---------------------------------------------------------------------------------------------------------
Làm nghĩa là gì? Đại Nam Quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của (viết đúng như bìa gốc là :Đại Nam Quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của) giải nghĩa như sau: Làm là dấy việc, gầy việc, ra tay, ra công, chuyên chủ việc gì. Định nghĩa đó có vẻ không ổn lắm, vì ta lại có thể thắc mắc thế dấy việc, gầy việc là gì? Còn nữa, ai cũng biết có khi làm nhưng chẳng hề ra tay mà chỉ ra chân (như làm bàn chẳng hạn), chẳng hề ra công (như làm cha, làm mẹ, làm anh, làm em…) hay chẳng hề chuyên chủ việc gì cả (như làm gì, làm sao, làm chi, làm ghi…) Thiết tưởng khó mà tìm ra được một định nghĩa vừa ngắn gọn vừa đầy đủ. Một số từ điền tiếng Việt hiện đại có phân biệt 12 nghĩa khác nhau, nhưng có lẽ những cuốn từ điển đó chỉ phân loại một cách khái quát mà thôi chứ thực tế - cũng như động từ ăn và động từ nói- động từ làm chắc là có nhiều nghĩa hơn.
1. Trước hết làm được dùng thay thế cho nhiều động từ khác nhau và, vì thế, nghĩa của nó cũng rất đa dạng :
* Ăn : Làm một chén, làm một bữa, làm một bụng, làm ba miếng.
Nhưng xin đừng lỡ miệng mà nói :”Làm bậy ba miếng rồi đi cho kịp giờ”, nói thế người ta cười cho đó, vì “làm bậy ba miếng” hiểu theo nghĩa xấu là… eo ôi, ẹ lắm!
* Uống : Làm một ngụm, làm một lon, làm một vại, làm vài ly. Ông chồng rất khôn khi biết cách trả lời vợ như thế nầy: “Anh đâu có uống nhiều, anh chỉ làm ít ly thôi mà, say đâu mà say!” Nhưng làm ít ly nghĩa là làm y lít!
* Ngủ : Làm một giấc.
* Hát : Làm tuồng.
* Học : Làm ba chữ .
Tưởng làm ba chữ mà chơi vậy / Bỗng chốc nên quan đã sướng chưa! (Nguyễn Công Trứ / Thua bạc)
Làm ba chữ ở đây còn có nghĩa là đánh ba đồng ba trự, tức là đánh bạc.
* Đánh cờ, đánh bài : Làm một ván
* Du lịch : Làm một chuyến vòng quanh châu Âu.
* Gây gỗ, la mắng: Làm một trận
* Đọc, viết: Làm một mạch mười trang không nghỉ.
* Bắn: Làm một phát
* Đánh, đấm: Làm một cú ngay giữa mặt.
* Ghi chép : Làm sổ
* Sáng tác : Làm thơ, làm văn.
* Viết : Làm đơn, làm giấy.
* Nghiên cứu & viết: Làm sử, làm ngôn ngữ
“Chúng tôi vốn là dân làm ngôn ngữ nên nội dung các nhận xét có nghiêng hẳn về phía ngữ học…” ( Nguyễn Đức Dương / Tìm về linh hồn tiếng Việt )
* Chế tạo : Làm nước mắm, làm hộp quẹt.
* Xây cất : Làm nhà.
* Chất, đổ : Làm một đống choán hết lối đi.
* ( Mụt nhọt ) sung tấy : Làm mủ
[ Đừng lầm với Làm mũ ( dấu ngã ) là làm nón mũ .]
* Bài tiết: Làm một bãi, Làm xấu.
* Bài tiết không kiềm chế được: “Ông cụ lại làm trong quần rồi!”
2. Làm là thực hiện một vai trò , trong tuồng, trong kịch hoặc ngoài đời :
- Sử dụng vào một mục đích nào đó :
* Lấy đất làm chiếu, lấy chợ làm nhà.
* Lành làm gáo, vỡ làm môi.
· Áo vải thô nặng trịch, lạnh làm mền, nực làm gối, bốn mùa thay đổi bấy nhiêu; khăn lau giắt đỏ lòm, trải làm chiếu, vận làm quần, một bộ ăn chơi quá thú (Nguyễn Công Trứ / Hàn nho phong vị phú)
- Đóng vai: “Lan làm Trưng Trắc còn Mai làm Trưng Nhị.
