jeudi 29 juin 2017

NHỮNG BUỔI HỌC ĐẮT TIỀN




Truyện ngắn

ANTON PAVLOVICH CHEKHOV
( Анто́н Па́влович Че́хов )
Nhà văn Nga
1860-1904 



      Đối với người có học thức, không biết ngoại ngữ là một điều bất tiện lớn. Vorotov cảm thấy rõ ràng điều đó sau khi rời trường đại học với bằng cử nhân và đảm nhận một công trình khoa học nhỏ.
      - Thật đáng sợ! Anh vừa nói vừa thở khó nhọc. ( Tuy chỉ mới hai mươi sáu tuổi, anh đã phát phì, trông nặng nề và mắc bệnh khó thở ). Thật đáng sợ! Không biết ngoại ngữ, mình khác gì con chim gãy cánh. Phải từ bỏ công trình mất thôi!
      Và rồi Vorotov quyết định bằng mọi giá phải chiến thấng bệnh lười bẩm sinh để học tiếng Pháp và tiếng Đức. Anh bắt đầu tìm thầy dạy.
      Một buổi chiều mùa đông, anh đang ngồi trong phòng làm việc thì người hầu vào báo có một cô gái hỏi anh.
      - Mời vào đi! Vorotov nói.
      Một người con gái trẻ, ăn mặc lịch sự theo mốt mới nhất, bước vào phòng. Cô tự giới thiệu là Alice Ossipovna Enquête, giáo viên tiếng Pháp, một người bạn của   Vorotov bảo cô đến gặp anh.
      - Tốt lắm! Chàng trai vừa nói, thở khó nhọc, vừa lấy tay che cổ áo ngủ ( để dễ thở, lúc nào làm việc anh cũng mặc áo ngủ ). Mời cô ngồi. Hẳn là Piôtre Sergueitch giới thiệu cô đến? Vâng, vâng, tôi có nhờ anh ta. Tôi rất mừng!
      Trong khi nói chuyện với Mlle Enquête, anh rụt rè nhìn cô với vẻ tò mò. Đấy là một cô gái Pháp chính gốc, rất thanh lịch, còn trẻ lắm. Nhìn gương mặt xanh xao mệt mỏi, mái tóc uốn xoăn cắt ngắn, thân hình mảnh mai khác thường, người ta nghĩ cô chỉ mười tám tuổi thôi. Nhưng khi nhìn đôi vai rộng, nở nang, tấm lưng xinh đẹp và đôi mắt nghiêm nghị, Vorotov nghĩ cô ta ít nhất cũng phải hai mươi ba, thậm chí là hai mươi lăm. Nhưng sau đó lại nghĩ chắc chỉ mười tám thôi. Nét mặt cô ta có vẻ lạnh lùng, thực tế, hệt như nét mặt một người đến nói chuyện tiền nong. Cô ta không cười, không nhíu mày một lần nào, chỉ một lần cô tỏ vẻ ngạc nhiên khi biết rằng người ta không mời cô đến dạy cho trẻ em mà cho một người lớn to béo.
          - Vậy nhé!  Cô Alice Ossipovna, Vorotov nói, chúng ta sẽ học hàng ngày từ bảy đến tám giờ tối. Còn về ý muốn 1 rúp cho mỗi giờ học thì tôi không phản đối. Cứ mỗi buổi 1 rúp.
      Vorotov còn mời Mlle Enquête uống trà hoặc cà phê, hỏi cô ngoài kia tiết trời có tốt không, và vừa mỉm cười hiền từ, vừa lấy tay xoa lớp dạ phủ bàn, anh ân cần hỏi thăm gia cảnh của cô, cô học ngành nào và kiếm sống bằng nghề gì.
       Alice Ossipovna lạnh lùng, nghiêm nghị trả lời rằng cô đã theo học một trường tư và hiện là giáo viên tự do, rằng cha cô mới mất vì bệnh sốt phát ban, mẹ cô còn sống và làm hoa, còn cô ta, Mlle Enquête, dạy ở một trường tư cho đến bữa ăn chiều, sau đó cô đi đến các nhà tử tế để dạy học cho đến tối.
      Cô ra về, để lại một mùi hương thoang thoảng, dịu dàng. Sau đó rất lâu, Vorotov không thể làm việc trở lại được. Ngồi ở bàn, tay xoa lên lớp dạ xanh, anh suy nghĩ.  
      " Thật thú vị khi thấy các cô gái làm việc kiếm sống - anh nghĩ -. Nhưng mặt khác, chẳng thú vị gì khi thấy số phận chẳng buông tha những cô gái thanh lịch và xinh đẹp như Alice Osipovna khiến cô ta phải vất vả mưu sinh. Thật bất hạnh!
      Anh chưa hề gặp những cô gái Pháp đức hạnh nào, anh nghĩ là cô Alice Ossipovna này, với đôi vai tròn lẵn thế kia, với vóc dáng thanh tú thế kia, hẳn là phải có công việc gì khác ngoài việc dạy học.
      Hôm sau, khi đồng hồ điểm bảy giờ kém năm, Alice Ossipovna đến, mặt ửng hồng vì giá lạnh, cô mở cuốn Magot (1) mang theo và bắt đầu giảng ngay chẳng cần lời dẫn nhập nào:  
      Tiếng Pháp gồm 26 chữ cái, chữ đầu tiên là chữ A, thứ hai là B.
      - Xin lỗi cô, Vorotov mỉm cười ngắt lời, tôi phải báo trước với cô là đối với tôi, cô phải thay đổi phương pháp một chút. Tôi biết tiếng Nga, tiếng La tinh, tiếng Hy lạp... tôi có học ngôn ngữ học, và tôi nghĩ là ta có thể gạt Magot qua để bắt đầu đọc một tác giả nào đó.
      Rồi anh giải thích cho cô gái Pháp người lớn học ngoại ngữ ra sao.
      - Một người bạn của tôi muốn học ngôn ngữ hiện đại, đã đặt trước mặt mình ba quyển sách Phúc âm bằng tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng La tinh, rồi đồng thời đọc cả ba bản và cẩn thận phân tích từng từ. Bằng cách đó, anh ta đạt mục đích trong chưa đầy một năm. Chúng ta hãy làm như vậy. Hãy chọn một tác giả nào đó rồi cùng đọc.
      Cô gái Pháp nhìn anh sững sờ. Đề nghị của Vorotov đối với cô thật là ngây ngô, nếu đề nghị lạ lùng đó của một thiếu niên mới lớn cô sẽ nổi giận la hét lên, nhưng đây là người lớn, béo mập, không thể nào quát mắng được. Cô chỉ còn cách nhún vai nói:
      - Tuỳ ông thôi.
      Vorotov lục lọi trong tủ sách, lấy ra một cuốn sách tiếng Pháp nhàu nát.
      - Cái này được chứ? anh hỏi.
      - Gì cũng được.
     - Vậy thì ta bắt đầu. Cầu Trời phù hộ cho. Bắt đầu từ tên sách nhé. Mémoires de ...
      - Hồi ức... Mlle Enquête dịch.
      - Hồi ức ... Vorotov  lặp lại.
      Với nụ cười hiền lành, thở khó nhọc, anh mất đến nửa giờ với từ "Mémoires", thêm chừng đó thời gian với từ " de ", Alice Ossipovna thấy mệt mỏi. Cô uể oải trả lời những câu hỏi của anh, nhầm lẫn luôn, hình như cô không hiểu người học trò của mình lắm và cũng không cố công hiểu. Còn Vorotov vừa đặt nhiều câu hỏi vừa nhìn mái tóc vàng của cô, thầm nghĩ:
      - Tóc cô không phải xoăn tự nhiên, cô phải đi uốn. Lạ thật! Cô ta làm việc từ sáng đến tối mà có thời gian đi uốn tóc!
      Đúng tám giờ, cô đứng dậy, nói bằng một giọng lạnh lùng, khô khan: " Au revoir, monsieur" (2) và bước ra khỏi phòng. Cô để vương lại vẫn mùi hương kia, dìu dịu, nhẹ nhàng, làm rung động. Người học trò không biết làm gì, ngồi rất lâu,  nghĩ ngợi.
      Những ngày tiếp theo, Vorotov tin chắc rằng cô giáo là một cô gái dễ thương, đứng đắn và đúng giờ nhưng trình độ thấp và không biết phương pháp dạy người lớn. Anh quyết định không mất thời gian với cô ta nữa và muốn tìm giáo viên khác.
      Hôm Alice Ossipovna đến lần thứ bảy, anh rút trong túi ra một phong bì đựng bảy rúp, kẹp giữa những ngón tay, bối rối mở lời:
      - Tôi xin lỗi, cô Alice Ossipovna, nhưng phải nói với cô điều này... Tôi thấy cần thiết phải...
