lundi 23 juillet 2012

NHÀ KÍNH



            
          Ông bà Lerebour  cùng tuổi nhưng trông ông trẻ hơn, mặc dầu trong hai người ông là kẻ yếu đuối hơn. Họ sống trong một ngôi nhà xinh đẹp ở vùng quê gần Nantes (1) mà họ đã tạo dựng sau khi kiếm được tiền nhờ bán vải bông của Rouen (2).
             Quanh nhà là một mảnh vườn xinh xắn có sân gà vịt, có nhà cảnh và một nhà kính nhỏ ở cuối vườn. Ông Lerebour thấp, mập và vui tính, cái vui tính của một ông chủ tiệm hoạt bát.Gầy ốm, bướng bỉnh và luôn bất mãn, vợ ông không có được cái tính khí vui vẻ như ông. Bà tự nhuộm tóc, thường hay đọc những cuốn tiểu thuyết làm cho bà mộng mơ, mặc dầu bà giả bộ khi dể loại truyện nầy. Người ta nói bà đam mê, dù bà chẳng hề làm gì khiến họ nghĩ như thế. Nhưng đôi khi chồng bà cũng nói:” Vợ tôi là người vui tính”, mà ông nói với vẻ tinh quái khiến họ phải đoán già đoán non.
       Tuy nhiên từ vài năm nay bà cứ hay gây gổ với ông Lerebour, luôn cáu kỉnh và khó tính, như đang bị dằn vặt vì có chuyện buồn phiền gì sâu kín không nói ra được. Từ đó sinh ra bất hòa với nhau. Họ gần như không còn trò chuyện với nhau nữa và bà (tên bà là Palmyre) cứ luôn bắt ông (tên ông là Gustave) phải chịu đựng những lời khen mỉa làm mất lòng, những câu bóng gió chạm tự ái, những lời lẽ gay gắt mà chẳng có lý do gì cả.
        Ông nhẫn nhục chịu đựng, chán nản nhưng dù sao cũng vui.Tư chất sẵn giàu cá tính thích làm vui lòng kẻ khác, đến mức ông sẵn sàng chấp nhận những phiền nhiễu sâu kín đó. Nhưng ông tự hỏi do đâu mà vợ mình cau có như thế, vì ông thấy sự giận dữ của bà ấy ắt phải có một lý do thầm kín, nhưng khó thấu triệt đến nỗi ông đã phí sức để tìm hiểu.
       Ông thường hỏi bà:”Này em, nói anh biết em chống đối anh chuyện gì vậy? Anh cảm thấy em giấu anh điều gì.” Bà luôn luôn đáp lại rằng:”Đâu có gì! Tuyệt đối chẳng có chuyện gì cả. Vả lại, nếu tôi có điều gì không bằng lòng thì anh cứ việc đoán xem. Tôi không thích những người đàn ông chẳng biết gì cả, nhu nhược và kém cỏi đến nỗi phải nhờ người khác giúp đỡ mới thấu hiểu được những điều nhỏ nhặt nhất.” Ông chán nản lẩm bẩm:” Tôi thấy  rõ là em  chẳng muốn nói “ Và ông tránh ra chỗ khác, cố tìm hiểu.
         Ban đêm càng trở nên rất nặng nề khó thở đối với ông; bởi vì họ luôn luôn ngủ chung giường, giống như những cặp vợ chồng hòa thuận. Những lúc đó chẳng có chuyện gì mà bà không làm để quấy rầy ông. Bà chọn lúc họ nằm bên cạnh nhau để liên tục chê bai ông hết sức gay gắt. Chủ yếu là bà chê ông mập:” Anh chiếm hết chỗ, vì nay anh mập quá. Mồ hôi trên lưng anh đổ ra như là mỡ chảy. Anh tưởng vậy là làm tôi dễ chịu sao!” Bà kiếm bất kỳ lý do nhỏ nhặt nào để buộc ông phải dậy, nào là xuống tìm tờ báo bà bỏ quên, nào là kiếm chai nước ngọt hương hoa cam mà làm sao ông kiếm ra được vì trước đó bà đã giấu đi rồi. Và bà nổi giận tru tréo:” Lẽ ra anh phải biết tìm ở đâu ra chứ, ông ngốc!” Sau một tiếng đồng hồ sục sạo khắp nơi trong căn nhà vắng lặng, ông trở về tay không thì bà nói như để cám ơn:”Thôi, anh đi ngủ đi, anh nhão như một miếng bọt biển, đi dạo một chút thế cho ốm bớt...”
          Bà đánh thức ông dậy bất cứ lúc nào để cho biết bà đau vì dạ dày co thắt, và bà nhờ ông lấy miếng vải thấm dầu thơm xoa lên bụng bà. Lo bà bị bệnh, ông hết lòng cứu chữa và ông đề nghị xuống thức cô giúp việc Céleste dây. Tức thì bà giận dỗi la lối:”Có cần phải ngốc vậy không, anh khờ! Thôi, hết rồi, tôi hết đau rồi, ngủ tiếp đi, đồ nhu nhược!” Ông hỏi:” Có chắc là em đã hết đau không?” Bà đáp thẳng mặt: “ Chắc. Anh im đi cho tôi ngủ, đừng làm tôi bực mình thêm nữa! Anh chẳng có khả năng làm được việc gì hết, kể cả việc xoa bóp cho đàn bà.” Ông thất vọng:”Nhưng...em yêu...” Bà điên tiết:” Không nhưng không nhị gì cả...Đủ rồi. Bây giờ hãy để cho tôi yên...” Và bà quay mặt vào tường.
        Vậy mà một đêm nọ,bất thình lình bà lay mạnh ông, đến nỗi ông hoảng sợ ngồi phắt dậy, nhanh lạ thường. Ông lắp bắp:” Cái gì?...Có chuyện gì vậy?...” Bà nắm lấy tay ông, véo thật đau,và thì thầm vào tai ông:”Em nghe có tiếng động dưới nhà.”
Đã thường quen với những kiểu báo động như thế nầy của bà Lerebour nên ông không mấy lo lắng mà bình tĩnh hỏi: “Tiếng động nào, em yêu?” Bà run lập cập, hốt hoảng đáp: “ Tiếng động...thì tiếng động...tiếng chân...có ai...” Ông tỏ vẻ hoài nghi: “Có ai? Em tưởng có ai à, không đâu, chắc em lầm rồi. Em nghĩ là ai chứ?” Bà run rẩy: “Ai?...ai?... Thì ăn trộm chứ ai nữa, đồ ngốc!” Ông lẳng lặng chui vào mền,: “ Không mà, chẳng có ai đâu, em à, chắc em nằm chiêm bao đó.” Tức thì bà tung mền ra, nhảy khỏi giường, nổi cáu: “ Anh quả là vừa hèn nhát, vừa kém cỏi! Dù sao đi nữa tôi cũng không để mình phải bị giết vì sự nhát gan của anh đâu.” Cầm cái kẹp than củi ở lò sưởi, bà đứng thẳng người trước cánh cửa đã cài then trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.
          Cảm động trước tấm gương dũng cảm đó, hổ thẹn thì đúng hơn, đến lượt ông nhăn nhó đứng dậy và, vẫn không rời chiếc mũ bông trùm đầu, ông cầm cái xẻng đến đứng đối diện với vợ mình.
         Họ chờ trong hai mươi phút, giữa sự im lặng hoàn toàn. Chẳng có thêm tiếng động nào quấy rối giấc ngủ của căn nhà. Thế rồi bà giận dữ quay về giường ngủ và nói: “ Dẫu sao tôi vẫn tin chắc rằng đã có ai đó.” Để tránh gây gổ, suốt ngày hôm đó ông chẳng hề đá động đến bất cứ chuyện gì có thể gợi đến cơn hoảng sợ  vừa qua của bà .
         Nhưng đến hôm sau, bà Lerebour đánh thức chồng dậy còn mạnh hơn đêm trước nữa. Bà vừa thở hổn hển vừa lắp bắp:
-         " Gustave, Gustave, có người vừa mở cổng vườn.”
Ngạc nhiên trước sự khăng khăng của vợ, ông ngỡ là bà mắc chứng mộng du và ông đang cố lay cho bà tỉnh cơn mê nguy hiểm đó thì dường như  ông có nghe một tiếng động nhỏ thật, ở phía những bức tường. Ông đứng dậy, chạy lại cửa sổ và ông nhìn thấy, vâng, ông nhìn thấy một bóng trắng lướt nhanh qua đường. Ông thì thầm :” Có người!”
       Rồi ông lấy lại bình tĩnh, tự trấn an mình, và đột nhiên bừng lên cơn giận của một người chủ đất bị lấn hàng rào. Ông tuyên bố: “Đợi đó, đợi đó rồi ngươi sẽ thấy!”

