lundi 4 avril 2016

PHÍA BÊN KIA CỦA THÁP BABEL




Tôi đã mất cả buổi sáng để giải thích là tôi quan tâm đến cư dân trong vùng quê hơn là bảo tàng và giáo đường, và, do vậy, tốt hơn là chúng ta nên đi chợ. Họ bảo tôi rằng hôm nay cả nước nghỉ lễ và chợ đóng cửa.
“ Vậy thì ta đi đâu?”
“ Đi nhà thờ.”
Tôi biết ngay. 
“ Hôm nay chúng tôi làm lễ tưởng niệm một vị thánh rất đặc biệt với chúng tôi, và chắc chắn là với ông nữa.Chúng ta sẽ đến viếng mộ vị thánh này. Nhưng xin đừng hỏi gì nữa và hãy chấp nhận là đôi khi chúng tôi muốn dành ngạc nhiên thú vị cho các nhà văn.”
“Mất bao lâu để tới đó?”
“Hai mươi phút.”
Hai mươi phút là câu trả lời tiêu chuẩn. Tôi biết thế, dĩ nhiên, nhưng thế nào cũng phải lâu hơn. Tuy nhiên, cho đến lúc này, họ đều tôn trọng ý thích của tôi, cho nên tốt hơn hết là tôi nên nhượng bộ lần này.
Sáng chủ nhật này, tôi đang ở Yerevan, xứ Armenia. Tôi miễn cưỡng bước lên xe. Tôi có thể nhìn thấy ngọn Ararat phủ tuyết ở phía xa. Tôi ngắm nhìn cảnh đồng quê chung quanh. Ước gì tôi có thể tản bộ ngoài đó, thay vì bị kẹt lại trong chiếc hộp kim loại này. Những người đón tiếp tôi cố tỏ ra tử tế với tôi nhưng tôi không thoải mái, buộc lòng phải chấp nhận " chương trình du lịch đặc biệt” này. Cuối cùng họ cũng từ bỏ toan tính muốn tạo cuộc trò chuyện, và chúng tôi tiếp tục ngồi trên xe trong im lặng.
Năm mươi phút sau ( tôi biết vậy mà!), chúng tôi đến một thị trấn nhỏ và tiến đến một nhà thờ đông nghẹt người.Tôi để ý là mọi người đều mặc còm lê đeo cà vạt, hẳn là một sự kiện trang trọng, tôi cảm thấy thật lố bịch với áo thun và quần jean. Tôi bước xuống xe, nhiều vị trong Hội Nhà Văn đang chờ tôi ở đó. Họ trao hoa cho tôi và hướng dẫn tôi đi qua đám đông đang dự lễ. Chúng tôi bước xuống mấy bậc cấp sau bàn thờ. Tôi thấy mình đang đứng trước một ngôi mộ. Tôi hiểu rằng đây là nơi vị thánh được chôn cất, nhưng trước khi đặt hoa lên mộ, tôi muốn biết người mà tôi tỏ lòng tôn kính là ai đây.
“ Vị Thánh Dịch thuật!”, là câu trả lời.
Thánh Dịch thuật! Mắt tôi đẫm lệ.
Hôm nay là ngày 9 tháng mười năm 2004, tên thành phố là Oshakan, và Armenia, theo như tôi biết, là nơi duy nhất trên thế giới đã công bố ngày lễ Thánh Dịch thuật, Thánh Mesrob, là ngày quốc lễ và đây là nơi họ cử hành lễ theo đúng nghi thức. Cùng với việc tạo ra bảng chữ cái tiếng Armenia ( ngôn ngữ này đã tồn tại từ trước nhưng chỉ ở dạng nói ), Thánh Mesrob đã cống hiến cả đời mình vào việc phiên dịch sang tiếng mẹ đẻ những văn bản quan trọng của thời đại, viết bằng tiếng Hy Lạp, Ba Tư và Cyrillic. Ông và các môn sinh đã cống hiến cả đời cho công việc vĩ đại là dịch Kinh Thánh và những tác phẩm văn học kinh điển quan trọng của thời đại. Từ đấy về sau, nền văn hóa của đất nước ông đã tạo được bản sắc riêng, và được duy trì cho đến ngày nay.
Vị Thánh Dịch Thuật. Tôi cầm đóa hoa trong tay và nghĩ đến tất cả những người tôi đã từng gặp hoặc có thể không bao giờ có cơ hội được gặp, nhưng những người này, giờ đây, đang cầm một trong những tác phẩm của tôi trong tay và đang cố hết sức để giữ cho trung thành với những gì tôi muốn chia sẻ với độc giả của mình.Hơn hết thảy, tôi nghĩ đến nhạc phụ của tôi, Christiano Monteiro Oiticica, nghề nghiệp: dịch thuật, người mà hôm nay đang  cùng với các thiên thần và với Thánh Mesrob chứng kiến cảnh tượng này. Tôi nhớ lại hình ảnh ông đang khom mình trên chiếc máy đánh chữ cũ kỹ, và thỉnh thoảng than phiền về số tiền nhuận bút tệ hại trả cho việc dịch thuật ( và, than ôi, bây giờ cũng thế ). Tuy nhiên, ngay sau đó ông vẫn tiếp tục giải thích rằng lý do thực sự ông làm công việc này là vì muốn chia sẻ những kiến thức mà, nếu không có các nhà dịch thuật, sẽ không bao giờ đến với đồng bào của ông.
Tôi lặng lẽ cầu nguyện cho ông, cho tất cả những người đã giúp phiên dịch những cuốn sách của tôi, và cho những người đã cho phép tôi đọc được những cuốn sách mà nếu không có bản dịch của họ, tôi sẽ không bao giờ tiếp cận được, và như thế, đã giúp tôi – môt cách ẩn danh – hình thành cuộc sống và tính cách của mình. Khi rời nhà thờ, tôi thấy vài đứa trẻ đang viết bảng chữ cái với những viên kẹo có hình các chữ cái và với những bông hoa, rất nhiều hoa.
Khi loài người ngày càng có nhiều tham vọng, Thượng Đế đã hủy Tháp Babel, và mọi người bắt đầu sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau.Tuy nhiên, với lòng khoan dung vô biên, Ngài cũng đã tạo nên những con người để tái dựng những chiếc cầu ngôn ngữ, nhằm mở ra đối thoại và truyền bá tư tưởng nhân loại. Con người này, mà ta ít khi chịu khó lưu ý đến tên mỗi khi giở ra đọc một cuốn sách nước ngoài, chính là nhà dịch thuật.