- Ở một địa vị nào đó, giữ một vai trò nào đó :
* Làm dâu, làm rể.
Làm dâu khó lắm chị ơi /Vui chẳng dám cười, buồn chẳng dám than. (Ca dao).
* Làm cha làm mẹ, làm ông làm bà, làm con làm cháu…
Ta thường nghe nói : “Tao mà nói láo thì tao làm con mầy!”, hoặc khi nghe nói:”Nè, đừng làm cha nghe không!”, hoặc “ Đừng có làm trời làm đất!” thì phải hiểu là “Đừng có mà chơi trội! Đừng có muốn làm gì thì làm” chứ không phải chữ “cha” hay chữ “trời, đất”ở đây hiểu theo nghĩa thông thường đâu.
* Làm anh làm chị (khác với làm anh chị tức là làm du côn du đãng ):
Làm anh ăn trước bước đầu / Vẽ vời em út ngõ hầu thay cha (Ca dao).
« Làm anh khó lắm/ Phải đâu chuyện đùa/ Với em gái bé / Phải người lớn cơ! / … Làm anh thật khó / Nhưng mà thật vui / Ai yêu em bé / Thì làm được thôi. » (. Phan Thị Thanh Nhàn – Làm anh ).
* Làm trai thì phải:
- Làm trai quyết chí tu thân / Công danh chớ vội, nợ nần chớ lo
chứ đừng như thế nầy:
Làm trai rửa bát quét nhà / Vợ gọi thì dạ:”Bẩm bà tôi đây” thì nhục lắm!
- Làm trai cho đáng nên trai / Xuống Đông đông tĩnh, lên Đoài đoài tan.( Ca dao ).
* Còn làm gái thì: Làm thân con gái chớ thương chồng người
và Làm thân con gái chớ ăn trầu người (Ca dao)
Làm hoa cho người hái, làm gái cho người chòng (=ghẹo) nhưng mẹ dặn ai mời trầu thì đừng ăn.
* Làm vua làm quan, làm vương làm tướng, làm ma làm quỉ…
-“Tôi làm trạng nguyên, anh tể tướng..”(Nguyễn Vỹ / Nhớ Trương Tửu)
-“Ta thà làm quỉ nước Nam còn hơn làm Vương đất Bắc (Trần Bình Trọng).
* Làm bạn, làm chủ, làm thuê, làm thầy, làm thợ, làm người :
- Trời đất sinh ra chán vạn nghề / Làm thầy làm thợ với làm thuê
(Tú Xương / Tự trào)
* Làm chủ một hãng buôn là làm với tư cách người chủ, làm chủ tình thế là giữ thế mạnh, thế chủ động cho mình. Trái với làm chủ là làm thuê tức là làm cho người khác để được trả công.
* Làm khách thường dùng với nghĩa : làm ra vẻ người lạ, không thật tình ( trong tiệc tùng, ăn uống).
* Làm người :
Kiếp sau xin chớ làm người/ Làm cây thông đứng giữa trời mà reo (Nguyễn Công Trứ)
Có một câu của Đỗ Phủ ai cũng nhớ: “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”, Cụ Đồ Chiểu đã dịch câu đó thành văn vần rất hay: “ Làm người trong cõi gió mưa / Bảy mươi mấy mặt người xưa thấy nào” (Nguyễn Đình Chiểu / Lục Vân Tiên).
Nguyễn Công Trứ muốn kiếp sau làm cây (cây thông), còn một tác giả khác lại muốn làm cá, làm chim:
“Hoặc làm cá bể đông vùng vẫy/ Hang cửu nguyên tìm lấy nương thân/ Làm chim bay chín tầng vân/ Dọc ngang trời rộng mười phân thanh nhàn (Hồng Vân/ tự thán).