       Ông lao vào tủ bàn giấy, mở ngăn kéo lấy khẩu súng lục ra và chạy nhanh xuống cầu thang. Vợ ông cuống cuồng vừa chạy theo vừa la: “Gustave, Gustave, đừng bỏ em, đừng bỏ em một mình, Gustave, Gustave!”Nhưng ông chẳng nghe thấy gì cả, ông đã đến cổng vườn.
     Bà bèn chạy thật nhanh lên núp trong phòng của hai vợ chồng họ.
    Bà chờ trong năm phút, mười phút, mười lăm phút. Một nỗi sợ khủng khiếp đang xâm chiếm bà. Nhất định là chúng đã bắt trói, bóp cổ, giết chết ông ấy rồi. Bà mong được nghe sáu tiếng súng nổ để biết rằng ông ấy đã chiến đấu, đã tự vệ. Nhưng hoàn toàn yên lặng. Sự yên lặng đáng sợ của căn nhà đã khiến bà hoảng loạn.
    Bà bấm chuông gọi Céleste. Céleste không tới, cũng không trả lời. Bà gọi tiếp, cảm thấy suy sụp, muốn xỉu. Cả căn nhà vẫn hoàn toàn câm lặng.
    Bà áp cái trán nóng bỏng vào cửa kính, cố nhìn xuyên qua màn đêm  bên ngoài. Bà chẳng thấy gì cả ngoài bóng đen của những lùm cây bên cạnh những vệt xám của những lối đi.
       Đồng hồ điểm nửa giờ khuya. Chồng bà đã vắng mặt bốn mươi lăm phút rồi. Chắc bà chẳng còn gặp lại ông ấy nữa. Không! Chắc chắn là bà sẽ không còn gặp lại ông ấy nữa! Bà khuỵu gối, thổn thức.
       Hai tiếng gõ nhẹ vào cửa phòng khiến bà nhảy thót lên. Ông Lerebour gọi bà:
-          “Mở cửa đi, Palmyre, anh đây!”. Bà lao đến, mở cửa và đứng trước mặt ông, tay chống nạnh, mắt còn đẫm lệ: “Anh ở đâu về thế, đồ ác nhân ác đức! A! Anh bỏ tôi một mình sợ muốn chết như vậy đó hả, a! Anh không còn lo cho tôi nữa, làm như tôi chẳng còn sống không bằng!...” Ông đóng cửa lại, và ông cười, ông cười như điên, cái miệng cười làm hai gò má chè ra, hai tay ông ôm bụng, đôi mắt đầm đề.
Bà Lerebour sửng sốt, im bặt.
Ông nói cà lăm cà cặp: “Kẻ đó là...là... Céleste, cô ta có hẹn trong nhà kính...Nếu em biết anh đã...anh đã...anh đã thấy gì...” Bà bỗng tái xanh mặt, khó thở vì phẫn nộ.”Hả?...Anh nói gì?...Céleste? ...tại nhà tôi?...trong nhà...của...của tôi...trong nhà kính của tôi? Vậy mà anh không giết thằng đàn ông, đứa đồng lõa? Anh có súng mà anh không giết... Tại nhà tôi...tại nhà tôi...” Bà ngồi xuống, không nói được nữa.
       Ông nhảy tréo chân, búng ngón tay, đánh lưỡi tách tách và luôn miệng cười: “Nếu mà em biết được...Phải chi em biết được...” Bất thình lình ông ôm hôn bà. Bà đẩy ông ra Giọng bà đứt quãng vì giận: “Tôi không muốn con bé kia ở lại trong nhà một ngày nào nữa, anh hiểu không? Một ngày,không, một giờ cũng không! Khi nó trở vào, mình sẽ đuổi nó.”