PAOLO COELHO
TTS dịch

vendredi 1 avril 2016

NHÀ DỊCH THUẬT



NHÀ DỊCH THUẬT


Mấy tháng cuối của năm 2014, trên Blog Phạm Cao Hoàng thường đăng những tác phẩm dịch thuật kèm bài giới thiệu của Thân Trọng Sơn. Thường thấy, bên dưới đầu đề và tên tác giả nước ngoài, chạy chữ cỡ lớn,  là mấy chữ  nhỏ “Thân Trọng Sơn dịch và giới thiệu.”

Công việc dịch và giới thiệu, xưa nay, nhiều người đã làm và làm thật xuất sắc. Nhờ tài năng, sự thông tuệ và lao động sáng tạo của các bậc tiền bối dịch giả mà các thế hệ độc giả Việt Nam đã tiếp cận được với nhiều tác phẩm kim-cổ từ nhiều nền văn học trên thế giới. Khó có thể đánh giá đúng mức ảnh hưởng của những tác phẩm dịch thuật này lên tâm hồn Việt Nam. Nhưng, có thể nói, các bậc tiền bối dịch giả đã có đóng góp rất lớn vào việc nâng cao tầm nhận thức cũng như trình độ thưởng ngoạn văn học nghệ thuật của người Việt. Không có những quyển sách dịch, trình độ thẩm mỹ của độc giả (và cả tác giả) Việt Nam chắc khó đạt được như ngày hôm nay.
Công việc dịch và giới thiệu, các bậc tiền bối đã làm thật xuất sắc và Thân Trọng Sơn đã kế thừa sự xuất sắc đó. Kế thừa và có nét duyên riêng thật đáng yêu. Chữ nghĩa trong các bản dịch của Thân Trọng Sơn mới mẻ, tươi nguyên và như là của riêng ông. Đọc tác phẩm của các tác giả cổ điển, qua bản dịch của Thân Trọng Sơn, ta có cảm giác như ông đang giới thiệu một tài năng mới, kiệt xuất, nhưng còn ẩn danh của Việt Nam.

Để kết luận, xin trích đoạn cuối trong “Phía bên kia của Tháp Babel”, một trong hai mươi truyện ngắn của nhà văn Brazil - Paulo Coelho - mà Thân Trọng Sơn đã dịch và giới thiệu: “Khi loài người ngày càng có nhiều tham vọng, Thượng Đế đã hủy Tháp Babel, và mọi người bắt đầu sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Tuy nhiên, với lòng khoan dung vô biên, Ngài cũng đã tạo dựng nên những con người để tái dựng những chiếc cầu ngôn ngữ, nhằm mở ra đối thoại và truyền bá tư tưởng nhân loại. Con người này, mà ta ít khi chịu khó lưu ý đến tên mỗi khi giở ra đọc một cuốn sách nước ngoài, chính là nhà dịch thuật."

Trong ý nghĩa này, Thân Trọng Sơn xứng đáng được gọi là Nhà Dịch Thuật.

Nguyễn Âu Hồng
Oregon, January 2015




http://phamcaohoang.blogspot.nl/2016/03/2204-nguyen-au-hong-nha-dich-thuat.html?m=0