      Nhìn thấy phong bì, cô gái Pháp hiểu chuyện và lần đầu tiên kể từ hôm bắt đầu dạy, gương mặt cô run run, vẻ lạnh lùng nghiêm nghị biến mất. Cô hơi đỏ mặt, mắt nhìn xuống, bực dọc xoay xoay chiếc vòng vàng nhỏ của mình. Vorotov thấy thái độ bối rối này, hiểu ra rằng mỗi rúp quý giá đến mức nào với cô ta và khó khăn  đến mức nào nếu mất nguồn thu từ việc dạy học.
      - Tôi phải nói với cô... anh ấp úng, chính anh lại bối rối hơn, có cái gì thắt lại trong lồng ngực.
        Cất vội phong bì vào túi, anh nói tiếp:
      - Xin lỗi cô, cô chờ cho tôi mười phút.
      Cố làm ta vẻ không phải muốn cô nghỉ dạy mà chỉ xin đi ra chốc lát, Vorotov bước sang phòng bên cạnh và ở đó mười phút. Quay trở ra, anh ngượng ngùng nghĩ là Mlle Enquête có thể giải thích sự vắng mặt của anh theo ý cô, anh thấy không được thoải mái.
      Các buổi học lại tiếp tục. 
      Vorotov học chẳng thích thú. Biết là chẳng thu thập được gì từ những buổi học này, anh để cho cô gái Pháp hoàn toàn tự do, không hỏi han gì, không ngắt lời cô. Cô vẫn dịch theo ý mình, mỗi buổi 10 dòng, anh chẳng lắng nghe, thở khó nhọc và, vì chẳng biết làm gì, anh chăm chú nhìn mái tóc vàng, chiếc cổ, đôi bàn tay trắng mảnh mai của cô gái Pháp, và ngửi mùi hương thơm từ chiếc váy áo của cô.
      Anh bắt quả tang những ý nghĩ không tốt của mình và cảm thấy xấu hổ. Hoặc có lúc, lòng anh dịu lại, anh cảm thấy nhục nhã và bực mình vì cô đối xử lạnh nhạt, nghiêm túc với anh như với một cậu học trò, không mỉm cười, có vẻ như sợ anh vô ý chạm vào người. Anh cứ suy nghĩ mãi. Làm sao gây được lòng tin, quen thuộc gần gũi cô hơn để có thể giúp đỡ cô! Làm sao để cô gái tội nghiệp kia hiểu là cô dạy kém cỏi như thế nào.
      Một hôm, Alice Osipovna đến với chiếc váy áo hồng rực rỡ và hơi hở cổ. Người cô toát ra một hương thơm mát mẻ tưởng như có một đám mây phủ quanh người, chỉ cần thổi lên là cô sẽ bay bổng hoặc tan đi như làn khói. Cô xin lỗi và nói rằng hôm nay cô chỉ dạy được nửa giờ vì sau đó cô phải đi thẳng tới nơi khiêu vũ.
      Vorotov nhìn vào cổ cô và một khoảng lưng sát nơi gáy, anh tưởng như mình hiểu ra tại sao những cô gái Pháp thường mang tiếng là những người nhẹ dạ dễ sa ngã. Anh chìm ngập trong đám mây hương thơm, sắc đẹp và khoảng vai trần. Còn cô gái không biết gì những ý nghĩ của anh và cũng chẳng quan tâm, lật vội các trang sách và lẹ làng dịch:
      " Chàng đi ngoài đường và gặp một ông quen biết và nói: Ông đi đâu vậy? Nhìn gương mặt tái xanh của ông tôi thấy đau xót."
      Cuốn Mémoires đã đọc xong từ lâu, bây giờ Alice dịch một cuốn khác. Một hôm, Alice đến sớm trước 1 giờ và xin lỗi vì bảy giờ phải đi tới rạp Petit Théâtre. 
      Sau buổi học, Vorotov tiễn cô ta ra rồi mặc quần áo chỉnh tề và cũng đi tới rạp hát. Anh có cảm tưởng rằng anh đi đây chỉ là vì muốn nghỉ ngơi, giải trí, chứ chẳng nghĩ gì đến Alice. Anh không thể nào có ý nghĩ là một người đứng đắn, thường chỉ quanh quẩn ở nhà, sắp sửa có sự nghiệp khoa học, lại có thể bỏ ngang công việc chỉ với mục đích là đi gặp một cô gái ít quen biết, ít học thức, kém thông minh.
      Tuy nhiên trong giờ giải lao, tim anh đập liên hồi, chẳng hiểu tại sao. Anh cũng không nhận ra là, như một cậu học sinh trung học, anh đang chạy đến phòng diễn viên, rồi khắp hành lang, nóng lòng tìm kiếm ai đó. Và anh cảm thấy rầu rĩ khi giờ giải lao kết thúc. Nhưng đến khi thoáng thấy chiếc áo hồng quen thuộc và đôi vai đẹp dưới làn vải mỏng, tim anh thắt lại như linh cảm một niềm hạnh phúc. Anh mỉm cười vui vẻ và lần đầu tiên trong đời cảm thấy tình cảm ghen tuông.
      Alice đang đứng với một sĩ quan và hai sinh viên xấu trai.Cô ta cười nói rất to, lộ rõ vẻ làm dáng. Vorotov chưa bao giờ thấy cô như thế. Chắc hẳn cô đang sung sướng, thoả mãn, chân thành, nhã nhặn. Tại sao lại thế? Có lẽ những người ấy thân tình với cô, thuộc về cùng một giới với cô. Và Vorotov cảm thấy giữa anh và lớp người kia có một vực sâu kinh khủng ngăn cách. Anh chào cô giáo nhưng cô lạnh lùng cúi đầu và đi nhanh qua, có lẽ cô không muốn những chàng trai kia biết vì túng thiếu mà cô phải đi dạy học.
       Sau lần gặp ở rạp hát, Vorotov hiểu rằng anh đã phải lòng cô ta. Trong những buổi học sau, anh đưa mắt nhìn đắm đuối cô giáo kiều diễm và không tự kiềm chế mình nữa, anh để mặc đầu óc trôi theo những ý ngĩ trong sạch và không trong sạch. Gương mặt Alice Ossipovna vãn không hết lạnh lùng. Cứ mỗi buổi, đúng tám giờ, cô lại bình thản nói: Au revoir monsieur! và anh cảm thấy cô ta đã lạnh nhạt với anh và sẽ tiếp tục lạnh nhạt thế nữa, tình thế của anh vậy là tuyệt vọng rồi.
      Thỉnh thoảng, trong buổi học, anh vẩn vơ mơ mộng, hy vọng, phác hoạ những tính toán tương lai. Anh nghĩ thầm trong đầu những câu tỏ tình, và luôn nhớ rằng các cô gái Pháp lúc nào cũng nhẹ dạ, dễ dãi. Vậy mà chỉ cần nhìn gương mặt của cô là những ý nghĩ đó tắt lịm ngay như ngọn nến ngoài hiên, ở thôn quê, khi trời nổi gió.
      Có lần đang ngà ngà say, như đang trong cơn mê, không nén lòng được, anh chặn đường cô gái khi vừa xong buổi học cô bước ra khỏi phòng, anh ngỏ lời tỏ tình:
      - Cô rất thân thiết với tôi! Tôi... tôi yêu cô! Cho phép tôi nói với cô thế!
      Alice tái mặt, chắc là vì nghĩ rằng sau lần tỏ tình này cô sẽ không thể trở lại để kiếm một rúp mỗi buổi học được nữa. Cô đưa mắt nhìn sợ hãi và thì thào nói to:
      - Ôi! Không như thế được! Đừng nói thế, tôi van ông, không thể thế được!
      Sau đó, Vorotov cả đêm không ngủ được, dằn vặt vì xấu hổ, tự mắng nhiếc mình và không ngừng suy nghĩ. Anh có cảm tưởng là việc tỏ tình như thế đã xúc phạm cô gái và cô sẽ không tới nhà anh nữa.
      Sáng ra, anh quyết định hỏi địa chỉ cô ở phòng lưu trữ địa chỉ và viết thư xin lỗi cô. Nhưng Alice vẫn đến dạy dù không nhận được thư xin lỗi. Phút đầu tiên, cô lúng túng mở sách ra và vội vàng dịch, hăng hái như mọi lần:
      " Ôi! Ông bạn trẻ, cô ta nói, đừng xé cánh những bông hoa trong vườn tôi, tôi muốn dành chúng cho con gái tôi đang bệnh."
      Cô gái vẫn tiếp tục đến dạy tận ngày hôm nay. Cô đã dịch 4 cuốn sách nhưng Vorotov chỉ biết mỗi một từ Mémoires, khi có người hỏi về công trình khoa học, anh nản lòng xua tay không trả lời, nói lảng sang chuyện thời tiết.