Ông Lerebour bế bà lên và đặt lên cổ bà những chiếc hôn thẳng hàng kêu chùn chụt như ngày trước. Bà lại im tiếng, đờ người ra vì ngạc nhiên, Nhưng ông đã ôm chặt bà và kéo bà đến giường...
       Khoảng chin giờ rưỡi sáng Céleste ngạc nhiên vì chưa thấy ông bà chủ dậy, xưa nay họ vẫn luôn thức dậy rất đúng giờ cơ mà. Cô bèn đến gõ nhẹ vào cánh cửa
       Họ vẫn còn nằm bên nhau, chuyện trò vui vẻ. Cô đứng sững, rồi nói: “Thưa bà, cà-phê sữa đây ạ.” Bà Lerebour nói bằng một giọng rất dịu dàng: “Con đem tới đây, con gái! Chúng tôi hơi mệt, đêm qua mất ngủ.”
      Cô giúp việc vừa ra khỏi phòng là ông Lerebour phá lên cười, vừa mơn trớn vợ vừa lập đi lập lại:” Phải chi em biết được! Ôi,phải chi em biết được!” Bà cầm lấy tay ông: “Kìa, yên nào, anh. Nếu anh cứ cười mãi như thế thì anh sẽ tự làm mình đau đó.” Và bà hôn lên mắt ông.
      Bà Lerebour không còn tính gay gắt nữa. Thỉnh thoảng vào những đêm trăng, hai vợ chồng rón rén bước dọc theo những lùm cây và những bồn hoa, đến tận cái nhà kính nhỏ sau vườn. Họ dừng lại đó cạnh nhau, thu mình sát mặt kính như thể đang hào hứng nhìn một sự lạ gì đó ở bên trong.
      Họ đã tăng tiền công cho Céleste.
      Ông Lerebour đã gầy đi.

Chú thích:
(1)   Nantes: tỉnh lỵ của tỉnh Loire-Atlantique, thuộc vùng hành chánh Pays de la Loire của nước Pháp.
(2)   Rouen: tỉnh lỵ của tỉnh Seine-Maritime thuộc vùng hành chánh Haute-Normandie, nước Pháp.


