lundi 2 décembre 2013

ĐỀ NGHỊ NÓI LẠI CHO ĐÚNG




Trong  bài “Họ Thân ở Huế” (mục Sự kiện dòng họ) đăng trên trang mạng www.hothan.org, phần nói về  khu tẫm mộ của Phò mã Thân Trọng Di và công chúa Mai Am và nhà thờ họ Thân ở Nguyệt Biều, đoạn kể chuyện Phò mã Di bỏ nhà đi ra Quảng Trị tìm vua Hàm Nghi , tác giả (không ký tên) viết như sau:

“Sau cuộc binh biến ở kinh thành Huế đêm 22 rạng ngày 23/5 Ất Dậu (đêm 3 rạng ngày 4/7/1885), Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi xuất bôn, phò mã Di cũng bỏ nhà ra đi. Trong gia phả, phần tiểu sử Thân Trọng Ngật (1877 – 1949),cháu gọi ông bằng bác, kể rằng lúc ấy Ngật mới chin tuổi, cũng khăn gói chạy theo tìm vua, đến bến đò Phú Ốc thì gặp ông, ông bảo:
“Anh em ta con nhà thế gia chữ thích dữ đồng, vua đi đều đi theo là phải. Nhưng kẻ đi cũng phải có kẻ ở nhà, vậy chú nên ở lại, một mình tôi đi cũng được.”
Cháu về rồi, ông tiếp tục hành trình, nhưng mất hút dấu vua, vì ngự đạo đã đổi hướng để tránh sự truy lùng của giặc Pháp.”
(hết trích)

Tôi đoán đoạn trên đây có lẽ tác giả đã trích dẫn trong cuốn “Thơ Tuệ Mai và Huệ Phố” của Lương An, (nhà xuất bản Thuận Hóa, 2004) vì trong sách nầy, trang 23 và 24 có một đoạn giống từng câu, từng chữ với  đoạn trích ở trên. Và có lẽ vì tin vào sách cho nên tác giả bài viết trên trang mạng đã vô tình lập lại 4 chi tiết mà đoạn sách đã nhầm lẫn.

Để tránh lan truyền thêm những sai sót nầy đến những thế hệ con cháu chúng ta về sau, nhất là thế hệ tuổi trẻ họ Thân đang háo hức tìm hiểu cội nguồn của mình, tôi không ngại sự hiểu biết còn nông cạn, xin nêu ra 4 chi tiết mà tác giả Lương An đã nhầm lẫn (khiến người khác nhầm theo) như sau:
1)-Đêm 22 rạng ngày 23 tháng 5 năm Ất Dậu tương ứng với đêm 4 rạng ngày 5 tháng 7 năm 1885 chứ không phải là đêm 3 rạng ngày 4 tháng 7.
2)- Năm mất của cụ Thân Trọng Ngật là 1946 chứ không phải 1949. Dĩ nhiên bản thân tôi thì không thể nhớ lầm chi tiết nầy được vì ông nội tôi mất cùng năm 1946 với cha tôi, chỉ sau hơn 2 tháng. Trong cuốn gia phả, Bác tôi, ông Thân Trọng Hy đã chép như sau: “Trước cái cảnh tàn phá đó (của bom đạn, chú thích của TTT),Cụ chúng tôi đâm ra chán đời buồn bã, dồn đến cái tin em BÁI chúng tôi từ trần đột ngột, 17-6-1946 làm cho cụ chúng tôi ăn suy ngủ kém, sức khỏe hao mòn,đến 9 giờ ngày 5-8-1946 từ dưới thuyền đậu ở bến Song Ngư đưa lên nhà mát tại làng An Lỗ thì mệnh chung, hưởng thọ được 60 tuổi” (hết trích).
3)- Nhầm lẫn thứ ba là thành ngữ “chữ thích dữ đồng”. Tra từ điển không thấy cụm từ“chữ thích dữ đồng”. Ba từ sau là từ Hán Việt, còn “chữ” là từ thuần Việt. Nếu là “chử” (dấu hỏi) thì cả 4 từ