    
_____________
Chú thích của người dịch:
Sách dạy tiếng Pháp " Cours élėmentaire et progressif de français " của David Magot. 
Xin chào tạm biệt ông.





THÂN TRỌNG SƠN
 dịch từ tiếng Pháp
( Coûteuses leçons )

dimanche 18 juin 2017

CÁI CHẾT CỦA MỘT VIÊN CHỨC



Truyện ngắn

ANTON PAVLOVICH CHEKHOV
( Анто́н Па́влович Че́хов )
Nhà văn Nga
1860-1904 


Chekov sinh tại tỉnh Taganrog, miền Nam nước Nga, trong một gia đình lao động đông con. Tuy hoàn cảnh khó khăn, gia đình vẫn cho các con học hành tử tế. Hết bậc trung học, Chekov theo ngành y tại trường Đại học Lomonosov ở Mạc Tư Khoa từ năm 1879. Ông bắt đầu sáng tác từ thời gian này. Năm 1880 ông đã có 10 truyện ngắn gởi đăng báo. Tháng 9 năm 1884 ông tốt nghiệp và bắt đầu hành nghề bác sĩ, thu nhập không cao vì ông sẵn sàng khám chữa miễn phí cho nhiều bệnh nhân. Bù lại, ông viết truyện đăng báo để kiếm tiền, phần lớn là viết cho những tờ báo châm biếm, khôi hài. Ông sử dụng tới 14 bút danh khác nhau, gởi bài cho báo này báo khác với nhịp độ ba ngày một truyện. Năm 1885 ông in được 133 truyện, năm 1886, 112 truyện, năm 1887, 64 truyện. Cho đến lúc qua đời (1904), số truyện ngắn của ông đã lên đến con số trên sáu trăm, trong đó có những truyện dài hàng chục trang ( Thảo nguyên, Câu chuyện buồn tẻ, Phòng số 6 ...). Từ năm 1886, theo đề nghị của chủ bút tờ Thời mới, ông không ký bút danh nữa mà dùng tên thật. Và truyện của ông cũng không chỉ là khôi hài, châm biếm mà có những chủ đề nghiêm túc hơn, đề cập nhiều vấn đề xã hội. Truyện Chekov thường có bối cảnh là nông thôn hoặc vùng phụ cận các tỉnh lỵ, với nhân vật thuộc thành phần thị dân, trí thức, thợ thuyền trong xã hội nước Nga thế kỷ XIX. 
Ngoài truyện ngắn, Chekov còn viết kịch, nhiều vở nổi tiếng, đến nay vẫn còn  được dàn dựng ( Ba chị em, Hải âu, Vườn anh đào...).



Vào một buổi tối đẹp trời, Ivan Dmitritch Tchervviakov, một viên chức tư pháp cũng đẹp người không kém, ngồi ở hàng ghế bành thứ hai, nhìn lên sân khấu qua ống nhòm xem vở " Chuông Corneville " (1) . Anh cảm thấy trong lòng khoan khoái vô cùng. Bỗng dưng... Trong các truyện thường hay thấy " bỗng dưng ". Các tác giả đều có lý, cuộc đời luôn đầy rẫy những chuyện bất ngờ. Bỗng dưng, mặt anh nhăn nhó, mắt hoa lên, hơi thở nghẹn lại. Anh bỏ ống nhòm qua, khom người xuống và ... hách xì! Anh đã hắt hơi, như các bạn thấy đấy.
Không ai bị cấm hắt hơi, dù ở đâu cũng vậy. Người nông dân hắt hơi, cảnh sát trưởng hắt hơi, và có khi, các viên chức cũng hắt hơi. Mọi người đều hắt hơi cả thôi. Tcherviakov chẳng tỏ ra ngượng ngùng gì, lấy khăn tay ra lau, và làm người lịch sự, anh nhìn quanh xem thử mình hắt hơi như thế có làm phiền ai không.
Ngay lúc đó anh cảm thấy bối rối. Anh nhìn thấy một người có tuổi, ngồi ở hàng ghế đầu tiên trước anh, vừa càu nhàu vừa lấy găng tay cẩn thận lau cổ và cái đầu hói. Vị có tuổi này, Tcherviakov nhận ra là Brizjalov, quan chức cao cấp ở Tổng cục đường sắt, hàng ngũ cấp tướng.
" Mình đã làm bắn nước bọt vào ông ấy rồi ", Tcherviakov tự nhủ. Không phải thủ trưởng của mình, ông ấy ở đơn vị khác nhưng dù sao cũng rầy rà lắm. Phải xin lỗi mới được."
Tcherviakov đằng hắng, hơi cúi người ra trước và thì thào vào tai vị tướng:
Thưa Ngài, ngài thứ lỗi cho, tôi trót làm bắn nước bọt vào ngài, tôi không cố ý.
Không hề gì, không hề gì!
Xin ngài tha lỗi cho! Tôi... tôi không muốn thế đâu ạ!
Thôi được rồi! Yên cho tôi nghe chứ!
Tcherviakov bối rối, mỉm cười ngây ngô và ngồi xem tiếp. Anh vẫn xem nhưng không còn cảm thấy khoan khoái, lòng cứ thấy lo âu. Đến giờ giải lao, anh mon men tới gần chỗ Brizjalov, loanh quanh một lúc rồi đánh bạo lắp bắp nói:
Thưa ngài, tôi lỡ hắt hơi vào ngài. Xin ngài tha lỗi cho...Chẳng phải là...
Ôi! Đủ rồi! Tôi đã quên chuyện đó mà anh cứ lãi nhãi nhắc lại mãi, viên tướng bực dọc nói, môi dưới trề ra.
Ông nói đã quên, mà trong mắt ông lộ rõ vẻ cáu kỉnh, Tcherviakov nghĩ, và nhìn viên tướng tỏ vẻ nghi ngại. Ông cũng chẳng muốn nói chuyện. Cần phải giải thích cho ông ấy hiểu là mình chẳng cố ý, chỉ là quy luật tự nhiên thôi, không thì ông ấy nghĩ là mình muốn nhổ nước bọt vào ông ấy... Nếu bây giờ ông ấy không nghĩ thế, thì sau này ông có thể nghĩ...
Về đến nhà, Tcherviakov kể cho vợ nghe chuyện bất nhã vô tình của mình. Ông thấy vợ chẳng quan tâm lắm chuyện đó. Bà hơi lo ngại nhưng khi biết viên tướng ở cơ quan khác thì yên tâm trở lại. 
Dù sao ông cũng nên đến xin lỗi ông ấy, bà bảo ông. Không thì ông ấy nghĩ là ông không biết cư xử đúng mực nơi công cộng.
Chính là thế... Tôi đã xin lỗi nhưng thái độ ông ấy lạ lắm. Ông không nói một lời nào phải lẽ. Mà cũng đâu có thời gian để nói chuyện.
Ngày hôm sau, Tcherviakov mặc bộ lễ phục mới, hớt tóc tử tế rồi đi đến chỗ Brizjalov để thanh minh.  
Bước vào phòng khách, anh thấy có nhiều người ở đó và, ngồi giữa những người xin gặp, viên tướng bắt đầu nghe những lời thỉnh cầu. Sau khi hỏi vài người, Brizjalov đưa mắt nhìn Tcherviakov.
" Ngày hôm qua, tại rạp Arcadie, nếu ngài còn nhớ", anh viên chức bắt đầu lên tiếng, kiểu như đang đọc báo cáo, " tôi đã vô ý hắt hơi vào ngài.   Xin ngài tha... "
Thật vớ vẩn... Thiệt tình..., viên tướng nói...Anh muốn gì nào? Ông hỏi sang người khác.  
   Ông chẳng muốn nói với mình! Tcherviakov tự nhủ, mặt tái xanh. Như vậy là ông đang giận. Không, không thể để xảy ra như thế! Mình phải giải thích rõ!
Khi viên tướng xong việc với người cuối cùng và định quay vào bên trong, Tcherviakov tiến bước về phía ông và lắp bắp nói:
Thưa ngài, sở dĩ tôi xin quấy rầy ngài, chính xác chỉ vì tôi hối hận lắm ạ. Tôi chẳng cố ý làm như thế đâu ạ. Chắc ngài cũng đã rõ.
Viên tướng cau mặt, khoát tay.
Này anh kia, anh muốn giễu cợt tôi đấy hả? Viên tướng nói, và đi khuất vào sau cánh cửa.
Sao lại có chuyện giễu cợt ở đây? Tcherviakov nghĩ. Không có đùa cợt gì cả. Ông là tướng và không chịu hiểu. Đã thế thì mình không đến gặp người cao ngạo này để xin lỗi nữa. Quỷ tha ma bắt ông ấy! Mình sẽ viết thư, nhưng sẽ không đến. Chắc chắn vậy, mình sẽ không đến gặp!
Tcherviakov nghĩ như vậy trên đường đi về nhà, nhưng rồi anh không viết thư cho ông tướng. Anh nghĩ mãi, nghĩ hoài mà vẫn không biết phải viết cái gì, thế là sáng hôm sau anh vẫn phải đến đích thân xin lỗi.
Hôm qua tôi đã đến làm phiền ngài, anh ấp úng nói khi ông tướng nhìn anh dò hỏi, không phải để giễu cợt, như ngài nói. Tôi xin lỗi vì đã hắt hơi làm bắn nước bọt vào ngài. Tôi không nghĩ đến chuyện giễu cợt. Sao tôi dám làm thế được? Nếu cười cợt là tỏ ra thiếu tôn trọng với những bậc bề trên!
Cút đi! viên tướng bỗng quát to, mặt tái xanh, người run lên.
Làm sao ạ, thưa ngài? Tcherviakov thì thào, khiếp sợ.
Cút xéo đi! viên tướng giậm chân lặp lại.
Trong bụng của Tcherviakov như có cái gì vừa bung ra. Không thấy gì, không nghe gì, anh thụt lùi ra phía cửa và chậm rãi lê gót về nhà. Về đến nhà, chẳng buồn cởi bộ lễ phục, người viên chức nằm ngả mình trên ghế dài ... và tắt thở. 



