jeudi 3 mars 2016

HOÀI NIỆM VỀ MỘT NGÔI TRƯỜNG










Trong quãng đời 40 năm dạy học, tôi đã dừng chân tại 10 ngôi trường tại ba địa phương khác nhau, công lập và tư thục, trung học và cao đẳng; nơi lâu nhất là tám đến mười năm, nhưng cũng có nơi chỉ một vài niên khoá. Tình cảm gắn kết, kỷ niệm lưu lại không phụ thuộc vào thời gian dài hay ngắn, mà từ những ấn tượng đặc biệt do hoàn cảnh, môi trường làm việc và tập thể những đồng sự. Trường Trung học Chi Lăng  Đà Lạt ( nay đang nhìn lại 40 năm hình thành và phát triển của mình ) là ngôi trường tạo cho tôi những ấn tượng đặc biệt đó.

PHÚT ĐẦU TIÊN ẤY NAY ĐÂU?

Tháng 9 năm 1978 tôi thuyên chuyển từ Huế vào Đà Lạt. Theo quyết định của Bộ Giáo Dục ghi " đến nhận công tác tại Ty Giáo Dục Lâm Đồng", tôi đến trình diện tại Ty, ở đường Đào Duy Từ. Trưởng phòng Tổ chức lạnh lùng tuyên bố: Các trường ở Đà Lạt không có nhu cầu giáo viên tiếng Pháp, Ty phân anh về Cấp 3 Di Linh. Bất ngờ trước quyết định này, tôi thưa lại: " Tôi chưa sẵn sàng đi xa ( như các đồng nghiệp trẻ mới ra trường cùng đến trình diện một lượt với tôi ) và có nguyện vọng dạy ở Đà Lạt để tiện chăm sóc con đầu lòng chưa đầy một tuổi. Xin Anh xem lại hồ sơ cá nhân và xem xét hoàn cảnh của tôi." Một tuần sau, tôi trở lại và nhận quyết định về Trường Cấp 3 Chi Lăng.
Tôi về trường trình diện Hiệu trưởng Phùng Tất Thắng và được biết trường hiện có hai giáo viên tiếng Pháp là Cô Tuyết Sơn và thầy Nguyễn Thành Cao, trường chỉ nhận tôi để dạy tiếng Anh. Tất nhiên tôi không từ chối vì đã từng dạy ngoại ngữ này từ mười năm trước. Thời gian này, trường không nhiều lớp, cơ sở khiêm tốn, đội ngũ không đông. Tôi được phân dạy 2 lớp 10 A ( ban ngoại ngữ ) và 10 D ( ban Hoá Sinh ). Với sự dìu dắt của Tổ trưởng Tạ Tất Thắng, công tác chuyên môn của tôi khởi đầu khá suôn sẻ. Tuy nhiên tôi thực sự lúng túng khi làm công tác chủ nhiệm vì không có chút kinh nghiệm nào. Tôi từ xa mới chuyển đến sống tại thành phố cao nguyên này, chưa biết gì về địa lý, phong tục tập quán, dân tình nơi đây, lại càng không hiểu về hoàn cảnh gia đình học sinh, hình như phần lớn là nông dân, nhiều em ở rất xa trường, nghỉ học và đi trễ thường xuyên. Tôi đã mất ba buổi trưa liên tiếp đạp xe trong nắng gió mới tìm ra nhà em Phạm Ngọc Bích ở đường Khe Sanh lạ lẫm, vắng vẻ, heo hút ( chứ không đông đúc sầm uất như hiện nay ) để tìm hiểu lý do vắng mặt của em. Đó chỉ là chuyện nhỏ so với khó khăn tôi gặp phải khi hướng dẫn học sinh lao động. Nhìn lịch công tác trên bảng ghi: chiều thứ năm " lao động tại hiện trường" tôi hoang mang quá đỗi ( thiệt tình là nay nhớ lại tôi vẫn không hiểu " hiện trường " nghĩa là gì ). Mỗi lớp được chia một diện tích bằng nhau trong khoảng đất bên ngoài trường để trồng các loại đặc sản như khoai tây, cà rốt, bắp sú v.v., những thứ ở quê cũ tôi ít khi được ăn, nói gì đến chuyện trồng! Tôi ngơ ngác khi nghe các đồng nghiệp dặn học sinh mang theo cái vá ( sao trồng khoai lại mang dụng cụ nấu ăn đi? ), bình xoa để tưới ( nghe chữ tưới tôi đoán " xoa " phiên từ chữ Pháp arrosoir ), rồi nhớ lên "rò" cho cao ( sau tôi mới được giảng là đắp vồng ). Khỏi phải nói là tôi chẳng hướng dẫn được gì việc chọn giống, tỉa tưới cây, bắt sâu bệnh... mà để học sinh tự biên tự diễn. Kết quả là sơ kết học kỳ 1, tổ chuyên môn bình bầu tôi đạt lao động tiên tiến thì hiệu phó Lê Văn Mỹ cương quyết bác với lý do thành quả lao động của lớp chủ nhiệm quá tệ!
Dẫu sao thì sau thời gian làm quen với nề nếp của ngôi trường đầu tiên trên thành phố lạ, tôi nghĩ là mình sẽ tự tin hơn và công tác hiệu quả hơn. Dòng đời đâu có êm ả như tôi nghĩ: đầu học kỳ 2, hiệu trưởng Phùng Tất Thắng rời trường để đi xây dựng một đơn vị mới thành lập là Trường Vừa Học Vừa Làm 26/3, kéo theo một số giáo viên của trường cùng đi.

