Ông bà Lerebour cùng tuổi nhưng trông ông trẻ hơn, mặc dầu
trong hai người ông là kẻ yếu đuối hơn. Họ sống trong một ngôi nhà xinh đẹp ở
vùng quê gần Nantes (1)
mà họ đã tạo dựng sau khi kiếm được tiền nhờ bán vải bông của Rouen (2).
Quanh
nhà là một mảnh vườn xinh xắn có sân gà vịt, có nhà cảnh và một nhà kính nhỏ ở
cuối vườn. Ông Lerebour thấp, mập và vui tính, cái vui tính của một ông chủ tiệm
hoạt bát.Gầy ốm, bướng bỉnh và luôn bất mãn, vợ ông không có được cái tính khí
vui vẻ như ông. Bà tự nhuộm tóc, thường hay đọc những cuốn tiểu thuyết làm cho
bà mộng mơ, mặc dầu bà giả bộ khi dể loại truyện nầy. Người ta nói bà đam mê,
dù bà chẳng hề làm gì khiến họ nghĩ như thế. Nhưng đôi khi chồng bà cũng nói:”
Vợ tôi là người vui tính”, mà ông nói với vẻ tinh quái khiến họ phải đoán già
đoán non.
Tuy nhiên từ vài năm nay bà cứ hay gây gổ
với ông Lerebour, luôn cáu kỉnh và khó tính, như đang bị dằn vặt vì có chuyện
buồn phiền gì sâu kín không nói ra được. Từ đó sinh ra bất hòa với nhau. Họ gần
như không còn trò chuyện với nhau nữa và bà (tên bà là Palmyre) cứ luôn bắt ông
(tên ông là Gustave) phải chịu đựng những lời khen mỉa làm mất lòng, những câu
bóng gió chạm tự ái, những lời lẽ gay gắt mà chẳng có lý do gì cả.
Ông nhẫn nhục chịu đựng, chán nản nhưng dù sao
cũng vui.Tư chất sẵn giàu cá tính thích làm vui lòng kẻ khác, đến mức ông sẵn
sàng chấp nhận những phiền nhiễu sâu kín đó. Nhưng ông tự hỏi do đâu mà vợ mình
cau có như thế, vì ông thấy sự giận dữ của bà ấy ắt phải có một lý do thầm kín,
nhưng khó thấu triệt đến nỗi ông đã phí sức để tìm hiểu.
Ông thường hỏi bà:”Này em, nói anh biết
em chống đối anh chuyện gì vậy? Anh cảm thấy em giấu anh điều gì.” Bà luôn luôn
đáp lại rằng:”Đâu có gì! Tuyệt đối chẳng có chuyện gì cả. Vả lại, nếu tôi có điều
gì không bằng lòng thì anh cứ việc đoán xem. Tôi không thích những người đàn
ông chẳng biết gì cả, nhu nhược và kém cỏi đến nỗi phải nhờ người khác giúp đỡ
mới thấu hiểu được những điều nhỏ nhặt nhất.” Ông chán nản lẩm bẩm:” Tôi thấy rõ là em
chẳng muốn nói “ Và ông tránh ra chỗ khác, cố tìm hiểu.
Ban đêm càng trở nên rất nặng nề khó
thở đối với ông; bởi vì họ luôn luôn ngủ chung giường, giống như những cặp vợ
chồng hòa thuận. Những lúc đó chẳng có chuyện gì mà bà không làm để quấy rầy
ông. Bà chọn lúc họ nằm bên cạnh nhau để liên tục chê bai ông hết sức gay gắt.
Chủ yếu là bà chê ông mập:” Anh chiếm hết chỗ, vì nay anh mập quá. Mồ hôi trên
lưng anh đổ ra như là mỡ chảy. Anh tưởng vậy là làm tôi dễ chịu sao!” Bà kiếm bất
kỳ lý do nhỏ nhặt nào để buộc ông phải dậy, nào là xuống tìm tờ báo bà bỏ quên,
nào là kiếm chai nước ngọt hương hoa cam mà làm sao ông kiếm ra được vì trước
đó bà đã giấu đi rồi. Và bà nổi giận tru tréo:” Lẽ ra anh phải biết tìm ở đâu
ra chứ, ông ngốc!” Sau một tiếng đồng hồ sục sạo khắp nơi trong căn nhà vắng lặng,
ông trở về tay không thì bà nói như để cám ơn:”Thôi, anh đi ngủ đi, anh nhão
như một miếng bọt biển, đi dạo một chút thế cho ốm bớt...”
Bà đánh thức ông dậy bất cứ lúc nào để
cho biết bà đau vì dạ dày co thắt, và bà nhờ ông lấy miếng vải thấm dầu thơm
xoa lên bụng bà. Lo bà bị bệnh, ông hết lòng cứu chữa và ông
đề nghị xuống thức cô giúp việc Céleste dây. Tức thì bà giận dỗi la lối:”Có cần
phải ngốc vậy không, anh khờ! Thôi, hết rồi, tôi hết đau rồi, ngủ tiếp đi, đồ
nhu nhược!” Ông hỏi:” Có chắc là em đã hết đau không?” Bà đáp thẳng mặt: “ Chắc.