đều là từ Hán Việt, hợp lý hơn nhưng “chử thích dữ đồng” thì  không có nghĩa. Từ điển Hán Việt của Thiều Chửu có giải nghĩa “hưu thích tương quan” là “mừng lo cùng quan hệ”, với chữ hưu là tốt lành, thích là buồn lo. Đại Nam Quấc Âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng giải thích: “hưu thích tương quan” giống như “hưu thích dữ đồng”nghĩa là “chung cùng trong cuộc buồn vui”.Như vậy phải chăng câu nói của phò mã Di không phải là “Chữ thích dữ đồng”…mà là  “hưu thích dữ đồng”…, ý nói hai anh em ta lúc vui hay lúc buồn đều cùng có nhau?
4)-Nhầm lẫn thứ tư; Thân Trọng Ngật (ở thời điểm đó 9 tuổi ta) có chạy theo vua Hàm Nghi không?
Chúng ta hãy xem gia phả họ Thân chép sự kiện đó ra sao:(trang 82)
“ Năm Giáp Thân hiệu Kiến Phước thứ 1 (1884) ông (tức Thân Trọng Ngật, ghi chú của TTT) mới 8 tuổi, theo ông Cụ (tức là thân phụ ông Ngật, ghi chú của TTT) vào phủ Tuy An, mới bắt đầu đi học khai tâm chừng được 11 tháng, thời ông Cụ can khoản, ông cùng bà sanh mẫu phải về trước. Qua năm Hàm Nghi thứ nhất (1885) ông Cụ mới về. Trong dịp đó, vừa kinh thành thất thủ, xe vua phải ra cửa An Hòa.(chỗ nầy gia phả nhầm, thật ra là cửa Hữu, ghi chú của TTT). Cụ ông nghe tin (TTT nhấn mạnh), mang gói tìm theo tới đò Phú Ốc ….Ông Phò nói với Cụ rằng: Anh em ta con nhà thế gia,….. vậy chú nên ở lại để một mình tôi đi cũng được”. Rõ ràng Cụ ông tức là cụ Thân Trọng Trữ (thân sinh của ô.Thân Trọng Ngật), Phò mã Di khuyên bảo em mình cho nên mới gọi bằng chú và xưng tôi, chứ đâu phải là Phò mã nói chuyện với ông Ngật? Bác sao lại chú chú tôi tôi với cháu?
Đọc tới câu tiếp theo rồi đem so với đoạn tiểu sử của cụ Thân Trọng Trữ  thì sẽ sáng tỏ thêm (trang 82 tiếp theo):…”Rồi Cụ ông nghe lời trở lui. Lui đến nhà thời ý đã chán đời, mà cũng không muốn cho con theo nghề thi đậu làm quan nữa….Nhưng ý nghĩ cụ như vậy mặc dầu, rồi liền Cụ tìm lên núi Cơ Thánh  đóng trại, khẩn điền. Bao nhiêu việc đời đều bỏ cả.”
Còn sau đây là trích đoạn tiểu sử cụ Thân Trọng Trữ (thân sinh cụ Ngật) (trang 61):
“…Năm (Tự Đức) thứ 36 (1883) tháng giêng thăng đồng Tri phủ lãnh Tri phủ phủ Tuy An. Buổi ấy ông đã 46 tuổi.
Hiệu Kiến Phước năm thứ nhất (1884) tháng 7 can việc khám mạng không nhằm, phải giải chức hậu cứu. Tháng tư hiệu Hàm Nghi năm thứ nhất (1885) cứu xong về nhà chực bổ, vừa nhân Kinh thành thất thủ, không muốn làm quan nữa. Tháng bảy năm Đồng Khánh thứ hai (1887) làm trại ở sau núi Cơ Thánh , lo việc khai khẩn làm ăn.”(Gia phả họ Thân, trang 61)
.Đến đây thì mọi chuyện đã rõ. Thiết tưởng chỉ cần trình bày thêm về thế thứ  từ  ông Thân Văn Quyền (Thân Trọng Quyền) cho đến ông Thân Trọng Ngật để biết rõ hơn về quan hệ giữa ông Di và ông Trữ, cũng như giữa ông Di và ông Ngật.

Ông Quyền (đời thứ 2, tính từ Kỷ Sau, bắt đầu từ ông Thái sơ tổ tên THANH gọi là đời thứ nhất) có 3 người con trai:
Ông Duy, ông Tuyến, ông Nhiếp (đời 3).
Ông Duy (đời 3) có 2 người con trai là Ông Di và ông Tiết.(đời 4)
Ông Nhiếp(đời 3) có 6 người con trai (không kể những người mất sớm):
-Ông Trữ (con trưởng), ÔÔ.Để, Tích, Hoài, HUỀ, Thoan.(đời 4)
-Ông Trữ (đời 4) có 2 người con trai(không kể 2 người mất sớm):
 - Ông Cảnh và Ông Ngật (đời 5).
Như vậy Ông Di và ông Trữ là anh em chú bác ruột. Ông Di gọi ông Nhiếp bằng chú.  Ông Ngật gọi ông Di bằng bác và  gọi ông Huề bằng chú.
Trước khi kết thúc  bài nầy, xin đính chính thêm một sai sót khác cũng trên trang mạng Thân Tộc Nhất Gia, bài viết về tiểu sử cụ Phó bảng Thân Trọng Ngật. Tác giả bài nầy là nhà nghiên cứu Phan Thuận An.
Khi trích dịch tiểu sử cụ Thân Trọng Ngật từ quyển Souverains et Notabilités d’Indochine, ông Phan Thuận An đã đính chính một số lỗi morasse trong đó có lỗi ghi họ Thân thành Trần, việc nầy rất đáng trân trọng, nhưng ông An có nhầm một chữ: “Fils de feu M. Thân Trọng Trữ, ancien Tri phủ, chữ feu nầy nghĩa là quá cố, chứ không phải thừa tự; Fils de feu M. Thân Trọng Trữ, ancien Tri phủ  dịch là con trai của cựu Tri phủ Thân Trọng Trữ (đã quá cố) chứ không phải là con trai thừa tự của cựu Tri phủ Thân Trọng Trữ.

2011
Thân Trọng Thủy