THÔI CHIA LY TỪ ĐÂY

Vừa Học Vừa Làm là một loại hình trường học đặc biệt, học sinh học văn hoá một buổi và lao động một buổi, được nhà nước cấp học bổng và lương thực. Do đặc điểm này nên đội ngũ được chọn là giáo viên thanh niên khoẻ mạnh, son rỗi để cùng học sinh lao động, sao cho sau 3 năm thầy trò phải tự túc được kinh phí đào tạo. Tôi không thuộc đối tượng đó nhưng vẫn được điều chuyển vì tổ chức nhắm tôi sang đấy sẽ dạy vừa tiếng Anh vừa tiếng Pháp, đỡ một biên chế cho ngành. Tôi chưa kịp có ý kiến gì thì hiệu trưởng Nguyễn Văn Huyên mới về thay đã chỉ đạo không xếp giờ cho tôi nữa. Vậy là duyên vừa bén thì tình đã đứt đoạn, tạm biệt nhé, Chi Lăng! ( không dám hẹn ngày tái ngộ ).
Có vẻ như trường VHVL không thành công lắm với cơ ngơi chật hẹp ở gần thác Cam Ly nên đến năm 1983, trường chuyển về xã Gia Hiệp, huyện Di Linh. Các giáo viên độc thân hoặc người nào có gia đình mà tình nguyện thì đi theo trường, số còn lại được chuyển về các trường khác trong thành phố Đà Lạt. Thế là một lần nữa, số phận của tôi do tổ chức định đoạt. Lạ lùng thay, tôi được phân về Trường Sư Phạm Mẫu Giáo, đóng tại  trường Trần Hưng Đạo cũ, xa tít tắp. Hiệu trưởng Lê Minh Tuân vui vẻ nói: Ty đưa anh về đây thì tôi nhận mặc dù trường không dạy bộ môn của anh. Anh cứ đưa quyết định để tôi nói kế toán làm lương cho anh, rồi anh về nghỉ, cứ đầu tuần anh trở lại để xem có việc gì không. Có thể tôi sẽ cho giáo sinh học thêm ngoại ngữ để anh có giờ dạy! Đến lần đầu tuần thứ ba thứ tư gì đó thì hiệu trưởng nói: Tôi chưa kiếm được việc gì cho anh làm, may quá Ty điều anh đi nơi khác rồi, quyết định của anh đây!

NGƯỜI NGỠ ĐÃ RA ĐI , NHƯNG NGƯỜI BỖNG LẠI VỀ.