Anh im đi cho tôi ngủ, đừng làm tôi bực mình thêm nữa! Anh chẳng có khả năng
làm được việc gì hết, kể cả việc xoa bóp cho đàn bà.” Ông thất vọng:”Nhưng...em
yêu...” Bà điên tiết:” Không nhưng không nhị gì cả...Đủ rồi. Bây giờ hãy để cho
tôi yên...” Và bà quay mặt vào tường.
Vậy mà một đêm nọ,bất thình lình bà lay
mạnh ông, đến nỗi ông hoảng sợ ngồi phắt dậy, nhanh lạ thường. Ông lắp bắp:”
Cái gì?...Có chuyện gì vậy?...” Bà nắm lấy tay ông, véo thật đau,và thì thầm
vào tai ông:”Em nghe có tiếng động dưới nhà.”
Đã
thường quen với những kiểu báo động như thế nầy của bà Lerebour nên ông không mấy
lo lắng mà bình tĩnh hỏi: “Tiếng động nào, em yêu?” Bà run lập cập, hốt hoảng
đáp: “ Tiếng động...thì tiếng động...tiếng chân...có ai...” Ông tỏ vẻ hoài
nghi: “Có ai? Em tưởng có ai à, không đâu, chắc em lầm rồi. Em nghĩ là ai chứ?”
Bà run rẩy: “Ai?...ai?... Thì ăn trộm chứ ai nữa, đồ ngốc!” Ông lẳng lặng chui
vào mền,: “ Không mà, chẳng có ai đâu, em à, chắc em nằm chiêm bao đó.” Tức thì
bà tung mền ra, nhảy khỏi giường, nổi cáu: “ Anh quả là vừa hèn nhát, vừa kém cỏi!
Dù sao đi nữa tôi cũng không để mình phải bị giết vì sự nhát gan của anh đâu.” Cầm
cái kẹp than củi ở lò sưởi, bà đứng thẳng người trước cánh cửa đã cài then
trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.
Cảm động trước tấm gương dũng cảm đó,
hổ thẹn thì đúng hơn, đến lượt ông nhăn nhó đứng dậy và, vẫn không rời chiếc mũ
bông trùm đầu, ông cầm cái xẻng đến đứng đối diện với vợ mình.
Họ chờ trong hai mươi phút, giữa sự im
lặng hoàn toàn. Chẳng có thêm tiếng động nào quấy rối giấc ngủ của căn nhà. Thế
rồi bà giận dữ quay về giường ngủ và nói: “ Dẫu sao tôi vẫn tin chắc rằng đã có
ai đó.” Để tránh gây gổ, suốt ngày hôm đó ông chẳng hề đá động đến bất cứ chuyện
gì có thể gợi đến cơn hoảng sợ vừa qua của
bà .
Nhưng đến hôm sau, bà Lerebour đánh thức
chồng dậy còn mạnh hơn đêm trước nữa. Bà vừa thở hổn hển vừa lắp bắp:
- "
Gustave, Gustave, có
người vừa mở cổng vườn.”
Ngạc
nhiên trước sự khăng khăng của vợ, ông ngỡ là bà mắc chứng mộng du và ông đang
cố lay cho bà tỉnh cơn mê nguy hiểm đó thì dường như ông có nghe một tiếng động nhỏ thật, ở phía những
bức tường. Ông đứng dậy, chạy lại cửa sổ và ông nhìn thấy, vâng, ông nhìn thấy
một bóng trắng lướt nhanh qua đường. Ông thì thầm :” Có người!”
Rồi ông lấy lại bình tĩnh, tự trấn an
mình, và đột nhiên bừng lên cơn giận của một người chủ đất bị lấn hàng rào. Ông
tuyên bố: “Đợi đó, đợi đó rồi ngươi sẽ thấy!”
Ông
lao vào tủ bàn giấy, mở ngăn kéo lấy khẩu súng lục ra và chạy nhanh xuống cầu
thang. Vợ ông cuống cuồng vừa chạy theo vừa la: “Gustave, Gustave, đừng bỏ em,
đừng bỏ em một mình, Gustave, Gustave!”Nhưng ông chẳng nghe thấy gì cả, ông đã
đến cổng vườn.
Bà bèn chạy thật nhanh lên núp trong phòng
của hai vợ chồng họ.
Bà
chờ trong năm phút, mười phút, mười lăm phút. Một nỗi sợ khủng khiếp đang xâm
chiếm bà. Nhất định là chúng đã bắt trói, bóp cổ, giết chết ông ấy rồi. Bà mong
được nghe sáu tiếng súng nổ để biết rằng ông ấy đã chiến đấu, đã tự vệ. Nhưng
hoàn toàn yên lặng. Sự yên lặng đáng sợ của căn nhà đã khiến bà hoảng loạn.
