( Nhân kỷ niệm 55 năm thành lập trường )
Chuyện cũng đã nửa thế kỷ, tính từ năm 1963, bắt đầu khoá đào tạo 4 năm tại Trường Đại Học Sư Phạm Huế, một khoá học có nhiều đặc điểm đáng ghi nhớ.
Điều ghi nhận đầu tiên là 5 năm sau ngày thành lập, từ năm học này, trường chính thức chuyển về địa điểm mới, trong khuôn viên Toà Khâm cũ, bên bờ sông Hương. Một năm trước đó, chúng tôi còn học trung học, sáng chiều đạp xe qua cầu Trường Tiền, nhìn công trình đang xây dựng, kiến trúc tân kỳ, cơ ngơi đồ sộ, lại nghe nói do Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế, lòng nao nức hy vọng trường sẽ xây xong kịp lúc mình đỗ Tú tài để vào học. Cầu được ước thấy, tháng 7 còn dự thi tuyển bên trường cũ, Khu Morin, nhưng khi nhập học thì được xông đất toà nhà ngôi sao ba cánh, mái ngói mới, tường vách mới, bàn ghế mới.
Điều đặc biệt thứ hai : đây là khoá đầu tiên với thời gian đào tạo 4 năm, thay vì 3 năm như các khoá trước. Lúc thi vào trường, chúng tôi không hề biết có sự thay đổi này. Nhập học được ít lâu mới nghe thông báo năm thứ nhất nay gọi là Dự Bị Sư Phạm. Thực ra, so với các trường bạn, có Dự Bị Văn Khoa, Dự Bị Y Khoa, thì mình học thêm một năm cũng hợp lý. Chỉ ấm ức một chút là các bạn vào trước mình một năm, sẽ ra trường đi dạy trước hai năm. Về sau mọi người thấy yên tâm hơn khi nghe Thầy Khoa Trưởng giải thích:
" Việc cải tổ Đại học Sư phạm sẽ đánh dấu cho một bước tiến dài trong ngành giáo dục trung học ở Việt Nam. Từ rày về sau, các giáo sư trung học tốt nghiệp Đại học Sư phạm sau thời gian học 4 năm sẽ có một kiến thức vững chắc về ngành chuyên môn của họ, và sẽ được huấn luyện về phần sư phạm. Ngoài phần trí dục, Ban Giám đốc sẽ chú trọng rất nhiều đến phần đức dục và thể dục. Tham vọng của Ban Giám đốc là không phải chỉ đào tạo nên "những người đi dạy" mà là đào tạo "những nhà giáo" với tất cả ý nghĩa bao hàm trong danh từ này."
( Giáo Sư Khoa Trưởng trả lời phỏng vấn, trích đặc san Hướng Đi của SV Dự Bị Sư Phạm, Xuân 1964 - trang 89 ).
Bốn niên khoá của khoá học này, trường được điều hành bởi bốn vị Khoa trưởng khác nhau:
1963-1964: Giáo sư Lê Văn
1964-1965: Giáo sư Nguyễn Hữu Trí
1965-1966: Giáo sư Tôn Thất Hanh và Giáo sư Nguyễn Hữu Trí
1966-1967: Giáo sư Lê Trọng Vinh.
Điều đáng ghi nhận thứ ba là không hiểu tại sao trong suốt khoá học không hề thấy quy định sinh viên mặc đồng phục. Thời học sinh, thấy các anh SP chững chạc trong bộ complet màu bleu marine trông oai quá, đến thời mình thì không còn. Mà cũng lạ, cuối khoá không hề có lễ tốt nghiệp để diện bộ lễ phục truyền thống, áo thụng, mũ rộng. Chỉ có một buổi họp mặt tại Toà Viện trưởng để làm thủ tục chọn nhiệm sở. Từ chuyện không có lễ tốt nghiệp kéo theo chuyện khoá 1963-1967 này không hề được đặt tên. Cần nhớ là các khoá đầu tiên đều có tên: 1959, Chu Văn An, 1960, Nguyễn Trãi, 1961, Nguyễn Trường Tộ, 1962, Nguyễn Bỉnh Khiêm, 1963, Nguyễn Du, 1964, Nguyễn Công Trứ. Các khoá sau cũng đều có tên: khoá 1969 được mang tên Nguyễn Khuyến, khoá 1970 là Phan Chu Trinh, 1971, Phan Bội Châu, 1972, Nguyễn Đình Chiểu...