__________________________

(1) Les Cloches de Corneville, vở nhạc kịch ba hồi của Robert Planquette ( 1848-1903), diễn lần đầu tại rạp Théâtre des Folies-Dramatique, ở Paris, ngày 19/4/1877.


THÂN TRỌNG SƠN
Dịch từ bản tiếng Pháp
La mort d'un fonctionnaire 



lundi 12 juin 2017

LYDIA DAVIS



HAI  MƯƠI TRUYỆN ( CỰC ) NGẮN 
Lydia Davis


Nhà văn / dịch giả / giáo sư đại học - Hoa Kỳ. Tước hiệu Hiệp sĩ nghệ thuật và văn chương ( Chevalier de l' ordre des Arts et des Lettres ), Bộ Văn hoá Pháp trao tặng. Giải thưởng The Man Booker International Prize, Anh quốc. Trước đó là nhiều giải thưởng khác của Mỹ: Guggenheim Fellowship, MacArthur Genius award for Writing...
Báo chí và những nhà phê bình thì hết lời ca ngợi:
 " Một bậc kiệt xuất của Mỹ trong thể loại truyện ngắn " ( an American virtuoso of the short story form )
" Một trong những người khổng lồ thầm lặng về văn chương hư cấu ở Mỹ " ( one of the quiet giants of American fiction ). " Bậc thầy của một thể loại văn học chủ yếu do bà phát minh " ( the master of a literary form largely of her own invention ).

Lydia Davis sinh năm 1947 tại  Northampton, Massachusetts, cha mẹ đều hoạt động trong ngành giáo dục, văn chương. Thuở nhỏ thích âm nhạc, có học đàn ( dương cầm, vĩ cầm ), thích làm thơ, học tiếng Pháp, tiếng Đức, sau học thêm nhiều ngôn ngữ khác. Sau khi tốt nghiệp đại học, bà sang sống ở Pháp một thời gian. Một trong những cách kiếm tiền lúc này là dịch bất cứ thứ gì có trong tay, kịch bản phim, sách giới thiệu nghệ thuật ( catalogue ). " Tôi bắt đầu nhận thấy là mình thích việc đó, nó cũng là một dạng viết lách tôi có thể làm mà không cần phải có cảm hứng."
Với vốn liếng tiếng Pháp ngày càng nâng cao, bà bắt đầu chuyển sang dịch văn học. Không hiểu định hướng lựa chọn của bà ra sao, nhưng những tác giả Pháp bà dịch đều thuộc dạng " khó đọc " . Michel Leiris, với cuốn La règle du jeu ( bà dịch là Rules of the game ), Maurice Blanchot, với L' arrêt de mort ( dịch là Death Sentence ), rồi Michel Foucault nữa. Có vẻ như việc dịch những nhà văn / sử gia / triết gia này không làm cho bà được biết đến ( cũng như với cuốn tiểu thuyết đầu tiên và duy nhất của bà, The End of the Story ), mãi cho đến khi Lydia Davis khám phá ra Gustave Flaubert và dịch cuốn Madame Bovary ( bản dịch cũng dùng nhan đề đó ), nhất là khi bà bắt đầu dịch Marcel Proust. Đọc và hiểu Proust đã là một thử thách cho mọi người yêu mến văn chương, huống gì là dịch. Lydia Davis đã mất nhiều năm để dịch cuốn Du côté de chez Swann ( bản dịch Swann's Way ), vốn là tập 1 trong 7 tập của tác phẩm À la recherche du temps perdu ( Đi tìm thời gian đã mất ), tập 1 xuất bản năm 1913 và tập cuối mãi đến 1927 mới ra mắt, sau khi tác giả đã qua đời.
( Ở Việt Nam, cuốn này vừa mới được một nhóm 4 người gồm những dịch giả, nhà nghiên cứu lão luyện hợp tác dịch -  Phía bên nhà Swann, 471 trang, Lê Hồng Sâm, Dương Tường, Đặng Thị Hạnh, Đặng Anh Đào ).

Không nghe nói đến giá trị bản Anh dịch này ra sao, nhưng quá trình làm công việc dịch cuốn này là một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp văn chương của Lydia Davis: đồng thời với việc dịch, bà viết truyện ngắn, truyện rất ngắn, truyện cực ngắn, truyện kiểu Davis.
" Tôi bắt đầu viết những truyện dài chỉ một câu ( one- sentence story ) khi tôi dịch Swann' s Way. Có hai lý do: Tôi không có nhiều thời gian để sáng tác, và tôi không muốn bỏ việc sáng tác. Lý do thứ hai: đó là một phản ứng với những câu quá dài của Proust. Một ý tưởng dài ngoằn của ông thực sự không làm tôi chùn bước. Tôi thích tiếp tục - điều đó khiến tôi mong nhìn thấy một mẩu văn hư cấu có thể ngắn tới mức nào để có thể có ý nghĩa, chứ không phải chỉ là một chuyện cười bâng quơ."

Những truyện ngắn kiểu này về sau được tập hợp in vào cuốn Samuel Johnson is Indignant - (2001). Ngay cái nhan đề này cũng rút gọn rồi, đầy đủ sẽ là ... that Scotland has so few trees. ( Samuel Johnson tức giận .... vì Tô Cách Lan có ít cây đến thế.)
 Người đọc sẽ quen dần với những truyện như thế này: 
" Mỗi con hải cẩu sử dụng nhiều lỗ phun nước và mỗi lỗ phun nước do nhiều con hải cẩu sử dụng."
Những truyện cực ngắn của Lydia Davis được in lại trong cuốn The Collected Stories of Lydia Davis ( Farrar, Straus and Giroux ) năm 2009, gồm tất cả những truyện đã in trong các tập Break it Down, Almost no Memory, Samuel is Indignant, Varieties of Disturbance. Sau đó còn có cuốn Can't and Won't in năm 2014.

Năm 2013, Lydia Davis được trao giải thưởng Man Booker International Prize. ( Đây là một giải thưởng văn chương có uy tín, được trao hai năm một lần, cho tác giả còn sống viết bằng tiếng Anh hoặc dịch sang tiếng Anh, kể từ năm 2005. Các tác giả đạt giải trước đó là 2005 Ismail Kadare ( người Albania ), 2007 Chinua Achebe ( người Nigeria ), 2009 Alice Munro ( Canada ), Philip Roth ( Mỹ ). Hai năm sau 2015, là Laszio Krasnahorkai ( Hungary ). Đến năm 2016, quy chế giải thưởng thay đổi để " khuyến khích việc in và đọc tác phẩm dịch thuật và vinh danh công việc các dịch giả " , giải được trao mỗi năm một lần cho một sách dịch, với phần thưởng chia đều cho tác giả và dịch giả. Giải đầu tiên theo quy chế mới (2016) được tặng cho cuốn The Vegetarien của tác giả Hàn quốc Han Kiang và dịch giả Deborah Smith ).   

Lydia Davis có viết một truyện như vầy: " Tôi vừa mới bị từ chối một giải thưởng sáng tác vì người ta cho là tôi lười biếng " . Hội đồng Giám khảo giải thưởng lại thừa nhận những tác phẩm  độc  đáo và đầy tính triết lý của bà tuy ngắn nhưng chẳng phải do lười biếng mà đòi hỏi nhiều thời gian, tài năng và nỗ lực. Hội đồng nầy nhận định:  đó là truyện ngắn nhưng cũng có thể là tiểu phẩm, giai thoại, tiểu luận, truyện cười, ngụ ngôn, văn bản, cách ngôn, lời nguyện hoặc đơn giản chỉ là những nhận xét.
Truyện ngắn Lydia Davis dài nhất chỉ hai, ba trang, và phần lớn chỉ vài dòng, thậm chí một câu. Cho dù truyện của bà hình như không thuật lại bất kỳ một câu chuyện nào, thực ra là có đấy, thấp thoáng ở  đằng sau. " Ngay cả khi chỉ là một hay hai dòng, lúc nào cũng có một mảnh nhỏ chuyện kể ở trong đó, người đọc có thể tưởng tượng ra một chuyện kể dài hơn. Tôi nghĩ là chừng nào có một chút chuyện kể, hoặc chỉ là một tình huống, tôi có thể gọi đó là truyện ngắn được rồi."
Truyện của Lydia Davis  có khi vẫn có nhân vật, tuy ít khi có tên. Có khi như là thơ, có khi như truyện ngụ ngôn, thường mang hơi hướng triết lý, lúc nào cũng có khôi hài nhẹ nhàng...  Đọc " Những bà mẹ " thấy cay cay ở mắt. Đọc " Mẹ " lại thấy đắng chát. " Những cảm xúc tiêu cực " lại có màu thiền. Truyện thường bày ra những khoảng trống làm người đọc bối rối, sửng sốt trước những ý nghĩa hàm hồ hoặc bóng gió không bao giờ được soi rõ. Có con ruồi đã hợp tác với tác giả bằng cách thêm vào cái dấu móc sau khi nhà văn đặt một chữ lên trang giấy. Nên chăng người đọc cũng hợp tác bằng cách tự mình chiêm nghiệm, lý giải, thậm chí bay bổng, tưởng tượng, sau khi tác giả đặt dấu chấm hết ở cuối mỗi truyện?