Nhưng “ làm trâu làm bò” chắc không ai muốn, vì không ai muốn ngu (ngu như bò), lại càng không muốn bị người khác gọi mình là bò, là trâu, như cái ông cử nhân trong giai thoại sau đây :
Một ông Cống mới thi đỗ, đệ đơn lên huyện xin làm thịt trâu để khao. Lúc ấy đang có lệnh cấm mổ trâu. Bà huyện Thanh Quan (thường hay thay chồng giải quyết đơn từ) muốn đùa ông Cử nên phê vào đơn rằng:
”Người ta thì chẳng được đâu/ Ừ thì ông Cống làm trâu thì làm”.
Ông Cống nhà ta chắc phải ngậm bồ hòn làm ngọt vì “làm trâu” ở đây còn có nghĩa là “làm con trâu” (cho người ta cỡi) chứ đâu phải chỉ là làm thịt trâu.
Nhân vật người vợ trong bài hát “Câu chuyện tê-lê-phôn” của nhạc sĩ Trần Văn Trạch thật là quá quắc khi mắng chồng như sau: “Mầy theo đồ đó, đồ trâu đồ chó, mầy không chịu về sao?”
Nhưng lỡ kiếp sau có làm chó thật thì cũng xin:
“Nếu làm chó, hãy làm chó của samourai” (tục ngữ Nhật)
Hoặc ao ước như một nhà thơ sinh viên Huế thuở nào:
“Kiếp sau nếu làm chó, xin được là chó berger, còn nếu làm người xin được là người sư phạm”
* Làm mai là làm trung gian trong hôn nhân. Người ta cho rằng làm mai là một trong bốn cái ngu ở đời:
Ở đời có bốn cái ngu / Làm mai, gánh nợ, gác cu, cầm chầu.(Ca dao)
- Định vị trí, phân ngôi thứ: Làm vợ cả, làm vợ thứ, làm lẽ, làm thiếp, làm bé, làm chủ, làm tớ…
- “Gió xuôi chạy lá buồm mền / Muốn vô làm bé biết bền hay không? (Ca dao)
- “Tiên Dung nói với Chử Đồng Tử: “Chàng có muốn lấy nàng kia làm thứ thất không?”
- “Đời Hùng Vương có một người tên là Mai An Tiêm, người ngọai quốc, mới được 7 tuổi, do thuyền buôn chở tới. Vương mua về làm đầy tớ” (Hồ Đình Chữ / Tìm hiểu thần thoại và cổ tích thời Hùng Vương)
- “Người hiếu nữ tên gọi là Vương Thúy Kiều vì việc cứu cha nên phải bán mình làm thiếp cho khách họ Mã lấy số tiền sính lễ là bốn trăm năm mươi lạng bạc (Bản dịch Kim Vân Kiều nguyên truyện)
3. Làm là thực hiện một công việc, một nghề nghiệp nào đó :
* Chuyên về một nghề : làm thợ, làm báo, làm quan, làm công chức, làm chính trị, làm cách mạng.
* Gò, sửa khung xe: Làm đồng
* Nấu ăn: Làm bếp
* Xếp đặt phòng, giường ngủ: Làm phòng, làm giường
* Vỡ đất: Làm đất
* Cày cấy, trồng trọt: Làm ruộng, Làm rẩy
* Đốn củi: Làm củi
* Chữa bệnh: Làm thuốc
* Tổ chức, cử hành: Làm lễ
* Sửa sọan thức ăn : Làm cơm, làm gà.
* Sửa sọan bữa ăn lớn để cúng giỗ hoặc cưới xin: Làm cỗ, làm tiệc, làm chay.
“Con cò mắc rò mà chết / Con quạ ở nhà mua nếp làm chay .”( Ca dao).
* Cúng vong hồn lúc mãn tuần: Làm tuần
* Bán trôn nuôi miệng: Làm đĩ, làm gái, làm tiền
* Nâng giá, đẩy giá lên để mong hưởng lợi: Làm giá
* Nhận việc làm xong mới nhận tiền công, không tính thời gian: Làm khoán
4. Làm là thực hiện một hành vi, hành động nào đó :
* Ra dấu: Làm hiệu
* Làm bộ làm điệu để vòi vĩnh vì biết được nuông chiều: Làm nũng
* Bức bách: Làm ngặt
* Khiến người khác phật lòng: Làm mếch lòng
* Bố thí, giúp đỡ người khác: Làm phước, làm phúc, làm ơn
* Làm chuyện lếu láo, hống hách: Làm tàng
* Lên mặt tự cao tự đại: Làm phách
* Bắt bí, lấn tới khi đã được lợi thế: Làm già
Đừng lầm với “làm nhà” mà ở thôn quê miền Trung người ta phát âm là “làm già”. Có người nói vui rằng khi dự tính chi phí làm nhà phải tính già lên một chút, vì thế nào cũng sẽ có chi phí phát sinh không lường trước được. Rõ ràng là làm già chứ không thể làm non được.