Đành phải gọi là khoá 1967 vậy. Vào thời điểm này, trở thành sinh viên Đại Học Sư Phạm vẫn là mơ ước của nhiều người, có học bổng, ra trường được bổ dụng chính thức ngay, được hoãn dịch, lương cao. Sướng nhất trần đời. Khoá này, trường chỉ tuyển vào 5 ban: Việt, Anh, Pháp, Toán và Lý Hoá. Tuy chỉ cần có Tú Tài 2 là dự thi được nhưng một số bạn đã có một, hai chứng chỉ Văn khoa hay Khoa học vẫn xin thi vào. Có 431 thí sinh dự thi vào ngày 4-7-1963, đa số là học sinh các tỉnh miền Trung, Quảng Trị, Huế, cũng có bạn từ xa, Phan Rang, Nha Trang, cả Saigon, Đalat dù hai nơi này đều có trường đại học. Mới đậu Tú Tài xong, bỡ ngỡ đặt chân vào Giảng đường C Khu Morin rộng mênh mông, đối mặt với các môn thi như thế này, hẳn không phải là thử thách dễ chịu:
Ban Việt Hán:
- 1 bài luận văn chương (4 giờ)
- 1 bài giảng văn và văn học sử (3 giờ)
- 1 bài dịch ngoại ngữ (Pháp văn hoặc Hán văn) ra Việt ngữ (2 giờ).
Ban Anh văn :
- 1 bài nghị luận luân lý hoặc văn chương (4 giờ)
- 2 bài dịch ( Anh- Việt và Việt Anh) (3 giờ)
- 1 bài test ( về Văn phạm, Ngữ vựng và Giảng văn) (2 giờ).
Ban Pháp văn :
- 1 bài nghị luận văn chương (4 giờ)
- 2 bài dịch ( Pháp - Việt và Việt - Pháp) (3 giờ)
- 1 bài test ( về Văn phạm, Ngữ vựng và Giảng văn) (2 giờ).
Đậu kỳ thi viết xong còn phải thi vấn đáp. Kết quả có 160 người trúng tuyển :
Ban Việt Hán. : 22 sinh viên (2 SV không có học bổng)
Ban Anh Văn. : 25 sinh viên (3 SV không có học bổng)
Ban Pháp Văn. : 24 sinh viên (2 SV không có học bổng)
Ban Toán. : 44 sinh viên (14 SV không có học bổng)
Ban Lý Hoá. : 35 sinh viên ( 9 SV không có học bổng)
Không phải tất cả 160 người trúng tuyển đều nhập học, có người đổi ý kiến, có người xin chuyển được vào ĐHSP Saigon, hoặc trúng tuyển vào trường khác, có người rút lui vì không có học bổng. Đối chiếu với số SV tốt nghiệp ra trường 4 năm sau mới thấy sự sàng lọc cam go, nghiệt ngã đến chừng nào.
Ban Việt Hán: 13 SV tốt nghiệp ( so với 22 trúng tuyển nhập học )
Ban Anh Văn: 10 SV tốt nghiệp ( so với 25 trúng tuyển nhập học )
Ban Pháp Văn: 9 SV tốt nghiệp ( so với 24 trúng tuyển nhập học )
Ban Toán. : 11 SV tốt nghiệp ( so với 44 trúng tuyển nhập học )
Ban Lý Hoá. : 18 SV tốt nghiệp ( so với 35 trúng tuyển nhập học )
Có nhiều lý do của việc "vào nhiểu ra ít" này nhưng phổ biến nhất là không vượt qua được kỳ thi lên lớp cuối mỗi năm học. Có bạn bị trễ một, hai năm, có bạn chuyển qua ngành đào tạo giáo sư trung học đệ nhất cấp, cũng có bạn phải bỏ cuộc.