-----

MẤT TRÍ NHỚ

Bạn hỏi tôi về Edith Wharton.
Ờ, cái tên nghe rất quen.


HỢP TÁC VỚI RUỒI

Tôi đặt chữ đó trên trang giấy.
Và nó thêm vào dấu móc.


CHÓ VÀ TÔI

Con kiến có thể nhìn bạn, thậm chí còn đe doạ bạn với đôi càng của nó. Tất nhiên con chó của tôi không biết tôi là người, nó tưởng tôi là chó, dù tôi không nhảy qua hàng rào. Tôi là con chó mạnh mẽ. Nhưng tôi không há mồm khi đi dạo. Ngay cả vào ngày nóng bức tôi cũng không thè lưỡi ra. Nhưng tôi sủa với nó: " Không! không! "


CON CÁ

Con cá dành cho nàng - không có ai khác trong nhà. Nhưng cả ngày nàng thật bối rối. Nàng sẽ ăn con cá này thế nào đây, làm nguội trên phiến cẩm thạch chăng? Vậy mà, ngay con cá, đang nằm bất động kia, lóc hết xương rồi, và phủ lớp da bạc rồi, nó chưa bao giờ trơ trọi hoàn toàn như bây giờ đây.


CHUỘT


Lũ chuột sống trên tường nhà tôi mà không quấy phá căn bếp. Chúng tôi hài lòng nhưng không thể hiểu tại sao chúng không đến căn bếp của chúng tôi, nơi chúng tôi đã cài sẵn bẫy, như chúng đến bếp nhà hàng xóm. Tuy hài lòng, chúng tôi cũng thấy khó chịu, bởi vì lũ chuột cư xử như thể có gì không ổn nơi căn bếp nhà tôi. Điều càng khó hiểu hơn là nhà chúng tôi không ngăn nắp gọn gàng như nhiều nhà hàng xóm. Có nhiều thức ăn vương vãi trong bếp hơn, nhiều mảnh vụn bánh trên bàn hơn, và nhiều mẩu hành dơ bẩn dính vào đáy chạn đựng bát dĩa. Thực tế là trong căn bếp nhà tôi có quá nhiều thức ăn bừa bãi trong bếp đến nỗi tôi chỉ nghĩ chính lũ chuột sẽ bị tổn thất vì thức ăn thôi. Trong một căn bếp sạch sẽ, thách thức đối với chúng là mỗi đêm phải kiếm đủ thức ăn để sống sót cho đến mùa xuân. Chúng phải kiên nhẫn sục sạo, gặm nhấm hàng giờ cho đến khi no. Tuy nhiên, trong căn bếp nhà chúng tôi, chúng phải đương đầu với một thứ ngoài tầm kinh nghiệm đến nỗi chúng không thể giải quyết được. Chúng có thể liều vài bước nhưng rồi cảnh tượng và mùi vị nồng nặc sẽ đẩy chúng trở lui về hang, và thấy khó chịu, bối rối vì không thể nào kiếm ăn như chúng muốn.


DÃ NGOẠI


Một cơn giận gần bên đường đi, một sự từ chối lên tiếng nơi lối mòn, một sự im lặng nơi rừng thông, một sự im lặng ngang chiếc cầu đường sắt cũ, một toan tính tỏ vẻ thân thiện dưới nước, một sự từ chối kết thúc tranh luận về những tảng đá phẳng, một tiếng thét tức tối trên bờ rác dựng đứng, một tiếng khóc trong bụi cây.


NHỮNG BẠN BÈ TẺ NHẠT


Chúng tôi chỉ biết bốn người tẻ nhạt. Số còn lại trong đám bạn, chúng tôi thấy đều thú vị. Tuy nhiên, phần lớn những người bạn chúng tôi thấy thú vị lại thấy chúng tôi tẻ nhạt: những người thú vị nhất thấy chúng tôi tẻ nhạt nhất. Số ít ở lưng chừng, họ quan tâm lẫn nhau, chúng tôi không tin cậy: bất kỳ lúc nào, chúng tôi cảm thấy, họ có thể trở thành quá thú vị  đối với chúng tôi, hoặc là chúng tôi quá thú vị  đối với họ.



NGƯỜI ĐÀN ÔNG TỪ QUÁ KHỨ CỦA MẸ 


Tôi nghĩ mẹ đang ve vãn một người đàn ông từ quá khứ của mẹ mà không phải là cha. Tôi tự nhủ: mẹ không nên có quan hệ không phù hợp với người đàn ông tên “Franz” này! “Franz” là người châu Âu. Tôi nói mẹ không nên gặp người đàn ông này một cách không phù hợp trong khi cha “đi vắng”! Nhưng tôi đang nhầm lẫn một thực tại cũ với một thực tại mới. Cha sẽ không trở về. Cha sẽ nằm lại trên đồi Vernon. Còn mẹ thì nay mẹ đã 94 tuổi rồi. Có thể nào có mối quan hệ không phù hợp với một phụ nữ ở tuổi 94? Tuy nhiên sự nhầm lẫn của tôi là thế này: dầu thân thể mẹ đã già, khả năng phản bội của mẹ vẫn còn trẻ trung và tươi mát.


HÀNH VI KỲ QUẶC


Bạn thấy nhiều tình huống đáng chê trách biết bao. Tôi thực sự không phải là con người kỳ quặc nếu tôi nhét vào tai càng lúc càng nhiều mẩu nhỏ khăn giấy bị xé vụn và thắt cà vạt quanh qua đầu: khi sống một mình tôi có được tất cả sự yên lặng tôi cần đến.


VẬT ĐÁNH MẤT


Chúng đã mất, nhưng cũng không mất mà còn đâu đó trên thế giới này. Hầu hết chúng chỉ nhỏ thôi, tuy nhiên có hai vật lớn hơn, một là chiếc áo choàng, hai là con chó. Trong số những vật nhỏ, một là chiếc nhẫn, một là hột nút. Chúng bị tôi đánh mất, từ nơi chỗ tôi, nhưng chúng không mất đi. Chúng đang ở đâu đó, chúng vẫn còn cho ai đó, biết đâu. Nhưng nếu chúng  vẫn còn với ai khác, thì chiếc nhẫn tự nó vẫn không mất, chỉ không có nơi chỗ tôi, và hột nút, cũng vậy, chỉ không có nơi chỗ tôi. 




TRÊN TÀU LỬA


Hắn và tôi tuy là hai người xa lạ nhưng cùng đồng tình phản đối hai người phụ nữ trước mặt chúng tôi cứ nói chuyện liên tục và ồn ào, từ dãy ghế này vói sang dãy bên kia. Hành vi thiếu lịch sự.
Tiếp tục hành trình thêm ít lâu, tôi nhìn sang hắn ( qua dãy ghế bên kia ) và hắn đang ngoáy mũi. Còn tôi, tôi đang làm rơi vãi cà chua từ chiếc bánh sandwich lên trên tờ báo. Thói quen tệ hại.
Tôi sẽ không tường thuật chuyện này nếu người ngoáy mũi là tôi. Tôi nhìn lại và hắn vẫn làm thế. Còn hai người phụ nữ, bây giờ họ ngồi cạnh nhau, và lặng lẽ, người đọc báo, người đọc sách, sạch sẽ, ngăn nắp. Không thể chê gì được.



TRONG CĂN NHÀ BỊ BAO VÂY



Người đàn ông và người đàn bà sống trong căn nhà bị bao vây. Từ chỗ ngồi thu mình trong căn bếp, họ nghe những tiếng nổ nhỏ. " Gió đấy! ", người đàn bà nói. " Thợ săn.", người đàn ông nói. " Mưa đấy! , người đàn bà nói. " Bọn lính ", người đàn ông nói. Người đàn bà muốn về quê nhà, nhưng cô đang ở quê nhà đây rồi, ở giữa một xứ sở trong căn nhà bị bao vây.  





MẸ


Cô gái viết một câu chuyện. Mẹ cô nói: " Phải chi con viết một cuốn tiểu thuyết thì tốt hơn biết mấy".
Cô gái xây một căn nhà búp bê. Mẹ cô nói: " Phải chi đó là căn nhà thật thì tốt hơn biết mấy". 
Cô gái làm một chiếc gối nhỏ cho cha. Mẹ cô nói: " Nếu là cái mền có phải thực tế hơn không?"
Cô gái đào một hố nhỏ trong vườn. Mẹ cô nói: " Phải chi con đào cái hố to hơn thì tốt hơn biết mấy".
Cô gái đào cái hố và chui vô ngủ trong đó. Mẹ cô nói: " Phải chi con ngủ luôn đi thì tốt hơn biết mấy! "


 ĐIỀU CÔ ẤY BIẾT


Mọi người không biết điều cô ấy biết, rằng cô ấy thực sự không phải phụ nữ mà là đàn ông, thường là một người đàn ông mập, nhưng, thường hơn nữa, có lẽ, là một ông già.
Việc cô ấy là một ông già làm cho cô khó mà làm một cô gái trẻ. Chẳng hạn, khó cho cô để nói chuyện với một chàng trai, dù chàng trai rõ ràng là thích cô.
Cô ấy phải tự hỏi, " Tại sao chàng trai này lại đi tán tỉnh một ông già? "



SỢ HÃI


Hầu như sáng nào cũng vậy, một phụ nữ trong khu phố tôi ở chạy ra khỏi nhà, mặt mày trắng dã, áo choàng thả rối tung luộm thuộm. Bà kêu lớn: " Cấp cứu, cấp cứu ", có người trong chúng tôi chạy đến, giữ lấy bà cho đến khi bà nguôi sợ. Chúng tôi biết bà bày trò thế thôi, thực sự bà chẳng có chuyện gì hết. Nhưng chúng tôi hiểu, vì hầu như không có ai trong chúng tôi, vào lúc nào đó, không bị thúc đẩy để làm đúng như bà ta đã làm, và, mỗi lần như thế, phải lấy hết sức lực của mình, kể cả sức lực bạn bè và gia đình nữa, để trấn an mình.