Bà
bấm chuông gọi Céleste. Céleste không tới, cũng không trả lời. Bà gọi tiếp, cảm
thấy suy sụp, muốn xỉu. Cả căn nhà vẫn hoàn toàn câm lặng.
Bà
áp cái trán nóng bỏng vào cửa kính, cố nhìn xuyên qua màn đêm bên ngoài. Bà chẳng thấy gì cả ngoài bóng đen
của những lùm cây bên cạnh những vệt xám của những lối đi.
Đồng hồ điểm nửa giờ khuya. Chồng bà đã
vắng mặt bốn mươi lăm phút rồi. Chắc bà chẳng còn gặp lại ông ấy nữa. Không! Chắc
chắn là bà sẽ không còn gặp lại ông ấy nữa! Bà khuỵu gối, thổn thức.
Hai tiếng gõ nhẹ vào cửa phòng khiến bà
nhảy thót lên. Ông Lerebour gọi bà:
-
“Mở cửa đi, Palmyre,
anh đây!”. Bà lao đến, mở cửa và đứng trước mặt ông, tay chống nạnh, mắt còn đẫm
lệ: “Anh ở đâu về thế, đồ ác nhân ác đức! A! Anh bỏ tôi một mình sợ muốn chết
như vậy đó hả, a! Anh không còn lo cho tôi nữa, làm như tôi chẳng còn sống
không bằng!...” Ông đóng cửa lại, và ông cười, ông cười như điên, cái miệng cười
làm hai gò má chè ra, hai tay ông ôm bụng, đôi mắt đầm đề.
Bà
Lerebour sửng sốt, im bặt.
Ông
nói cà lăm cà cặp: “Kẻ đó là...là... Céleste, cô ta có hẹn trong nhà kính...Nếu
em biết anh đã...anh đã...anh đã thấy gì...” Bà bỗng tái xanh mặt, khó thở vì
phẫn nộ.”Hả?...Anh nói gì?...Céleste? ...tại nhà tôi?...trong nhà...của...của
tôi...trong nhà kính của tôi? Vậy mà anh không giết thằng đàn ông, đứa đồng
lõa? Anh có súng mà anh không giết... Tại nhà tôi...tại nhà tôi...” Bà ngồi xuống,
không nói được nữa.
Ông nhảy tréo chân, búng ngón tay, đánh
lưỡi tách tách và luôn miệng cười: “Nếu mà em biết được...Phải chi em biết được...”
Bất thình lình ông ôm hôn bà. Bà đẩy ông ra Giọng bà đứt quãng vì giận: “Tôi
không muốn con bé kia ở lại trong nhà một ngày nào nữa, anh hiểu không? Một
ngày,không, một giờ cũng không! Khi nó trở vào, mình sẽ đuổi nó.”
Ông
Lerebour bế bà lên và đặt lên cổ bà những chiếc hôn thẳng hàng kêu chùn chụt
như ngày trước. Bà lại im tiếng, đờ người ra vì ngạc nhiên, Nhưng ông đã ôm chặt
bà và kéo bà đến giường...
Khoảng chin giờ rưỡi sáng Céleste ngạc
nhiên vì chưa thấy ông bà chủ dậy, xưa nay họ vẫn luôn thức dậy rất đúng giờ cơ
mà. Cô bèn đến gõ nhẹ vào cánh cửa
Họ vẫn còn nằm bên nhau, chuyện trò vui
vẻ. Cô đứng sững, rồi nói: “Thưa bà, cà-phê sữa đây ạ.” Bà Lerebour nói bằng một
giọng rất dịu dàng: “Con đem tới đây, con gái! Chúng tôi hơi mệt, đêm qua mất
ngủ.”
Cô giúp việc vừa ra khỏi phòng là ông
Lerebour phá lên cười, vừa mơn trớn vợ vừa lập đi lập lại:” Phải chi em biết được!
Ôi,phải chi em biết được!” Bà cầm lấy tay ông: “Kìa, yên nào, anh. Nếu anh cứ
cười mãi như thế thì anh sẽ tự làm mình đau đó.” Và bà hôn lên mắt ông.
Bà Lerebour không còn tính gay gắt nữa.
Thỉnh thoảng vào những đêm trăng, hai vợ chồng rón rén bước dọc theo những lùm
cây và những bồn hoa, đến tận cái nhà kính nhỏ sau vườn. Họ dừng lại đó cạnh
nhau, thu mình sát mặt kính như thể đang hào hứng nhìn một sự lạ gì đó ở bên
trong.
Họ đã tăng tiền công cho Céleste.
Ông Lerebour đã gầy đi.
Chú thích:
(1)
Nantes:
tỉnh lỵ của tỉnh Loire-Atlantique, thuộc vùng hành chánh Pays de la Loire của
nước Pháp.
(2)
Rouen:
tỉnh lỵ của tỉnh Seine-Maritime thuộc vùng hành chánh Haute-Normandie, nước
Pháp.
THÂN
TRỌNG THỦY
dịch
từ nguyên bản tiếng Pháp “La Serre”
của
GUY DE MAUPASSANT