Tôi cầm quyết định với một bất ngờ thú vị: về lại trường Chi Lăng! Tôi hân hoan trở về trường cũ trình diện hiệu trưởng mới là thầy Nguyễn Thành Lý. Ngay trong phiên họp hội đồng đầu tiên, hiệu trưởng ưu ái dành cho tôi lời phê bình nghiêm khắc là nhận công tác trễ mấy ngày so với Quyết định của Ty. Tôi bị oan ( vì QĐ của tôi trường SPMG giữ, đầu tuần tôi mới gặp hiệu trưởng để nhận ) nhưng tôi không trần tình gì vì trong lòng tôi đang rộn ràng niềm vui gặp lại các đồng nghiệp cũ đã quen từ 5 năm trước, càng vui hơn trước không khí thân tình, phấn khởi của tập thể sư phạm có tăng cường thêm nhiều khuôn mặt trẻ trung, dễ mến. Tôi nhanh chóng hoà đồng với môi trường mới với hy vọng sẽ gắn bó lâu dài. Tôi đặc biệt thích thú với hoạt động đầy sáng tạo của nhà trường: đến giờ chơi giữa buổi học tổ chức cho học sinh ca hát phát qua loa phóng thanh. Chính phong trào " Hát cho sân trường rộn tiếng hoan ca" này đã tạo điều kiện cho học sinh phát triển năng khiếu và dành nhiều giải trong các hội diễn của ngành ( giải đơn ca với bài Hát về anh của nhạc sĩ Thế Hiển ). Nhiều tiếng hát học trò đã trưởng thành từ đây: Nguyệt Hằng, Quỳnh Liên, Kiều Sương...
Ít lâu sau tôi được bầu làm thư ký công đoàn trường. Ban Chấp hành ( có thêm cô Phan Thị Huệ và thầy Nguyễn Ngọc Danh ) thống nhất quan điểm là không sa đà vào những việc bình thường và tầm thường là cơm áo gạo tiền và thăm viếng hiếu hỉ ( chỉ cần những người tốt bụng và rảnh việc ) mà tập trung vào việc xây dựng khối đoàn kết, quan tâm giúp đỡ nhau. Hiệu trưởng đồng ý dành 15 phút trong mỗi buổi họp hội đồng cho công đoàn sinh hoạt. Các tổ công đoàn luân phiên phụ trách nội dung này với các tiết mục kể chuyện, ngâm thơ, ca hát, tạo không khí vui vẻ, tin cậy, hoà đồng. Tổ nào không có ai thạo những việc này có thể nhờ người tổ khác và người được nhờ nhiều nhất là hiệu trưởng với tư cách là đoàn viên công đoàn tổ Toán. Các bài ca Bình Trị Thiên khói lửa,  Cuộc đời vẫn đẹp sao... đã giúp xây dựng hình ảnh người anh cả dễ tính, dễ gần và dễ mến.
Mọi người còn muốn đẩy mạnh những sinh hoạt giao lưu kiểu này ra khỏi khuôn khổ phòng họp bằng các cuộc gặp gỡ bên ngoài, có chút thực phẩm và nước uống. Không ai mời ai, không ai đãi ai, ai thích thì tham gia và đóng góp vào chi phí. Lúc này nhà nước vận động mọi người mua công trái mệnh giá 100 đồng, anh em đề xuất mỗi người đóng góp một nửa số đó và gọi là đóng công phải. Từ đó có tên gọi không chính thức mà ai cũng hiểu là Hội Công phải. Lần đầu tiên họp tại nhà hàng Sương Mai cạnh trường, sau đó tại tư gia các thành viên có điều kiện tổ chức.
Những sinh hoạt này ban đầu chỉ là những dịp gặp gỡ giao lưu, giải trí, dần dà biến thành những hội nghị ngoài lề bàn về công việc nhà trường với những hiến kế, đề xuất cho hiệu trưởng và công đoàn.
Nhà trường chú trọng đẩy mạnh công tác chuyên môn với những hoạt động thiết thực nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Trong không khí đoàn kết thân ái, cùng giúp nhau tiến bộ, thầy giáo bộ môn Hoá Nguyễn Văn Tiên đã phấn đấu đạt danh hiệu Giáo Viên Giỏi cấp Tỉnh ngay từ khi tuổi đời và tuổi nghề chưa cao, tạo đà để vững vàng tiến lên đảm nhận những cương vị công tác quan trọng ở trường và ở ngành.
Phong trào đúc kết và áp dụng sáng kiến kinh nghiệm cũng được đẩy mạnh, thoát ra khỏi tình trạng hình thức, chiếu lệ. Thầy giáo Lê Đức Dũng báo cáo đề tài " Công tác chủ nhiệm lớp " sau những thành công cá nhân được ghi nhận trong lãnh vực này. Thầy giáo môn sinh vật Lê Gia Lập nghiên cứu và phổ biến đề tài " Kinh nghiệm chăn nuôi và trồng trọt của người nông dân qua lý giải từ kiến thức khoa học " được hội đồng giáo dục và khách mời ( đại diện Phòng Phổ thông của Ty Giáo Dục và trường bạn Phan Chu Trinh ) đánh giá tốt.
Các hoạt động văn thể ngày càng khởi sắc, đội văn nghệ của trường nhiều lần được mời đi biểu diễn bên ngoài. Điều đáng ghi nhận là những khó khăn lúng túng của hoạt động giáo dục lao động ( vốn không phải là thế mạnh của các trường thành phố ) đã được tháo gỡ bằng sáng kiến thành lập Xưởng Mộc mà công đầu thuộc về thầy giáo Nguyễn Ngọc Danh, với sự cộng tác hiệu quả của thầy giáo Nguyễn Viết Cường, cựu giáo viên Trường Lâm Viên và Vừa Học Vừa Làm.
Trong thời gian này, giáo viên của trường còn đảm nhận nhiệm vụ giảng dạy tại phân hiệu Xuân Trường, cho đến khi trường THPT Xuân Trường chính thức được thành lập.
Sang năm 1985, tôi nhận nhiệm vụ Phó Hiệu trưởng nhà trường trong điều kiện thuận lợi là cả một tập thể giáo viên đoàn kết, nhiệt tình và vững tay nghề đã được hình thành. Hầu hết các tổ bộ môn đều có con chim đầu đàn được đồng nghiệp và học sinh tin cậy: Thầy Hoàng Văn Bình môn văn, Cô Đinh Thị Năng Cứu môn địa, Cô Nguyễn Thị Hạnh môn toán, Thầy Hà Thúc Cát môn lý, Thầy Lê Đức Dũng môn Hoá, Cô Tôn Nữ Ngọc Diệp môn sinh vật, Cô Bùi Thị Trâm môn thể dục. Lòng yêu nghề đã thúc đẩy mọi người khắc phục tình trạng cơ sở vật chất của nhà trường thiếu thốn và lạc hậu để làm tốt nhiệm vụ của mình.  Phòng học không đủ, có lúc phải mượn tạm căn nhà gỗ trước mặt trường. Học sinh học thể dục phải kéo nhau ra sân bãi bên ngoài, cách trường vài trăm mét. Ban Giám hiệu không có phòng làm việc, có khi phải họp dưới gốc cây mít ở sân trường. Các buổi ngoại khoá của tổ Văn phải mượn hội trường của cơ quan Liên hiệp Công đoàn.
Tiếc một điều là tôi không thể cộng tác với tập thể đáng yêu nầy lâu dài: tháng 2/1986 tôi phải bàn giao công tác để nhận nhiệm vụ ở cấp cao hơn.