Học ban C (văn chương-sinh ngữ) ở trung học, tôi thấy mình có thể dự thi vào các ban Việt, Anh hay Pháp. Nhưng khi nghe tên gọi ban Việt Hán tôi sợ ngay vì nghĩ mình khó học giỏi được chữ Hán. Anh văn cũng hấp dẫn, tuy chỉ là sinh ngữ 2 của tôi nhưng năm đệ nhất tôi đã học đến lớp 12 của Hội Việt Mỹ, chuẩn bị thi bằng Proficiency, và khi đậu Tú Tài, tôi cũng lấy được bằng này. Cuối cùng tôi quyết định thi vào ban Pháp văn vì tình yêu của tôi với ngôn ngữ này được cha tôi và thầy tôi vun đắp và truyền lại từ nhiều năm tháng. Cha tôi mất sớm, không kịp dạy tôi một chữ tiếng Pháp nào, nhưng những trang nhật ký và tuỳ bút viết bằng tiếng Pháp ông để lại, ý tứ sâu sắc, văn chương bay bổng, diễn đạt chuẩn mực, khiến tôi có cảm tưởng như là cha muốn nhắn gởi cho đứa con lúc đó chưa biết nói hãy cố gắng nối gót cha. Còn thầy tôi là Thầy Phạm Kiêm Âu, dạy tôi lớp đệ nhất C Quốc Học, uyên bác và độ lượng, dí dỏm và nghiêm khắc, cho tôi hình ảnh của một thầy giáo vẹn toàn cả tài lẫn đức. Thầy có một biện pháp khích lệ học sinh rất độc đáo: đem bài tập làm văn hay nhất của học sinh Quốc Học sang đọc và giới thiệu cho học sinh Đồng Khánh ( lúc này Thầy dạy cả hai trường).
Quyết định thi vào ban Pháp văn không phải là dễ dàng vì một áp lực tâm lý lớn. Nói gì thì nói, tôi cũng chỉ là học sinh trường Việt, địch sao nổi với các bạn trường Tây. Không Yersin thì cũng Pascal, không Providence thì cũng Pellerin, chí ít cũng đã từng rèn luyện ở Tiểu chủng viện, Đại chủng viện nào đó. Nhưng rồi tôi cũng cố gắng thử sức, đậu thi viết, vào vấn đáp với Thầy Đỗ Long Vân, thầy khen mấy câu làm tôi tự tin hơn. Thứ hạng trúng tuyển (2/24) giúp tôi xoá được mặc cảm. Vào học rồi mới biết cũng có bạn là dân trường Việt như tôi.
Các giáo sư người Pháp là những người thầy ngoại quốc đầu tiên tôi được học, tiếc là bây giờ tôi không còn nhớ gì nhiều. Cô Martine Piat ( vẫn gọi là Mademoiselle dù đã lớn tuổi), quen thuộc với chiếc xe Citroën, dạy môn Ngữ âm. Thầy Bonzon dạy Giảng văn. Đây là hai giáo sư thường làm nhiều SV buồn rầu vì điểm liệt (note éliminatoire) 8/20. Thầy Bolliet, hay ngồi trên bàn để khoe đôi giày da cùng màu với cravate, hai thứ thường xuyên thay đổi. Cha Oxarango dạy tiếng latin, hiểu cha là linh mục hay cha là bố cũng đúng. Thầy Cauro dạy môn gì không rõ, nửa như văn chương, nửa như văn minh, thỉnh thoảng đưa các tác phẩm hội hoạ chiếu lên màn hình rồi bình luận. Thầy thường mời sinh viên đến nhà, cho ăn uống, nhảy nhót, tiếp đãi như bạn bè, hôm sau đến lớp thì thầy ra thầy, trò ra trò trở lại. Có một thầy rất trẻ, tên cũng trẻ, Rossignol, không biết từ đâu tới, dạy môn Conversation(?), không nhớ có giúp chúng tôi đàm thoại giỏi hơn không, nhưng các bạn mê kịch thì rất hài lòng vì được thầy hướng dẫn diễn kịch tiếng Pháp, vở Antigone, mang sang diễn bên giảng đường C.
Các giáo sư người Việt, trước hết là Thầy Lê Nhựt Thăng, dạy văn phạm, nhớ câu ví dụ Thầy hay nhắc: " Pour grands que soient les rois, ils sont ce que nous sommes". Dạy Anh văn có Thầy Phạm Văn Ấm và Cô Bảo Xuyến, phu nhân Giáo sư Lê Văn, dịu dàng và quý phái. Cô dạy tiếng Anh và giảng bằng tiếng Pháp, SV rất thích học. Bà Hoàng Thị Chí, phu nhân Giáo sư Nguyễn Quới, dạy Giáo học pháp. Một sự ngạc nhiên thú vị cho tôi là được gặp lại Thầy Lê Khắc Phò, dạy tôi Sử Địa lớp đệ nhất. Ở Đại học Thầy dạy môn dịch. Tôi không còn nhớ dịch Pháp- Việt học những gì, thích nhất là những bài dịch Việt-Pháp. Lúc nào cũng một trang in ronéo, trích tác phẩm văn học. Những bài như thế này thì anh nào giỏi nhất cũng toát mồ hôi:
Bà Trưng quê ở Châu Phong,
Giận loài tham bạo thù chồng chẳng quên
Chị em nặng một lời nguyền
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân...
