THU PARIS
Viết về một đề tài quen thuộc lúc nào cũng là một thách thức lớn, ngôn từ, hình ảnh, và ngay cả cảm xúc, làm sao tránh khỏi lặp lại, bước ra ngoài dấu chân những người đi trước? Mùa thu ư? Paris hay nơi nào khác, hẳn sẽ là thu sầu thu buồn, hẳn sẽ là sương thu, mưa thu, nắng thu, gió thu... Paul Verlaine và Jacques Prévert sừng sững trước mặt, Lưu Trọng Lư và Cung Trầm Tưởng thấp thoáng sau lưng...
Bài thơ ngắn, ba khổ mười hai câu, mở và kết như thế này:
Em có nghe Paris vào thu...
Đưa hồn ta...hướng về quê xưa!,
thì thôi hết rồi, đọc làm chi nữa mười câu kia!
Nhưng mà này, khoan đã, nói như thế có vội vàng quá không, có bất công, vô tình và tàn nhẫn với tác giả quá không?
Cứ bình tình đọc thêm câu nữa:
Lá xanh BỖNG chuyển màu vàng úa
Quy luật tự nhiên, cây cỏ đất trời, làm gì có thứ lá nào đang xanh bỗng chuyển màu vàng? Có chăng là cái tâm trạng của người lâu nay qua lại trên những con đường quen thuộc với hai hàng cây rợp lá hai bên, bất chợt ngước mắt nhìn lên và bàng hoàng thảng thốt, " ô hay thu đã đến rồi sao? ", tưởng là lá vẫn xanh như mọi ngày, sao chuyển màu từ lúc nào đấy nhỉ? Tâm hồn ta vẫn là tâm hồn ngày
tháng cũ, mà vạn vật vẫn xoay chuyển từng giờ. Và người viết rủ rê người đọc nhìn thêm những chiếc lá thu ấy nữa:
Lá mỏng manh làm sao chịu nổi
Cơn nóng lạnh chợt đến chợt đi
và
Thu Paris lá vàng phủ lối.
Lá hiển hiện trong ba câu ở cả ba khổ thơ, chừng đó là đủ!
Nếu còn miên man hồi tưởng hay nghĩ tưởng thêm nữa, tác giả hãy nhặt lấy một chiếc lá vàng đem về ép trong trang sách, giữ chơi hay bỏ vào phong bì gởi về cho ai đó ở quê xưa, chứ khỏi cần bắt nó thêm một lần xuất hiện ( trong câu thơ thứ bảy ):
Lá đổi màu lung lay trước gió...
Dù chuyển màu hay đổi màu, thì lá cũng đã vàng, thu đã sang, ý đã trọn, lời đã ngấm, tình đã thắm, hương đã nồng!
Lá vàng phủ lối thu Paris không chỉ trong thoáng chốc mà trải dài trong không gian cả một ngày ( hay mọi ngày? ), với những hình ảnh tưởng là ước lệ nhưng thực ra là rất riêng:
Buổi sớm mai sương trời lạnh buốt
Chiều buông những tia nắng chợt hồng.
( Rất riêng vì nắng chiều không vàng vọt mà lại là nắng hồng!)
Khung cảnh hoàn toàn TĨNH LẶNG của trời thu Paris đó chợt bừng sống với hai thứ âm thanh lúc cuối ngày, vang lên như những nốt nhạc đối nghịch nhau: tiếng bước chân âm thầm và khúc dương cầm thánh thót:
Tiếng chân người lạc giữa đêm khuya
Dương cầm ai... vang khúc tình tội
( Ôi chao, hai chữ "tình tội" xuất thần! )
Cảnh ấy, tình ấy, mà không " hướng về quê xưa " mới là lạ!
Tôi không biết tác giả đã sống tại Pháp bao lâu rồi, nhưng qua bài thơ ngắn này, tôi hình dung ra một cô gái, vẫn rất Huế trong một xã hội với nếp sống, nếp nghĩ khác hẳn quê nhà.
Cám ơn bạn Phan Như đã chuyển cho đọc tâm tình người học trò cũ.
TTS.
THU PARIS
Em có nghe Paris vào thu
Lá xanh bỗng chuyển màu vàng úa
Buổi sớm mai sương trời lạnh buốt
Chiều buông những tia nắng chợt hồng
Lá mỏng manh làm sao chịu nổi
Cơn nóng lạnh chợt đến chợt đi
Lá đổi màu lung lay trước gió
Lắng đọng lại trên những vần thơ.
Thu Paris lá vàng phủ lối
Tiếng chân người lạc giữa đêm khuya
Dương cầm ai... vang khúc tình tội
Đưa hồn ta... hướng về quê xưa !
TUYẾT HẰNG MARIN
( 10/06/15 )
lundi 27 juillet 2015
Inscription à :
Articles (Atom)