* Giữ một chức vụ, nhưng thực tế không làm gì cả: Làm vì
* Đưa bóng vào lưới của đối phương : Làm bàn
( Bàn đây là bàn thắng, không phải là làm bàn, làm ghế như trong lời đối thoại sau: « Nếu sai lời tao sẽ làm ghế cho mầy ngồi. »
*Tìm cách hòa thuận với người đã giận dỗi với mình: Làm lành
“Chồng giận thì vợ làm lành / Miệng cười hớn hở rằng: Anh giận gì?/ Thưa anh, anh giận em chi / Muốn cưới vợ lẽ em thì cưới cho” (Ca dao)
* Giả vờ: Làm bộ
* Giả vờ không quen không biết: Làm ngơ, làm lơ
“Đã không như là mơ, nếu tình cờ gặp xin cứ làm ngơ” (Trần Thiện Thanh / Gặp nhau làm ngơ)
* Nêu mẫu mực cho người khác theo: Làm gương
« Cho hay những kẻ tài tình lắm / Trời bắt làm gương để thế gian » (Phạm Quí Thích / Tổng vịnh truyện Kiều)
* Đứng ra xác nhận những điều mình đã chứng kiến: Làm chứng
* Để chứng thực một điều gì: Làm bằng
* Biếu xén vật gì để làm vui lòng ai: Làm quà
* Tô điểm sắc đẹp, sự quyến rũ cho mình : Làm đẹp, làm dáng, làm duyên.
* Gây khó khăn cho người khác : Làm khó
* Quấy nhiễu, làm rộn người khác : Làm phiền
* Làm chuyện sai quấy: Làm bậy
“Do đói quá, người ta đã làm bậy” (Võ Hương An / Chuyện đời vay trả)
“Chúng bây loài bọ gậy / Ở nước chỉ hay quấy / Xuống dưới đã ăn càn / Lên trên lại làm bậy » (Khuyết danh / Vịnh con muỗi)
* Làm cho hãnh diện, tự hào: Làm đẹp mặt
“Mong cho anh sớm thành tài / Trước làm đẹp mặt nở mày mẹ cha…” ( Ca dao)
* Gây tiếng động : Làm ồn
Tuy nhiên, trái nghĩa của làm ồn là làm thinh, mà thinh (= thanh) lại có nghĩa là tiếng!
- Làm thinh là tình đã thuận
- “Lần tiếng sẻ hỏi ai đàn tá?/ Dừng tiếng đàn nấn ná làm thinh’’
(Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị, bản dịch của Phan Huy Thực)
Sở dĩ có sự “tréo cẳng ngỗng” đó là do chữ nầy nguyên là hàm thinh,
hàm nghĩa là ngậm như trong hàm huyết phún nhân(=ngậm máu phun người), lâu ngày hàm thinh bị dùng chệch thành làm thinh.
5. Làm với một vài sắc thái chỉ cách thức, mức độ thực hiện :
* Làm qua loa cho có lệ: Làm lấy rồi, làm lấy có
* Làm không chú tâm, không kỹ lưỡng : Làm ẩu.
* Bắt chước một cách giả trá và làm tổn hại đến cái chân thật : Làm giả
* Làm không suy nghĩ, không cẩn thận : Làm bừa, làm đại.
* Làm lần đầu, chưa phải chính thức, còn sửa : Làm nháp
* Tự mình làm, không nhờ ai khác giúp: Làm lấy
* Làm cho mau rồi, cho xong chuyện: Làm phứt, làm phứt cho xong.