Có bài phải đầu hàng ngay từ cái nhan đề, chẳng hạn bài "Am chúng sinh". Không tham khảo chỗ nào để dịch cho ra, cả lớp ngẩn ngơ và thán phục khi Thầy cho lời giải: "Pagodon aux âmes errantes". Tôi học ở Thầy cái cách tìm cho ra một lối diễn đạt tương đương giữa hai ngôn ngữ, không vì đặc trưng của mỗi thứ tiếng mà đầu hàng.
Đó là các giáo sư dạy chuyên ngành. Còn về nghiệp vụ, tôi nhớ không nhiều. Không nhớ có học Tâm lý không. Môn Giáo dục và môn Luân lý chức nghiệp thì 3 lớp Việt Anh Pháp học chung. Thầy Nguyễn Đình Hoan, mới đỗ tiến sĩ ở Mỹ về, dạy môn Giáo dục. Thầy Nguyễn Đình Hàm, vị Thầy của nhiều bậc thầy của tôi, dạy Luân lý chức nghiệp. Lúc hết khoá, sắp thi, Thầy dặn SV: "Môn này sẽ không có anh chị nào rớt. Và nhớ cố gắng đừng rớt khi đã ra trường đi dạy". Hẳn là các bạn đồng môn đồng nghiệp của tôi đều ghi nhớ lời dạy này khi tiếp bước Thầy.
Nhà trường khuyến khích sinh viên Sư Phạm học thêm bên Khoa học hay Văn khoa để lấy thêm bằng cử nhân. Sinh viên Dự bị Sư phạm ba lớp Việt Anh Pháp hầu hết đều học thêm Dự bị Văn khoa, và sau đó đi vào chuyên ngành. Quy định bắt buộc cho bằng cử nhân giáo khoa dù ban nào cũng phải có chứng chỉ Văn chương Việt Nam. Lúc này tôi được thuận lợi là biến sở đoản gốc trường Việt thành sở trường, tức là dễ dàng hơn các bạn trường Pháp. Sau khi đậu được ba chứng chỉ tiếng Pháp, năm cuối cùng tôi dành tất cả thời gian để học văn chương Việt Nam ( văn học thời Lý Trần với Giáo Sư Giản Chi Nguyễn Hữu Văn, văn học dân gian với Giáo Sư Thuần Phong Ngô Văn Phát, Tự Lực Văn Đoàn với Giáo Sư Lê Hữu Mục...). Nhờ vốn liếng tích luỹ từ trung học tôi đỗ được chứng chỉ này, và nhờ đó được cấp bằng Cử nhân Giáo khoa Pháp Văn ngay khi tốt nghiệp. Nhiều bạn có Dự bị Văn Khoa và ba chứng chỉ tiếng Pháp, tiếng Anh nhưng kẹt Văn chương Việt Nam nên vẫn không lấy được cử nhân giáo khoa. Sau này khi trường mở thêm chứng chỉ Văn Minh Việt Nam thay vào mới có lối thoát.
