưa tay cho anh hôn rồi ra về.

Chị lang thang một mình ở ngoài đường mãi mới về nhà. Bàng hoàng, nhưng hạnh phúc, chị ngạc nhiên thấy mình lại thấy yêu đời.
Chị nghĩ thầm: Tất nhiên anh Antoine không muốn mình từ bỏ tình yêu ở tuổi này... Hẳn anh cũng mong mình đi bước nữa... Nếu mình chết trước, mình cũng mong như thế...

Tất cả những điều đó đều là thực, nhưng trước đây chị đã chọn một thái độ, đã quyết cứ ở vậy, nên thật khó để báo cho bạn bè và gia đình một quyết định trái ngược hẳn, khi thời gian goá bụa chưa lâu. Và  bà Amélie sẽ nói gì? Chắc chắn bà sẽ trách. Nhưng nên chăng ta chỉ sống vì người khác? Mình sẽ tổ chức đám cưới thật đơn giản, không ầm ĩ, hạn chế ở những nghi thức không thể thiếu được. Chị tưởng tượng ra cái áo sẽ mặc hôm đó, áo màu xám, cổ trắng cao và thêm cái thắt lưng cũng màu trắng thật hài hoà.





_____________________
(1) tưởng nhớ vợ, tưởng nhớ bạn
(2) houx
(3) bruyère
(4) primevère
(5) iris
(6) muguet
(7) Sainte- Beuve, nhà văn, nhà phê bình văn học ( 1804-1896 )
(8) Baudelaire, nhà thơ Pháp ( 1821-1867 )
(9) Invalides, điện Invalides, công trình nổi tiếng ở Paris, xây dựng từ thế kỷ XVII. Mục đích ban đầu của Invaldes là bệnh viện dành cho các thương binh và cựu chiến binh của quân đội hoàng gia. Ngày nay, Invalides tiếp tục duy trì một phần nhỏ cho chức năng dưỡng đường quân y, phần lớn dành cho bảo tàng vũ khí và lăng quân đội. Vào năm 1989, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng Pháp, mái vòm được trang trí lại lần thứ năm. 550 000 lá vàng, tức khoảng 10 kg được sử dụng cho công việc này.
(10) bleuet
(11) au Bois, tức là Bois de Boulogne, rộng đến 846 ha, ở phía Tây thủ đô Paris, địa điểm du ngoạn, vui chơi, giải trí.




THÂN TRỌNG SƠN
dịch và giới thiệu

( từ nguyên bản tiếng Pháp, Fleurs de saison
http://www.rulit.me/books/nouvelles-read-339373-14.html )