THÂN TRỌNG THỦY
dịch từ nguyên bản tiếng Pháp “La Serre”
của GUY DE MAUPASSANT
  


mercredi 4 juillet 2012

ROSALIE PRUDENT



                       
                        Trong vụ án nầy quả có một điều bí ẩn mà từ bồi thẩm đoàn, ông chánh án, cho đến công tố viên đều không sao hiểu nổi.
                 Cô Rosalie Prudent, đầy tớ của vợ chồng ông Varambot ở quận Mantes (1), bỗng dưng có chửa mà ông bà chủ không hề hay biết. Cô Prudent đã sinh nở vào ban đêm, trên  gác thượng, rồi giết đứa bé và chôn sau vườn

                  Những vụ giết con mà thủ phạm là các tớ gái là chuyện thường xẩy ra. Nhưng có một chi tiết không giải thích được. Khi khám xét căn buồng của cô Prudent, người ta phát hiện một lô quần áo trẻ sơ sinh mà cô đã thức đêm để cắt may trong suốt ba tháng trời. Đến làm chứng có ông chủ tiệm tạp hóa mà cô Prudent đã dùng tiền lương của mình mua đèn cầy để dùng trong công việc rất dài ngày đó. Ngoài ra còn phải kể đến bà đỡ trong vùng. Được cô Prudent cho biết hoàn cảnh của cô, bà đã hướng dẫn đủ mọi điều cho cô và căn dặn những việc cô cần làm lỡ sau nầy lúc xẩy ra sự việc không có ai giúp. Bà đỡ còn tìm cho cô một chỗ làm ở Poissy nữa (2).Prudent biết trước cô sẽ bị đuổi việc, vì xưa nay vợ chồng Varambot không hề đùa cợt với đạo đức bao giờ. 
                        Họ có mặt ở đó để dự phiên tòa. Cả chồng và vợ đều sống nhờ chút ít lợi tức trong tỉnh. Họ lộ vẻ phẫn nộ “con điếm kia” đã làm dơ dáy nhà họ. Có vẻ như  họ muốn thấy cô ta bị xử chém ngay lập tức, không cần xét xử..Họ tố cô dồn dập bằng những lời khai đầy ác ý, những lời khai thốt ra từ miệng họ đã trở thành những lời buộc tội .
                       Tội nhân là một cô gái cao lớn xinh đẹp ở vùng Basse- Normandie. Cô ý thức được tình trạng của mình nên chỉ khóc suốt chứ không chịu trả lời lấy một tiếng. Tuy nhiên vì mọi chứng cớ đều chứng tỏ  rằng cô gái đã có ý muốn giữ đứa bé để nuôi cho nên tòa đành tin rằng cô đã phạm tội ác dã man đó trong môt lúc tuyệt vọng và điên cuồng.
                        Ông chánh án cố gắng một lần nữa để làm cho cô mở miệng nhận tội.Và sau khi lấy giọng ngọt ngào thúc giục cô, ông đã khiến cô cuối cùng cũng hiểu ra rằng những người họp ở đây để xét xử cô không hề muốn cô phải chết, trái lại có thể họ còn  thương hại cô là đằng khác.
                        Vì thế cô quyết định nói.
             Ông chánh án hỏi: “Nào, trước hết hãy cho chúng tôi biết cha đứa bé là ai?”

     Đó là điều mà từ đầu cho đến lúc nầy cô vẫn khăng khăng giấu kín. Nhưng bỗng nhiên cô vừa trả lời vừa nhìn ông bà chủ, là những người vừa mới vu cáo cô một cách ác độc:
-           “Là ông Joseph, cháu ông Varambot.”
Hai vợ chồng giật nẩy mình, cùng la lớn:” Không đúng! Nó nói láo! Bỉ ổi quá!”
Ông chánh án yêu cầu họ im lặng rồi nói: “Cô vui lòng nói tiếp. Cho chúng tôi biết chuyện xẩy ra thế nào