* Giải quyết rạch ròi cho rõ trắng đen: Làm cho ra ngô, ra khoai
* Phóng đại quá đáng một sự việc để gây bất hòa, tranh cãi: Làm to chuyện
6. Tính đa nghĩa của làm còn thể hiện ở các trường hợp dùng với nghĩa bóng, nghĩa mở rộng, nghĩa cũ, nghĩa mới, và thú vị nhất là dùng như tiếng lóng, dùng trong thành ngữ, tục ngữ .
* Tạo ra nhiều tiền của: Làm giàu
* Phát triển, làm cho phong phú: Làm giàu vốn từ vựng, làm giàu kiến thức.
* Bỏ số lẻ thập phân hoặc bách phân của một con số: Làm tròn (rounding)
* Thực hiện đầy đủ (nhiệm vụ): Làm tròn
- Làm tròn còn được sử dụng như “ thực hiện”, “ hoàn thành”:
…. “Xem như đang chết dần/ Người không biết xoay trở/ Khi công việc lở dở/ Hay đau khổ vì yêu/ Người không dám biết liều/ Để làm tròn mộng ước…(Thân Trọng Sơn / Đừng để mình chết dần chết mòn – chuyển ngữ từ bản tiếng Pháp thơ của Pablo Neruda)
* Làm thịt là giết ( thú vật ) nhưng Bọn côn đồ đã làm thịt cô gái thì hiểu là cưỡng bức.
* Làm cỏ là nhổ cỏ, giẫy cỏ và còn có nghĩa là tiêu diệt, tàn sát.
* Làm tiền không phải chỉ là kiếm tiền mà còn hàm ý kiếm tiền một cách bất chính. Còn nếu kiếm tiền bằng “vốn tự có” thì làm tiền đồng nghĩa với làm gái hay làm đĩ.
* Làm nhục là làm tổn hại danh dự người khác bằng lời nói, hành động, sức mạnh, uy quyền. Tuy nhiên nhiều lúc người phụ nữ bị làm nhục thì không phải chỉ danh dự bị tổn hại !
- Một số từ xưa ngày nay ít dùng, có thể khó hiểu :
* Làm lưng : Giữ làm vốn liếng, tạo số tiền ban đầu để làm ăn.
“ Đêm hôm cũng giấn mình đi / Sang đây kiếm ít đem về làm lưng (Hồ Huyền Quy /Truyện Trinh thử)
* Ở Huế trước kia có một từ rất hay mà hiện nay ít thấy dùng: Làm hoanh.
“ – Chiều nay mời cả nhà đi kéo ghế ở “Cháo lòng Đồng Ý”. Tôi bao.
“_ Này, không có tiền thì đừng làm hoanh nghe!”
- Ngược lại, một số từ mới xuất hiện, ban đầu là tiếng lóng rồi phổ biến dần :
* Làm phao :Lén lút chuẩn bị tài liệu để quay cóp trong phòng thi.
* Làm luật : Nộp tiền hối lộ cho quản lý bến bãi hoặc cho cảnh sát giao thông.
* Làm việc : nghĩa là bị thẩm vấn
Nó vừa được mời lên phường làm việc với công an.
- Trong quan hệ nam nữ, để chỉ “ chuyện ấy ” có khi không cần phải nói làm tình mà chỉ là làm hay làm ăn :
- Bố đã 75 tuổi rồi, đâu còn làm ăn gì được nữa!
- (Bạn bè hỏi nhau): “Tối qua mầy chở nhỏ X. đi chơi, có làm ăn gì được không?”
- (Trong phòng, nữ thúc giục nam) : “Làm đi anh!”
-“Chị Xấu ôm anh Giàu khóc, nói: “Ôi chồng ơi, chồng ơi, chó mèo còn biết làm, răng anh (sao anh) không biết?” ( Nguyễn Quang Lập / Xóm đàn bà hoang).
- “Anh nghĩ coi, ngày chui lủi trong rừng, túi (tối) về uống bát rượu, con cái ngủ hết, điện đóm không có, tui với mạ hắn rủ nhau mần cái hè (làm một cái nhé), rứa là đẻ thôi”.( Nguyễn Thế Thịnh / Đánh kẻng gọi con).
“Làm” được gọi là “Mần” ở một số địa phương miền Trung.
Mần việc = Làm việc; Mần ăn = Làm ăn.