CHÂN BƯỚC ĐI, ĐẦU CÒN NGOẢNH LẠI

Ở cương vị công tác mới, tôi không hy vọng có cơ hội trở về lại trường lần thứ ba. Nhưng với nhiệm vụ mới, tôi vẫn có điều kiện theo dõi những bước tiến của trường, để rồi vài năm sau tham gia đoàn kiểm tra của ngành về xem xét, công nhận trường trong quá trình phấn đấu đạt danh hiệu Trường tiên tiến cấp Tỉnh.
Thời gian tôi làm công tác giảng dạy và quản lý tại trường Chi Lăng chỉ có mấy năm tháng ngắn ngủi so với lịch sử 40 năm của một ngôi trường.
Ngoảnh đầu nhìn lại, vui mừng biết mấy, từ cơ ngơi sơ sài của thuở ban đầu sau khi tiếp thu Trường Tư thục Văn Khoa của chế độ cũ, đến nay nhà trường cũng đã có toà ngang dãy dọc, không còn là hình ảnh " trường của em be bé "!
Ngoảnh đầu nhìn lại, cũng chút ngậm ngùi, trong số bạn bè đồng nghiệp ngày xưa ấy nay nhiều người đã đi xa, rất xa, có khi nhớ mặt không nhớ tên, có khi nhớ tên không nhớ mặt, và tất nhiên không tránh khỏi cảnh người còn kẻ mất.
Ngoảnh đầu nhìn lại, dẫu cố gắng cũng phải thú thực là tôi không theo dõi biết hết được những chuyển biến của nhà trường. Trường đã nhiều lần thay đổi danh xưng, thay đổi cấp đào tạo, thay đổi loại hình trường, và đã qua nhiều đời hiệu trưởng. Đội ngũ hiện nay đa số là người mới, đồng nghiệp cũ từ thời tôi còn đó nay chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay và cũng sắp nghỉ hưu cả rồi. Vậy mà, quý hoá chưa, bao nhiêu người cũ người mới đó, dẫu hoàn cảnh khác biệt, vẫn tiếp tục quan tâm đến nhau để đến khi có chuyện buồn vui, chỉ qua tin nhắn thông báo là cùng tìm đến nhau ân cần chia sẻ. Phải chăng là xuất phát từ tình cảm thân thương gắn bó và niềm tự hào về một mái nhà chung?
Tháng 5 năm nay, nhà trường kỷ niệm 40 năm ngày thành lập. Bao nhiêu thế hệ học sinh từ cánh cửa trường đã tung bay xa, hẳn không ít người đã thành công, thành danh, thành nhân. Nhớ về trường cũ, chỉ một điều nhỏ đủ khiến cho tôi ấm lòng, đó là có cựu giáo viên của trường đã trở thành lãnh đạo ngành, có cựu học sinh của trường đã trở thành lãnh đạo tỉnh. Bởi, xét cho cùng, trong thành phố này, và rộng hơn, trên đất nước này, có ngôi trường nhỏ bé ở vùng ven nào làm được kỳ tích đó không?



THÂN TRỌNG SƠN
( tháng 2 / 2016 )