Bạn học cùng khoá, cùng tốt nghiệp là 9 người, đúng ra là 10 nếu tính cả Phạm Hoàng Chương chuyển vào Saigon năm cuối và thi tốt nghiệp ở đó. Chương hiện ở Mỹ, con cái thành đạt, giàu có, thảnh thơi viết lách, thường đăng truyện ở Việt Báo, từng đoạt giải Viết về nước Mỹ. Cũng ở Mỹ có Trần Đức Thụ, cách đây mấy năm có về, tôi chỉ được gặp qua điện thoại. Joseph Vĩnh Su ở Úc, tôi có sang đó hai lần mà không biết tìm gặp ở đâu vì không có liên lạc. Nguyễn Văn Tiên ở Pháp, tôi có gặp và đến nhà chơi hồi 1994-1995. Số còn lại đều ở VN. Ở Saigon có ba bạn: Nguyễn Viết Quý nghỉ dạy từ lâu, chuyển sang làm dịch thuật cho một văn phòng tư vấn pháp lý. Phan Văn Hoàng đi học Sử, lấy bằng tiến sĩ. Đoàn Cầu, hiện nay sức khoẻ không tốt lắm. Chỉ còn Lê Văn Gioang ở lại Huế, nhiều năm mở trung tâm dạy tiếng Anh rất thành công. Sau mở thêm văn phòng dịch thuật và hướng dẫn xuất ngoại, cũng thành công không kém. Riêng Hà Văn Anh, không ai biết nay làm gì ở đâu. Vẫn hy vọng là bạn còn đâu đó trên trái đất này để vui mừng tổng kết rằng sau nửa thế kỷ cả lớp mười đứa nay vẫn còn mười. Tôi trong số ít tuổi nhất lớp, cũng chớm ngưỡng bảy mươi. Tôi vẫn đeo đuổi nghề từ lúc ra trường, mười năm cuối của tuổi nghề về dạy trường Cao đẳng, nghỉ hưu rồi dạy thỉnh giảng ở trung học thêm hai năm, vậy là trọn 40 năm chẵn làm nghề thầy giáo. Tạm cho là một "thành tích" đáng tự hào trong hoàn cảnh xã hội chuyển mình, lịch sử sang trang.
Vào trường sư phạm học làm người thầy giáo, sinh viên thời này đều cố gắng rèn luyện để có kiến thức và kỹ năng toàn diện hơn. Tuỳ sở thích và sở trường của mỗi người, họ tham gia vào các hoạt động xã hội, văn nghệ, thể thao. Một số bạn đến với các tổ chức Hướng đạo, Thanh Niên Thiện Chí, hoặc các tổ chức tôn giáo. Phong trào học võ thuật phát triển khá mạnh. nhất là môn võ karate khi một võ sư người Nhật mở lớp. Về báo chí, khoá 1963-1967 ra được hai tập đặc san, in typo đàng hoàng. Xin mời đọc lại đoạn mở đầu đặc san Hướng Đi của năm dự bị sư phạm, xuất bản vào mùa xuân năm 1964 để nhớ lại "một thời để yêu, một thời để nhớ" của thế hệ sinh viên thời kỳ đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, với tất cả tâm tình, tâm trạng, tâm sự, qua lối diễn đạt ghi dấu ấn tuổi trẻ:
" ... Gục mặt xuống trong lòng trang giấy: giáo khoa, mô phạm, chuyên cần. Ngoài kia: trời cao, sắc trắng, sắc hồng, xuân, mùa xuân. Vuốt mặt, buồn. Ý thức mình xa lánh thiên nhiên, bắt lòng mình sống khắc khoải với những lo âu thường trực. Không, không phải chỉ có thế. Đem tâm hồn thả trong vườn văn hoá ta không quên mùa xuân.
Thì để không quên mùa xuân, xin tha nhân tìm đến tha nhân, bắc một nhịp cầu, làm một lối về cho cây cỏ mùa xuân đi cùng vào HƯỚNG ĐI: người sinh viên sư phạm không phải chỉ là người sinh viên nhưng còn là con người."
Nội dung 100 trang của Hướng đi, ngoài hai bài bày tỏ quan điểm và ba bài phóng sự về sinh hoạt của SV, còn lại chỉ là sáng tác thơ văn. Nhưng hai năm sau, với đặc san ĐỈNH TRIỀU, xuất bản vào mùa xuân 1966, tính chất học thuật đã đậm nét hơn với những bài nghiên cứu, dịch thuật:
- Ý thức vinh quang trong thi ca.
- œdipe và tâm thức đối kháng.
- Nhận diện Chiêu hồn của Nguyễn Du.
- Những người theo gót Nguyễn Cư Trinh.
- Alain Fournier với bản chúc thư viết lúc tuổi nhỏ.