XƯA CÓ NGƯỜI ĐÀN ÔNG RẤT NGU 


Cô thấy mệt và chớm bệnh và đầu óc không thư thái và khi đang cố mặc quần áo cô liên hồi hỏi anh đồ đoàn của cô để đâu và anh kiên nhẫn trả lời mỗi thứ để chỗ nào - trước hết là quần dài của cô, rồi sơ mi của cô, rồi đôi vớ của cô, rồi cặp kính của cô. Anh gợi ý cô mang kính vào và cô mang, nhưng điều đó cũng chẳng giúp được gì.  Không có nhiều ánh sáng chiếu vào phòng .
Trong thời gian vừa tìm kiếm vừa mặc quần áo cô vẫn nằm trên giường hầu như đã mặc đồ xong trong khi anh nằm đắp chăn sau khi đã dậy trước để cho mèo ăn, mở cái hộp thức ăn gây tiếng động khiến cô khó chịu vì nó kêu giống tiếng sữa chảy từ núm vú bò xuống cái xô.
Trong khi cô mặc đồ gần xong nằm đấy bên cạnh anh anh nói với cô dai dẳng đủ thứ chuyện, và một lát sau, vì cô lắng nghe anh nói với nhiều phản ứng khác nhau, mới đầu tức giận, rồi chăm chú, rồi vui thích, rồi bối rối, rồi tức giận trở lại, rồi vui thích trở lại, anh hỏi cô có thấy phiền vì anh nói nhiều thế và cô muốn anh ngừng hay tiếp tục. Cô nói đã tới giờ cô phải sẵn sàng để đi và cô ra khỏi giường.



CÂU CHUYỆN



Tôi đi làm về và nhận được tin nhắn của anh ấy: anh không đến được, anh bận. Anh sẽ gọi lại, tôi chờ nghe tin anh, rồi, lúc chín giờ, tôi đến chỗ anh ở, thấy chiếc xe của anh, nhưng anh không có nhà. Tôi gõ cửa căn hộ của anh và tất cả cửa các ga ra, chẳng biết cái nào của anh - không có tiếng trả lời. Tôi viết mảnh giấy nhỏ, đọc lại, viết cái khác rồi dán lên cửa nhà anh. Về nhà, tôi không nghỉ được, và mọi việc tôi có thể làm, tuy tôi cần làm nhiều việc lắm, vì sáng sớm mai phải ra đi, chỉ là chơi đàn dương cầm. Tôi gọi lại cho anh lúc mười giờ bốn mươi lăm, anh có nhà, anh vừa đi xem phim với bạn gái cũ, cô ấy còn ở chỗ anh. Tôi đợi. Cuối cùng tôi ngồi xuống và viết trong sổ tay rằng khi anh gọi hoặc là anh sẽ đến tôi, hoặc anh không đến và tôi sẽ giận, vậy là tôi sẽ có hoặc anh hoặc là cơn giận của tôi, điều đó cũng tốt thôi, vì giận bao giờ cũng là nguồn an ủi lớn, như tôi từng khám phá với chồng tôi. Và rồi tôi tiếp tục viết, ở ngôi thứ ba và thì quá khứ, rằng rõ ràng là cô ta lúc nào cũng cần tình yêu ngay cả một tình yêu rắc rối. Anh gọi lại trước khi tôi kịp viết ra hết những thứ đó. Khi anh gọi, đã quá mười một rưỡi một tí. Chúng tôi tranh luận mãi đến gần nửa khuya.  Điều anh nói toàn mâu thuẫn: chẳng hạn anh nói anh không muốn gặp tôi vì anh cần làm việc và hơn nữa anh muốn ở một mình, mà anh đâu có làm việc, đâu có một mình. Không cách gì tôi có thể thuyết phục anh để hoà giải bất cứ điều mâu thuẫn nào của anh, và khi cuộc nói chuyện này xem chừng rất giống với những lần tôi nói chuyện với chồng thì tôi chào và gác máy. Tôi viết xong những gì tôi đã bắt đầu viết cho dù đến lúc này cơn giận là niềm an ủi lớn không còn đúng nữa.



NHỮNG BÀ MẸ


Mỗi người đều có một bà mẹ ở đâu đó. Bà mẹ ăn tối với chúng ta. Người phụ nữ nhỏ nhắn đeo kính một mắt dày đến nỗi dường như biến thành màu đen khi bà quay đầu đi. Và, bà mẹ của người chủ nhà gọi điện thoại tới khi chúng ta đang ăn. Điều này khiến cho chủ nhà phải rời khỏi bàn lâu hơn mọi người mong muốn. Bà mẹ này có thể đang ở New York. Trong câu chuyện, bà mẹ của một vị khách được nhắc tới: bà mẹ này đang ở Oregon, tiểu bang mà ít người trong chúng ta biết đến, tuy có chuyện là trước đây có người bà con sống ở đó. Một biên đạo múa được nhắc tới sau đó, khi ở trên xe. Ông ta sẽ ở đêm nay tại thành phố này, thực ra, cũng trên đường ông đi thăm mẹ, lại ở một tiểu bang khác.
Những bà mẹ, khi là khách được mời ăn tối, thường ăn khoẻ, giống trẻ con vậy, nhưng trông như không có mặt. Thường thì họ không theo kịp chúng ta đang làm gì hay nói gì. Cũng thường là họ chỉ bắt chuyện khi câu chuyện chuyển sang thời chúng ta trẻ, hoặc là họ lo sắp xếp chỗ nghỉ khi điều đó không cần, họ mỉm cười và bị hiểu lầm. Tuy nhiên các bà mẹ lúc nào cũng được nhìn thấy, được nói đến, dù chỉ vào những kỳ nghỉ. Mẹ đã chịu khổ vì chúng ta, và hầu như là ở một nơi mà chúng ta không nhìn thấy được.



NHỮNG CẢM XÚC TIÊU CỰC



Một thầy giáo có ý tốt, thôi thúc bởi một bản văn vừa đọc, cùng lúc gởi cho tất cả giáo sư trong trường một tin nhắn về những cảm xúc tiêu cực. Tin nhắn này bao gồm hoàn toàn lời khuyên của một vị thiền sư Việt Nam.
Vị sư nói: cảm xúc cũng như cơn bão: dừng lại một lát rồi đi tiếp. Khi nhận ra cảm xúc ( giống như khi bão đến ), ta nên đặt mình vào vị thế ổn định. Nên ngồi hoặc nằm. Nên tập trung vào bụng . Đặc biệt là nên tập trung vào khu vực dưới lỗ rốn, và thực hành hít thở theo chánh niệm. Nếu ta có thể nhận biết cảm xúc như là một cảm xúc, sẽ dễ dàng hơn để điều khiển.

Những thầy giáo khác đều bối rối. Họ không hiểu vì sao đồng nghiệp của họ  gởi cho họ tin nhắn về cảm xúc tiêu cực. Họ bất bình về tin nhắn, và bất bình đồng nghiệp của mình. Họ nghĩ là vị này kết tội họ đang có những cảm xúc tiêu cực và cần lời khuyên làm sao để chế ngự chúng. Vài người trong số họ thực sự đang nổi giận.

Các thầy giáo không quyết định để nhìn nhận cơn giận của họ như cơn bão đang tới. Họ không tập trung vào bụng. Họ không tập trung vào khu vực ngay dưới rốn. Thay vào đó, họ viết trả lời ngay, tuyên bố rằng vì họ không hiểu tại sao vị kia đã gởi, tin nhắn đã khiến họ cảm thấy những cảm xúc tiêu cực. Họ bảo ông ta là họ cần phải thực hành nhiều để vượt qua những cảm xúc tiêu cực do tin nhắn mang lại. Nhưng, họ nói tiếp, họ không muốn thực hành như thế này. Chẳng những không bị phiền toái vì những cảm xúc tiêu cực, họ nói, họ thực sự thích có những cảm xúc tiêu cực, đặc biệt là về ông ta và về tin nhắn của ông.