Nhiều người nghe không hiểu câu nầy:
“Đôi ta thương chắc mần ri/ Cha mẹ mần rứa anh thì mần răng”(Ca dao) (thương chắc = thương nhau; mần ri = như thế này; mần rứa = làm thế; mần răng = làm sao).
- « Tau ở nhà tau, tau nhớ mi/ Nhớ mi nên phải bước chân đi/ Không đi mi nói răng không đến/ đến thì mi nói đến mần chi /Mần chi tau đã mần chi được/ Mần được tau đã mần lắm khi (Nguyễn Công Trứ/ thư gởi bồ nhi)
Có một giai thoại: Một hôm ông nghè Tân đi thanh tra các hạt, nhân ghé vào một quán hàng, gặp một người đàn bà nhờ ông viết hộ một cái đơn khai để nộp tiền xin chôn trâu. Ông nghè Tân hỏi đầu đuôi mới rõ quan phủ nơi đó đã ra lệnh rằng hễ ai có trâu chết phải nộp 5 quan. Ông nghè liền viết hộ người đàn bà lá đơn như sau:
“Tôi là phận gái nữ nhi/ Có con trâu chết tôi đi trình ngài/ Vội vàng váy trụt đơn rơi/ Tôi mượn một người mần cái đơn ni/ Quan Tri kia hỡi quan Tri/ Xin quan chấp lấy đơn ni làm bằng/ Dù quan có hỏi mần răng/ Rồi quan cắn cỏ lạy thằng mần đơn”
Người đàn bà kia không biết chữ, cứ cầm cái đơn thẳng đến phủ. Quan phủ xem xong toát mồ hôi, hỏi cặn kẽ rồi cho lính đi dò xem ai là kẻ làm đơn. Đến khi biết tác giả bài thơ là quan thanh tra, quan phủ vội vàng đi đón rước rồi van lạy sói trán! Từ đó trong phủ nếu có trâu bò chết thì cứ cho chôn, phủ không dám vòi tiền nữa.(Trần Trung Viên/ Văn đàn bảo giám)
- Tay cầm quạt giấy che trăng/ Thiếp thương chàng vô tận, biết mần răng đặng chừ (=biết làm sao được bây giờ) (Ca dao)
- Ví dù đèn tắt đã có trăng/ Khổ em thì em chịu, biết làm răng đặng chừ ( Bài ca quê hương – Tố Hữu )
Đề cập đến cái hay, cái đẹp, cái tinh túy của tiếng Việt, ngoài chữ “làm thinh” nói ở đọan trên, chúng tôi xin nêu thêm một vài từ kết hợp với ‘làm’ nữa:
a/.- “Làm đôi” bao gồm hai nghĩa đối lập nhau:
- “Tách làm đôi” và “Gộp chung làm một” (một đôi) :
Cô kia cắt cỏ một mình/ Cho tôi cắt với chung tình làm đôi/ Cô còn cắt nữa hay thôi/ Cho tôi cắt với làm đôi vợ chồng” (Ca dao)
Tách làm đôi thì ta có hai phần, còn “làm đôi vợ chồng” thì lại hàm ý gộp lại.
b/.- Diễn tả một ý phủ định bằng một câu hỏi:
- Làm sao em hiểu được? có nghĩa là: Em không hiểu đâu.
“ Những lừa lọc làm sao Em hiểu được/ Lòng thơ ngây trong sáng ánh thủy tinh ( Đặng Lệ Khánh / Nhìn cung tên, nhớ Mỵ Châu)
c/ Những từ kết hợp “làm sao”, “làm cho”, “làm chi” là những từ thường được nhắc đến trên cửa miệng, do đó ta gặp nhiều trong ca dao, tục ngữ, và thơ văn:
* Làm sao = Cớ sao, tại sao: “Làm sao bác vội về ngay”(Nguyễn Khuyến/Khóc Dương Khuê)
* Làm sao = như thế nào: “Nơi ăn đã vậy, nơi nằm làm sao?” (Ca dao)
* Làm sao = làm thế nào, làm cách nào, liệu cách nào.