              Thế là đột nhiên cô nói một hơi một mạch như để  cho khuây khỏa con tim khép kín, con tim cô đơn và tan nát khốn khổ của cô, để làm vơi đi tất cả mọi buồn phiền của cô trước những kẻ nghiêm khắc đó, những người mà cho đến lúc nầy đây cô xem như kẻ thù và những quan tòa cứng rắn, không làm xiêu lòng được.
                        - Phải, chính là ông Joseph Varambot , khi ông ấy đến nghỉ phép năm ngoái.          
                        - Ông Joseph Varambot ấy làm nghề gì?
                        - Thưa ông, ông ấy là hạ sĩ quan pháo binh. Ông ấy ở lại trong nhà hai tháng. Hai tháng hè. Cháu chẳng  nghĩ gì cả khi ông ấy bắt đầu nhìn cháu, rồi tán tỉnh cháu, rồi mơn trớn cháu suốt ngày. Thưa ông, cháu cứ để mặc…Ông ấy cứ nhắc đi nhắc lại rằng cháu là một cô gái đẹp, cháu vui tính, cháu hợp với ông ấy. Còn cháu thì chắc chắn là cháu đã thích ông ta. Cháu có thể làm gì chứ? Cháu đang cô đơn, rất cô đơn, mà nghe nói thế… Thưa ông, cháu một thân một mình trên cõi đời nầy, không có ai để trò chuyện, không ai để trao gởi những nỗi buồn phiền. Cháu không còn cha, không còn mẹ, không có anh, không có chị, không có em, không có ai cả. Khi ông ấy trò chuyện với cháu thì cháu chỉ xem ông ấy như một người anh mới về mà thôi. Thế rồi một buổi tối ông ấy rủ cháu xuống bờ sông nói chuyện để khỏi làm ồn người khác. Cháu đã đến đó…. Cháu chẳng biết tại sao nữa! Cháu chẳng biết chuyện gì sau đó…Ông ta đã ôm cháu…Quả thật là cháu đã không muốn… không…không…cháu không thể… cháu muốn khóc…không khí thì mát dịu… trời sáng trăng… Cháu không thể…không…cháu xin thề…cháu không thể…Ông ấy đã làm những gì ông ấy muốn… Chuyện đó còn kéo dài ba tuần lễ nữa khi ông ấy còn ở lại trong nhà…Lẽ ra cháu đã theo ông ấy đến tận cùng thế giới….Ông ấy đi rồi…mà cháu thì không hề biết mình đã mang thai… Một tháng sau cháu mới biết.
              Cô ta bật khóc lớn đến nỗi tòa phải dành thời gian cho cô bình tĩnh lại.
              Rồi ông chánh án tiếp tục nói bằng cái giọng của linh mục nói trong phòng xưng tội: “Nào, nói tiếp đi!”
             
                    Cô gái nói tiếp: “Khi cháu biết cháu có thai, cháu liền báo cho bà đỡ Boudin biết.  Bà ấy đang có mặt ở đây để làm chứng. Và cháu đã hỏi bà ấy phải làm sao trong trường hợp xảy ra chuyện mà không có bà . Sau đó, đêm đêm cháu thức may đồ em bé cho đến một giờ sáng, rồi cháu tìm sẵn một chỗ làm khác vì cháu biết trước thế nào cháu cũng bị chủ đuổi việc. Tuy vậy cháu muốn nấn ná lại trong nhà cho đến giờ phút chót để tiết kiệm tiền, vì cháu chẳng có là bao, với lại còn cần tiền để chi dùng cho đứa bé nữa…
-          Vậy nghĩa là cô đã không muốn giết nó?
-          Ồ, thưa ông chánh án, chắc chắn là không.
-          Thế tại sao cô lại giết nó?
-             Chuyện là thế nầy. Chuyện ấy đến sớm hơn cháu tưởng. xảy ra trong nhà bếp khi cháu vừa rửa chén xong. Ông bà Varambot đã ngủ. Cháu níu tay vịn cầu thang để lết lên gác một cách khó nhọc. Rồi cháu nằm ngay xuống nền gạch, để khỏi làm dơ giường.Việc đó kéo dài chừng một giờ, hai giờ hay ba giờ cháu không biết nữa. Cháu đau lắm, và rồi cháu lấy hết sức để rặn, cháu cảm thấy nó lọt ra và cháu nhặt nó lên.
-             Ồ, phải rồi, cháu đã hài lòng, chắc chắn vậy Cháu đã làm tất cả những gì bà đỡ Boudin dặn, tất cả mọi chuyện! Rồi cháu đặt nó xuống giường, là đứa bé ấy. Nhưng rồi một cơn đau nữa lại đến, lần nầy đau muốn chết đi được. Nếu quí vị đây biết việc đó có nghĩa là gì thì chắc hẳn quí vị đã không xem vụ nầy lớn vậy. Cháu khuỵu gối rồi té ngửa xuống đất và chuyện ấy lại tiếp tục chừng một giờ hay hai giờ nữa, cháu nằm đó môt mình…và rồi lọt ra một đứa khác, một đứa bé nữa…hai…vâng,…hai đứa…. thế đấy! Cháu bế nó lên như đứa trước và đặt nó lên giường, bên cạnh nhau…hai đứa…. Được không?, nói đi! Hai đứa bé! Mỗi tháng cháu chỉ kiếm được hai mươi quan! Nói đi, được không?...Một đứa thì còn có thể được, phải, nếu nhịn hết mọi thứ…nhưng hai đứa thì không thể! Đầu óc cháu quay cuồng, cháu biết tính sao đây? Cháu có thể chọn lựa không? Nói đi!
Cháu biết làm gì đây? Cháu thấy ngày tàn của cháu đã tới! Cháu để chiếc gối lên trên người chúng mà không biết tại sao. Cháu không thể giữ lại cả hai đứa…Và…cháu nằm lên trên…Rồi cháu vừa lăn qua lăn lại vừa khóc cho đến khi nhìn qua cửa sổ cháu thấy trời sáng. Chúng đã chết ở dưới gối, chắc chắn như vậy.
Thế rồi cháu ôm chúng xuống cầu thang, đi ra vườn rau , lấy cái xẻng của bác làm vườn để chôn chúng, sâu đến mức không thể đào sâu hơn được nữa, một đứa chỗ nầy, một đứa chỗ kia , chứ không chôn chung, để cho chúng không thể nói với nhau về mẹ chúng, nếu như chúng – những đứa bé đã chết – có thể nói được. Điều đó làm sao cháu biết được?
Rồi về nằm trên giường, cháu đau đến nỗi không thể dậy được. Họ mời bác sĩ đến và bác sĩ hiểu hết mọi chuyện… Đó là tất cả sự thật, thưa ông chánh án. Giờ quí ông muốn xử sao tùy ý. Cháu đã sẵn sàng.
Phân nửa quí vị bồi thẩm hỉ mũi liên tục để khỏi khóc. Các bà trong phòng xử đều thổn thức.
Ông chánh án hỏi:                                                                                                    
-          Cô chôn đứa kia ở đâu?
Cô gái hỏi lại:
-          Quí vị đã tìm thấy đứa nào?
-          Thì… đứa …đứa chôn dưới bụi ác-ti-sô.
-          À, thưa…đứa kia chôn dưới mấy cây dâu tây, bên bờ giếng.
Và cô bật khóc nức nở, lớn đến nỗi tiếng rên của cô đã xé cả lòng người.