MỘT CÂU CHUYỆN TÔI NGHE BẠN KỂ


Ngày kia, một người bạn kể tôi nghe một câu chuyện buồn về ông hàng xóm của chị ấy. Ông bắt đầu liên lạc với một người lạ thông qua dịch vụ tìm bạn trên mạng. Người bạn này sống cách xa cả trăm dặm, ở North Carolina. Hai người đàn ông trao đổi tin nhắn rồi hình ảnh, rồi chẳng bao lâu họ đàm luận với nhau, mới đầu bằng thư tín, sau qua điện thoại. Họ nhận thấy có nhiều điều cùng quan tâm giống nhau, hoà hợp nhau về cảm xúc và trí tuệ, tin cậy nhau và có ngoại hình hấp dẫn nhau, theo như những gì họ có thể nói ra qua internet. Và sự quan tâm về nghề nghiệp của họ cũng tương đồng nữa, ông hàng xóm của bạn tôi là kế toán, còn người bạn mới ở miền Nam kia là giáo sư kinh tế tại một trường đại học nhỏ. Sau vài tháng, có vẻ như họ đã yêu thương nhau trọn vẹn và thực lòng rồi, ông hàng xóm của bạn tôi tin rằng " đúng là vậy " khi nhắc đến chuyện này. Đến lúc có kỳ nghỉ, ông sắp xếp bay xuống miền Nam để gặp mối tình internet của mình.
Suốt ngày đi đường, ông gọi cho bạn hai, ba lần và nói chuyện với nhau. Rồi ông ngạc nhiên không thấy trả lời nữa. Mà bạn ông cũng không ra phi trường đón ông. Sau khi chờ đợi ở đó và thêm nhiều cuộc gọi nữa, người hàng xóm của bạn tôi rời phi trường và đi đến địa chỉ người bạn đã cho. Ông gõ cửa, bấm chuông, không ai trả lời. Trong đầu ông nghĩ tới mọi chuyện có thể xảy ra.
Đến đây, vài phần của câu chuyện bị bỏ sót, nhưng bạn tôi kể là ông hàng xóm biết được rằng đúng ngày hôm đó, thậm chí là khi ông ấy đang trên đường bay về miền Nam thì người bạn của ông đã chết vì đột quỵ khi đang điện thoại cho bác sĩ. Khi nghe tin này, hoặc từ hàng xóm của người bạn, hoặc từ cảnh sát, ông đã đi tới nhà xác địa phương và được phép viếng người bạn internet, và chính nơi này, lần đầu tiên ông tận mắt nhìn thấy người mà ông tin là bạn đời của mình.




THÂN TRỌNG SƠN 
dịch và giới thiệu






   

samedi 3 juin 2017

NGƯỜI KỂ CHUYỆN





Truyện ngắn
H.H. Munro ( SAKI )




      SAKI thường áp dụng thủ pháp " truyện trong truyện ". Truyện nhỏ thứ nhất được cài vào là của bà dì, ngắn gọn tới mức nhạt nhẽo, bị hai đứa cháu cho là ngớ ngẩn. Truyện nhỏ thứ hai do nhân vật " chàng độc thân " kể, ly kỳ, hấp dẫn trẻ con, với đủ thứ cỏ cây hoa lá, thú vật trong vườn, trên rừng, dưới nước... Tuy nhiên, khác với điều mọi người mong đợi, cái kết có vẻ khó chấp nhận: nhân vật bé gái được giới thiệu là " tốt khủng khiếp ", sạch sẽ, giỏi giang, đúng giờ, ngoan ngoãn..., cuối cùng bị giết vì những điều tốt đó. Còn truyện chính kể về mấy dì cháu trên một toa tàu, bên cạnh có một khách lạ. Năm con người cùng sinh hoạt, chỉ có cậu con trai có tên. Không ai biết mấy dì cháu đi đâu, để làm gì. Trong không gian giới hạn đó, mọi tình tiết diễn ra trong một khoảng thời gian cũng giới hạn là chừng một tiếng đồng hồ, kết thúc khi nhân vật "chàng độc thân" xuống tàu. Vậy mà chân dung mỗi nhân vật với tâm lý, tính cách, ngôn ngữ, thái độ, đều bộc lộ rõ cả. Nhan đề " Người kể chuyện " có thể khiến người đọc liên tưởng tới cổ tích, thần thoại. Đúng, mà không đúng. Truyện chứa nhiều ẩn dụ, nhiều chi tiết gắn với thời đại, gợi cho người đọc suy nghĩ, đặt vấn đề và tự lý giải lấy. Và tất nhiên, không thể thiếu yếu tố hài hước, nét quen thuộc nơi ngòi bút của SAKI.    

Buổi chiều nóng nực, toa tàu do vậy mà rất oi bức, trạm dừng tiếp theo là Templecombe, còn gần một tiếng nữa mới tới. Khách trong toa gồm một bé gái, một bé gái nhỏ hơn và một bé trai. Một người dì của bọn trẻ chiếm ghế ngồi trong góc, ghế ở góc bên kia có một anh chàng độc thân, không đi cùng với nhóm này, nhưng hai bé gái và cậu trai rõ ràng là chiếm cả toa tàu.  Bà dì và đám trẻ mải mê trong lối nói chuyện hạn chế, dai dẳng,  gợi ta nhớ tới những lúc quan sát một con ruồi không chịu để người ta làm cho nản lòng. Phần lớn nhận xét của bà dì có vẻ bắt đầu với " Các cháu đừng ..." còn bọn trẻ lại cứ nói " Tại sao? ". Chàng độc thân không nói gì.

" Đừng, Cyril, đừng cháu! ", bà dì la lên khi đứa con trai đập vào nệm chiếc ghế băng làm bụi bay tung toé.
" Cháu đến nhìn ra ngoài cửa sổ kìa! " bà nói tiếp.
Thằng bé miễn cưỡng tiến gần cửa sổ. " Tại sao người ta lại đuổi mấy con cừu kia ra khỏi cánh đồng? " nó hỏi.
" Dì nghĩ là chúng được đưa tới cánh đồng khác có nhiều cỏ hơn.", bà dì đáp không chắc chắn lắm.
" Nhưng nơi đồng này vẫn có nhiều cỏ mà dì" , thằng bé cãi lại. " Chỉ cỏ thôi chẳng có gì khác. Đồng này nhiều cỏ lắm dì ơi."
" Có thể cỏ bên đồng kia tốt hơn " , bà dì gợi ý hú hoạ.
" Tại sao lại tốt hơn? ", câu hỏi có sẵn vụt ra ngay.
" Ôi! Nhìn mấy con bò kìa! bà dì thốt lên. Hầu như cánh đồng nào dọc theo đường sắt cũng có nhiều bò lớn bò nhỏ, bà nói như muốn kéo sự chú ý đến một thứ hiếm có.
" Tại sao cỏ bên đồng kia lại tốt hơn? ", Cyril vẫn khăng khăng.
Vẻ nghiêm nghị trên khuôn mặt chàng độc thân chuyển thành nét cau có. Bà dì đinh ninh trong đầu, anh chàng này hắc ám, khó ưa. Bà không thể dứt khoát đưa ra một câu trả lời thuyết phục nào về cỏ trên đồng kia. 


Đứa bé gái nhỏ muốn đánh lạc hướng bằng cách ngâm bài thơ " Trên đường đến Mandalay " (1). Nó chỉ thuộc câu thứ nhất nhưng muốn tận dụng hết kiến thức hạn hẹp của mình. Nó lặp đi lặp lại câu thơ không phải mơ hồ mà bằng một giọng dứt khoát, dễ nghe, chàng độc thân nghĩ chắc là có ai đánh cược để con bé đọc câu thơ hai ngàn lần không nghỉ. Cho dù người đánh cược là ai cũng phải thua thôi.
" Cháu đến đây nghe dì kể chuyện này! ", bà dì nói, trong khi chàng độc thân nhìn bà hai lần rồi nhìn dây báo hãm tàu một lần.  
Bọn trẻ thẫn thờ di chuyển về phía chỗ bà dì ở cuối toa. Rõ ràng là chúng không xếp hạng cao khả năng kể chuyện của bà.


Bằng một giọng nói nhỏ nhẹ riêng tư, thường xuyên bị ngắt quãng bởi những câu hỏi ồn ào nôn nóng của bọn trẻ, bà bắt đầu một câu chuyện chẳng chút sáng tạo và buồn tẻ đến thảm hại về một đứa bé gái hiền lành, thân thiện với nhiều người nhờ tính tốt đó và cuối cùng được những người mến mộ đức tính của nó mà cứu nó thoát khỏi một con bò điên.
" Họ có cứu con bé không nếu nó không tốt như thế? " đứa bé gái lớn hỏi. Và đó cũng là câu mà anh chàng độc thân muốn hỏi.
" À, vâng", bà dì thú nhận yếu ớt, " nhưng dì  không nghĩ là họ có thể chạy nhanh đến cứu như thế nếu họ không thích con bé."

" Đây là câu chuyện ngớ ngẩn nhất cháu từng được nghe! ", bé gái lớn nói, giọng đầy tự tin.
" Chỉ sau đoạn thứ nhất là cháu không thèm nghe nữa, thật ngớ ngẩn", Cyril nói.
Bé gái nhỏ không bình luận cụ thể gì về câu chuyện, nhưng từ trước nó đã thầm thì đọc lại câu thơ ưa thích của mình.
" Có vẻ bà là người kể chuyện không thành công lắm! ", anh chàng độc thân bất ngờ lên tiếng từ chỗ ngồi trong góc.