- “Làm sao cho đỏ môi nhau thì làm” (Ca dao)
- “Anh quê mùa, tay chân đen bùn lấm/ Làm sao thành hoàng tử đánh thức em…(Tràm Cà Mau / Em ngủ giấc thần tiên trên rơm)
* Làm sao = Gì, bao nhiêu
“Quan chẳng quan thì dân, chiếu trung đình ngất ngưởng ngồi trên, nào lềnh, nào trưởng, nào bàn ba, xôi làm sao, thịt làm sao, đóng góp là làm sao, một năm mười hai tháng thảnh thơi, cái thủ lợn nhìn thầy đã nhẵn mặt…”(Nguyên Công Trứ)
* Làm chi:
- “Chàng ơi phụ thiếp làm chi/Thiếp là cơm nguội đỡ khi đói lòng (Ca dao)
- “Mười lăm năm ấy bao nhiêu sướng/ Còn trách làm chi đứa bán tơ” (Từ Đạm / Thơ vịnh Kiều)
- “Tui không điên, cũng không hề bối rối / Ngó làm chi cho tủi nhục đau thương…” (Nguyễn Thị Hoàng / Chi lạ rứa)
- Làm chi cũng chẳng làm chi
Dẫu có làm gì cũng chẳng làm sao!
Làm sao cũng chẳng làm sao,
Dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi! (Ca dao)
* Làm ghi :
- “Của tin gọi một chút nầy làm ghi”( Kiều )
- “ Trời cao biển rộng đất dày / Núi Nùng sông Nhị chốn nầy làm ghi” (Ca dao).
d/ Làm gì không phải chỉ có ý hỏi mà còn là :
* Chối bỏ, phủ nhận: Làm gì có!
* Thách thức: Làm gì nhau nào!
Có rất nhiều thành ngữ, tục ngữ quen thuộc liên quan đến động từ làm này :
*Chín bỏ làm mười, dám làm dám chịu, ai làm nấy chịu, bụng làm dạ chịu, dám nghĩ dám làm :
Những năm gần đây ta hay gặp một thành ngữ chế diễu hạng người chỉ tay năm ngón, chỉ biết sai khiến hay xúi giục người khác làm, còn mình thì không dám làm hoặc làm không được: Dám (Giám) đốc chứ không dám làm
* Làm cỗ cho ma ăn : Làm khó nhọc để người khác hưởng.
* Quít làm cam chịu :Người nầy làm mà người khác lãnh hậu quả.
* Cưa sừng làm nghé : Làm ra vẻ còn tơ, còn trẻ.
* Làm bia đỡ đạn : Chịu búa rìu dư luận, chịu nguy hiểm thay người khác.
…
Chúng quen thuộc đến độ dễ dàng đi vào ngôn ngữ hàng ngày của mọi người.
Ta hãy nghe một ông chủ la rầy thuộc cấp của mình để thấy rõ điều đó :
“ Tôi đã bảo là cứ làm như tôi nói chứ đừng làm như tôi làm mà anh có nghe đâu. Nếu anh làm như tôi làm thì anh lên làm sếp cho rồi! Anh nên nhớ làm thì có chúa múa thì có trống mà anh làm vậy coi sao được, làm thử rồi làm thiệt, làm lui làm tới, làm đi làm lại, làm rồi làm nữa,làm mãi làm hoài mà cứ làm sai, làm hư, làm trái, làm thừa làm thiếu, làm quanh làm quất, làm tưới hột sen, chẳng có trách nhiệm gì cả. Lại còn dám nói “làm cho lắm tắm cũng ở truồng” nữa chứ! Nếu anh siêng năng chăm chỉ một chút thì có khi tôi cũng nghĩ lại mà chín bỏ làm mười. Đằng này anh là cái thứ làm thì ốm mà đâm cốm thì siêng. Thật là đồ làm dối, làm biếng, làm lấy có, làm cho có làm, làm lấy rồi, làm tào lao, làm qua quít, làm bỏ mứa, làm ẩu xỉ tả, làm ẩu làm tả, làm bậy làm bạ, làm cho có lệ, ăn vặt quen miệng làm biếng quen thân, làm qua loa, làm qua-loa-rờ-măng, làm như nhà trò giữ nhịp; người đâu mà ăn thì như rồng cuốn, nói như rồng leo, mà làm thì như mèo mửa. Lại còn làm bộ làm tịch, nào ai làm tình làm tội gì anh mà mỗi lần nói động tới là anh làm mặt sưng mày sỉa, anh làm mình làm mẩy; làm kinh doanh mà cứ như làm văn nghệ không bằng, việc cần làm anh không làm, anh đi làm chuyện ruồi bu, anh ra mặt dạy tôi phải biết làm việc thiện, phải biết làm phúc à? Thế anh không nghe người ta nói làm phúc phải tội, làm phúc quá tay ăn mày không kịp à? Thôi không nói nhiều. Làm trong giờ của nhà nước mà như thế thì kể từ nay anh phải làm thêm ngoài giờ, làm tăng ca, ăn đến nơi thì làm phải cho đến chốn, làm cho có mưa gió mà ăn chứ làm cái kiểu đó thì tôi biết ăn làm sao nói làm sao với cấp trên đây? Tôi nói vậy anh nghe lọt lỗ tai thì tốt, còn nếu anh muốn làm lại cuộc đời, muốn tìm nơi khác để làm quan rồi ngồi không mà ăn được lộc vua, ở chùa ăn được lộc phật, thì tùy anh, tôi không ép.”