Cô Rosalie Prudent được tha bổng.

-------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chú thích : (1) Mantes: quận lỵ của một trong 4 quân của tỉnh Yvelines
(2) Poissy: tổng-lỵ của một trong 39 tổng của tỉnh Yvelines.  Yvelines (gồm 4 quận, 39 tổng) là một trong 8 tỉnh của vùng Ile- de- France . Thủ phủ của vùng Ile- de- France là Paris  

Thân Trọng Thủy dịch
 từ nguyên bản tiếng Pháp “Rosalie Prudent” của Guy de Maupassant.
(Truyện nầy được đăng lần đầu tiên trên nhật báo Gil Blas , tháng 3 năm 1886)

NGƯỜI MÙ




      

Giới thiệu truyện ngắn “Người mù” của:
Guy de Maupassant
(1850 – 1893)

           Guy de Maupassant (tên đầy đủ là Henri René Albert Guy de Maupassant) là nhà văn Pháp,  tác giả những tiểu thuyết và truyện ngắn có khuynh hướng  hiện thực và tự nhiên ( nhưng cũng có một số truyện có nội dung hư ảo). Ông sinh tại Fe1camp, một thị trấn của vùng hành chánh Haute- Normandie. Thời thơ ấu ông được gần gũi dân quê, tiếp cận với thổ ngữ và những sinh hoạt bình thường ở vùng Normandie nên đã tích lũy được nguồn cảm hứng dồi dào cho các truyện ngắn của ông. Ông được xem là một trong những tác giả viết truyện ngắn hiện đại lỗi lạc nhất.
       Tác phẩm của ông gồm 6 cuốn tiểu thuyết, 3 tập ký sự du lịch, một tuyển tâp thơ và trên dưới 300 truyện kể và truyện ngắn.
       Chịu ảnh hưởng của Flaubert, người thầy và cũng là cha đỡ đầu của ông, nên văn phong của ông luôn thể hiện thái độ khách quan hiện thực, nhận xét tinh tế, miêu tả chi tiết tỉ mỉ, sâu sắc.
      Ông chết bệnh năm 1893 tại một dưỡng trí viện tư nổi tiếng ở Paris, hưởng dương 43 tuổi
   
  Truyện ngắn L’Aveugle đã được đăng tải lần đầu ngày 31 tháng 3 năm 1882 trên tờ  Le Gaulois, nhật báo văn học và chính trị mà Maupassant là cộng tác viên.