- Thùng rượu Amantillado ( dịch E.A. Poe )
Cuộc sống của sinh viên khoá 1963-1967 không chỉ diễn ra bình dị và êm ả bên trong khuôn viên nhà trường bởi thời cuộc không cho phép họ được sống như vậy. Những biến động lớn ảnh hưởng đến sự tồn vong của đất nước, của chế độ, và của từng gia đình, từng cá nhân đã âm ỉ diễn ra từ khi họ sắp vào trường và kéo dài suốt khoá học. Bắt đầu từ sự kiện xảy ra tại Đài Phát thanh Huế vào tối 8/5/1963, sau lễ Phật đản, đến vụ Hoà thượng Thích Quảng Đức tự thiêu ở ngã tư đường Lê Văn Duyệt- Phan Đình Phùng, Saigon, vào ngày 11/6, sau đó là sáu tu sĩ khác lần lượt tự thiêu tại Phan Thiết, Ninh Hoà, Huế ( chùa Thiên Mụ và chùa Từ Đàm ) và Saigon ( trước chợ Bến Thành - ngày 5/10 và trước Nhà thờ Đức Bà - ngày 27/10 ). Ngày 1/11/1963 quân đội đảo chính, lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm. Hội đồng Quân nhân Cách mạng của Tướng Dương Văn Minh chỉ chấp chính được ba tháng. Ngày 30/1/1964 Trung tướng Nguyễn Khánh làm cuộc "chỉnh lý" để lên làm Thủ tướng, tiếp theo, cho đến năm 1965, là những cuộc đảo chính, thành hoặc không thành, với 13 chính phủ được dựng lên rồi bị lật đổ. Cần một biên niên sử chi tiết và khách quan(?) mới giúp nhớ được hết tất cả những hình thức tham gia của SV trong giai đoạn này và những năm sau đó, thời chính phủ Nguyễn Văn Thiệu- Nguyễn Cao Kỳ ( biểu tình, xuống đường, bãi khoá... ). Tháng 3/1966, cuộc đấu tranh của sinh viên Huế bùng nổ dữ dội. Sinh viên chiếm và làm chủ Đài Phát thanh Huế. Trong 75 ngày đêm (từ 22/3 đến 7/6/1966 ), sinh viên điều khiển toàn bộ chương trình phát thanh, viết bài, viết tin, biên tập, với sự trợ giúp kỹ thuật của nhân viên của Đài. Sau đài hiệu lấy nhạc bài Mẹ Việt Nam của Phạm Duy, phần mở đầu vang lên:
" Đây là tiếng nói của những người Việt Nam gầy gò, rách rưới, sinh ra và lớn lên nhọc nhằn trong chiến tranh, khốn khó, tự nhận lấy trách nhiệm làm chủ định mệnh của lịch sử.
Đây là tiếng nói của những người sẵn sàng chiến đấu gian khổ, sẵn sàng đổ máu và hiến dâng xác gầy trơ xương để làm kẻ BIẾT SỐNG VÀ DÁM CHẾT CHO DÂN TỘC VÀ TỰ DO"
Ngoài chương trình phát thanh tiếng Việt còn có phần tiếng Pháp và tiếng Anh do sinh viên lớp Pháp văn và Anh văn khoá 63-67 này phụ trách.
Tất nhiên các hoạt động ngoại học trình ( và "ngoại học đường" ) này không phải là riêng lẻ, ngoài sinh viên- học sinh, cả thành phố đều sục sôi với sự tham gia của nhiều lực lượng khác, kể cả nhân sĩ, trí thức, có lúc có cả các giáo sư đại học. Nhắc lại những chuyện này có thể có những nhìn nhận, đánh giá khác nhau, nhưng có thể nói, đối với sinh viên thì kết quả ( và hậu quả ) là những trải nghiệm quý báu để lựa chọn một thái độ sống, một quá trình rèn luyện bản lĩnh, ý chí, tinh thần, sức khoẻ, và ( cho một số bạn ) là những ngày tháng lạnh lùng, lặng lẽ nhìn ra xã hội bên ngoài từ những chấn song sắt.
Tin về cuộc Hội ngộ 55 năm là cơ hội để ôn lại quá khứ, theo sự dẫn dắt của dòng hồi tưởng, trở về với thuở thanh xuân, chỉ tiếc là chuyện muốn nhắc thì không nhớ rõ, có chuyện người thật việc thật còn nhớ thì e không tiện để viết ra. Vài dòng ghi vội, chia sẻ với thầy với bạn cũ, người đọc không ai phiền lòng hay trách cứ gì là niềm vui lớn cho kẻ viết bài này vậy.
THÂN TRỌNG SƠN
Tháng 4/2013
sonthan2000@yahoo.com
---------------------------------