Và đây là câu nói lầm bầm của anh nhân viên khốn khổ : “Đúng là đồ làm lớn làm láo, ỷ thế làm ông chủ rồi tha hồ làm tàng, làm phách, làm ta đây, làm mặt làm mày, làm mưa làm gió, làm hùm làm hổ. Rõ ràng là giận ai đâu rồi đem mình ra làm cục kê, làm bia đỡ đạn. Tưởng ổng ăn nên làm ra, tay trắng làm nên sự nghiệp thì cũng biết nhón tay làm phúc làm phước với kẻ ăn người làm trong sở, nào dè… còn lâu ông ấy mới biết làm phúc: làm phúc nơi nao, cầu ao chẳng bắc. Thú thật là đã có lúc mình quyết làm cho ra lẽ, làm cho ra ngô ra khoai, bởi vì nghĩ mình đây: Vốn đã biết làm thân kẻ khó/ Có dám đâu đánh đọ với giàu (Bần nữ thán), nhưng lúc đói chẳng ăn vụng, lúc túng chẳng làm càn. Phải chi mình biếng nhác, trễ nãi làm hư việc của ổng thì mình cũng đành bụng làm dạ chịu, ai làm thì nấy chịu, vì xưa nay mình là kẻ dám nghĩ dám làm, dám làm dám chịu. Đằng này mình thấy mình vẫn luôn luôn làm tốt, thậm chí làm quá tải, lại còn làm dâu cả trăm họ mà ổng còn chưa vừa lòng. Mình làm vậy có khác chi làm đầy tớ không công. Ngày ngày làm như đánh vật, làm không kịp thở ăn chẳng kịp nhai ( Lục súc tranh công ), làm đổ mồ hôi sôi nước mắt, làm ngày làm đêm, làm thâu đêm suốt sáng, làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm, mình vẫn hiểu rằng tay làm hàm nhai tay quai thì miệng trễ nên luôn luôn làm cật lực, làm hết sức mình, lúc nào cũng vừa làm vừa học, đâu có như người ta làm chơi mà đòi ăn thiệt, làm chung mà đòi ăn riêng, làm khi lành để dành khi đau chứ đâu có làm đồng nào xào đồng đó, chẳng những một mình mình làm mà còn huy động cả nhà góp công góp sức nữa:
Thế mà cả gái trai già trẻ/ Đều còng lưng làm nghé làm trâu (Ca dao)
Thế mà đói vẫn hoàn đói. Thật là hay làm thì đói hay nói thì no. Ổng đã làm mặt lạ với mình, làm tổn thương lòng tự trọng của mình, nói những câu như giọt nước làm tràn ly, mình còn biết làm sao đây hở trời! Thật đúng là làm ơn mắc oán!
Một từ với 12 nghĩa ghi trong từ điển ( như đã nói ở phần đầu ) xem ra đã là nhiều. Vậy mà chịu khó tìm thêm một chút bài viết này đã ghi nhận trên 80 nghĩa và chắc chắn là chưa hết. Ai dám bảo là tiếng Việt nghèo ?
Thân Trọng Thủy