NGƯỜI  MÙ
       Ánh nắng đầu tiên trong ngày đem lại niềm vui nào cho ta vậy? Tại sao ánh nắng ấy khi chiếu xuống mặt đất lại làm cho ta tràn trề  vui sống như thế? Bầu trời rất xanh, đồng quê rất xanh, nhà cửa thì toàn màu trắng; và mắt ta hân hoan đón nhận những sắc màu ấy để làm cho tâm hồn ta được tươi tắn. Và ta cảm thấy muốn nhảy múa, muốn chạy, muốn hát; cảm thấy một ý tưởng thật nhẹ nhàng và hạnh phúc đang đến với ta, một thứ cảm giác êm dịu đang lan tỏa...Ta như muốn ôm lấy mặt trời.
      Giữa sự tươi vui mới lạ ấy, những người mù ngồi trước ngưỡng cửa như mọi khi vẫn giữ vẻ yên lặng, bình thản trong bóng tối vĩnh viễn của họ, và, không hiểu chuyện gì đang xảy ra, họ níu giữ mấy con chó lại vì có vẻ như chúng muốn nhảy nhót.
      Đến cuối ngày đứa em trai hoặc cô em gái sẽ dắt họ về nhà, nếu đứa em nói:” Hôm nay trời đẹp ghê” thì người kia sẽ đáp:” Anh đã biết rõ là hôm nay trời đẹp, bởi vì con Loulou đã không chịu ở yên một chỗ”.
      Tôi biết một người trong bọn họ. Cuộc đời anh ấy là một trong những kiếp sống đọa đầy, khổ ải nhất mà ta có thể tưởng tượng được.
      Anh ấy là một nông dân, con một chủ trang trại người Normandie(1). Lúc cha mẹ anh còn sống thì anh còn được chăm sóc đôi chút, anh không có gì đau khổ ngoài sự khuyết tật khủng khiếp của mình, nhưng ngay sau khi cha mẹ qua đời thì cuộc sống khốn khổ bắt đầu.
     Anh được một người chị thu nhận, nhưng tất cả mọi người trong trang trại đối xử với anh chẳng khác gì với một kẻ ăn xin, ăn nhờ phần cơm của người khác. Mỗi bữa ăn họ đều nói nặng nói nhẹ về phần ăn của anh. Họ gọi anh là đồ ăn không ngồi rồi, đồ cục cằn thô lỗ, và mặc dầu người anh rể đã chiếm đoạt phần gia tài thừa kế của anh, người ta chỉ nuôi ăn anh một cách miễn cưỡng, vừa đủ để cho anh khỏi chết đói mà thôi.
      Mặt anh xanh xao nhợt nhạt, đôi mắt to và trắng như bột mì làm hồ dán. Bị chửi rủa, anh vẫn  thản nhiên, đến nỗi người ta không biết anh có cảm thấy mình bị sỉ nhục hay không nữa.Ngoài ra anh chưa hề biết đến một sự dịu dàng nào cả. Mẹ anh không thương anh, thường bạc đãi anh. Bởi vì ở ngoài đồng những người không hữu dụng đều là những kẻ có hại, và nhà nông họ sẵn sàng làm y như những con gà mẹ loại bỏ những chú gà khuyết tật trong đàn.
      Ngay sau khi ăn xong anh ấy ra ngồi trước cửa nếu là mùa hè, còn mùa đông thì lại ngồi cạnh lò sưởi, và không nhúc nhích động đậy  cho đến tối. Không một cử chỉ, không một động tác; duy chỉ có đôi mi do thần kinh bị tổn thương, căng thẳng nên thỉnh thoảng sụp xuống đôi mắt trắng dã . Anh ấy có trí óc không? Có suy nghĩ không? Có ý thức  rõ về cuộc sống của mình không? Chẳng ai bận tâm về điều đó cả.