Bà dì bật lên phản ứng ngay lập tức trước sự tấn công bất ngờ đó.
" Khó mà kể được những chuyện khiến trẻ con vừa hiểu lại vừa thích.", bà nói gượng.
" Tôi không đồng ý vậy đâu", anh độc thân nói.
" Có lẽ anh muốn kể cho chúng nghe một chuyện! ", bà vặn lại.
" Chú kể cho bọn cháu nghe đi! ", con bé lớn yêu cầu.
" Ngày xửa ngày xưa", chàng độc thân bắt đầu," có một bé gái tên là Bertha, nó đặc biệt tốt."
Sự quan tâm bùng phát nhất thời của bọn trẻ bỗng lắng xuống tức thì, chuyện nào cũng giống nhau thật thê thảm, dù người kể là ai.

Ai bảo sao nó làm vậy, nó lúc nào cũng thật thà, giữ quần áo sạch sẽ, ăn bánh sữa ngon lành như bánh nhân mứt, bài học nào cũng thuộc làu làu và cư xử lễ phép."
" Nó có xinh không?" bé gái lớn nhất hỏi.
" Không xinh bằng cháu nào ở đây", chàng độc thân nói, "nhưng nó tốt khủng khiếp."
Làn sóng ủng hộ câu chuyện nổi lên, cái từ " khủng khiếp " đi đôi với " tốt " là một sáng tạo tự nó đáng được khen ngợi. Có vẻ như điều đó đem đến điểm nhấn về sự thật lâu nay vắng bóng trong những câu chuyện tuổi thơ của bà dì.

" Nó tốt đến nỗi ", chàng độc thân kể tiếp, " nó đạt được nhiều huy chương về tính tốt của mình, lúc nào nó cũng đính vào áo mang theo. Có huy chương về vâng lời, huy chương về đúng giờ, và huy chương thứ ba là hạnh kiểm tốt. Đó là những huy chương lớn bằng kim loại, chúng chạm vào nhau kêu leng keng khi cô bé bước đi. Trong thành phố cô bé sống không có trẻ nào có được nhiều huy chương như thế nên mọi người đều biết nó phải là một đứa trẻ đặc biệt tốt."
" Tốt khủng khiếp !" Cyril dùng lại từ này.
" Ai ai cũng nhắc đến tính tốt của cô bé, và Hoàng tử của xứ này cũng nghe tiếng, ông nói rằng vì cô bé tốt như thế nên mỗi tuần một lần cô được phép đi vào trong công viên của hoàng tử, chỉ bên ngoài thành phố thôi. Công viên này tuyệt đẹp, và trẻ con không ai được phép vào đó, bởi thế đó là vinh dự lớn của Bertha khi được phép vào.


Bà dì tự cho phép mình mỉm cười, mà có thể hiểu là mỉa mai.
" Trong công viên không có cừu", chàng độc thân nói," vì mẹ của hoàng tử có lần nằm mơ thấy hoàng tử sẽ chết hoặc vì cừu hoặc vì bị chiếc đồng hồ rơi vào người. Chính vì lý do đó mà hoàng tử không bao giờ nuôi cừu trong công viên hay treo đồng hồ trong cung điện."
Bà dì cố ngăn cử chỉ thán phục.
" Hoàng tử có bị cừu hay đồng hồ giết chết không?", Cyril hỏi.
" Hoàng tử vẫn còn sống, nên ta không thể nói giấc mơ có thành sự thực không", chàng độc thân hờ hững nói," dù sao, bây giờ trong công viên không có cừu,  nhưng có rất nhiều con heo nhỏ chạy  khắp nơi."
" Chúng màu gì?"
" Màu đen mặt trắng, màu trắng đốm đen, đen tuyền, màu xám với miếng vá trắng, có vài con trắng toàn thân."

Người kể chuyện ngừng lại để cho ý tưởng trọn vẹn về kho báu của công viên chìm vào trí tưởng tượng của bọn trẻ, rồi tiếp tục:
" Bertha rất tiếc khi thấy trong công viên không có hoa. Mắt đẫm lệ, nó đã hứa với các bà dì là sẽ không hái bất kỳ loại hoa nào trong công viên của Hoàng tử, và nó cố giữ lời, bởi vậy không có hoa nào để hái làm nó ngơ ngẩn cả người."
" Tại sao lại không có hoa?"
" Vì heo ăn sạch cả", chàng độc thân đáp vội." Những người làm vườn nói với Hoàng tử là không thể vừa có heo vừa có hoa, cho nên hoàng tử quyết định chỉ nuôi heo mà không có hoa."
Có tiếng xì xào tán thưởng quyết định xuất sắc của hoàng tử, nhiều người có thể quyết định cách khác.


" Có rất nhiều thứ thú vị khác trong công viên. Có những chiếc ao với cá vàng cá xanh cá lục trong đó, có những cây với những con chim vẹt xinh đẹp hót lên những điều khôn ngoan ngay khi nghe tiếng nói, và những con chim ruồi cứ vo ve những âm điệu quen thuộc trong ngày. Bertha cứ đi lên đi xuống, thấy thích thú lắm và tự nhủ: Nếu mình không tốt đặc biệt đến mức này thì mình sẽ không được phép đến công viên xinh đẹp này để tận hưởng tất cả những gì đáng xem ở đây, ba chiếc huy chương của nó chạm vào nhau kêu leng keng mỗi khi nó bước đi và nhắc nhở cho nó biết nó  thực sự tốt đến mức nào. Ngay lúc này một con chó sói đang lãng vãng trong công viên để rình xem có thể bắt được con heo con béo mập nào để ăn  tối không."
" Nó màu gì? " bọn trẻ hỏi, quan tâm tức thì và nhanh chóng.
 " Khắp người màu bùn, lưỡi đen và mắt xám nhạt loé sáng vẻ hung dữ khó tả. Thứ đầu tiên mà con sói nhìn thấy trong công viên là Bertha, cô bé mặc chiếc áo trắng tinh và sạch sẽ không tì vết khiến có thể nhìn thấy được từ rất xa. Bertha nhìn thấy con chó sói và thấy nó đang lẻn tới phía nó, và bắt đầu ước phải chi nó đã không được phép đi vào công viên. Cô bé vùng chạy thật nhanh, con sói vụt nhảy rượt theo. Cô bé cố chạy đến một bụi sim và tìm chỗ nấp vào bụi cây rậm nhất. Chó sói đến ngửi vào mấy cành cây, lưỡi lè ra khỏi miệng, và đôi mắt xám nhạt láo liên hung dữ. Bertha hoảng sợ kinh hồn và thầm nghĩ: " Nếu mình không tốt đặc biệt thế này thì bây giờ đã an toàn ngoài thành phố." Tuy nhiên mùi hương bụi sim đậm đến nỗi con chó sói không ngửi được Bertha nấp chỗ nào, và bụi cây rậm đến nỗi nó tìm rất lâu mà không phát hiện ra cô bé, sói nghĩ là nên bỏ đi tìm bắt một con heo nhỏ thay vào.  Bertha run cả người vì con chó sói rình mò và ngửi gần nó đến thế, và vì nó run nên chiếc huy chương vâng lời chạm kêu leng keng vào những chiếc huy chương hạnh kiểm tốt và đúng giờ. Con sói vừa mới bỏ đi thì nghe tiếng những chiếc huy chương leng keng nên dừng lại lắng tai nghe, chúng lại kêu lần nữa nơi bụi cây gần chó sói. Nó lao tới bụi cây, đôi mắt xám nhạt loé lên hung dữ và đắc thắng, nó lôi Bertha ra và nhai ngấu nghiến cô bé đến miếng cuối cùng.  Những gì còn sót lại là đôi giày, mấy mẩu quần áo và ba chiếc huy chương bằng kim loại vinh danh cái tốt."

" Có con heo con nào bị giết không?"" Không, chúng thoát được hết."
" Câu chuyện mở đầu thì tồi tệ", bé gái nhỏ nói, " nhưng kết thúc thật tuyệt vời!"
" Đây là câu chuyện đẹp nhất cháu từng nghe", bé gái lớn nói, giọng quả quyết.
" Đây là câu chuyện đẹp duy nhất cháu được nghe", Cyril nói.
Chỉ bà dì có ý kiến không tán thành.
" Một câu chuyện không phù hợp nhất đem ra kể cho trẻ con! Ông đã huỷ hoại kết quả của bao nhiêu năm giáo dục cẩn trọng."
" Dù sao đi nữa", anh chàng độc thân vừa sắp xếp hành lý chuẩn bị xuống ga vừa nói, " tôi đã giữ các cháu ngồi yên trong mười phút, lâu hơn thời gian bà có thể làm."
" Người phụ nữ tội nghiệp! ", chàng nhủ thầm khi đi dọc theo sân ga ở Templecombe, "  khoảng chừng sáu tháng tới đây, mấy đứa trẻ này sẽ công khai yêu cầu bà kể một chuyện không phù hợp.  

_______________________________
On the Road to Mandalay, tên bài thơ của Rudyard Kipling.




THÂN TRỌNG SƠN
dịch từ nguyên tác
The Story - teller.
H.H.Munro ( SAKI )

Nguồn :   http://haytom.us/the-story-teller/
( 5/2017)