      Mọi chuyện cứ diễn ra như thế trong vài năm. Nhưng sự thiếu khả năng làm việc cũng như sự  thản nhiên cam chịu của anh khiến những người bà con của anh bực tức. Thế là anh trở thành  kẻ bị bắt nạt, thành cái đích cho mọi người trêu chọc, thành nạn nhân của tính ác độc bẩm sinh, của những trò đùa dã man cho loại người thô lỗ chung quanh anh.
      Họ nghĩ ra toàn những trò đùa độc địa mà sự mù lòa của anh có thể gợi ý cho họ. Và để anh trả giá những gì anh đã ăn của họ, họ đã biến những bữa ăn của anh thành những giờ phút vui đùa cho những người chung quanh nhưng là những giờ phút khổ ải đối với người khuyết tật .
      Nông dân những nhà lân cận đã đến tham gia trò giải trí nầy; từ nhà nầy qua nhà khác người ta truyền miệng cho nhau, và bếp của trang trại ngày nào cũng chật người. Một lần họ đem một con mèo hay một con chó nào đó để trước dĩa xúp của anh trên bàn khi anh sắp ăn.Nhờ bản năng, con vật đánh hơi được sự khiếm khuyết của anh nên nhẹ nhàng tiến đến liếm hết dĩa xúp một cách nhanh gọn, và khi lưỡi nó khua nước xúp phát ra một tiếng động nhỏ gây sự chú ý của gã nghèo khổ đáng thương thì nó khéo léo dạt ra để tránh cái thìa mà gã đập hú họa xuống phía trước .
       Thế là phát ra tiếng cười, tiếng xô đẩy, tiếng dậm chân của đám khán giả chen chúc dọc theo những bức tường. Và anh ấy thì, chẳng nói chẳng rằng, tiếp tục ăn bằng bàn tay phải, còn bàn tay trái thì đưa ra phía trước để che chắn và bảo vệ cái dĩa.
       Một lần khác họ cho anh ấy nhai nút chai, mảnh gỗ, lá cây hoặc cả rác rến mà anh không hề biết.
      Rồi sau đó họ cũng chán cả những trò đùa nầy; và do tức giận vì cứ phải nuôi anh ấy mãi nên người anh rể đã đánh anh, vừa liên tục tát vào mặt anh, vừa cười nhạo những cố gắng vô ích của anh để chống đỡ hoặc đáp trả. Thế là có thêm trò chơi mới: trò chơi tát tai. Những người cày thuê, đám vô công rồi nghề, bọn tớ gái liên tục vả vào mặt anh khiến mi mắt anh chớp lia lịa. Anh không biết trốn vào đâu, chỉ biết không ngừng đưa hai tay ra để ngăn chận những ai lại gần.
       Cuối cùng người ta ép buộc anh ấy đi ăn xin. Những ngày có phiên chợ họ dẫn anh ấy ra đường và mỗi khi nghe tiếng chân bước gần hoặc tiếng xe chạy qua là anh chìa nón ra, ấp úng:”Xin làm ơn bố thí...”
      Nhưng người nông dân thì không hoang phí và suốt nhiều tuần lễ anh chẳng kiếm được xu nào để đem về.
       Thế là anh bị căm ghét đến tột độ, không  chút thương hại .Và đây là cách anh chết.
       Vào một mùa đông, tuyết phủ kín mặt đất. Trời giá rét khủng khiếp. Vậy mà một buổỉ sáng người anh rể dẫn anh đi ăn xin ở một nơi rất xa trên con đường cái, rồi bỏ mặc anh ở đó một mình suốt ngày. Khi đêm đến ông ta báo cho mọi người biết là không tìm thấy người ăn xin đâu cả. Rồi ông nói thêm :”Chậc! Không cần lo! Chắc có ai dắt nó đi vì thấy nó lạnh . Nó không lạc đường đâu. Mai nó sẽ về ăn thôi.
        Ngày hôm sau anh ấy không về.
        Sau nhiều giờ chờ đợi, quá lạnh và cảm thấy mình sắp chết, anh mù bắt đầu bước đi. Không dò được đường vì đường đã bị tuyết phủ, anh mò mẫm đi bừa, phó mặc cho may rủi. Anh bị  ngã xuống mương, rồi đứng lên, không nói tiếng nào, tiếp tục đi nữa, mong tìm được một cái nhà.
      Nhưng cơ thể anh càng lúc càng bị tê cóng vì tuyết, đôi chân khẳng khiu yếu ớt không còn sức để đưa anh đi tiếp được . Anh ngồi xuống giữa một cánh đồng. Anh không đứng dậy được nữa.
      Những nụ tuyết trắng vẫn không ngừng rơi xuống, phủ lấy người anh. Thân thể tê cứng của anh biến mất dưới lớp tuyết mỗi lúc một dày thêm, và chẳng còn gì nữa để đánh dấu nơi cái thây người mù nằm.
      Mấy người bà con của anh làm ra vẻ hỏi thăm tin tức và kiếm tìm anh trong tám ngày.Thậm chí họ còn khóc nữa.
      Mùa đông thật khắc nghiệt và tuyết chẳng tan nhanh. Thế rồi một ngày chủ nhật khi đi lễ nhà thờ, mấy nông dân chú ý đến một bầy quạ rất đông cứ lượn đi lượn về bên trên cánh đồng rồi  sà xuống như một cơn mưa màu đen đổ sụp xuống một chỗ, chúng cứ bay lên rồi lại sà xuống mãi.
       Tuần lễ kế tiếp bầy quạ đen vẫn còn đó. Bầy quạ như một đám mây đen che phủ cả bầu trời, như thể chúng từ khắp chân trời tụ lại.Chúng vừa kêu inh ỏi vừa đáp xuống mặt tuyết sáng loáng, chúng vấy bẩn chỗ đó một cách khác thường, rồi chúng bới, chúng rỉa mãi.
       Một chàng trai trẻ đến gấn để xem bọn quạ làm gì và phát hiện thi thể người mù, đã bị xé tơi tả một nửa. Cặp mắt nhợt nhạt đã mất vì bị những cái mỏ dài háu ăn mổ,rỉa.
      Và tôi chẳng bao giờ còn có thể cảm thấy sự tươi vui rực rỡ của những ngày nắng mà không khỏi nhớ đến một kỷ niệm buốn và một ý nghĩ sầu muộn về một kẻ nghèo khổ, bị cuộc đời ruồng bỏ, đến nỗi cái chết khủng khiếp của người ấy lại là một sự thanh thản cho tất cả những ai quen biết anh ta.


(1) Normandie(=đất của người phương bắc) : Một tỉnh cũ ở Tây Bắc nước Pháp. Bây giờ là một vùng địa lý văn hóa gồm 3 đơn vị hành chánh là :Haute-Normandie,  Basse-Normandie và Duché de Normandie (đất của công tước Normandie).

THÂN TRỌNG THỦY
dịch từ nguyên bản tiếng Pháp “L’aveugle” 
của  Guy de Maupassant